Luận Đại Trí Độ

Giải thích Phẩm Chiếu Minh thứ 40



(Kinh Đại Bát nhã ghi: Phần 2, Phẩm Đại Sư thứ 38)

KINH: Bấy giờ Tuệ mạng Xá lợi phất bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn: Ấy là Bát nhã ba la mật!

Bạch đức Thế Tôn, Bát nhã ba la mật có thể chiếu rõ hết thảy pháp, vì rốt ráo thanh tịnh.

Bạch đức Thế Tôn, nên lễ Bát nã ba la mật.

Bạch đức Thế Tôn, Bát nhã ba la mật, không dính mắc ba cõi.

Bạch đức Thế Tôn, Bát nhã ba la mật trừ các tối tăm, vì hết thảy phiền não vọng kiến đã trừ.

Bạch đức Thế tôn, Bát nhã ba la mật, là tối thượng trong hết thảy pháp trợ đạo.

Bạch đức Thế Tôn, Bát nhã ba la mật an ổn, vì dứt được hết thảy khổ não sợ hãi.

Bạch đức Thế Tôn, Bát nhã ba la mật, hay cho ánh sáng, vì có năm mắt trang nghiêm.

Bạch đức Thế Tôn. Bát nhã ba la mật, hay chỉ đạo các chúng sanh tà kiến xa lìa nhị biên.

Bạch đức Thế Tôn, Bát nhã ba la mật, là trí nhất thiết chủng, vì hết thảy phiền não và tập khí dứt.

Bạch đức Thế tôn, Bát nhã ba la mật là mẹ các Bồ tát ma ha tát, vì hay sanh ra các Phật pháp.

Bạch đức Thế Tôn, Bát nhã ba la mật chẳng sanh chẳng diệt, vì tướng nó không.

Bạch đức Thế Tôn, Bát nhã ba la mật lìa xa sanh tử, vì chẳng phải thường chẳng phải diệt.

Bạch đức Thế Tôn, Bát nhã ba la mật làm thủ hộ kẻ không được cứu hộ, vì bố thí tất cả trân bảo.

Bạch đức Thế Tôn, Bát nhã ba la mật, đầy đủ lực, vì không có gì có thể phá hoại.

Bạch đức Thế Tôn, Bát nhã ba la mật hay chuyển xoay bánh xe pháp ba lần chuyển mười hai hành tướng, vì hết thảy các pháp không chuyển không trở lại.

Bạch đức Thế Tôn, Bát nhã ba la mật, hay chỉ bày các pháp tánh, vì vô pháp hữu pháp không.

Bạch đức thế tôn, nên làm sao cúng dường Bát nhã ba la mật?

Phật dạy: Nên cúng dường Bát nhã ba la mật như cúng dường Thế Tôn, nên lễ Bát nhã ba la mật như lễ Thế Tôn, vì sao? Vì Thế Tôn không khác Bát nhã ba la mật, Bát nhã ba la mật không khác Thế Tôn; Thế Tôn tức là Bát nhã ba la mật, Bát nhã ba la mật tức là Thế Tôn. Trong Bát nhã ba la mật ấy xuất sanh chư Phật, Bồ tát, Bích chi Phật, A la hán, A na hàm, Tư đà hàm, Tu đà hoàn. Từ trong Bát nhã ba la mật xuất sanh mười thiện đạo, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, năm thần thông, nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, bốn niệm xứ cho đến tám Thánh đạo phần. Từ trong Bát nhã ba la mật ấy sanh ra Phật mười lực, mười tám pháp không chung, đại từ, đại bi, nhất trí thiết chủng.

Bấy giờ, Thích đề hoàn nhân tâm suy nghĩ rằng: Vì nhân duyên gì Xá lợi phất hỏi việc ấy? Suy nghĩ xong, nói với Xá lợi phất: Vì nhân duyên gì nên hỏi việc ấy?

Xá lợi phát nói với Thích đề hoàn nhân: Kiều thi ca, Bồ tát ma ha tát được Bát nhã ba la mật thủ hộ, có sức phương tiện thiện xảo, nên đối với thiện căn tạo tác được ở khoảng trung gian từ khi mới phát tâm cho đến khi trụ pháp vị của chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai, tất cả hòa hợp lại mà tùy hỷ hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì nhân duyên ấy, nên tôi hỏi việc ấy.

Này Kiều thi ca , Bát nhã ba la mật của Bồ tát ma ha tát hơn Thí ba la mật, Giới, Nhận, Tấn, Thiền ba la mật, ví như người mù bẩm sanh, hoặc trăm, hoặc ngàn, hoặc trăm ngàn người mà không có ai dẫn trước thời không thể theo đường đi vào thành. Kiều thi ca, năm Ba la mật cũng như vậy, lìa Bát nhã ba la mật thời như người mù bẩm sanh không kẻ dắt thì không thể đi đường, không thể được trí nhất thiết chủng.

