(Kinh Đại Bát nhã ghi: Phần 2, Phẩm Công Đức thứ 32)
KINH: Bấy giờ, trời Tứ thiên vương cho đến trời A ca nị tra trong ba ngàn đại thiên thế giới, nói với các trời Thích đề hoàn nhơn rằng: Nên lãnh thọ Bát nhã ba la mật, nên giữ gìn, nên thân cận, nên tán thán, nên đọc tụng, nên giảng nói, nhớ nghĩ đúng, vì sao? Vì thọ trì cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật nên tất cả pháp lành tu tập sẽ được đầy đủ, tăng ích cho chư thiên, tổn giảm chúng Tu la.
Các Thiên tử! Thọ trì cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật, nên hạt giống Phật không dứt, hạt giống Pháp, hạt giống Tăng không dứt; hạt giống Phật, hạt giống Pháp, hạt giống Tăng không dứt nên thế gian bèn có Thí ba la mật, Giới ba la mật, Nhẫn ba la mật, Tấn ba la mật, Thiền ba la mật, Bát nhã ba la mật đều xuất hiện ở đời. Bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung, đạo Bồ tát đều hiện ở đời. Tu đà hoàn quả, Tư đà hàm quả, A na hàm quả, A la hán quả, Bích chi Phật đạo, Phật đạo, Tu đà hoàn cho đến Phật, đều xuất hiện ở đời.
Bấy giờ Phật bảo Thích đề hoàn nhơn: Kiều thi ca! Ông nên thọ trì Bát nhã ba la mật ấy và đọc tụng, giảng nói, nhớ nghĩ đúng, vì sao? Vì nếu các A tu la sinh tâm ác muốn chiến đấu với trời Ba mươi ba, Kiều thi ca! Bấy giờ ông nên tụng niệm Bát nhã ba la mật, các A tu la tâm ác liền diệt, không còn sinh trở lại.
Kiều thi ca! Nếu các Thiên tử, Thiên nữ lúc năm tướng chết hiện ra, sẽ đọa vào chỗ không như ý. Bấy giờ ông nên ở trước họ, tụng đọc Bát nhã ba la mật, các Thiên tử, Thiên nữ ấy khi nghe oai lực công đức của Bát nhã ba la mật, được trở lại sinh chỗ cũ, vì sao? Vì nghe Bát nhã ba la mật, có được lợi ích lớn.
*Lại nữa, Kiều thi ca! Hoặc thiện nam tử, thiện nữ nhân, hoặc các Thiên tử, Thiên nữ, nghe Bát nhã ba la mật, do công đức ấy nên dần dần sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác? Kiều thi ca! Vì chư Phật và đệ tử quá khứ, đều học Bát nhã ba la mật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác , vào Vô dư Niết bàn. Kiều thi ca! Chư Phật vị lai, mười phương chư Phật và đệ tử hiện tại đều học Bát nhã ba la mật mà được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vào Vô dư Niết bàn, vì sao? Kiều thi ca! Vì Bát nhã ba la mật thu nhiếp tất cả pháp lành, hoặc pháp Thanh văn, hoặc pháp Bích chi Phật, hoặc pháp Bồ tát, hoặc pháp Phật.
Thích đề hoàn nhơn bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật là thần chú đại minh, thần chú vô thượng minh, thần chú vô đẳng đẳng minh, vì sao? Bạch đức Thế Tôn! Vì Bát nhã ba la mật trừ được tất cả pháp chẳng lành và cho tất cả pháp lành.
Phật bảo Thích đề hoàn nhơn: Như vậy, như vậy, Kiều thi ca! Bát nhã ba la mật là thần chú đại minh, thần chú vô thượng minh, thần chú vô đẳng đẳng minh, vì sao? Kiều thi ca! Vì chư Phật quá khứ nhân thần chú sáng này, nên được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; chư Phật vị lai, mười phương chư Phật hiện tại cũng nhân thần chú sáng này nên được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nhân thần chú sáng này, thế gian bèn có mười thiện đạo, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc; bèn có Thí ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật, bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung; bèn có pháp tánh, như như, pháp tướng, pháp trụ, pháp vị, thật tế; bèn có năm mắt, quả Tu đà hoàn, cho đến quả A la hán, đạo Bích chi Phật, Nhất thiết trí, Trí nhất thiết chủng.
