Luận Đại Trí Độ

Giải thích Phẩm Ma Sầu thứ 62



(Kinh Đại Bát Nhã Phần 2 ghi: Phẩm Vấn Học Thứ 61)

KINH: Bấy giờ trời Đế Thích bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật không có các ức tưởng phân biệt, vì rốt ráo xa lìa tướng. Bạch đức Thế Tôn! Chúng sinh nghe Bát nhã ba la mật có thể thọ trì, đọc tụng, giảng nói, nhớ nghĩ đúng, thân cận, tu đúng như nói cho đến được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không xen lẫn các tâm, tâm sở khác; việc ấy không do công đức nhỏ đưa lại.

Phật dạy: Như vậy, như vậy! Nghe Bát nhã ba la mật thậm thâm cho đến không xen lẫn các tâm sở khác, việc ấy không do công đức nhỏ đưa lại.

Này Kiều thi ca! Ý ông nghĩ sao? Nếu chúng sinh ở cõi Diêm phù đề thành tựu mười thiện đạo, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc; lại có kẻ thiện nam, người thiện nữ thọ trì Bát nhã thậm thâm, đọc tụng, thân cận, nhớ nghĩ đúng, tu đúng như nói, thời hơn chúng sinh ở cõi Diêm phù đề thành tựu mười thiện đạo cho đến bốn định vô sắc gấp trăm, gấp ngàn, gấp vạn ức lần, cho đến toán số thí dụ cũng không thể sánh kịp.

Bấy giờ, có một Tỳ kheo nói với trời Đế thích rằng: Kẻ thiện nam, người thiện nữ ấy tu hành Bát nã ba la mật được công đức nhiều hơn nhơn giả. Trời Đế thích nói: Kẻ thiện nam, người thiện nữ ấy chỉ phát tâm còn hơn tôi, huống chi nghe Bát nhã ba la mật rồi viết chép, giữ gìn, đọc tụng, nhớ nghĩ đúng, tu đúng như nói! Kẻ thiện nam, người thiện nữ ấy tu Bát nhã ba la mật chẳng phải chỉ hơn tôi mà còn hơn hết thảy thế gian, trời, người, A tu la; chẳng phải chỉ hơn hết thảy trời, người, A tu la mà cũng hơn Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Bích chi Phật; chẳng phải chỉ hơn Tu đà hoàn cho đến Bích chi Phật mà cũng hơn vị Bồ tát tu năm Ba la mật nhưng xa lìa Bát nhã ba la mật; chẳng phải chỉ hơn vị Bồ tát tu năm Ba la mật nhưng xa lìa Bát nhã ba la mật mà cũng hơn vị Bồ tát tu Bát nhã ba la mật nhưng không có sức phương tiện. Bồ tát ấy đúng như kinh nói: Tu Bát nhã ba la mật không dứt giống Phật, thường được thấy chư Phật, chóng đến đạo tràng. Bồ tát tu như vậy vì muốn cứu vớt chúng sinh ra khỏi dòng chìm đắm. Bồ tát học như vậy là không học Thanh văn, Bích chi Phật. Bồ tát học như vậy trời Tứ thiên vương đi đến chỗ Bồ tát nói rằng: “Thiện nam tử hãy siêng học mau, khi ngồi đạo tràng thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác như chư Phật quá khứ được nhận bốn chiếc bát, ông cũng sẽ được, chúng tôi cũng sẽ đem đến dâng cúng”. Lại các trời khác, trời Tứ thiên vương, trời Ba mươi ba, trời Dạ xoa, trời Đâu suất đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại, trời Phạm thiên, cho đến trời Thủ đà hội cũng sẽ đến cúng dường. Chư Phật mười phương cũng sẽ thường nghĩ đến vị Bồ tát ấy là người đúng như kinh nói, tu hành Bát nhã ba la mật thậm thâm. Vị Bồ tát ấy vĩnh viễn không còn các việc ách nạn, khổ nhọc của thế gian. Thân vị Bồ tát ấy không có 404 bệnh như thế gian, do tu hành Bát nhã ba la mật thậm thâm nên được công đức hiện đời như vậy.