Này Kiều thi ca, nếu năm Ba la mật được Bát nhã ba la mật dẫn đạo, thời bấy giờ năm Ba la mật gọi là có mắt, có Bát nhã ba la mật dẫn đạo, được gọi là Ba la mật.

Thích đề hoàn nhân nói với Xá lợi phất: Như lời Ngài nói, có Bát nhã ba la mật dẫn đạo năm Ba la mật nên được gọi là Ba la mật. Xá lợi phát, nếu không có Thí ba la mật, thời năm ba la mật cũng không được gọi là Ba la mật, nếu không có Giới ba la mật, Nhẫn ba la mật, Tấn ba la mật, Thiền ba la mật, thời năm ba la mật cũng không được gọi là Ba la mật. nếu như vậy, cớ sao chỉ tán thán Bát nhã ba la mật?

Xá lợi phất đáp: Như vậy, như vậy! Kiều thi ca, không có Thí ba la mật thời năm Ba la mật không được gọi là Ba la mật; không có giới Ba la mật, Nhẫn, Tấn, Thiền ba la mật thời năm Ba la mật không được gọi là Ba la mật. Nhưng Bồ tát ma ha tát trú trong Bát nhã ba la mật thời có thể đầy đủ Thí ba la mật, Giới, Nhẫn, Tấn, Thiền ba la mật. Vì vậy nên, Kiều thi ca! Bát nhã ba la mật là tối thượng, đệ nhất, tối diệu, vô đẳng, vô đẳng đẳng đối với năm ba la mật.

Xá lợi phất bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, làm sao sanh Bát nhã ba la mật?

Phật bảo Xá lợi phất; Vì sắc chẳng sanh nên Bát nhã ba la mật phát sanh; vì thọ, tưởng, hành, thức chẳng sanh nên Bát nhã ba la mật phát sanh; vì Thí ba la mật chẳng sanh nên Bát nhã ba la mật phát sanh, cho đến vì Thiền ba la mật chẳng sanh nên Bát nhã ba la mật phát sanh; vì nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, bốn niệm xứ cho đến tám Thánh đạo phần, Phật mười lực cho đến nhất thiết trí, nhất thiết chủng trí chẳng sanh nên Bát nhã ba la mật phát sanh. Như vậy vì các pháp chẳng sanh nên Bát nhã ba la mật phát sanh.

Xá lợi phất thưa: Bạch Thế Tôn! Tại sao vì sắc chẳng sanh nên Bát nhã ba la mật phát sanh? Cho đến vì các pháp chẳng sanh nên Bát nhã ba la mật phát sanh?

Phật dạy: Vì sắc không khởi không sanh, không được không mất, cho đến vì hết thảy pháp không khởi không sanh, không được không mất nên Bát nhã ba la mật phát sanh.

Xá lợi phất bạch Phật rằng: Sanh Bát nhã ba la mật như vậy, hợp với những pháp gì?

Phật dạy: Không hợp với gì cả, vì vậy nên được gọi là Bát nhã ba la mật.

Bạch đức Thế Tôn, không hợp những pháp gì?

Phật dạy: Không hợp với pháp bất thiện, không hợp với pháp thiện, không hợp với pháp thế gian, không hợp với pháp xuất thế gian, không hợp với pháp hữu lậu, không hợp với pháp vô lậu, không hợp với pháp có tội, không hợp với pháp không tội, không hợp với pháp hữu vi, không hợp với pháp vô vi, vì cớ sao? Vì Bát nhã ba la mật không vì được các pháp nên sanh, vì thế nên đối với các pháp không hợp.

Bấy giờ, Thích đề hoàn nhân bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, Bát nhã ba la mật ấy, cũng không hợp Tát bà nhã.

Phật dạy: Như vậy, Kiều thi ca! Bát nhã ba la mật cũng không hợp Tát bà nhã, cũng không được.

Thích đề hoàn nhân thưa: Bạch đức Thế Tôn, tại sao Bát nhã ba la mật cũng không hợp Tát bà nhã, cũng không được?

Phật dạy: Bát nhã ba la mật không như danh tự, không như tướng, không như pháp khởi tác hợp.

Thích đề hoàn nhân thưa: Nay hợp thế nào?

Phật dạy: Nếu Bồ tát ma ha tát như không thủ, không thọ, không trú, không trước, không dứt, hợp như vậy, cũng không chỗ hợp. Như vậy, Kiều thi ca! Bát nhã ba la mật tùy hợp với hết thảy pháp, cũng không chỗ hợp.

Bấy giờ, Thích đề hoàn nhân bạch Phật: Chưa từng có vậy.

Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật ấy vì hết thảy pháp chẳng khởi, chẳng sanh, chẳng được, chẳng mất nên phát sanh.

Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Nếu Bồ tát ma ha tát khi tu Bát nhã ba la mật, nghĩ rằng: “Bát nhã ba la mật hoặc hợp với hết thảy pháp, hoặc không hợp” thì Bồ tát ấy đã bỏ Bát nhã ba la mật, xa lìa Bát nhã ba la mật.

Phật bảo Tu bồ đề: Lại có nhân duyên Bồ tát ma ha tát bỏ Bát nhã ba la mật, xa lìa Bát nhã ba la mật, nếu Bồ tát ma ha tát nghĩ rằng: “Bát nhã ba la mật ấy không có gì của chính nó, không hư, không kiên cố”. Thời Bồ tát ma ha tát ấy bỏ Bát nhã ba la mật, xa lìa Bát nhã ba la mật. Tu bồ đề, vì nhân duyên ấy, nên lìa bỏ Bát nhã ba la mật.

Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Tin Bát nhã ba la mật là không tin pháp gì?

Phật bảo Tu bồ đề! Tin Bát nhã ba la mật thời không tin sắc, không tin thọ, tưởng, hành, thức; không tin mắt cho đến ý; không tin sắc cho đến pháp; không tin nhãn giới cho đến ý thức giới; không tin Thí ba la mật, Giới ba la mật, Nhẫn ba la mật, Tấn ba la mật, Thiền ba la mật; không tin nội không cho đến vô pháp hữu pháp không; không tin bốn niệm xứ cho đến tám thánh đạo phần, không tin Phật mười lực, cho đến mười tám pháp không chung; không tin Tu đà hoàn quả, Tư đà hàm quả, A na hàm quả, A la hán quả, Bích chi Phật đạo; không tin Bồ tát đạo, không tin Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, cho đến trí nhất thiết chủng.

Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, tại sao khi tin Bát nhã ba la mật, thời không tin sắc cho đến trí nhất thiết chủng?

Phật bảo Tu bồ đề! Vì sắc không thể có được nên tin Bát nhã ba la mật, thời không tin sắc; cho đến vì trí nhất thiết chủng không thể có được nên tin Bát nhã ba la mật, không tin trí nhất thiết chủng. Vì thế cho nên Tu bồ đề khi tin Bát nhã ba la mật, thời không tin sắc cho đến không tin trí nhất thiết chủng.

LUẬN: Ở trên Phật cùng với Di lặc, Tu bồ đề, Thích đề hoàn nhân, chung nói ý nghĩ tùy hỷ. Xá lợi phất tuy im lặng, lắng nghe nghĩa Bát nhã ba la mật tùy hỷ ấy thâm thâm, vô lượng, vô biên, lợi ích lớn cho chúng sanh; tuy hết lậu hoặc được tịch diệt, mà phát tâm hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy chấp tay, bạch Phật rằng: “Làm được sự tùy hỷ, dứt các hý luận, lợi ích vô lượng chúng sanh, khiến vào Phật đạo, ấy là Bát nhã ba la mật”. Phật ấn khả lời ấy, nên nói “Phải”! Trong Bát nhã ba la mật nói thật tướng các pháp, trong thật tướng các pháp không có cấu trược hý luận, nên gọi là rốt ráo thanh tịnh, rốt ráo thanh tịnh nên có thể chiếu khắp hết thảy năm pháp tạng là quá khứ, vị lai, hiện tại, vô vi và bất khả thuyết.

Thế nên Xá lợi phất thưa: Bạch Thế Tôn, Bát nhã ba la mật có thể chiếu khắp hết thảy pháp, vì rốt ráo thanh tịnh. Bat nhã ba la mật hay thủ hộ Bồ tát, cứu các khổ não, làm mãn sở nguyện. Như vua trời Phạm Thiên thủ hộ ba ngàn đại thiên thế giới, cho nên chúng sanh đều kính lễ.

Bùn ba độc trong ba cõi không làm ô nhiễm, nên nói là không dính mắc ba cõi.

Phá hết thảy 108 phiền não ái nhiễm v.v…62 kiến chấp là ngã kiến v.v…nên nói là phá vô minh tối tăm.

Trong các pháp, trí tuệ hơn cả; trong trí tuệ, Bát nhã ba la mật hơn cả, lấy trí tuệ làm gốc, phân biệt 37 phẩm như bốn niệm xứ v.v…nên nói trí tuệ là tối thượng trong tất cả pháp trợ đạo.

Dứt được các khổ não sợ hãi sanh, già, bệnh, chết, nên nói là an ổn.

Trong Bát nhã ba la mật ấy thu nhiếp năm mắt, nên nói là hay cho ánh sáng.

Xa lìa nhị biên, hữu biên, vô biên v.v…nên nói hay chỉ bày chánh đạo.