Kiều thi ca! Do nhân duyên của Bồ tát ma ha tát nên có mười thiện pháp xuất hiện thế gian, có bốn thiền, bốn tâm vô lượng cho đến Trí nhất thiết chủng; Tu đà hoàn cho đến chư Phật, xuất hiện thế gian; thí như trăng tròn chiếu sáng, tinh tú cũng chiếu sáng. Như vậy, Kiều thi ca! Tất cả pháp lành thế gian chánh pháp, mười điều lành cho đến Trí nhất thiết chủng, nếu lúc chư Phật không ra đời, thời đều từ Bồ tát phát sinh; lực phương tiện của Bồ tát ma ha tát đều từ Bát nhã ba la mật phát sinh, Bồ tát ma ha tát lấy lực phương tiện ấy mà tu Thí ba la mật cho đến Thiền ba la mật; tu nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, tu bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung, không chứng Thanh văn, Bích chi Phật địa mà thành tựu chúng sinh, tịnh cõi nước Phật, thọ mạng thành tựu, thế giới thành tựu, quyến thuộc Bồ tát thành tựu, được Trí nhất thiết chủng, đều từ Bát nhã ba la mật phát sinh.
*Lại nữa, Kiều thi ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe Bát nhã ba la mật, thọ trì, thân cận cho đến nhớ nghĩ đúng, người ấy sẽ được công đức đời này đời sau.
Thích đề hoàn nhơn bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì Bát nhã ba la mật cho đến nhớ nghĩ đúng được công đức đời này đời sau?
Phật bảo Thích đề hoàn nhơn: Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì Bát nhã ba la mật cho đến nhớ nghĩ đúng, trọn không trúng độc chết, gươm dao không làm thương tổn, nước lửa không hại, cho đến 404 bệnh không thể trúng, trừ do nghiệp báo đời trước.
*Lại nữa, Kiều thi ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân có việc quan nổi lên, nhờ tụng đọc Bát nhã ba la mật, nên khi đến chỗ quan, quan không khiển trách, vì sao? Vì nhờ oai lực của Bát nhã ba la mật ấy. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy đọc Bát nhã ba la mật, đi đến chỗ vua, hoặc Thái tử, đại thần, vua và Thái tử, đại thần đều hoan hỷ hỏi han, hợp ý nói năng, vì sao? Vì thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy thường có tâm từ bi hỷ xả hướng về chúng sinh.
Kiều thi ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì Bát nhã ba la mật cho đến nhớ nghĩ đúng, được các công đức đời nay như vậy.
Kiều thi ca! Thế nào là công đức đời sau của thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy? Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy trọn không xa lìa mười thiện đạo, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, sáu Ba la mật , bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung, người ấy trọn không đọa vào ba đường ác, thọ thân đầy đủ, không sinh vào nhà bần cùng hà tiện, thợ thầy dọn cầu xí, khiêng thây ma; thường được thân đủ ba mươi hai tướng, thường được hóa sinh thế giới chư Phật hiện tại, trọn không lìa thần thông Bồ tát. Nếu muốn từ một cõi Phật đến một cõi Phật cúng dường chư Phật, nghe pháp chư Phật liền được tùy ý, dạo qua cõi Phật, thành tựu chúng sinh, tịnh cõi nước Phật, dần dần chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Kiều thi ca! Ấy gọi là công đức đời sau. Vì vậy Kiều thi ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân nên thọ trì Bát nhã ba la mật, thân cận, đọc tụng, giảng nói, nhớ nghĩ đúng, hương hoa cho đến kỹ nhạc cúng dường, thường không lìa Tát bà nhã. Đó là thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy, cho đến khi chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác được thành tựu công đức đời này đời sau.
LUẬN: Phật là Pháp vương, tán thán người thọ trì Bát nhã ba la mật rồi, tiếp đến Thiên vương, Đế thích tán, Đế thích tán rồi, nay đến lược chư thiên tán, Vì nhiều người tán thán, nên làm cho người tín tâm càng sâu. Nói rằng: Nên thọ trì Bát nhã ba la mật ấy. Trong đây nói về nhân duyên thọ trì: Tu các công đức, tăng ích hằng chư thiên, tổn giảm chúng A tu la, Tam Bảo không đoạn diệt, các công đức sáu Ba la mật xuất hiện ở đời.