Bấy giờ A nan nghĩ rằng: Trời Đế thích do tự lực nói ra hay nhờ thần lực của chư phật nói ra? Trời Đế thích biết ý nghĩ của A nan, nói với A nan rằng: Lời tôi nói ra đều do oai thần của Phật. Phật bảo A nan: Như vậy, như vậy! như lời trời Đế thích đều do oai thần của Phật.

Này A nan! Khi Bồ tát ấy học tập Bát nhã ba la mật thậm thâm, ác ma trong ba ngàn đại thiên thế giới đều sinh hồ nghi: Bồ tát ấy sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ư” Hay sẽ giữa đường thủ chứng Niết bàn rơi vào địa vị Thanh văn, Bích chi Phật?

* Lại nữa, A nan! Nếu khi Bồ tát không rời Bát nhã ba la mật thời ma rất sầu khổ, như mũi tên đâm vào tâm. Khi ấy ma lại phóng ra ngọn gió lửa lớn dậy khắp bốn phương, muốn làm cho tâm Bồ tát biến mất, sọ hãi, biếng nhác cho đến khởi lên một niệm loạn động đối với Nhất thiết trí.

A nan bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Ma quấy nhiễu hết thảy Bồ tát hay có người không bị quấy nhiễu?

Phật bảo A nan: Có người bị quấy nhiễu, có người không bị quấy nhiễu.

A nan bạch Phật: Hạng Bồ tát nào bị ma quấy nhiễu.

Phật dạy: Hạng Bồ tát đời trước nghe Bát nhã ba la mật thậm thâm, tâm không tin hiểu; hạng Bồ tát ấy ma tìm được chỗ tiện lợi để quấy nhiễu.

* Lại nữa, A nan! Bồ tát khi nghe nói Bát nhã ba la mật thậm thâm, ý nghi ngờ Bát nhã ấy là thật có hay là thật không có? Hạng Bồ tát như thế ma tìm được chỗ tiện lợi để quấy nhiễu.

* Lại nữa, A nan! Có hạng Bồ tát xa lìa thiện tri thức, bị ác tri thức nhiếp phục, nên không nghe Bát nhã ba la mật thậm thâm, không nghe nên không biết, không thấy, không hỏi nên làm sao tu hành Bát nhã ba la mật; nên làm sao tu Bát nhã ba la mật; hạng Bồ tát ấy ác ma tìm được chỗ tiện lợi để quấy nhiễu.

* Lại nữa, A nan! Nếu Bồ tát xa lìa Bát nhã ba la mật, lãnh thọ pháp ác, Bồ tát ấy ma tìm được chỗ tiện lợi. Nó nghĩ rằng bọn ta sẽ có bạn đảng, sẽ thỏa mãn nguyện ta. Bồ tát ấy tự rơi vào nhị địa, cũng khiến người khác rơi vào nhị địa.

* Lại nữa, A nan! Nếu Bồ tát khi nghe nói Bát nhã ba la mật thậm thâm, liền nói với người khác rằng: “Bát nhã ba la mật ấy thậm thâm, ta còn không thể biết được thấu đáo, vậy người nghe làm gì, học làm gì Bát nhã ba la mật ấy”: Hạng Bồ tát như vậy, ma tìm được chỗ tiện lợi để quấy nhiễu.

