KINH: Bấy giờ Xá lợi phất hỏi Tu bồ đề: Nếu Bồ tát ở trong mộng mà vào ba tam muội Không, Vô tướng, Vô tác thời có thể có ích đối với Bát nhã ba la mật chăng?
Tu bồ đáp; nếu Bồ tát ban ngày vào ba tam muội có ích đối với Bát nhã ba la mật, nên ban đêm ỏ trong mộng cũng sẽ có ích, vì sao? Vì ban ngày, ban đêm ở trong mộng không có khác nhau. nếu Bồ tát ban ngày tu Bát nhã ba la mật có ích, Bồ tát ấy ở trong mộng tu Bát nhã ba la mật cũng nên có ích.
Xá lợi phất hỏi: Bồ tát nếu ở trong mộng tạo nghiệp, nghiệp ấy có tích tụ thành không? Như Phật dạy: hết thảy pháp như mộng nên không tích tụ thành. Vì sao? Vì trong mộng không có pháp tích tụ thành, nếu khi thức nhớ tưởng phân biệt lại, nên tích tụ thành.
Tu bồ đề hỏi: Nếu người ở trong mộng sát sinh, khi thức rồi nhớ nghĩ, phân biệt, thủ lấy tướng sát sinh, ta giết như vậy khoái ư? Việc ấy thế nào?
Xá lợi phất đáp: Không có nhân duyên thời nghiệp không sinh, không có nhân duyên thời tư duy không sinh; có nhân duyên thời nghiệp sinh, có nhân duyên thời tư duy sinh.
Tu bồ đề nói: Như vậy, như vậy! Không có nhân duyên nghiệp không sinh, không có nhân duyên tư duy không sinh; có nhân duyên nghiệp sinh, có nhân duyên tư duy sinh. Đối với pháp thấy, nghe, hay, biết có tâm sinh, chẳng từ trong pháp không thấy, không nghe, hay biết tâm sinh; tâm ấy có sạch có nhơ. Vì thế nên có nhân duyên nghiệp sinh, chẳng từ không có nhân duyên nghiệp sinh; có nhân duyên tư duy sinh, chẳng từ không có nhân duyên tư duy sinh.
Xá lợi phất hỏi: Như Phật dạy hết thảy các nghiệp, các tư duy xa lìa tự tướng, làm sao nói có nhân duyên nên nghiệp sinh, không có nhân duyên nghiệp không sinh; có nhân duyên nên tư duy sinh, không có nhân duyên tư duy không sinh?
Tu bồ đề đáp: Vì chấp thủ tướng nên có nhân duyên nghiệp sinh, chẳng từ không có nhân duyên nghiệp sinh. Vì chấp thủ tướng nên có nhân duyên tư duy sinh, chẳng từ không có nhân duyên tư duy sinh.
Xá lợi phất hỏi: Nếu Bồ tát ở trong mộng bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, tu trí tuệ; đem phước đức thiện căn ấy hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là thật hồi hướng chăng?
Tu bồ đề đáp: Bồ tát Di lặc đang ở trước mặt được Phật thọ ký chẳng thối chuyển sẽ làm Phật, nên hỏi Di lặc, Di lặc sẽ đáp.
Xá lợi phất hỏi Bồ tát Di lặc rằng: Tu bồ đề nói Bồ tát Di lặc hiện ở trước mặt được Phật thọ ký chẳng thối chuyển sẽ làm Phật, Di lặc sẽ đáp.
Di lặc Bồ tát nói với Xá lợi phất: Sẽ lấy danh Di lặc đáp chăng? hoặc lấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức đáp chăng? hoặc lấy sắc không đáp chăng? hoặc lấy thọ, tưởng, hành, thức không đáp chăng? Sắc không thể đáp; thọ, tưởng, hành thức không thể đáp. Sắc không không thể đáp; thọ, tưởng, hành, thức không không thể đáp. Ta không thấy pháp ấy có thể đáp, không thấy người hay đáp; ta không thấy người được thọ ký, cũng không thấy pháp có thể thọ ký, cũng không thấy nơi thọ ký, hết thảy pháp ấy đều không hai, không khác.
Xá lợi phất nói với Di lặc Bồ tát: Như lời nhân giả nói, như thế là được pháp tác chứng chăng?
Di lặc đáp: Như lời tôi vừa nói, như thế chẳng chứng.
