Luận Đại Trí Độ

Giải thích Phẩm Học Không Không Thủ Chứng thứ 60



(Kinh Đại Bát Nhã phần 2 ghi: Phẩm Tập Cận Thứ 59)

KINH: Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, nếu Bồ tát ma ha tát muốn hành Bát nhã ba la mật, làm sao học không tam muội? Làm sao chứng nhập không tam muội? Làm sao học vô tướng, vô tác tam muội? Làm sao chứng nhập vô tướng vô tác tam muội? Làm sao học bốn niệm xứ? Làm sao tu bốn niệm xứ? Cho đến làm sao tám thánh đạo phần? Làm sao tu tám thánh đạo phần?

Phật bảo Tu bồ đề: Bồ tát ma ha tát khi tu Bát nhã ba la mật nên quán sắc không, thọ, tưởng, hành, thức không; mười hai nhập, mười tám giới không; cho đến nên quán cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc không. Khi tu quán ấy khiến tâm không loạn. Bồ tát ma ha tát nếu tâm không loạn thời không thấy pháp ấy; nếu không thấy pháp ấy thời không khởi tâm chứng đắc, vì sao? Vì Bồ tát ấy khéo học tự tướng không, không có dư thừa, không có phân biệt, pháp chứng người chứng đều không thể thấy.

Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức thế Tôn! Như lời Phật dạy: “Bồ tát không nên khởi tâm chứng đắc pháp không”. Bạch đức Thế Tôn! Tại sao Bồ tát trú trong pháp không mà không khởi tâm chứng đắc?

Phật bảo Tu bồ đề: nếu Bồ tát quán “Không” đầy đủ trước tiên nguyện rằng ta nay không nên khởi tâm chứng đắc pháp “không”, khi ta học chẳng phải là khi ta chứng. Bồ tát không chuyên nhiếp tâm buộc ở trong các duyên, thế nên Bồ tát đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không thối thất, cũng không thủ chứng A la hán lậu tận. Này Tu bồ đề! Bồ tát như vậy là thành tựu pháp thiện diệu lớn, vì sao? Vì trú trong “không” ấy nghĩ rằng: Khi ta tu chẳng phải là khi ta chứng. Này Tu bồ đề! Bồ tát nên nghĩ như vầy, khi ta học Thí ba la mật chẳng phải là khi ta chứng. Khi ta học Giới ba la mật, Nhẫn ba la mật, Tấn ba la mật, Thiền ba la mật; khi tu bốn niệm xứ cho đến khi tu tám thánh đạo phần, chẳng phải là khi ta chứng, khi tu “không” tam muội, vô tướng vô tác tam muội chẳng phải là khi chứng. Khi tu mười trí lực, bốn điều không sợ, bốn trí vô ngại, mười tám pháp không chung, đại từ đại bi của Phật chẳng phải khi chứng, khi ta học trí Nhất thiết chủng, chẳng phải là khi chứng đắc quả Tu đà hoàn cho đến quả A la hán, đạo Bích chi Phật.

Như vậy Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát tu hành Bát nhã ba la mật học quán không, trú trong không; học quán vô tướng, vô tác, trú trong vô tướng, vô tác. Tu bốn niệm xứ, không chứng bốn niệm xứ, cho đến tu tám thánh đạo phần, không chứng tám thánh đạo phần. Bồ tát ấy, tuy học ba mươi bảy đạo phẩm, tuy tu ba mươi bảy đạo phẩm mà không chứng quả Tu đà hoàn cho đến đạo Bích chi Phật. Này Tu bồ đề! Thí như tráng sĩ tráng kiện dũng mãnh, giỏi binh pháp, đủ sáu mươi bốn khả năng, cầm chắc binh khí, đứng vững không lay động, khéo các nghệ thuật, đoan chính, trong sạch, được mọi người yêu kính. Tạo ít sự nghiệp, được báo lợi nhiều, do nhân duyên ấy nên được mọi người cung kính, tôn trọng, tán thán; thấy người kính trọng lại càng vui mừng. Khi có chút nhân duyên phải đi đến xứ khác, đem theo người già yếu đi qua chỗ hiểm nạn, khủng bố; an ủi cha mẹ, hiểu dụ vợ con chớ có sợ hãi, tôi có thể đi qua đây, chắc chắn không có việc gì khổ nạn. Trên con đường hiểm nạn có nhiều kẻ oán tặc ẩn núp cướp hại, người kia nhờ có trí lực đầy đủ nên có thể vượt qua đường hiểm, trở về nhà không còn gặp giặc nạn, hoan hỷ, an vui.