* Lại nữa, A nan! Nếu Bồ tát khinh các Bồ tát khác rằng: Ta hành Bát nhã ba la mật, hành hạnh “viễn ly không”, còn ngươi không có công đức ấy. Khi ấy ác ma rất vui mừng nhảy nhót. Nếu có Bồ tát tự ỷ thị tên họ mình nhiều người biết đến, nên khinh các Bồ tát hành thiện khác. Hạng Bồ tát ấy thật không có công đức về hành, loại, tướng mạo của chẳng thoái chuyển. Vì không có công đức ấy nên sinh các phiền não, chỉ đắm trước hư danh nên khinh dễ người khác, nói rằng: Ngươi không ở trong pháp của ta có được. Bấy giờ ác ma nghĩ rằng: nay cảnh giới cung điện của ta chẳng trống không, lại tăng thêm ba đường ác. Ác ma giúp thêm uy lực khiến người khác tín thọ lời người kia nói; vì tín thọ lời người kia nói nên tin chịu làm theo kinh sách nó, tu học như lời nó nói; khi tu học nhu lời nó nói, thời tăng thêm các kiết sử. Vì tâm các người ấy điên đảo nên ba nghiệp thân, miệng, ý họ làm đều chịu ác báo. Do nhân duyên ấy làm tăng thêm ba đường ác, quyên thuộc, cung điện của ma càng thêm nhiều. Này A nan! Ma thấy các lợi đó nên rất vui mừng, nhảy nhót.

Này A nan! Nếu người hành đạo Bồ tát tranh đấu với người cầu đạo Thanh văn, ma liền nghĩ rằng, thế là xa lìa Nhất thiết trí. Này A nan! nếu Bồ tát tranh đấu với Bồ tát, sân giận, mắng nhiếc, khi ấy ác ma liền rất vui mừng, nhảy nhót nói rằng: Cả hai đều xa lìa Nhất thiết trí.

* Lại nữa, A nan! Nếu Bồ tát chưa được thọ ký, hướng tới Bồ tát đã được thọ ký sinh ác tâm tranh đấu, mắng nhiếc, tùy theo niệm ác trong nhiều ít kiếp, bằng kiếp số bao nhiêu, nếu không bỏ trí Nhất thiết chủng, vậy sau mới được bổ túc bấy nhiêu kiếp đại trang nghiêm.

A nan bạch Phật rằng: Bạch đức thế Tôn! Ác tâm ấy trải qua số kiếp bấy nhiêu, ở giữa khoảng đó có thể được giải trừ chăng?

Phật bảo A nan: Ta tuy nói người cầu đạo Bồ tát và Thanh văn được xuất tội, nhưng nếu người câu đạo Bồ tát tranh đấu nhau, sân giận, mắng nhiếc, ôm hận không hối cãi, không xả bỏ, ta không nói người đó được xuất tội, chắc chắn sẽ lại phải trải qua nhiều kiếp số nếu không bỏ trí Nhất thiết chủng vậy sau mới được trang nghiêm. Nếu Bồ tát tranh đấu, sân giận, mắng nhiếc, liền tự biết hối cải, nghĩ rằng: Ta có lỗi lớn, ta phải vì tất cả chúng sinh mà khuất mình xuống, khiến đời nay, đời sau được hòa giải; ta sẽ nhẫn chịu cho chúng sinh bước qua như cầu đò, như điếc, nhu ngọng chứ làm sao ta dùng lời ác đáp trả người! Ta không nên phá hoại tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác sẽ nên độ hết thảy chúng sinh khổ não, chứ làm sao ta lại khởi lên tâm sân giận!

A nan bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Còn Bồ tát với Bồ tát cộng trú thì thế nào?

Phật bảo A nan: Bồ tát với Bồ tát cộng trú thì nên xem nhau như Thế Tôn, vì sao? Vì Bồ tát nên nghĩ rằng: Đó là bạn thật của ta, đi chung một thuyền; kia học ta học Thí ba la mật cho đến trí Nhất thiết chủng. Nếu Bồ tát kia tu hành tạp nhạp, lìa tâm Nhất thiết trí;, ta không nên học như vậy; nếu Bồ tát kia không tu hành tạp nhạp, không lìa tâm Nhất thiết trí, ta nên học như vậy. Bồ tát học như vậy là đồng học.