Bấy giờ, Phật ấn khả lời tán thán của chư thiên, bảo Đế thích rằng: Ông nên thọ trì Bát nhã ba la mật. Trong đây nói nhân duyên nên thọ trì rằng: Nếu A tu la sinh tâm ác, muốn chiến đấu với trời Ba mươi ba, bấy giờ ông đọc tụng Bát nhã, ác tâm liền diệt; nếu trong khi hai trận giao chiến mà đọc tụng Bát nhã, thì A tu la liền thối lui bỏ đi.
Hỏi: Nếu như vậy cớ sao không thường tụng Bát nhã khiến A tu la ác tâm đừng sinh, cớ gì đợi khi hai trận giao chiến mới tụng?
Đáp: Chư thiên phần nhiều đắm phước vui, tâm nhiễm đắm dục lạc mãnh lợi, tuy biết Bát nhã có công đức lớn mà không thể thường tụng.
Lại vì trời Đao lợi có nghiệp nhân duyên bất tịnh nên gây ra oán địch, không thể không chiến đấu.
Chư thiên khi mạng sắp chết, có năm tướng chết hiện ra: 1. Hoa trên mũ héo, 2. Dưới nách ra mồ hôi, 3. Ruồi đến đậu trên thân. 4. Thấy có vị trời ngồi chỗ của mình. 5. Tự mình không ưa chỗ ngồi cũ. Chư thiên thấy tướng chết ấy, nghĩ tiếc cái vui cõi trời, thấy mình sẽ sinh chỗ dữ, tâm rất lo khổ. Bấy giờ nếu nghe thật tướng Bát nhã ba la mật, các pháp hư dối cuồng loạn, vô thường, không tịch, tin lời Phật dạy ấy, tâm được thanh tịnh nên sinh trở lại chỗ cũ.
Chư thiên ấy không chỉ sinh trở lại chỗ cũ, mà còn nhờ nghe Bát nhã nên đời đời hưởng phước vui, dần dần thành đạo Vô thượng. Nhân duyên trong đây như Kinh nói: Bát nhã ba la mật là thần chú sáng lớn.
Hỏi: Thích đề hoàn nhơn cớ sao gọi Bát nhã là thần chú sáng lớn (đại minh) ?
Đáp: Các thánh nhân của ngoại đạo có các chú thuật, lợi ích nhân dân, đọc thần chú ấy có thể theo ý muốn sai sử quỷ thần; các tiên nhân có thần chú ấy rất nổi tiếng, nhân dân quy phục. Vì quý chú thuật nên Đế thích bạch Phật rằng: Trong các chú thuật, Bát nhã ba la mật là đại chú thuật, vì sao? Vì thường hay cho chúng sinh cái vui đạo đức, còn cái vui của chú thuật khác hay khởi phiến não, lại vì tạo nghiệp bất thiện nên đọa vào ba đường ác.
*Lại nữa, các chú thuật khác hay theo tham dục, sân nhuế, tự do làm ác, còn thần chú Bát nhã ba la mật hay dứt sự đắm trước thiền định, Phật đạo, Niết bàn, huống gì bệnh tham sân thô thiển. Vì thế nên gọi là thần chú đại minh, thần chú vô thượng, thần chú vô đẳng đẳng.
*Lại nữa, thần chú ấy hay làm cho người xa lìa già bệnh chết, hay an lập chúng sinh nơi Đại thừa, hay làm cho hành giả rất lớn ở giữa chúng sinh, thế nên nói là thần chú lớn. Hay làm lợi ích như vậy nên gọi là vô thượng. Từ trước có tiên nhân làm chú thuật, đó là các thần chú có thể biết tâm người khác tên là Ức xoa ni; thần chú bay đi biến hóa tên là Kiền đà lê; thần chú hay làm cho sống lâu ngàn vạn năm vì các thần chú khác không sánh bằng. Đối với chú thuật không thể sánh ấy, Bát nhã còn vượt quá vô lượng, nên gọi là vô đẳng.
*Lại nữa, các Phật pháp gọi là vô đẳng đẳng, Bát nhã ba la mật là nhân duyên được thành Phật quả nên gọi là vô đẳng đẳng.
*Lại nữa, chư Phật là vô đẳng giữa chúng sinh; Bát nhã chú thuật được Phật nói ra, nên gọi là thần chú vô đẳng đẳng.
