Kinh Thủ Lăng Nghiêm

Chương 4 - Các Địa Vị Tu Chứng



A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:

– Chúng con ngu độn, ưa thích đa văn, đối với các tâm hữu lậu chưa cầu ra khỏi. Nhờ lời dạy từ bi của Phật, được huân tu chân chánh, thân tâm vui thích, được lợi ích lớn. Bạch Thế Tôn, những người tu chứng chánh định của Phật như thế, khi chưa đến Niết-bàn thì thế nào gọi là Càn huệ địa? Bốn mươi bốn tâm, đến thứ lớp nào mà được danh mục tu hành? Đến chỗ nào gọi là Nhập địa? Thế nào gọi là Bồ-tát Đẳng giác?

Thưa lời ấy rồi, năm vóc gieo xuống đất, đại chúng nhất tâm chờ nghe lời Phật dạy, chiêm ngưỡng mắt không rời. Khi ấy đức Thế Tôn khen ngợi A-nan rằng:

– Lành thay! Lành thay! Các ông mới hay khắp vì đại chúng và tất cả chúng sanh đời mạt pháp, tu về chánh định, cầu được pháp đại thừa, xin ta xa chỉ bày con đường tu hành chân chánh vô thượng, từ phàm phu cho đến đại Niết-bàn. Nay ông lắng nghe, ta sẽ vì ông nói.

A-nan và đại chúng chắp tay, chú tâm im lặng vâng lời Phật dạy.

I. HAI NHÂN ĐIÊN ĐẢO

Phật bảo: – A-nan phải biết, diệu tánh tròn sáng lìa các danh tướng, xưa nay không có thế giới và chúng sanh. Nhân vọng mà có sanh, nhân sanh có diệt, sanh diệt gọi là vọng, diệt vọng gọi là chân. Đây gọi là hai hiệu chuyển y Vô thượng Bồ-đề và đại Niết-bàn của Như Lai.

Này A-nan, nay ông muốn tu về chánh định chân thật, thẳng đến đại Niết-bàn của Như Lai, trước phải biết hai nhân điên đảo: thế giới và chúng sanh.

Nếu điên đảo không sanh, đây là chánh định chân thật của Như Lai vậy.

  1. Chúng sanh điên đảo

Này A-nan, thế nào gọi là chúng sanh điên đảo? A-nan, do tâm tánh sáng suốt, tánh sáng tròn đầy, nhân minh mà phát ra tánh, tánh đó là vọng, từ đó mà kiến phát sanh. Từ rốt ráo không thành ra rốt ráo có.

Cái năng hữu và sở hữu này, không phải là năng nhân sở nhân, không phải tướng năng trụ sở trụ. Rõ ràng không có cội gốc.

Từ gốc này không dừng trụ, kiến lập ra thế giới và các chúng sanh.

Bởi mê không biết viên minh ban đầu, từ đó sanh ra hư dối, tánh hư dối đó không có tự thể, không có chỗ nương tựa. Lại muốn trở về chân, cái muốn chân đó đã chẳng thật là tánh chân như.

Không phải chân mà lại cầu chân thì rõ ràng thành chẳng phải tướng. Chẳng phải sanh, chẳng phải trụ, chẳng phải tâm, chẳng phải pháp mà xoay vần phát sanh. Do sức sanh mà phát minh, huân tập thành nghiệp. Đồng nghiệp thì cảm ứng nhau, nhân có nghiệp cảm nên diệt nhau sanh nhau. Do đó nên có chúng sanh điên đảo.

  1. Thế giới điên đảo

Này A-nan, thế nào gọi là thế giới điên đảo?

Bởi có năng hữu, sở hữu này nên vọng chia thành từng phần từng đoạn, nhân đây mà lập ra giới (không gian). Chẳng phải năng nhân, sở nhân, không có năng trụ, sở trụ, dời đổi không ngừng, nhân đây mà thành ra thế (thời gian). Ba đời bốn phương hòa hợp lẫn nhau, chúng sanh biến hóa thành ra mười hai loại.

Thế nên thế giới nhân động mà có tiếng, nhân tiếng mà có sắc, nhân sắc mà có hương, nhân hương có xúc, nhân xúc có vị, nhân vị mà biết pháp.

Sáu thứ vọng tưởng rối loạn biến thành nghiệp tánh, phân chia ra mười hai phần, do đây mà luân chuyển. Thế nên trong thế gian, thanh hương vị xúc… biến hoá tột cùng mười hai lần thành một vòng quay trở lại.