Bấy giờ Xá lợi phất suy nghĩ: Bồ tát Di lặc trí tuệ rất sâu; lâu ngày tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, tu trí tuệ, vì theo nghĩa vô sở đắc nên có thể nói như vậy.
Bấy giờ Phật bảo Xá lợi phất: Ý ông nghĩ sao? Ông dùng pháp ấy được A la hán, có thấy pháp ấy chăng? – Xá lợi phất thưa: Không thấy.
Này Xá lợi phất! Bồ tát tu Bát nhã ba la mật cũng như vậy, không nghĩ rằng tu pháp ấy sẽ được thọ ký; tu pháp ấy sẽ được pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy, Xá lợi phất! Bồ tát tu Bát nhã ba la mật không nghi ta hoặc được hoặc chẳng được, mà tự biết thực được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
LUẬN: Hỏi: Xá lợi phất vì cớ gì đem việc trong mộng gạn hỏi Bồ tát về tam muội?
Đáp: Vì việc trong mộng hư dối như cuồng như điên, chẳng phải thất thật, còn ba tam muội là pháp thật. Lại, các chỗ khác nói ở trong mộng cũng có ba thứ: thiện, bất thiện và vô ký. Nếu Bồ tát lấy thiện tâm tu ba tam muội thời được phước đức. Nhưng mộng là việc cuồng si không thể ở trong đó tu thật pháp được quả báo; nếu có thật pháp thời không gọi là mộng. Vì thế nên hỏi: Nếu Bồ tát ở trong mộng tu ba tam muội có tăng trưởng Bát nhã ba la mật và phước đức, nhóm các thiện căn gần Phật đạo chăng?
Ý Tu bồ đề là, nếu nói tăng trưởng thời mộng là hư dối, còn Bát nhã là thật pháp, làm sao tăng trưởng được? Nếu nói không có tăng trưởng thời trong mộng có thiện, làm sao không tăng trưởng? Không được đáp rằng, có tăng trưởng, không tăng trưởng? Thế nên Tu bồ đề xa lìa câu nạn vấn về hai bên ấy, nên đem thực tướng các pháp để đáp: Còn phá hành nghiệp tạo trong ban ngày huống gì tạo trong mộng rằng: Bồ tát nếu trong ban ngày tu Bát nhã ba la mật có ích, thời trong ban đêm tu cũng có ích. Nhưng vì trong ban ngày tu còn không có ích, huống gì tu trong mộng! Vì sao? Vì trong Bát nhã ba la mật không phân biệt có tướng ngày đêm.
Xá lợi phất nghe Tu bồ đề nói đã biết Bát nhã không thêm, không bớt, không còn gạn hỏi gì nữa. Nay lại nhân việc khác hỏi việc trong mộng: Này Tu bồ đề, nếu trong mộng tạo nghiệp, nghiệp ấy có tích tụ thành, nghiệp ấy thật có tích tụ thời nghiệp ấy có thành quả báo chăng? Nghiệp ấy nếu có thật, thời Phật thường nói hết thảy pháp không, như mộng, không thể tích tụ thành được, vì sao? Vì tâm mộng, vi tế, yếu ớt, không thể tích tụ thành nghiệp. Trong ban ngày tâm vi tế, yếu ớt còn không thể tích tụ thành, huống gì trong mộng! Nếu khi thức phân biệt trong mộng đã sinh tâm thiện, bất thiện là đã có thể tích tụ thành.
Tu bồ đề hỏi: Như người trong mộng giết người, khi thức dậy phân biệt rằng ta giết, thế là khoái chăng? Nghiệp ấy thế nào, có tích tụ thành chăng?
Xá lợi phất đáp: Hết thảy nghiệp trong ngày hoặc đêm đều từ nhân duyên sinh, không có nhân duyên thời không sinh.