Này Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát cũng như vậy, có tâm từ, bi, hỷ, xả đầy đủ cùng khắp đối với hết thảy chúng sanh. Bấy giờ Bồ tát trú bốn tâm vô lượng, đầy đủ sáu ba la mật mà không thủ chứng A la hán lậu tận; học trí nhất thiết chủng, tu ba môn giải thoát là không, vô tướng, vô tác; khi ấy Bồ tát không theo tất cả tướng cũng không chứng vô tướng tam muội; vì không chứng vô tướng tam muội nên không rơi vào địa vị Thanh văn, Bích chi Phật, thí như chim có hai cánh bay lượn giữa không mà không bị rơi, tuy ở trong không mà cũng không ở trong không. Bồ tát ma ha tát cũng như vậy, học ba môn giải thoát không, vô tướng, vô tác, cũng không khởi tâm chứng đắc; vì không chứng đắc nên không rơi vào địa vị Thanh văn, Bích chi Phật. Chưa đầy đủ mười trí lực, đại từ đại bi, vô lượng Phật pháp, trí Nhất thiết chủng của Phật cũng không chứng ba môn giải thoát không, vô tướng, vô tác, thí như người mạnh học các phép bắn cung, giỏi nghệ thuật bắn, ngửa mặt bắn lên không trung, lại dùng mũi tên sau bắn mũi tên trước, mỗi mũi tên bám vào nhau không để rớt xuống, tùy ý tự tại; nếu muốn để rơi liền ngưng bắn mũi tên sau, tự nhiên rơi xuống đất. Bồ tát ma ha tát cũng như vậy, tu hành Bát nhã ba la mật, nhờ sức phương tiện nên vì các thiện căn về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chưa đầy đủ, không khởi tâm chứng đắc thực tế; nếu thiện căn thành tựu, bấy giờ bèn khởi tâm chứng đắc thực tế. Vì thế nên Bồ tát ma ha tát khi tu hành Bát nhã ba la mật phải như vậy quán các pháp tướng.

Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Việc làm của Bồ tát ma ha tát rất khó, vì cớ sao? Vì tuy học các pháp tướng, học thực tế, học “như” học tự tướng không, và ba môn giải thoát mà hoàn toàn giữa đường không đọa lạc, việc ấy rất hiếm có.

Phật bảo Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát ấy vì không bỏ rơi chúng sanh nên phát thệ nguyện như vậy. Nếu Bồ tát ma ha tát ấy nghĩ rằng: “Ta không nên bỏ rơi chúng sanh, chúng sanh bị chìm trong pháp không có gì của chính nó, ta nên độ thoát”. Bấy giờ liền vào ba môn giải thoát không, vô tướng, vô tác. Này Tu bồ đề! Nên biết Bồ tát ấy thành tựu sức phương tiện, tuy chưa được trí Nhất thiết chủng mà tu hành ba môn giải thoát ấy cũng không giữa đường thủ chứng thực tế.

* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát nếu muốn quán các pháp thậm thâm, đó là nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, bốn niệm xứ cho đến ba môn giải thoát. Bấy giờ Bồ tát nên sanh tâm như vầy: Các chúng sanh suốt đêm dài hành theo ngã tướng cho đến tướng kẻ biết, kẻ thấy, đắm nơi pháp sở đắc, ta vì dứt các tướng ấy cho chúng sanh, nên khi chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ta sẽ thuyết pháp. Bấy giờ Bồ tát tu ba môn giải thoát không, vô tướng, vô tác cũng không thủ chứng thực tế (Niết bàn – N. D) vì không thủ chứng nên không rơi vào quả Tu đà hoàn cho đến Bích chi Phật. Này Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát ấy vì tâm muốn thành tựu thiện căn ấy nên không giữa đường khởi tâm chứng đắc thực tế, không mất bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, bốn niệm xứ cho đến tám thánh đạo phần, không, vô tướng, vô tác và mười trí lực, bốn điều không sợ, bốn trí vô ngại, đại từ đại bi, mười tám pháp không chung của Phật. Khi ấy Bồ tát thành tựu hết thảy pháp trợ đạo cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trọn không hao giảm. Bồ tát ấy nhờ có sức phương tiện, thường tăng ích pháp hành, các căn thông lợi hơn căn tánh A la hán, Bích chi Phật.

* Lại nữa, Tu bồ đề! Nếu Bồ tát nghĩ rằng: Chúng sanh suốt đêm dài đắm trước bốn điên đảo là tưởng thường, tưởng vui, tưởng sạch, tưởng ta; vì chúng sanh ấy nên ta cầu Nhất thiết trí, khi ta chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sẽ vì chúng sanh nói pháp vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã. Bồ tát thành tựu tâm ấy do sức phương tiện tu hành Bát nhã ba la mật tuy không được tam muội của Phật, chưa đầy đủ mười trí lực, bốn điều không sợ, bốn trí vô ngại, đại từ đại bi, mười tám pháp không chung của Phật, cũng không khởi tâm chứng đắc thực tế. Bấy giờ Bồ tát tu môn giải thoát vô tác, tuy chưa chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không khởi tâm chứng đắc thực tế (Niết bàn).

* Lại nữa, Tu bồ đề! Nếu Bồ tát nghĩ rằng: Chúng sanh suốt đêm dài. đắm trước vào pháp sở đắc là ta, là chúng sanh, cho đến kẻ biết kẻ thấy, là sắc, là thọ, tưởng, hành, thức; là mười hai nhập, là mười tám giới, là bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc; ta thật hành như vậy, như khi ta chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sẽ khiến chúng sanh không có pháp sở đắc ấy. Bồ tát thành tựu tâm ấy nhờ sức phương tiện tu hành Bát nhã ba la mật, tuy chưa đầy đủ mười trí lực, bốn điều không sợ, bốn trí vô ngại, đại từ, đại bi, mười tám pháp không chung của Phật, cũng không khởi tâm chứng đắc thực tế. Bấy giờ Bồ tát tu “không” tam muội đầy đủ.

* Lại nữa, Tu bồ đề! Nếu Bồ tát nghĩ rằng chúng sanh suốt đêm dài tập hành theo các tướng là tướng nam tướng nữ, tướng sắc tướng vô sắc; ta tập hành như vậy khi ta chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sẽ khiến chúng sanh không có các tướng tội lỗi ấy. Tâm ấy thành tựu do sức phương tiện tu hành Bát nhã ba la mật, tuy chưa đầy đủ mười trí lực cho đến mười tám pháp không chung của Phật, cũng không khởi tâm chứng đắc thực tế. Bấy giờ Bồ tát tu vô tướng tam muội đầy đủ.

Tu bồ đề! Nếu Bồ tát học sáu ba la mật, học nội không cho đến vô pháp hữu pháp không; học bốn niệm xứ cho đến ba môn giải thoát không, vô tướng, vô tác; học mười trí lực, bốn điều không sợ, bốn trí vô ngại, đại từ đại bi, mười tám pháp không chung của Phật. Thành tựu trí tuệ như vậy mà nếu còn đắm trước pháp tạo tác, hoặc còn ở trong ba cõi thời không có lẽ đó. Bồ tát ấy khi học pháp trợ đạo, hành pháp trợ đạo nên thử hỏi: Bồ tát muốn được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm sao học pháp ấy, quán không nhưng không chứng thực tế? Vì không chứng nên không rơi vào quả Tu đà hoàn cho đến đạo Bích chi Phật; quán vô tướng, vô tác, vô khởi, vô sanh, vô sở hữu, cũng không thủ chứng thực tế mà tu hành Bát nhã ba la mật, nên hỏi như vậy. Này Tu bồ đề! Nếu khi Bồ tát thử hỏi, mà Bồ tát ấy nếu đáp như vầy: Bồ tát chỉ nên quán “không”, chỉ nên quán vô tướng, vô tác, vô khởi, vô sanh, vô sở hữu; Bồ tát không nên học “không” vô tướng, vô tác, vô khởi, vô sanh, vô sở hữu, không nên học pháp trợ đạo ấy.