LUẬN: Trên kia trời Đế thích nói người thiện nam viết chép, trì thọ Bát nhã cho đến nhớ nghĩ đúng được vô lượng công đức. Nay nói về ý nghĩa ấy. người đọc tụng Bát nhã cho đến khi được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không để cho tâm tâm số pháp khác xen vào là được công đức như đã nói trên. Chỉ từ người khác nghe mà không thể thực hành, khiến các tâm khác không xen vào, thời tuy công đức nhưng không gọi là vô lượng.

Tâm tâm số pháp xen vào là có người nói đó là xan tham, là ác tâm phá sáu Ba la mật. Có người nói chỉ cần không để ác tâm tăng trưởng thì thế lực ma đi đến liền bị diệt trừ. Có người nói không để cho tâm cầu Thanh văn, Bích chi Phật được xen vào. Có người nói tâm vô ký tán loạn tuy chẳng phải ác, song vì chướng ngăn thiện đạo, cũng không để cho xen vào. Thế nên người ấy không phải từ công đức nhỏ đưa đến. Phật chấp thuận lời đó rằng: đúng như vậy. Vì muốn phân biệt thế lực của hạnh thanh tịnh nên hỏi ngược lại Kiều thi ca rằng: Nếu hết thảy người cõi Diêm phù đề thành tựu mười thiện đạo như kinh nói, phước đức ấy tuy nhiều song vì lìa thật tướng các pháp nên hư dối, không bền chắc, vô thường, tận diệt, không đủ cho là nhiều, giống như cỏ tuy rất nhiều song không bằng một chút kim cương.

Hỏi: Tỳ kheo ấy vì sao nói với trời Đế thích rằng: Phước đức người thiện nam ấy hơn ông?

Đáp: trời Đế thích đã ở trong quả báo phước đức làm chủ cả trời người, tuy rất được tôn trọng, nhưng Tỳ kheo ấy vì qúy trọng chuyện khác, muốn nêu bày công đức thiện pháp nên nói hơn trời Đế thích.

* Lại nữa, Tỳ kheo ấy nghe nói trời Đế thích được đạo Thanh văn, nên nói ông tuy có phước đức mà không bằng Bồ tát. Trời Đế thích đắc đạo, thâm niệm Phật pháp nên nhận lời nói của Tỳ kheo, không sinh tâm cao ngạo, nói rằng: Bồ tát vì Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chỉ phát tâm là đã hơn tôi, huống gì còn tu hành như kinh nói, vì sao? Vì phước đức của trời Đế thích mỏng ít, còn công đức của Bồ tát sâu dày. Lại, vì phước đức của trời Đế thích đắm vào cái vui cõi trời, chỉ vì tự thân, còn công đức của Bồ tát là vì hết thảy chúng sinh mà hồi hướng đến cái vui Phật đạo. Khi ấy hội chúng nghe Tỳ kheo nói hơn trời Đế thích, trời Đế thích nhận lời nói đó, họ đều sinh tâm khinh trời Đế thích. Thế nên trời Đế thích nói: Không chỉ hơn tôi mà còn hơn cả vị Bồ tát tập hành Bát nhã mà không có sức phương tiện, như kinh nói tập hành Bát nhã ba la mật mà không lìa tâm tâm số pháp. Trong đây trời Đế thích tự nói lý do hơn, đó là Bồ tát tu hành Bát nhã đúng như kinh nói, không dứt giống Phật, cho đến do tu hành Bát nhã ba la mật nên được công đức đời này.

Hỏi: Vì sao A nan nghĩ rằng: Trời Đế thích do tự lực nói ra hay nhờ Phật lực?

Đáp: A nan biết trời Đế thích là Thanh văn mà nói rất sâu, hơn trí Thanh văn, Bích chi Phật, thế nên sinh nghi mà hỏi.

Hỏi: Trời Đế thích tự có trí hay hỏi hay đáp, cớ sao nói nhờ Phật lực?

Đáp: Bát nhã rất sâu, rất khó, vô lượng, vô biên; nếu ở chỗ khác nói còn khó, huống gì ở trước Phật, trước đại chúng nói! Thế nên nói nhờ Phật lực. Như kinh Trì Tâm nói: Do oai thần sánh sáng nhập vào tâm kia, nên có thể đối trước Phật nói lời nạn vấn.