  1. Mười hai loài chúng sanh

Dựa trên những tướng điên đảo xoay vần đó nên trong thế giới có các loài sanh bằng trứng, sanh bằng thai, sanh từ nơi ẩm ướt, sanh do biến hóa, có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, hoặc chẳng phải có sắc, hoặc chẳng phải không sắc, hoặc chẳng phải có tưởng, hoặc chẳng phải không tưởng.

A-nan, do nhân thế giới hư vọng luân hồi điên đảo về động, hòa hợp với khí mà thành tám muôn bốn ngàn loạn tưởng bay lặn. Thế nên mới có mầm trứng Yết-la-lam lưu chuyển trong cõi nước, thành các loại cá, chim, rùa, rắn đầy dẫy.

Do nhân thế giới tạp nhiễm luân hồi điên đảo về dục, hòa hợp với tư (thấm ướt) mà thành tám muôn bốn ngàn loạn tưởng đi ngang và đi đứng thẳng. Như thế nên có bào thai Át-bồ-đàm lưu chuyển trong cõi nước, gồm các loài người, thú, rồng, tiên đầy dẫy.

Do nhân thế giới chấp trước luân hồi điên đảo tìm đến, hòa hợp với sức nóng ấm thành ra tám muôn bốn ngàn loạn tưởng nghiêng ngửa. Như thế nên có tướng tế-thi thấp sanh lưu chuyển trong cõi nước, gồm các loài ngọ ngoạy, lúc nhúc đầy dẫy.

Do nhân thế giới biến đổi luân hồi điên đảo hư giả, hòa hợp với xúc mà thành tám muôn bốn ngàn loạn tưởng mới cũ. Như thế nên có tướng Yết-nam hóa sanh lưu chuyển trong cõi nước, gồm các loài lột vỏ, bay đi đầy dẫy.

Do nhân thế giới lưu ngại luân hồi điên đảo vì chướng, hòa hợp với chấp trước thành ra tám muôn bốn ngàn loạn tưởng tinh diệu. Như thế nên có Yết-nam sắc tướng lưu chuyển trong cõi nước, gồm các loài hưu cữu, tinh minh đầy dẫy.

Do nhân thế giới tiêu tán luân hồi điên đảo vì hoặc, hòa hợp với tối mà thành tám muôn bốn ngàn loạn tưởng thầm ẩn. Như thế nên có Yết-nam vô sắc lưu chuyển trong cõi nước, thành ra các loài không tán, tiêu trầm đầy dẫy.

Do nhân thế giới võng tượng luân hồi điên đảo về bóng ảnh, hòa hợp với nhớ mà thành tám vạn bốn ngàn loạn tưởng tiềm kết (thầm cột trói). Như thế nên có Yết-nam hữu tướng lưu chuyển trong cõi nước, như các loại quỷ thần, tinh linh đầy dẫy.

Do nhân thế giới ngu độn luân hồi điên đảo về si, hòa hợp với ngoan không, thành ra tám muôn bốn ngàn loạn tưởng khô cảo. Như thế nên có Yết-nam vô tưởng lưu chuyển trong cõi nước, tinh thần hóa làm các loại đất, cây, vàng, đá đầy dẫy.

Do nhân thế giới tương đãi luân hồi điên đảo về ngụy, nên hòa hợp với nhiễm thành ra tám muôn bốn ngàn loạn tưởng nương gá. Như thế nên có Yết-nam chẳng có sắc tướng thành có sắc lưu chuyển trong cõi nước, như thủy mẫu v.v… lấy con tôm làm mắt, các loài ấy đầy dẫy.

Do nhân thế giới tương dẫn luân hồi điên đảo về tánh, hòa hợp với chú thành tám muôn bốn ngàn loạn tưởng hô triệu. Do đây nên có Yết-nam chẳng phải vô sắc mà vô sắc lưu chuyển trong cõi nước, các loại bùa, chú, ếm đối sanh đầy dẫy.

Do nhân thế giới hợp vọng luân hồi điên đảo về võng, hòa hợp với khác mà thành tám muôn bốn ngàn loạn tưởng hồi hỗ. Như thế nên có Yết-nam chẳng có tưởng thành có tưởng lưu chuyển trong cõi nước, như tò vò mượn chất khác mà thành thân, các loài ấy đầy dẫy.