Bồ tát trụ ở Kim Cang tam muội dứt hết thảy tập khí phiền não vi tế, khiến không còn sót lại, được vô ngại giải thoát, nên nói là trí nhất thiết chủng.

* Lại nữa, biết tướng chung, tướng riêng của hết thảy pháp, biết nhân duyên của trí nhất thiết chủng, nên nói là trí nhất thiết chủng.

Hay sanh mười phương ba đời vô lượng Phật pháp, nên nói là mẹ các Bồ tát.

Trong tất cả pháp vì mỗi mỗi tự tướng không, nên nói là bất sanh bất diệt.

Đoạn và thường là gốc các kiến chấp, các kiến chấp là gốc các kiết sử, các kiết sử là gốc khổ trong hết thảy sanh tử; thế nên nói là xa lìa sanh tử.

Hay làm cho chúng sanh tin các thiện pháp bảo của Tam bảo, được các thiện pháp bảo nên được cái vui thế gian, xuất thế gian. Vì hay làm cho chúng sanh được hai thứ vui nên nói là người cứu hộ cho người không ai cứu hộ.

Tướng Bát nhã ba la mật ấy cho đến mười phương chư Phật, không thể phá hoại, vì cớ sao? Vì rốt ráo không thể có được, huống gì người khác làm sao phá hoại. Cho nên nói là đầy đủ Ba la mật.

Trong Bát nhã ba la mật ấy, vì không có tự tánh, nên nói các pháp không chuyển vận trong sanh tử, không trở lại vào Niết bàn. Chẳng sanh nên chẳng chuyển vận, chẳng diệt nên chẳng trở lại. Cho nên nói hay chuyển vận pháp luân ba lần chuyển mười hai hành tướng. Nghĩa pháp luân ba lần chuyển mười hai hành tướng như trên đã nói.

Tất cả pháp có hai phần là hoặc có hoặc không có. Trong Bát nhã ba la mật ấy, có cũng không nên thủ, không có cũng không nên thủ, lìa có và không có ấy tức là thực tánh các pháp, cho nên nói là hay chỉ bày các pháp tánh.

Do vô lượng nhân duyên như vậy, tán thán Bát nhã sau sẽ nói rộng.

Tướng Bát nhã ba la mật ấy là vô tướng, có người tâm chưa thuần thục, cố tìm định tướng của Bát nhã, không thể được, bèn sanh tâm kiêu mạn. Thế nên Xá lợi phất hỏi: Nên làm sao cúng dường? Phật dạy: Nên cúng dường Bát nhã như cúng dường Phật. Vì người ta từ xa xưa lại đây đắm sâu vào tướng chúng sanh, đối với pháp tôn quý, tình mỏng nên nói như cúng dường Phật.

Người trí xem Phật với Bát nhã không khác nhau, vì sao? Vì Bát nhã được tu tập liền biến thành nhất thiết trí. Trong đây Phật tự nói nhân duyên. Trong Bát nhã ba la mật ấy xuất sanh hiền thánh, xuất sanh mười thiện đạo v.v…và pháp thế gian xuất thế gian cho đến trí nhất thiết chủng.

Bấy giờ Đế thích khởi niệm ấy là ý rằng: Vì Xá lợi phất là người lậu tận lìa dục, mà như tuồng người chấp trước pháp tán thán Bát nhã. Nay Xá lợi phất tự nói nhân duyên: Bồ tát vì được Bát nhã thủ hộ, dùng sức phương tiện, hay tùy hỷ phước đức hồi hướng mà không phá hoại tướng Bát nhã ba la mật. Việc ấy quá hy hữu, nên tôn kính Bát nhã ba la mật và hỏi Phật làm sao cúng dường?

* Lại nữa, Kiều thi ca! Bát nhã ba la mật tự có thế lực nên hơn năm Ba la mật kia.

Hỏi: năm Ba la mật kia nên dùng năm người mù ví dụ là đủ, cớ sao nói đến trăm ngàn người?

Đáp: Trong đây cốt nói thế lực Bát nhã, không luận nhiều ít.

* Lại nữa, nếu nói dẫn đạo năm người thì không đủ quý, nên nói dẫn đạo trăm ngàn người.

* Lại nữa, Ba la mật như trong hiền kiếp tam muội có 84. 000 ba la mật; nói rộng thì vô lượng.

Hỏi: Thí Ba la mật cũng có mắt, vì sao? Vì tin có tội phước phá vô minh tà kiến, cho nên bố thí, cớ sao ví dụ người không có mắt?

Đáp: Ở trong bố thí, trí tuệ là khách từ ngoài đến, không phải chú thể chính, ví như bốn đại thường hòa hợp, không được rời nhau, các ba la mật hòa hợp với nhau cũng như vậy.