Tu bồ đề chấp nhận lời ấy: Như vậy, nghiệp có nhân duyên thời sinh, không có nhân duyên thời không sinh, tu duy có nhân duyên thời sinh, không có nhân duyên thời không sinh. Nghiệp là thân nghiệp, khẩu nghiệp; Tư duy chỉ là ý nghiệp. Tư là nghiệp thật, còn thân, khẩu nghiệp vì do Tư nên gọi là nghiệp. Ba nghiệp ấy nhân nơi bốn thứ là, hoặc thấy hoặc nghe, hoặc hiểu hoặc biết, nhân bốn thứ ấy tâm sinh, tâm ấy theo nhân duyên sinh hoặc tịnh hoặc bất tịnh; tội nghiệp là bất tịnh, phước duyên là tịnh. Thế nên, nếu ở trong mộng thấy gì đều nhân việc thấy, nghe, hay, biết trước đó. Trong mộng tạo thiện, ác, vì sự ngủ nghỉ che tâm, không được tự tại, không có thế lực nên không thể tích tụ thành quả báo. Nếu nghiệp ấy khi thức dậy đem tâm thiện ác hòa hợp nên có thể giúp thành quả báo. Ý Tu bồ đề là, trong mộng tạo nghiệp thật có tích tụ thành, vì sao? Vì có nhân duyên nên mới sanh khởi, nên tâm trong ban ngày với tâm trong mộng không khác nhau, vì cớ sao? Vì đều nhân nơi bốn thứ thấy nghe hay biết làm sinh khởi.
Xá lợi phất lấy Không tánh để gạn Tu bồ đề: Như Phật nói hết thảy các nghiệp xa lìa tự tướng, ông làm sao nói chắc các nghiệp nhân duyên sinh, không có nhân duyên không sinh?
Tu bồ đề đáp: Các pháp tuy “không”, xa lìa tự tướng, nhưng phàm phu chấp thủ tướng, có nhân duyên nên nghiệp sinh; nếu không chấp thủ tướng, không có nhân duyên thời nghiệp không sinh. Thế nên biết, hết thảy nghiệp đều từ nhân duyên chấp thủ tướng nên có, trong ban ngày và trong mộng không khác nhau.
Xá lợi phất lại hỏi: Nếu Bồ tát ở trong mộng tu sáu Ba la mật rồi hồi hướng Vô thượng đạo là thật hồi hướng chăng? Nếu trong mộng và trong ban ngày không khác nhau, thời ở trong mộng hồi hướng sẽ phải là thật? Lại, nếu trong ban ngày có tâm chấp trước thủ tướng, thời không gọi là hồi hướng, huống gì khi ngủ nghỉ che tâm? Tu bồ đề cho hai vấn nạn ấy sau xa, khó đáp, nên nói với Xá lợi phất nên hỏi Di lặc.
Hỏi: Cớ gì chỉ nói Không mà chẳng đáp?
Đáp: Hai đệ tử ấy vì lợi ích cho Bồ tát, nên phân biệt thức với mộng, hoặc đồng, hoặc khác. Vì Phật thường nói hết thảy pháp như mộng, vậy nếu trong ban ngày hành đạo thời trong mộng cũng có thể hành đạo. Di lặc thấy hai người đều có chỗ chấp, không thể thông suốt nên Di lặc không đáp.
Lại có người nói Di lặc lấy Không để đáp. Xá lợi phất hỏi Di lặc: Như “Không” được nói. lấy đó làm chứng đắc chăng? Ý Xá lợi phất là nếu lấy “không” làm chứng đắc tức muốn sinh nạn vấn, sao làm chứng đắc được? Nếu không chứng đắc, như vậy tự ông chẳng được, chẳng biết làm sao nói được. Ý Di lặc là : Ông lấy Niết bàn làm chứng đắc, ta cho Niết bàn cũng không, vì vô sở đắc nên chẳng chứng đắc.
Có người nói: Vì Di lặc chưa đầy đủ Phật pháp nên nói không làm chứng đắc. Pháp của Bồ tát là nên biết không, vô tướng, vô tác, chẳng nên chứng đắc.
Bấy giờ Xá lợi phất nghĩ rằng: Bồ tát Di lặc có trí rất sâu, nói được như vậy, biết được tướng Niết bàn mà không thủ chứng, ấy gọi là rất sâu. Trong đây Xá lợi phất tự nói nhân duyên: Vì Di lặc lâu ngày tu sáu Ba la mật nên có trí rất sâu. Ý Xá lợi phất là, Di lặc kế tiếp sẽ làm Phật, nên có thể đáp mà không đáp. Vì vậy Phật trở lại hỏi Xá lợi phất: Ý ông nghĩ sao? Ông thấy dùng pháp ấy được A la hán chăng? Xá lợi phất thưa: Không thấy, vì sao? Vì pháp ấy không, vô tướng, vô tác thời làm sao thấy được? Nếu thấy được tức là có tướng, mắt thịt, mắt trời phân biệt thủ tướng nên không thể thấy; mắt tuệ không có phân biệt thủ tướng nên cũng chẳng thấy, vì vậy đáp chẳng thấy.