Do nhân thế giới oán hại luân hồi điên đảo về sát, hòa hợp với quái thành ra tám muôn bốn ngàn loạn tưởng ăn thịt cha mẹ. Như thế nên có Yết-nam chẳng phải vô tưởng mà vô tưởng lưu chuyển trong cõi nước, như loài thổ kiêu… ấp cục đất thành con và chim phá kính ấp trái cây độc thành con, khi con đã lớn thì cha mẹ đều bị nó ăn thịt, các loài ấy đầy dẫy.

Đây gọi là mười hai loài chúng sanh.

II. BA THỨ LỚP

A-nan, như thế trong mỗi mỗi loài chúng sanh cũng đều có đủ mười hai thứ điên đảo, giống như dụi mắt thấy hoa đốm lăng xăng phát sanh.

Chân tâm thanh tịnh tròn sáng nhiệm mầu, bởi điên đảo nên có đầy đủ các loạn tưởng hư vọng như thế.

Nay ông tu chứng chánh định của Phật, đối với loạn tưởng vốn là cội gốc điên đảo, nên lập ra ba thứ lớp thì mới trừ diệt được. Như trong bình sạch muốn trừ bỏ mật độc phải dùng nước nóng cùng với tro và nước thơm để tẩy rửa bình ấy, sau mới đựng được nước cam lồ.

Thế nào gọi là ba thứ lớp? Một là tu tập trừ bỏ trợ nhân kia. Hai là chân tu để cắt dẹp chánh tánh kia. Ba là tăng tấn để trái với hiện nghiệp kia.

  1. Trợ nhân

Thế nào là trợ nhân?

Này A-nan, mười hai loài chúng sanh trong thế giới như thế, không thể tự sống được mà phải nương bốn cách ăn để tồn tại. Đó là đoạn thực, xúc thực, tư thực, thức thực. Thế nên Phật nói tất cả chúng sanh đều nương nơi ăn mà sống còn.

Này A-nan, tất cả chúng sanh ăn những thứ tốt lành nên sống, ăn những thứ độc thì chết. Các chúng sanh ấy cầu chánh định phải bỏ năm thứ rau cay ở thế gian. Năm thứ rau cay đó nếu ăn chín thì phát dâm, ăn sống thì tăng nóng giận.

Như thế người ăn năm thứ rau cay ở thế giới này, dù giảng nói được mười hai bộ kinh, Tiên thiên (chỉ cho Phật, Bồ-tát, thánh hiền) trong mười phương không ưa mùi hôi đó, nên đều tránh xa. Còn các loài quỷ đói v.v… nhân lúc người kia ăn những thứ ấy, đến liếm môi mép người đó. Người ấy thường cùng ở với quỷ, phước đức ngày càng tiêu mòn, lâu dần không có lợi ích.

Người ăn rau cay ấy tu chánh định, Bồ-tát, Thiên tiên, thiện thần mười phương đều không đến bảo vệ cho họ. Đại lực quỷ vương được cơ hội ấy, hiện làm thân Phật đến nói pháp cho người đó nghe, chê bai các giới cấm, khen ngợi dâm, giận, si. Người ấy mạng chung tự làm quyến thuộc của ma vương. Hưởng phước của ma hết rồi, phải đọa địa ngục Vô gián.

Này A-nan, người tu đạo Bồ-đề phải bỏ hẳn năm thứ rau cay. Đây gọi là thứ lớp tu hành tăng tiến thứ nhất vậy.

  1. Chánh tánh

Thế nào là chánh tánh?

Này A-nan, chúng sanh vào chánh định như thế, trước cần phải nghiêm trì giới luật cho thanh tịnh, đoạn hẳn lòng dâm, không ăn thịt uống rượu, dùng thức ăn nấu chín, không ăn đồ sống. Này A-nan, người tu hành này nếu không đoạn dâm và sát sanh mà muốn ra khỏi ba cõi thì không có lẽ ấy.

Phải quán dâm dục giống như rắn độc, như thấy giặc thù. Trước giữ giới Tứ khí, Bát khí của Thanh văn, giữ thân không động. Sau hành luật nghi thanh tịnh của Bồ-tát, giữ tâm không dấy khởi.

Cấm giới được thành tựu thì ở thế gian hằng không bị nghiệp sanh sát lẫn nhau.

Không làm việc trộm cắp thì không mắc nợ lẫn nhau. Cũng ở thế gian này mà không phải trả nợ trước.