Không thể theo đường đi đến thành, con đường là con đường mười địa Bồ tát, thành là trí nhất chủng và các Phật pháp.

* Lại nữa, con đường là tám Thánh đạo phần, thành là Niết bàn. Như người mù tuy có đủ sức lực tay chân, mà không thể tùy ý đi đến, được người có mắt sáng dẫn dắt mới tùy ý đi đến, thành tựu mọi việc. Năm ba la mật tuy mỗi mỗi có thể làm nên việc, nếu không được Bát nhã chỉ đạo, thời còn không được hai thừa, huống gì đạo vô thượng. Năm Ba la mật được Bát nhã ba la mật dẫn đạo, nên được gọi là Ba la mật, cho đến thành Phật đạo.

Đế thích hỏi: Ông tự nói các ba la mật hòa hợp, giúp đỡ cho nhau như bốn đại không được rời nhau, như vậy thì Bát nhã ba la mật cũng phải chờ năm pháp kia, cớ sao đây chỉ nói nhờ Bát nhã nên năm pháp kia được gọi là ba la mật?

Đáp: tuy sáu pháp hòa hợp giúp đỡ cho nhau, mà lực Bát nhã ba la mật lớn, nên năm pháp kia nhân đó được gọi là ba la mật; ví như hợp các thứ thuốc đã tán thành bột, tuy các thứ thuốc đều có lực dụng, nhưng thế của đá lớn hơn nên gọi là thạch tán. lại như đại quân đánh giặc, tuy mỗi người đều có sức, mà sức chủ tướng lớn hơn; nên chủ được gọi là tướng.

Xá lợi phất đã hỏi việc cúng dường Bát nhã, nay hỏi hành giả làm sao phát sanh Bát nhã ba la mật?

Phật đáp: Nếu hành giả quán thấy tướng các pháp sắc v.v…chẳng sanh, ấy thời phát sanh Bát nhã ba la mật.

Xá lợi phất lại hỏi: Làm sao quán thấy sắc chẳng sanh nên Bát nhã ba la mật phát sanh?

Đáp: Sắc do nhân duyên hòa hợp sanh khởi, hành giả biết sắc hư vọng không để khởi lên, vì không khởi nên không sanh, không sanh nên không được, không được nên không mất.

Bấy giờ, Xá lợi phất ý hỏi: Bát nhã không có chỗ làm duyên phát sanh, hành giả cũng không có sanh, như vậy Bát nhã hợp với pháp gì? Cuối cùng về trụ chỗ nào? Được quả báo gì?

Đáp: Tướng Bát nhã ba la mật vô sanh, cho nên không có hợp. Nếu Bát nhã ba la mật có pháp hợp, hoặc thiện, hoặc bất thiện v.v…thời không gọi là Bát nhã ba la mật. Không hợp vào đâu, nên vào trong Bát nhã ba la mật.

Hỏi: Nếu như vậy, Đế thích đã biết tát cả pháp không hợp, cớ sao chỉ hỏi về Tát bà nhã không hợp?

Đáp: Đế thích quí trọng, đắm sâu Bát nhã ấy, còn đối với Tát bà nhã thì chưa dứt ái, nên nói cho đến Tát bà nhã cũng không hợp ư?

Phật đáp: Bát nhã ba la mật với Tát bà nhã cũng không hợp, vì tất cả pháp rốt ráo không sanh. Trong đây Phật phá tà kiến chấp đoạn diệt, nên nói hợp; Bát nhã ba la mật không như người phàm phu chấp tướng chấp danh, hợp với pháp hữu vi tác khởi như tâm hợp tâm Phật.

Hỏi: Thế nào như hợp Phật tâm?

Đáp: Biết tất cả tướng hư dối, nên không chấp tướng; biết trong tát cả pháp có tội lỗi vô thường nên không thọ; tâm chấp tôi ta trói buộc thế gian đều là tướng động, nên không trụ; hay sanh các thứ khổ não, sau biến đổi, nên không đắm trước; tất cả thế gian điên đảo, quả báo điên đảo không thật, như nhuyễn, như mộng, không diệt đi đâu, nên không đoạn. Thế nên Phật không chấp trước pháp, không sanh tâm cống cao, vào trong tướng lành rốt ráo không, thâm nhập tâm đại bi, để cứu chúng sanh, Bồ tát nên hợp như tâm Phật.

Đế thích hoan hỷ tán thán rằng: Hy hữu! Bát nhã ba la mật ấy không phá hoại các pháp, chẳng sanh, chẳng sanh, chẳng được, chẳng mất, mà có thể thành tựu Bồ tát, khiến được đi đến thành Phật.

Tu bồ đề thưa: Nếu bồ tát dùng tâm có sở đắc như vậy mà phân biệt nhất thiết trí v.v…tất cả pháp hoặc hợp hoặc không hợp, thời Bồ tát ấy Bát nhã ba la mật.