Này Tu bồ đề! Nên biết Bồ tát ấy Phật chưa thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì sao? Vì người ấy không thể nói, không thể chỉ bày, không thể đáp về tướng sở học của Bồ tát chẳng thoái chuyển. Nếu Bồ tát ấy nói được, chỉ bày được, đáp được về tướng sở học của Bồ tát chẳng thoái chuyển, thời nên biết Bố tát ấy đã tập học đạo Bồ tát, bước vào Bạt địa như các Bồ tát chẳng thoái chuyển khác.

Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn có thể có vị Bồ tát chưa được chẳng thoái chuyển mà đáp được như vậy chăng?

Phật dạy: Có. Bồ tát ấy hoặc nghe, hoặc không nghe sáu ba la mật, đều đáp được như vậy như Bồ tát chẳng thoái chuyển.

Tu bồ thưa: Bạch đức Thế Tôn, có nhiều Bồ tát cầu Phật đạo, mà ít có Bồ tát đáp được như vậy, như Bồ tát chẳng thoái chuyển, như trong hàng học đạo, vô học đạo.

Phật dạy Tu bồ đề: Như vậy! Như vậy! Bồ tát ấy rất ít, vì sao? Vì ít có Bồ tát được thọ ký tập hành địa vị chẳng thoái chuyển và Càn huệ, nếu được thọ ký thời người ấy có thể đáp như vậy, người ấy thiện căn sáng suốt, chư thiên và người đời không thể phá hoại.

LUẬN: Hỏi: học “không” chứng nhập “không” có sai khác gì?

Đáp: Đầu gọi là học “không”, sau là chứng nhập “không”, nhơn là học “không”, quả là chứng nhập ‘không”, phương tiện là học “không”, chứng đắc là nhập “không”, vô tướng, vô tác, ba mươi bảy pháp trợ đạo cũng như vậy. Ba môn giải thoát, ba mươi bảy pháp trợ đạo là con đường đi đến Niết bàn của Thanh văn, Bích chi Phật, Phật dạy Bồ tát nên đi con đường ấy. Tu bồ đề nghĩ rằng: Làm sao Bồ tát đi theo con đường Niết bàn ấy mà không thủ chứng Niết bàn? Phật dạy: Bồ tát quán hết thảy pháp sắc v.v…là không. Bồ tát ấy do vào sâu thiền định tâm không rối loạn, được sức trí tuệ mảnh lợi nên không thấy pháp không ấy, vì không thấy nên không có gì thủ chứng; còn hành Thanh văn, Bích chi Phật dứt ngã chấp, bỏ tâm ưa đắm, đi thẳng tới Niết bàn. Bồ tát khéo học tự tướng “không” đối với sắc pháp cho đến mảy bụi cũng không lưu lại vi tế nhất; đối với pháp vô sắc cho đến cũng không lưu lại một ý tưởng, đi thẳng vào rốt ráo không, cho đến không còn thấy pháp không ấy, để có thể chứng đắc.

Tuy Phật pháp như vậy, Tu bồ đề chưa hiểu ý Phật lại hỏi: Như lời Phật dạy, Bồ tát không nên thủ chứng pháp không, nay vào trong pháp không, làm sao không thủ chứng?

Phật đáp: Vì thâm nhập nên không thủ chứng; đầy đủ tức là thâm nhập, thí như cầm cây cỏ may, cầm lỏng thời xước tay, cầm chắc thì không xước, Bồ tát cũng như vậy, vì thâm nhập không, nên biết “không” cũng không, Niết bàn cũng không, nên không có gì chứng đắc.