Người thanh tịnh ấy tu chánh định thì ngay nơi thân thịt do cha mẹ sanh không cần thiên nhãn, tự nhiên xem thấy thế giới mười phương, thấy Phật, nghe pháp, chính mình vâng theo lời Phật dạy, được đại thần thông dạo đi thế giới mười phương, được túc mạng thanh tịnh, không còn bị khó khăn hiểm trở. Ấy gọi là thứ lớp tu hành tăng tiến thứ hai.

  1. Hiện nghiệp

Thế nào là hiện nghiệp?

Này A-nan, người giữ giới thanh tịnh như thế, tâm không tham dâm, đối với sáu trần bên ngoài không hay giong ruổi theo. Nhân không đuổi theo nên tự xoay trở về tánh bản nguyên.

Trần đã chẳng duyên, căn không thể hợp, xoay trở về dòng toàn một thì sáu dụng không hiện hành, cõi nước mười phương thanh tịnh sáng rỡ, ví như trong ngọc lưu ly có treo mặt trăng sáng, thân tâm đều vui thích, nhẹ nhàng, diệu viên, bình đẳng, được đại an ổn. Pháp mật viên thanh tịnh nhiệm mầu của tất cả Như Lai đều hiện trong ấy, người này liền được vô sanh pháp nhẫn.

Từ đó dần dần tu tập, tùy các hạnh phát ra mà an lập thánh vị. Đó gọi là thứ lớp tu hành tăng tiến thứ ba.

III. AN LẬP CÁC THÁNH VỊ

  1. Càn huệ địa

Này A-nan, người thiện nam ấy ái dục đã khô khao, căn cảnh không còn phối hợp, cái thân tàn hiện tiền không còn tiếp tục sanh trở lại. Giữ tâm rỗng sáng, thuần là trí tuệ. Tánh tuệ tròn sáng, sáng ngời khắp các cõi nước mười phương. Bởi chỉ có trí tuệ khô kia, nên gọi là Càn huệ địa.

  1. Thập tín

Tập khí ái dục mới khô cạn, nhưng chưa được tiếp nhận dòng nước pháp của Như Lai, liền dùng tâm này đi thẳng vào trong dòng.

Tánh diệu tròn đầy bày hiện. Từ chân diệu viên lại phát ra chân diệu.

Lòng tin nhiệm mầu thường còn, tất cả vọng tưởng diệt hết không còn sót, trung đạo thuần chân, gọi là Tín tâm trụ.

Lòng tin chân thật sáng tỏ, tất cả đều tròn đầy rỗng suốt. Ba thứ: ấm, xứ, giới không thể làm chướng ngại nữa. Như thế cho đến quá khứ vị lai trong vô số kiếp, khi bỏ thân thọ thân, tất cả tập khí đều hiện ở trước. Người thiện nam ấy đều có thể nhớ nghĩ được, không quên mất gì, gọi là Niệm tâm trụ.

Tánh mầu tròn khắp thuần chân, chân tinh phát ra sự biến hóa, những tập khí từ vô thủy đều thông một tinh minh. Chỉ dùng tinh minh này tiến đến chân tịnh, gọi đó là Tinh tấn tâm.

Tâm tinh hiện tiền, thuần dùng trí tuệ, gọi là Huệ tâm trụ.

Giữ gìn trí sáng trong lặng cùng khắp. Tánh lặng lẽ nhiệm mầu thường lắng đọng, gọi đó là Định tâm trụ.

Ánh sáng định phát ra sáng rỡ, tánh sáng vào sâu, chỉ tiến không lùi, gọi là Bất thối tâm.

Tâm an nhiên tiến tới, gìn giữ không mất, giao tiếp với khí phần của Như Lai mười phương, gọi là Hộ pháp tâm.

Gìn giữ tánh giác minh, hay dùng sức mầu xoay về từ quang của Phật, hướng về Phật mà an trụ, cũng như hai cái gương, ánh sáng soi rọi nhau, trong đó những bóng nhiệm mầu lớp lớp đan xen nhau, gọi đó là Hồi hướng tâm.

Tâm sáng thầm xoay về, được vô thượng diệu tịnh thường ngưng lặng của Phật, an trụ vô vi, được không bỏ mất, gọi là Giới tâm trụ.

Trụ nơi giới được tự tại, hay dạo khắp mười phương, chỗ đi tùy theo nguyện, gọi đó là Nguyện tâm trụ.

  1. Thập trụ

Này A-nan, người thiện nam ấy do phương tiện chân thật phát ra mười thứ tâm này. Do tâm tinh phát sáng, mười dụng xen lẫn nhau, viên thành một tâm, gọi là Phát tâm trụ.