Phật ấn khả lời nói ấy! Như vậy lại có nhân duyên, Bồ tát nếu thủ lấy lời ông nói, tất cả pháp không có hợp, chẳng hợp, thủ lấy tướng không ấy, nói rằng Bát nhã không, không có gì của chính nó, không kiên cố, ấy thời cũng mất Bát nhã ba la mật.

Tu bồ đề biết tướng Bát nhã ba la mật là không thể có được, cho nên hỏi nếu tin Bát nhã ba la mật, là tin pháp gì? Bát nhã ba la mật không cũng không thể có được, thời tâm quyết định tin nơi pháp gì?

Phật dạy: Tất cả pháp sắc v.v…không thể tin, vì sao? Vì tất cả pháp sắc v.v…tự tánh không thể có được, cho nên không thể tin.

KINH: Tu bồ đề thưa Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật gọi là đại Ba la mật!

Tu bồ đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, Bát nhã ba la mật đối với sắc không tác ý lớn, không tác ý nhỏ, đối với thọ, tưởng, hành, thức không tác ý lớn, không tác ý nhỏ; đối với mắt cho đến ý, sắc cho đến pháp, nhãn thức giới cho đến ý thức giới không tác ý lớn, không tác ý nhỏ; đối với Thí ba la mật cho đến Thiền ba la mật không tác ý lớn, không tác ý nhỏ; đối với nội không cho đến vo pháp hữu pháp không, không tác ý lớn, không ác ý nhỏ; đối với bốn niệm xứ cho đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, không tác ý lớn, không tác ý nhỏ; đối với các Phật pháp không tác ý lớn không tác ý nhỏ; đối với Phật không tác ý lớn không tác ý nhỏ.

Bát nhã ba la mật ấy, đối với sắc không tác ý hợp, không tác ý tán; đối với thọ, tưởng, hành, thức không tác ý hợp, không tác ý tán; cho đến đối với chư Phật không tác ý hợp, không tác ý tán. Đối với sắc không tác ý vô lượng, không tác ý chẳng phải vô lượng. Đối với sắc không tác ý rộng, không tác ý hẹp, không tác ý sắc có lực, không tác ý sắc không có lực, cho đến đối với chư Phật không tác ý có lực, không tác ý không có lực.

Bạch đức Thế Tôn! do nhân duyên ấy, nên Bát nhã ba la mật được gọi là đại Ba la mật.

Bạch đức Thế Tôn! Bồ tát ma ha tát tân học, nếu không xa lìa Bát nhã ba la mật, không xa lìa Thiền ba la mật, không xa lìa Tấn ba la mật, không xa lìa Nhẫn ba la mật, không xa lìa Giới ba la mật, không xa lìa Thí ba la mật, nhưng suy nghĩ như vầy: Bát nhã ba la mật ấy không tác ý sắc lớn, không tác ý sắc nhỏ; cho đến đối với chư Phật không tác ý lớn, không tác ý nhỏ; đối với sắc không tác ý hợp, không tác ý tán, không tác ý sắc vô lượng, không tác ý chẳng phải sắc vô lượng, không tác ý sắc có lực, không tác ý sắc không có lực, cho đến đối với chư Phật không tác ý có lực, không tác ý không có lực. Bạch đức Thế Tôn, Bồ tát ma ha tát ấy nếu nghĩ như vậy là không thật hành Bát nhã ba la mật, vì sao? Vì đó chẳng phải tướng Ba la mật, nghĩa là tác ý sắc lớn nhỏ, cho đến đối với chư Phật tác ý lớn nhỏ, sắc có lực, không có lực, cho đến chư Phật có lực không có lực.

Bạch đức Thế Tôn! Vì Bồ tát ma ha tát ấy dùng trí có sở đắc nên có lỗi lớn, tức là khi thật hành Bát nhã ba la mật, mà tác ý sắc lớn, tác ý sắc nhỏ cho đến đối với chư Phật tác ý có lực, tác ý không có lực, vì sao? Vì có tướng sở đắc, thời không có Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, vì cớ sao? Vì chúng sanh chẳng sanh, nên Bát nhã ba la mật cũng chẳng sanh; cho đến vì Phật chẳng sanh nên Bát nhã ba la mật chẳng sanh.

Vì chúng sanh tánh không có, nên Bát nhã ba la mật tánh không có, vì sắc tánh không có, nên Bát nhã ba la mật tánh không có; cho đến Phật tánh không có, nên Bát nhã ba la mật không có.

Vì chúng sanh chẳng phải pháp nên Bát nhã ba la mật chẳng phải pháp; vì sắc chẳng phải pháp nên Bát nhã ba la mật; cho đến vì Phật chẳng phải pháp nên Bát nhã ba la mật chẳng phải pháp.