*Lại nữa, trong Kinh này tự nói nhân duyên của ba thần chú, đó là thần chú này hay xả bỏ tất cả pháp bất thiện, hay cho tất cả thiện pháp. Phật thuận theo lời tán thán, nên nói: Như vậy, như vậy! Lại cũng nói rộng lời tán thán đó rằng, nhân nơi Bát nhã nên xuất sinh mười thiện đạo cho đến chư Phật. Bát nhã ba la mật thuộc Bồ tát nên Phật nói thí dụ; chư Phật hay đại phá bóng tối vô minh, nên như trăng tròn, Bồ tát phá bóng tối không bằng, như tinh tú, như trong đêm có thấy được đều nhờ sức trăng sao. Trong đêm sinh tử thế gian, có thấy biết được đều nhờ thế lực Phật, Bồ tát. Nếu đời không có Phật, bấy giờ Bồ tát thuyết pháp độ chúng sinh, đặt vào trong cái vui cõi trời cõi người, làm cho dần dần được cái vui Niết bàn. Bồ tát có được trí tuệ đều là nhờ oai lực Bát nhã ba la mật.
*Lại nữa, Bồ tát tuy tu ba mươi bảy phẩm, mười tám không, biết các pháp rốt ráo không thể chấp thủ, cũng không chứng đạo Thanh văn, Bích chi Phật mà có thể trở lại khởi lên các thiện pháp, giáo hóa chúng sinh, tịnh cõi nước Phật, thọ mạng đầy đủ v. v. . . đều là oai lực Bát nhã ba la mật.
Hoặc người ấy nhờ thọ trì Bát nhã cho đến nhớ nghĩ đúng, nên được công đức đời nay đời sau. Công đức đời là trọn không bị trúng độc chết v. v. . .
Hỏi: Trước đã nói không bị hoạch tử, sao nay còn nói lại?
Đáp: Trước đã nói Bát nhã ba la mật không phải chỉ nói trong một hội, ở đây vì người đến sau nên nói lại.
*Lại nữa, dao, độc, nước, lửa có hai thứ: Có thứ người làm, có thứ tự làm. Trước kia nói do người gia binh đao, độc hại, nước lửa v. v. . . , nay là không tự mình làm tổn thương. Làm sao biết? Vì tiếp nói 404 bệnh nên biết. Trên tuy nói người khác không thể tìm được chỗ thuận tiện để hại, chứ không nói người kia còn trở lại cung kính cúng dường.
Bốn trăm lẻ bốn bệnh là hợp với bốn đại làm thân. Bốn đại thường xâm hại nhau nên trong mỗi đại có 101 bệnh khởi lên. Bệnh lạnh có 202 do thủy đại và phong đại khởi lên; bệnh nóng có 202 do địa đại và hỏa đại khởi lên. Tướng lửa nóng và tướng đất cứng, vì cứng . . . nên khó tiêu, khó tiêu nên khởi lên bệnh nóng. Máu thịt, gân tủy v. v. . . thuộc phần địa đại, trừ nghiệp báo, tất cả các pháp đều nhân duyên hòa hợp sinh, không có người làm, vì không có người làm nên chắc chắn thọ nghiệp báo, Phật không cứu được, huống gì Bát nhã. Chắc chắn thọ nghiệp báo, không chắc chắn thọ nghiệp báo như trước đã nói.
Việc quan nổi lên là nhờ oai lực tụng Bát nhã ba la mật, nên việc nổi lên liền diệt.
Hỏi: Trước đã nói người không tìm được dịp tiện lợi để phá, sao nay còn nói nữa?
Đáp: Trước tuy nói người không thể tìm được dịp tiện lợi, mà chưa nói Quốc vương, dại thần v. v. . . đã không tìm được dịp tiện lợi, lại còn cung kính, cúng dường, vì sao? Vì Bồ tát ấy thường có tâm từ bi hỷ xả hướng đến chúng sinh.
Công đức đời sau là đời đời sinh ra thường không rời mười thiện đạo, vì thế nên thường không đọa ác đạo. Người ấy nhờ chiết phục ác tâm nên thọ thân hoàn hảo đầy đủ, không sinh vào các nhà hà tiện. Học đạo của Phật học, nên được thần biến hóa như Phật, có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp tùy hình.
Thường được hóa sinh vào cõi Phật hiện tại là tùy tâm đi đến mười phương thế giới, cúng dường chư Phật, nghe thọ các pháp, giáo hóa chúng sinh, dần dần được thành Phật đạo. Thế nên hành giả tuy nghe, thọ trì, cho đến nhớ nghĩ đúng không lìa tâm Tát bà nhã. Như vậy là được công đức đời này đời sau.
***
Trang trước | Mục lục | Trang sau |