Trong tâm phát sáng như lưu ly trong sạch, trong đó hiện ra vàng ròng. Do diệu tâm trước kia nên đi đến đâu thì thành địa vị, gọi là Trị địa trụ.

Tâm địa biết khắp, đều được sáng rỡ, dạo đi mười phương, được không trở ngại, gọi là Tu hành trụ.

Hạnh cùng Phật đồng, nhận khí phần của Phật, như thân trung ấm tự tìm cha mẹ. Thầm tin và thầm thông vào hạt giống Như Lai, gọi đó là Sanh quý trụ.

Đã vào trong thai đạo, tự thân nối dõi dòng giác, như thai đã thành tướng người, không còn thiếu nữa, gọi là Phương tiện cụ túc trụ.

Dung mạo như Phật, tâm tướng cũng đồng, gọi là Chánh tâm trụ.

Thân tâm hợp thành, mỗi ngày càng tăng trưởng, gọi là Bất thối trụ.

Mười thân linh tướng đồng thời đầy đủ, gọi là Đồng chân trụ.

Hình đã thành ra khỏi thai, chính mình làm con của Phật, gọi là Pháp vương tử trụ.

Nghi biểu đã thành người lớn, như vị quốc vương đem những việc nước giao phó lại cho thái tử. Vị vua Sát-lợi kia, khi thái tử đã trưởng thành, liền bày ra lễ quán đảnh, gọi là Quán đảnh trụ.

  1. Thập hạnh

Này A-nan, người thiện nam ấy thành Phật tử rồi, đầy đủ vô lượng diệu đức của Như Lai, tùy thuận mười phương, gọi là Hoan hỷ hạnh.

Khéo hay làm lợi ích tất cả chúng sanh, gọi là Nhiêu ích hạnh.

Tự giác giác tha, được không chống trái, gọi là Vô sân hận hạnh.

Từ chủng loại hiện thân ra đời cùng tột mé vị lại, ba đời đều bình đẳng, mười phương thông suốt, gọi là Vô tận hạnh.

Tất cả hợp về đồng, các pháp môn đều được không sai lầm, gọi là Ly si loạn hạnh.

Ở trong đồng hiển bày các thứ khác, nơi mỗi tướng khác mỗi mỗi đều hiện đồng, gọi là Thiện hiện hạnh.

Như thế cho đến mười phương hư không đầy khắp vi trần, trong mỗi mỗi vi trần hiện thành thế giới mười phương, hiện vi trần hiện thế giới không chướng ngại nhau, gọi là Vô trước hạnh.

Các thứ hiện tiền đều là đệ nhất ba-la-mật, gọi là Tôn trọng hạnh.

Viên dung như thế, hay thành phép tắc của chư Phật mười phương, gọi là Thiện pháp hạnh.

Mỗi mỗi đều là nhất chân vô vi, vô lậu thanh tịnh, vì tánh vốn sẵn vậy, gọi là Chân thật hạnh.

  1. Thập hồi hướng

Này A-nan, người thiện nam ấy đầy đủ thần thông, Phật sự được thành tựu rồi, hoàn toàn trong sạch, chân thật, xa lìa các tai nạn trở ngại, thường độ chúng sanh mà diệt trừ các tướng độ, xoay tâm vô vi hướng về con đường Niết-bàn, gọi là Cứu hộ nhất thiết chúng sanh, ly chúng sanh tướng hồi hướng.

Hoại diệt những gì đáng hoại diệt, xa lìa các thứ nên xa lìa, gọi là Bất hoại hồi hướng.

Bản giác lặng lẽ, giác ấy đồng với giác của Phật, gọi là Đẳng nhất thiết Phật hồi hướng.

Tinh chân phát sáng, địa vị như địa vị Phật, gọi là Chí nhất thiết xứ hồi hướng.

Thế giới và Như Lai xen lẫn vào nhau, được không chướng ngại, gọi đó là Vô tận công đức tạng hồi hướng.

Đồng với địa vị Phật, trong địa vị đó mỗi mỗi sanh các nhân thanh tịnh. Y nơi nhân đó mà phát huy, nhận lấy con đường Niết-bàn, gọi đó là Tùy thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng.

Gốc chân thật đã thành tựu, chúng sanh mười phương đều là bản tánh của ta. Tánh ấy thành tựu tròn đủ, không bỏ sót chúng sanh, gọi là Tùy thuận đẳng quán nhất thiết chúng sanh hồi hướng.