Phật dạy: Bồ tát cũng như vậy, khi được vô sanh nhẫn, không nói rằng ta nhờ thấy pháp ấy mà được thọ ký sẽ được Vô thượng đạo. Tuy không khởi lên cái thấy ấy cũng chẳng sinh nghi: Ta chẳng được Vô thượng đạo. Như ông tuy chẳng thấy pháp cũng chẳng nghi ta thành A la hán hay chẳng thành A la hán.
KINH: Phật bảo Tu bồ đề: Có Bồ tát khi tu Thí ba la mật, gặp người đói rét, lạnh lẽo, áo chăn rách rưới, Bồ tát nên nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu bố thí cũng như khi ta được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác khiến chúng sinh ở cõi nước ta không có những việc như vậy; trái lại áo chăn, ăn uống, dụng cụ nuôi sống sẽ như cõi trời Tứ thiên vương, trời Ba mươi ba, trời Dạ ma, trời Đâu suất đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ Thí ba la mật, có thể đến gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Khi tu Giới ba la mật, thấy chúng sanh sát sinh cho đến tà kiến, nhiều bệnh, chết yểu, nhan sắc chẳng đẹp, không có uy đức, nghèo thiếu tài vật, sinh vào nhà hạ tiện, hình thù què quặt, xấu xí; Bồ tát nên nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu Giới ba la mật cũng như khi ta được thành Phật, khiến chúng sinh ở cõi nước ta không có các việc như vậy. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ Giới ba la mật, đến gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
* Lại nữa, Tu bồ đề, Bồ tát khi tu Nhẫn ba mật, thấy chúng sanh giận dữ, mắng nhiếc lẫn nhau, dùng dao, gậy, ngói, đá tàn hại, cướp đoạt mạng sống của nhau, Bồ tát nên nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu Nhẫn ba la mật cũng như khi ta được thành Phật, khiến chúng sinh ở cõi nước ta không có các việc như vậy, trái lại xem nhau như cha mẹ, như anh em, như chị em, như thiện tri thức, đều hành từ bi. này Tu bồ đề, tu như vậy có thể đầy đủ Nhẫn ba la mật, gần đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu Tấn ba la mật, thấy chúng sinh biếng nhác, không siêng tinh tấn, xa bỏ ba thừa Thanh văn, Bích chi Phật, Phật thừa; Bồ tát nên nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu Tấn ba la mật cũng như khi ta được thành Phật, khiến chúng sinh ở cõi nước ta không có các việc như vậy, trái lại hết thảy chúng sinh đều siêng tu tinh tấn, đối với ba thừa đều được độ thoát. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ Tấn ba la mật, đến gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu Thiền ba la mật, thấy chúng sinh bị năm triền cái che lấp, đó là tham dục, sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi làm mất sơ thiền cho tới đệ tứ thiền; mất từ, bi, hỷ, xả; mất hư không xứ, thức xứ, vô sở hữu xứ, phi phi tưởng xứ; Bồ tát nên nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu Thiền ba la mật cũng như khi ta được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, khiến chúng sinh ở cõi nước ta không có các việc như vậy. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ Thiền ba la mật, đến gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu Bát nhã ba la mật, thấy chúng sinh ngu si, mất chánh kiến thuộc thế gian và xuất thế gian, hoặc nói không có nghiệp, không có nhân duyên của nghiệp, hoặc nói ngã là thường, hoặc nói ngã là đoạn diệt; hoặc nói không có gì; Bồ tát nên nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu Bát nhã ba la mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, cũng như khi ta được thành phật, khiến chúng sinh ở cõi nước ta không có các việc như vậy. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ Bát nhã ba la mật, đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh ở vào ba nhóm: một là nhóm chánh định; hai là nhóm tà định; ba là nhóm bất định, Bồ tát nên nguyện rằng: tùy theo thời gian ta tu sáu Ba la mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, cũng như khi ta được thành Phật, khiến chúng sinh ở cõi nước ta không có nhóm tà định cho đến không có tên ấy. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể dây đủ sáu Ba la mật, cho đến gần trí nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh ở trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba la mật làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, cũng như khi ta thành Phật, khiến trong cõi nước ta cho đến không có cái tên ba đường ác. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba la mật, đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy cõi nước thuần là đất không có vàng bạc, châu báu, Bồ tát nên nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba la mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến trong cõi nước ta lấy cát vàng rải đất. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba la mật, đến gần trí Nhất thiết chủng.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh có điều luyến đắm, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba la mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, cũng như khi ta thành Phật, khiến chúng sinh trong cõi nước ta không có điều luyến đắm. Này Tu bồ đề, Bồ tát khi tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba la mật, đến gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy các hạng chúng sinh Sát đế lợi, Bà la môn, Tỳ xá, Thủ đà la, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba la mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến chúng sinh ở trong cõi nước ta không có tên gọi về bốn giai cấp đó. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy, có thể đầy đủ sáu Ba la mật, đến gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh có kém, vừa, hơn; sinh vào nhà kém, vừa, hơn, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba la mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến chúng sinh trong cõi nước ta không có điều hơn kém như vậy. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba la mật, đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh sắc tướng mỗi mỗi sai biệt, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba la mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến chúng sinh trong cõi nước ta không có sắc tướng mỗi mỗi sai biệt, trái lại hết thảy chúng sinh đều đoan chính, tinh khiết, thành tựu sắc đẹp. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba la mật, đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật thấy chúng sinh có sáu đường sai biệt, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba la mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến chúng sinh trong cõi nước ta không có tên gọi sáu đường là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, thần, trời, người, trái lại hết thảy chúng sinh đều đồng một nghiệp, tu bốn niệm xứ cho đến tám phần Thánh đạo. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba la mật, chóng đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh có bốn loại sinh: noãn sinh, thai sinh, thấp sinh và hóa sinh, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba la mật làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sanh; cũng như khi ta thành Phật, khiến chúng sinh trong cõi nước ta không có ba loại sinh, trái lại đều bình đẳng một loại hóa sinh. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba la mật, đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh không có năm thần thông, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba la mật làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến chúng sinh trong cõi nước ta, hết thảy đều được năm thần thông cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh có hoạn nạn về đại tiện, tiểu tiện, nên phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật khiến chúng sinh trong cõi nước ta đều lấy việc vui pháp làm thức ăn, không có hoạn nạn về đại tiện, tiểu tiện, cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh không có ánh sáng, nên phát nguyện: Khi ta thành Phật khiến chúng sinh trong cõi nước ta đều có ánh sáng, cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy có sự tính đếm ngày, tháng, năm, thời tiết, nên phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật khiến trong cõi nước ta không có tên gọi về ngày, tháng, năm cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh thọ mạng ngắn ngủi, nên phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật khiến chúng sinh trong cõi nước ta kiếp số, thọ mạng vô lượng, cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh không có tướng tốt, nên phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật khiến chúng sinh trong cõi nước ta đều thành tựu 32 tướng cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh xa lìa các thiện căn, nên phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật khiến chúng sinh trong cõi nước ta thành tựu các thiện căn, dùng phước đức ấy có thể cúng dường chư Phật cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh có ba độc, bốn bệnh, nên phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật khiến chúng sinh trong cõi nước ta không có bốn bệnh: rét, sốt, bệnh gió, ba loại tạp bệnh và ba bệnh độc, cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh theo tam thừa, nên phát nguyện rằng: Kiu ta thành Phật khiến chúng sinh trong cõi nước ta không có tên gọi Nhị thừa, chỉ toàn Đại thừa cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh có tăng thượng mạn, nên phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật khiến chúng inh trong cõi nước ta không có tên gọi tăng thượng mạn, cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật cần phải phát nguyện: Nếu ta có ánh sáng, sống lâu có hạn lượng, tăng chúng có giới hạn, thời sẽ phát nguyện rằng: Ta tu sáu Ba la mật làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến ta có ánh sáng, sống lâu không hạn lượng, tăng chúng không giới hạn, cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, nên phát nguyện rằng: Nếu cõi nước ta có hạn lượng thời sẽ phát nguyện: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba la mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến cõi nước ta như Hằng hà sa cõi Phật. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba la mật, đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, nên nghĩ rằng: Tuy trong đường dài sinh tử, chúng sinh có nhiều căn tính, bấy giờ ta nên nhớ nghĩ chơn chính như vầy: Biên giới sinh tử như hư không; biên giới căn tính của chúng sinh cũng như hư không, trong đó thật tế không có sinh tử qua lại, cũng không có người giải thoát. Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba la mật, đến gần trí Nhất thiết chủng.