* Lại nữa, Bồ tát khi chưa vào không, suy nghĩ rằng: Ta nên quán xét khắp các pháp “không”, chẳng nên không biết đầy đủ mà thủ chứng. Thế nên không chuyên tâm nhiếp niệm vào thiền, buộc nó ở trong cảnh duyên “không”, vì sao? Vì nếu chuyên tâm buộc ở trong cảnh duyên “không” thời tâm mềm yếu, không thể từ “không” tự ra được.

Hỏi: trên nói sâu vào thiền định, không để tâm tán loạn, sao nay nói không chuyên tâm, nhiếp niệm?

Đáp: Nay nói không chuyên tâm nhiếp niệm là vì khi mới vào, không thể tự đi ra được; trên nói sâu vào là vào đã sâu, biết “không” cũng “không”, không để tâm ở vào việc khác, nên nói không tán loạn.

* Lại nữa, Bồ tát nên nghĩ rằng: Ta chưa đầy đủ 32 tướng, 80 vẻ đẹp tùy hình, mười trí lực, bốn điều không sợ, các Phật pháp làm sao thủ chứng Niết bàn. Ta nay khi đang học, mỏng các phiền não, giáo hóa chúng sanh đưa vào Phật đạo, nếu ta được đầy đủ các Phật sự, khi ấy sẽ thủ chứng Niết bàn. Thế nên Bồ tát tuy vào ba cửa giải thoát mà không thủ chứng.

Trong đây nói thí dụ: Tráng sĩ là Bồ tát, cha mẹ thân tộc là chúng sanh khả độ, đường hiểm là ba cõi sanh tử, giặc ác là ma dân và các phiền não; khí cụ là năm thần thông và các sức phương tiện của Bồ tát, trở về chổ cũ là con đường đi của Bồ tát, đứng vững không lay động là Bồ tát an trú rốt ráo không, dùng bốn tâm vô lượng vận chuyển chúng sanh khả độ đặt vào Niết bàn an vui. Khi ấy, hội chúng nghi rằng: Trong “không” không có gì, làm sao đi được? Thế nên Phật nói thí dụ con chim: Như chim bay giữa hư không, không nương tựa đâu hết mà bay xa không rớt.

* Lại nữa, Bồ tát chưa đầy đủ đạo Pháp, chưa đến Phật đạo, ở trung gian đó không thủ chứng, như chim chưa đến chỗ cần đến, trọn không ngừng bay giữa chừng. Học pháp không ấy để tự dứt phiền não và độ chúng sanh. Lại vì muốn rõ ràng nên nói thí dụ giỏi bắn, như người giỏi nghệ thuật bắn, cái cung là thiền định của Bồ tát; mũi tên là trí tuệ, hư không là ba cửa giải thoát, đất bằng là Niết bàn. Bồ tát dùng mũi tên trí tuệ bắn vào hư không ba cửa giải thoát, do sức phương tiện nên dùng mũi tên sau bắn vào mũi tên trước không để rớt xuống đất bằng Niết bàn. Vì chưa đầy đủ Phật sự là mười trí lực v.v…nên trọn không thủ chứng.

Tu bồ đề vui mừng bạch Phật rằng: Việc làm của Bồ tát rất khó, thật là hy hữu, đó là tu tập “không” mà không thủ chứng.

Phật dạy: Bồ tát ấy có bản nguyện khiến các chúng sanh được lìa khổ, vì tâm đại bi bản nguyện ấy bảo trì, nên tu tập không mà không thủ chứng.