Vì chúng sanh không nên Bát nhã ba la mật không; vì sắc không nên Bát nhã ba la mật không; cho đến vì Phật không nên Bát nhã ba la mật không.

Vì chúng sanh lìa tướng nên Bát nhã ba la mật xa lìa, vì sắc lìa tướng nên Bát nhã ba la mật lìa tướng; cho đến vì Phật lìa tướng nên Bát nhã ba la mật lìa tướng.

Vì chúng sanh không có nên Bát nhã ba la mật không có; vì sắc không có nên Bát nhã ba la mật không có; cho đến vì Phật không có nên Bát nhã ba la mật không có.

Vì chúng sanh không thể nghĩ bàn nên Bát nhã ba la mật không thể nghĩ bàn; vì sắc không thể nghĩ bàn nên Bát nhã ba la mật không thể nghĩ bàn; cho đến vì Phật không thể nghĩ bàn nên Bát nhã ba la mật không thể nghĩ bàn.

Vì chúng sanh không diệt nên Bát nhã ba la mật không diệt; vì sắc không diệt nên Bát nhã ba la mật không diệt; cho đến vì Phật không diệt, nên Bát nhã ba la mật không diệt.

Vì chúng sanh không thể biết nên Bát nhã ba la mật không thể biết; vì sắc không thể biết nên Bát nhã ba la mật không thể biết; cho đến vì Phật không thể biết nên Bát nhã ba la mật không thể biết.

Vì chúng sanh lực không thành tựu nên Bát nhã ba la mật lực không thành tựu; vì sắc lực không thành tựu, nên Bát nhã ba la mật lực không thành tựu; cho đến vì Phật lực không thành tựu nên Bát nhã ba la mật lực không thành tựu.

Bạch đức Thế Tôn, do nhân duyên ấy nên Bát nhã ba la mật của các Bồ tát được gọi là đại Ba la mật.

LUẬN: Tu bồ đề nghe lời Phật dạy, cỡi mở tâm nghi, tán thán Bát nhã ba la mật rằng: “Bát nhã ấy gọi là đại Ba la mật”.

Phật trở lại hỏi Tu bồ đề: Ý ông nghĩ sao? Cớ sao gọi là đại Ba la mật?

Tu bồ đề đáp: Vì đối với các pháp sắc v.v…không tác ý lớn, không tác ý nhỏ. Tâm phàm phu đối với các pháp tùy ý tác lớn nhỏ, như người gặp khi cấp bách thời tâm họ rút nhỏ lại, khi an ổn giàu vui thì tâm họ mở rộng lớn.

Lại như trong tám pháp bội xả, vì hoặc theo tâm mà ngoại sắc biến thành hoặc lớn nhỏ.

Lại như người phàm phu, đối với sắc mất, thấy chẳng phải sắc cũng bảo là sắc, như nghiệp, lượng, số, pháp một, khác v.v…hợp làm sắc, ấy gọi là đối với sắc tác ý lớn. Có

người mắt thấy sắc, chỗ thấy được gọi là sắc, chỗ không thấy được, không gọi là sắc.

Có người nói: Sắc thô, hư dối chẳng phải thật sắc, chỉ các vi trần thường có mới gọi là sắc thật, vi trần khi hòa hợp lại giả danh là sắc, ấy gọi là đối với sắc tác ý nhỏ.

Có các nhân duyên như vậy, phàm phu đối với sắc hoặc tác ý lớn, hoặc tác ý nhỏ, theo ức tưởng phân biệt, cho nên phá hoại pháp tánh. Còn Bát nhã ba la mật thì tùy theo sắc tánh mà quán đúng thật, không tác ý lớn, nhỏ, chẳng hợp, chẳng tán, trong Bát nhã ba la mật không nói sắc vi trần hòa hợp lại liền có sắc danh, mà chỉ có giả danh, không có sắc có định tướng, thế nên không hợp không tán.

Sắc vô biên nên vô lượng; không chỗ nào không có sắc, không lúc nào không có sắc, cho nên không có lượng.

Sắc là pháp có tạo tác, trong Bát nhã ba la mật không cho vì vi trần hợp lại nên có sắc thô, không vì sắc thô tán ra nên trở vi trần. Thế nên nói không hợp không tán.

Pháp sinh khởi thì có phân biệt trù lượng nhiều ít, không được nói là chẳng hợp chẳng tán vô lượng, như đối với người phàm vì “không” nên nói vô lượng, vì thật nên nói có lượng. Bát nhã ba la mật xa lìa “không” “thật”, nên nói chẳng phải lượng chẳng phải vô lượng.

Người phàm phu theo tâm ức niệm mà được hiểu, cho nên đối với sắc tác ý rộng tác ý hẹp, còn Bát nhã ba la mật quán tướng thật pháp không theo tâm nên chẳng phải rộng chẳng phải hẹp.