LUẬN: Hỏi: Vì thứ lớp gì mà nói Bồ tát thấy chúng sinh đói khát lạnh lẽo . . . ?
Đáp: Bồ tát vượt quá Thanh văn, Bích chi Phật, được thọ ký vô sinh pháp nhẫn, không còn có việc gì khác, chỉ có một việc là làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh. Nay nói nhân duyên nghiêm tịnh cõi Phật là khi thấy tướng cõi nước bất tịnh, thời nguyện cõi nước ta không có các việc như vậy, nên thứ lớp nói việc ấy. Bồ tát khi tu Thí Ba la mật, nếu thấy chúng sinh đói khát, áo chăn rách rưới liền nghĩ rằng: Ta chưa thành tựu phước đức và trí tuệ nên không thể cấp đủ sự cần dùng cho chúng sinh; nếu ta chỉ tu tâm từ bi thời đối với chúng sinh không có lợi ích, lúc bấy giờ ta sẽ tu hành mạnh mẽ ba thứ phước đức, trụ trong ba thứ phước đức ấy có thể làm cho chúng sinh bần cùng được sung túc, đó là phước đức được làm Chuyển luân Thánh vương, hoặc làm Thiên vương, hoặc làm Thánh nhân có thần thông, thời có thể dẫn dắt chúng sinh, phá lòng xan tham của họ, khiến tu bố thí, nên sau khi thành Phật, trong cõi nước không có kẻ nghèo cùng, trái lại tâm muốn gì đều có được, như các vật có được của cõi trời thứ sáu ở cõi Dục. Như vậy, Bồ tát lúc bấy giờ chứa nhóm công đức bố thí, nên quả báo được sung mãn hết thảy, vì cớ sao? Vì hết thảy pháp hữu vi đều thuộc nhân duyên sinh; nhân duyên tu thiện đầy đủ nên có thể tùy ý được quả báo.
* Lại nữa, chúng sinh vì nhân duyên phá việc trì giới nên thọ mạng ngắn, nhiều bệnh, không có uy đức. Bồ tát nguyện rằng: Ta tự đầy đủ trì giới, cũng dạy chúng sinh trì giới. Các nguyện nhỏ nhặt khác cũng như vậy cứ theo nghĩa phân biệt. Nghĩa của lời nguyện tối hậu chẳng rõ ràng nên nay lược nói: Bồ tát khởi nguyện như trên, sinh tâm mỏi mệt nhàm chán nghĩ rằng: Theo Phật đạo phải tu hành công đức trải vô lượng, vô biên, vô số kiếp rồi sau này mới được. Nhưng số năm của một kiếp không thể đếm được, nên Phật dùng thí dụ chỉ dạy, huống gì vô lượng vô biên vô số kiếp sống chết, chịu các khổ não. Chúng sinh cũng vô lượng vô biên, không thể dùng thí dụ, toán số biết được; chỉ chúng sinh số như vi trần trong ba ngàn đại thiên thế giới còn khó độ, huống gì là chúng sinh số như vi trần trong mười phương vô lượng thế giới mà có thể độ được. Vì việc ấy nên tâm sinh thối chuyển; ấy gọi là nhớ nghĩ tà. Thế nên Phật dạy: Bồ tát phải chánh ức niệm rằng, đường sinh tử tuy dài, nhưng việc ấy đều không, như hư không, như thấy trong mộng, chẳng phải thật dài, không nên sinh tâm nhàm chán. Lại, đời vị lai là cảnh sở duyên của một niệm, cũng chẳng phải dài.
* Lại nữa, Bồ tát có vô lượng lực phước đức và trí tuệ, nên có thể vượt qua vô lượng kiếp. Do các nhân duyên như vậy, không nên sinh tâm nhàm chán. Trong đây, Phật nói nhân duyên lớn, đó là sinh tử như hư không, chúng sinh cũng như hư không, chúng sinh tuy nhiều nhưng cũng không nhất định thật có chúng sinh, như chúng sinh vô biên, vô lượng, trí tuệ Phật cũng vô biên vô lượng nên Phật độ sinh cũng chẳng khó; thế nên Bồ tát không nên sinh tâm mệt mỏi, nhàm chán.
***
Trang trước | Mục lục | Trang sau |