Tức tất cả pháp, ly tất cả tướng. Cả tức và ly, hai thứ đều không dính mắc, gọi là Chân như tướng hồi hướng.

Thật được chân như, mười phương không còn ngại, gọi là Vô phược giải thoát hồi hướng.

Tánh đức viên thành, lượng pháp giới đã diệt, gọi đó là Pháp giới vô lượng hồi hướng.

  1. Tứ gia hạnh

Này A-nan, người thiện nam ấy trọn được bốn mươi mốt tâm thanh tịnh ấy, kế đến thành được bốn thứ gia hạnh diệu viên:

Tức dùng giác của Phật làm tâm mình, như ra mà chưa ra, ví như dùi cây lấy lửa muốn đốt cây kia, gọi là Noãn địa.

Lại do tâm mình thành tựu được chỗ đi của Phật, dường như nương mà chẳng nương, như lên núi cao, thân đã vào hư không mà ở dưới còn chút chướng ngại, gọi là Đảnh địa.

Tâm và Phật cả hai đồng, khéo được trung đạo, như người nhẫn chịu mọi việc, chẳng phải ôm vào cũng chẳng phải bỏ ra, gọi là Nhẫn địa.

Số lượng đã tiêu diệt, giác-mê vào trung đạo, cả hai không có danh mục, gọi là Thế đệ nhất.

  1. Thập địa

Này A-nan, người thiện nam ấy đối với đại Bồ-đề khéo được thông đạt, chỗ giác thông đến Như Lai, tột cùng cảnh giới của Phật, gọi là Hoan hỷ địa.

Tánh khác vào trong đồng, tánh đồng cũng mất, gọi là Ly cấu địa.

Thanh tịnh tột cùng, phát sanh sáng suốt, gọi là Phát quang địa.

Sáng cùng tột, giác đầy đủ, gọi là Diệm huệ địa.

Tất cả đồng khác không thể đến, gọi là Nan thắng địa.

Tánh chân như vô vi thanh tịnh sáng suốt hiển bày, gọi là Hiện tiền địa.

Tột mé chân như, gọi là Viễn hành địa.

Một tâm chân như, gọi là Bất động địa.

Phát ra dụng chân như, gọi là Thiện huệ địa.

Này A-nan, các vị Bồ-tát ấy từ đây về những địa vị trước, công phu tu tập đã xong, công đức tròn đầy, cũng gọi địa này là Tu tập vị. Bóng từ mây diệu che mát cả biển Niết-bàn, gọi đó là Pháp vân địa.

  1. Đẳng giác và Diệu giác

Như Lai ngược dòng, Bồ-tát như thế thuận dòng mà đến, chỗ mé giác giao tiếp nhau, gọi là Đẳng giác.

Này A-nan, từ tâm Càn huệ đến Đẳng giác rồi, giác ấy mới được Sơ càn huệ địa trong tâm Kim cang. Như thế, lớp lớp đơn hoặc kép, mười hai lớp mới tột được Diệu giác, thành đạo Vô thượng.

Các địa ấy, đều dùng trí Kim cang quán sát mười ví dụ như huyễn sâu xa, trong định Xa-ma-tha (chỉ), dùng các pháp Tỳ-bà-xá-na (quán) của Như Lai để tu chứng thanh tịnh, thứ lớp đi sâu vào.

Này A-nan, như thế đều do ba thứ tăng tiến, khéo hay thành tựu được năm mươi lăm vị trên con đường Bồ-đề chân thật. Người khởi quán như thế gọi là chánh quán, nếu quán khác gọi là tà quán.

IV. CHỈ DẠY TÊN KINH

Khi ấy Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi ở trong đại chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:

– Nên gọi tên kinh này là gì? Con và chúng sanh làm sao phụng trì?

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi: – Kinh này tên là “Đại Phật đảnh tất-đát-đa bát-đát-la vô thượng bảo ấn, thập phương Như Lai thanh tịnh hải nhãn”. Cũng gọi tên là “Cứu hộ thân nhân độ thoát A-nan, cập thử hội trung Tánh Tỳ-kheo-ni, đắc Bồ-đề tâm nhập Biến tri hải”. Cũng gọi tên là “Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa”. Cũng gọi tên là “Đại phương quảng Diệu liên hoa vương, thập phương Phật mẫu đà-la-ni chú”. Cũng gọi là “Quán đảnh chương cú, chư Bồ-tát vạn hạnh Thủ-lăng-nghiêm”. Ông nên phụng trì.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.