Người phàm phu không biết do nhân duyên hòa hợp sanh các pháp, cho nên nói sắc có lực, như hợp các sợi làm dây, người không biết bảo dây có lực. Lại như tường đổ giết người, nói tường có lực. Nếu mỗi mỗi phân tán thời không có lực. Bát nhã ba la mật biết tướng hòa hợp nên không nói một pháp có lực, không nói không có lực, vì thế nên gọi là đại Ba la mật.

Lại có nhân duyên lớn nếu Bồ tát không xa lìa sáu Ba la mật, thời đối với các pháp sắc v.v…không tác ý lớn, không tác ý nhỏ, chỉ hành Bát nhã ba la mật, thời tâm tán loạn không điều hòa nhu thuận, thường sanh nghi hối tà kiến, mất tướng Bát nhã ba la mật. Nếu Bát nhã cùng với năm Ba la mật hòa hợp thực hành thời điều hòa nhu thuận không sai lầm, thành tựu được mọi việc, thí như tám Thánh đạo phần, chánh kiến là đạo, nhưng nếu không có bảy việc kia trợ giúp thời không thành sự, cũng không gọi là chánh kiến. Vì thế nên Phật nói tất cả các thiện pháp, đều do nhân duyên hòa hợp cọng sanh, không có một pháp nào độc một mình tự sanh ra. Thế nên khi hòa hợp thì mỗi mỗi đều có lực, chỉ lực có lớn nhỏ, ấy gọi thật hành Bát nhã ba la mật, phân biệt các pháp sắc v.v…hoặc lớn hoặc nhỏ, người ấy liền rơi vào chỗ dùng có sở đắc, rơi vào hữu biên; nếu với các pháp sắc v.v…không phân biệt hoặc lớn hoặc nhỏ, lìa năm Ba la mật thì đắm vào tướng “không” chẳng lớn chẳng nhỏ v.v…ấy! Trước phân biệt các pháp lớn nhỏ, có sở đắc, là sai; nay đắm vào tướng “không” chẳng lớn chẳng nhỏ, cũng là sai, vì cớ sao? Vì trong đây Tu bồ đề nói nhân duyên: Có tướng sở đắc là cho đến nói không có Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, tướng tịch diệt, tướng không sở đắc, tướng rốt ráo thanh tịnh. Tướng có sở đắc là sanh các hý luận cạnh tranh.

Tất cả pháp không sanh không diệt, không có tướng sở đắc, như ngã, chúng sanh, tìm khắp mười phương cũng không thể có được, chỉ có giả danh, thật chẳng sanh. Vì chúng sanh chẳng sanh nên Bát nhã ba la mật cũng như tướng chúng sanh, phá tâm điên đảo chấp tôi ta, nên chẳng sanh chẳng diệt. Như các pháp sắc v.v…tìm tướng sanh không thể có được, nên chẳng sanh.

hai pháp thu nhiếp hết thảy pháp là chúng sanh và pháp. hai pháp ấy do nhân duyên hòa hợp sanh nên chỉ có giả danh, không có định tánh. Nếu pháp không có định tánh, pháp ấy tức là vô sanh. Vì hai pháp ấy vô sanh, cho nên biết các pháp sắc v.v…cũng vô sanh.

Chúng sanh pháp không có tự tánh, không có gì của chính nó, “không” lìa tướng, không thể nghĩ bàn, không diệt, không thể biết, cũng như vậy.

Vì lực chúng sanh không thành tựu nên lực Bát nhã ba la mật không thành tựu là, trước nói tất cả pháp tự nhân duyên hòa hợp sanh, mỗi mỗi không có tự lực. Bát nhã ba la mật biết các pháp mỗi mỗi không có tự lực, nên không có tự tánh; không có tự tánh nên không.

Bát nhã ba la mật từ các pháp sanh, nên không có tự lực, vì không có tự lực, nên cũng đồng các pháp rốt ráo không. Thế nên nói chúng sanh và pháp, lực không thành tựu nên Bát nhã ba la mật lực cũng không thành tựu.

Hòi: Trước nói đối với các pháp sắc v.v…không tác ý có lực, không tác ý vô lực, cớ sao nay lại nói chúng sanh và các pháp sắc v.v…lực không thành tựu nên Bát nhã ba la mật lực cũng không thành tựu?

Đáp: Ở trên nói Bát nhã quán các pháp không tác ý có lực, không tác ý vô lực, người nghe cho rằng Bát nhã ba la mật hay khởi lên sự quán sát ấy, tức là có lực, cho nên trong đây nói lực chúng sanh và sắc v.v…không thành tựu nên lực Bát nhã ba la mật cũng không thành tựu.

Có các nhân duyên như vậy, nên gọi là đại Ba la mật.

***

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.