Phật bảo A nan: Chấp thuận lời Đế thích nói; lại khen ngợi vị Bồ tát tu hành Bát nhã thậm thâm, có uy đức lớn. Đó là A nan, khi vị Bồ tát tập học Bát nhã thậm thâm, ác ma liền sinh nghi. Ác ma là giặc oán của Bồ tát, thường tìm lúc thuận tiện để phá Bồ tát như nói ở trong phẩm Ma. Vì Bồ tát tu hành sâu Bát nhã ba la mật, nên ma dùng phương tiện lớn phá hoại tâm Bồ tát. Nếu Bồ tát giải đãi thời ma rất vui mừng, nói rằng: Người ấy sẽ tự sa đọa.

Có người nói hết thảy Bồ tát đều phải bị ma oán. Thế nên A nan hỏi: Tất cả đều có ma oán hay có người không bị? Phật phân biệt đáp: Người có tâm thanh tịnh sâu xa, hành đạo Bồ tát thời không có bị ma phá; người không thanh tịnh thời bị ma phá; như kinh nói rộng.

Hỏi: Như Phật nói hết thảy pháp hữu vi đều có thể chuyển đổi, có thể xả bỏ, cớ sao A nan nghi mà hỏi Phật, tội ấy có thể hối cải chăng?

Đáp: A nan biết Bát nhã ba la mật là nhân duyên vô tận, nếu ai cúng dường sẽ được phước vô biên cho đến khi thành Phật, phước đức ấy vẫn bất tận; nếu trách mắng Bát nhã, tội ấy cũng vô biên; thế nên hỏi Phật. Phật đáp: Ta tuy nói có thể xuất tội, nhưng nếu Bồ tát kết hận, đấu tranh nhau không chịu bỏ thời không thể xuất tội được, vì sao? Vì Bồ tát ấy có tâm khinh mạn quá sâu, sân giận các Bồ tát khác. Vì tâm sân giận, kiêu mạn nên không thể hạ mình cùng sám hối, lại muốn làm công đức khác để mong dứt tội ấy. Phật dạy: Tội ấy không thể dứt được, vì tâm ôm hận nên tuy làm phước khác đều không thanh tịnh, không thanh tịnh nên không có lực, không có lực nên không thể diệt tội. Người ấy nếu muốn làm Phật, không bỏ Nhất thiết trí, hạ mình sám hối, cho đủ bấy nhiêu kiếp mới được đại trang nghiêm.

Hỏi: Trong tâm ôm hận, làm sao có thể dứt tội?

Đáp: Vì phá sân hận như kinh nói. A nan biết chúng sinh tùy thuộc vào nghiệp duyên, không được tự tại, không ai cứu hộ, ôm tâm sợ hãi, hỏi Phật: Bồ tát cộng trú như thế nào? Dụng tâm cung kính thế nào? – Phật đáp: Bồ tát nên cúng dường, cung kính, xem nhau như Phật, vì đó là Phật vị lai. trong đây Phật tự nói nhân duyên: Bồ tát cộng trú nên nghĩ rằng, đây là bạn chơn thật của ta, cùng đi đến Phật đạo, cùng cỡi một thuyền. Thuyền là chỉ sáu Ba la mật; ba cõi và ba lậu hoặc là nước; bờ kia là Phật đạo. Điều người kia học ta cũng nên học, đó là sáu Ba la mật, đồng giới, đồng kiến, đồng đạo. Như anh em trong hàng cư sĩ, không nên đấu nhau; ta và kia là anh em đồng pháp, không nên tranh nhau. Nếu Bồ tát kia tu hành tạp nhạp, lìa tâm Nhất thiết trí, ta không nên học như vậy, vì sao? Vì việc tốt nên học theo, việc xấu nên bỏ. Bồ tát nếu hoặc được như vậy thời việc khinh mạn, sân hận chấm dứt; ấy gọi là Bồ tát đồng học.

***

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.