* Lại nữa, nếu Bồ tát nghĩ rằng: Hết thảy chúng sanh ở trong khổ, vì bị điên đảo trói buộc chìm ở trong chỗ không có gì, khi ấy chính là khi tập hành ba cửa giải thoát. Nên biết Bồ tát ấy có sức phương tiện tập hành ba cửa giải thoát mà không bỏ chúng sanh. Lại nữa, Bồ tát muốn quán pháp thậm thâm là mười tám không, ba mươi bảy pháp trợ đạo, ba cửa giải thoát trước tiên nghĩ rằng: Chúng sanh suốt đêm dài chấp trước tướng ngã v.v…hành giả nếu quán thẳng pháp thậm thâm thời hoặc được đạo Thanh văn, hoặc rơi vào tà kiến, vì không có tâm từ mẫn, và không thể sâu vào tự tướng không. Vì thế Bồ tát muốn quán pháp thậm thâm, trước tiên sanh bi tâm nghĩ rằng: Chúng sanh suốt đêm dài tâm chấp tôi, ta, sinh ra các phiền não. Đêm dài có nghĩa là lâu xa; vô lượng kiếp lại đây cái ta ấy chắc chắn không thể có được, chỉ là trống không hư dối điên đảo nên chịu các ưu não. Bồ tát thấy như vậy rồi, phát nguyện: ” Ta sẽ vì chúng sanh mà thành Phật đạo, dứt cái điên đảo chấp ngã cho chúng sanh”. Khi ấy chính là tập hành ba môn giải thoát mà không thủ chứng thực tế. (Niết bàn, Chân lý – N. D). Thiện căn ấy thành tựu, Bồ tát không thủ chứng thực tế, cũng không mất các công đức bốn thiền v.v…Bồ tát vì sâu vào “không” nên các căn mảnh lợi hơn hàng Nhị thừa. Ý nghĩa pháp bốn điên đảo như trên nói.

* Lại nữa, Bồ tát nghĩ rằng: Chúng sanh suốt đêm dài chấp trước pháp sở đắc là ta, chúng sanh, cho đến hoặc chấp trước pháp tạo tác, hoặc ở ba cõi là không có lẽ đó. Ý nghĩ đều đồng với nghĩa quán không mà không thủ chứng.

Hỏi: Làm sao biết Bồ tát chưa đắc đạo mà có thể tập hành pháp không sâu xa ấy?

Đáp: Trong kinh này tự nói nhân duyên, Bồ tát nên thử hỏi làm sao Bồ tát nên học không mà không thủ chứng? Nếu Bồ tát đáp rằng chỉ nên niệm không, nhứt tâm tập hành như Thanh văn, Bích chi Phật đạo chứ không chỉ học biết mà thôi, cho đến học vô sanh, vô sở hữu cũng như vậy. Nên biết Bồ tát ấy chưa được Phật thọ ký, vì sao? Vì không nói phương tiện học biết nên quán không. Nếu Bồ tát đáp cách khác, nên biết ấy là Bồ tát chẳng thoái chuyển, đã tập học vào Bạt địa: Tập học nghĩa là trước tập học biết không. Bạt địa là ở trong địa vị chẳng thoái chuyển, các phiền não mỏng.

Tu bồ đề nghe tướng trạng không thoái chuyển chẳng phải không thoái chuyển rồi bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Có thể có Bồ tát chưa được chẳng thoái chuyển mà đáp được như vậy chăng?

Phật dạy: Có. Có Bồ tát hoặc nghe sáu ba la mật, hoặc không nghe có thể đáp được như Bồ tát chẳng thoái chuyển. Hoặc nghe là chỉ nghe từ Phật dạy, tự mình chưa đầy đủ Bồ tát địa; hoặc nghe là tự suy nghĩ, nhớ nghĩ đúng, tuy chưa được vô sanh nhẫn mà có thể cầu các pháp tướng, đáp được như Bồ tát chẳng thoái chuyển.

Tu bồ đề thưa: Có nhiều người cầu Phật đạo mà ít ai đáp được như vậy, đáp như hàng Bồ tát chẳng thoái chuyển ở học địa, vô học địa. Chưa được vô sanh pháp nhẫn gọi là học địa; được vô sanh pháp nhẫn gọi là vô học địa.

Phật dạy: Ít! Vì sao ít? Có Bồ tát theo Phật được thọ ký, đã được Phật thọ ký rồi nên đáp được như vậy, vì sao? Vì thực tướng các pháp chỉ có Phật biết được cùng khắp, Phật biết người ấy đáp đúng như Pháp, nên huyền ký cho. Hàng Bồ tát ấy tuy ít mà thiện căn sáng suốt, có thể rộng làm lợi ích chúng sanh, không ai phá hoại được.

***

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.