Nội dung:
A-nan và cả đại chúng nghe Phật chỉ dạy, nghi lầm tiêu trừ, tâm ngộ được thật tướng, thân ý nhẹ nhàng, được điều chưa từng có. Lại rơi lệ đảnh lễ dưới chân Phật, quỳ gối chắp tay bạch Phật rằng:
– Đấng Bảo Vương Thanh Tịnh Đại Bi Vô Thượng khéo khai mở tâm chúng con, hay dùng các thứ nhân duyên phương tiện như thế, khuyến khích dẫn dắt những người chìm trong tối tăm ra khỏi biển khổ.
Bạch Thế Tôn, nay con tuy nhờ được nghe pháp âm như thế, biết Như Lai tạng diệu giác minh tâm trùm khắp cả thế giới ở mười phương, gồm chứa các cõi Diệu giác vương thanh tịnh bảo nghiêm, quốc độ của chư Phật mười phương, Như Lai lại trách con nghe nhiều mà không có công phu, không kịp thời tu tập.
Nay con vẫn như người khách lang thang chợt được nhà vua tặng cho ngôi nhà đẹp, tuy được ngôi nhà lớn, cần phải biết cửa vào. Cúi mong đức Như Lai mở lòng đại bi chỉ cho chúng con là những kẻ còn mờ tối ở trong hội, từ bỏ pháp Tiểu thừa, rốt ráo được Niết-bàn vô dư của Như Lai, đó là con đường phát tâm từ xưa đến nay, khiến cho hàng hữu học biết cách để nhiếp phục tâm phan duyên lâu đời, được pháp tổng trì, vào tri kiến Phật.
Thưa lời đây rồi, năm vóc gieo xuống đất, ở trong hội nhất tâm chờ nghe lời chỉ dạy của đức Phật.
Khi ấy, đức Thế Tôn vì thương xót hàng Thanh văn Duyên giác trong hội, đối với tâm Bồ-đề chưa được tự tại, và những chúng sanh phát tâm Bồ-đề trong đời mạt pháp sau này khi Phật đã diệt độ, mà mở bày con đường tu hành sâu mầu của pháp Vô thượng thừa.
Phật chỉ dạy A-nan và cả đại chúng:
– Các ông quyết định phát tâm Bồ-đề, đối với pháp tam-ma-đề nhiệm mầu của chư Phật Như Lai không sanh lòng mỏi mệt, trước cần phải rõ hai nghĩa quyết định lúc bắt đầu phát tâm cầu giác ngộ.
Thế nào là hai nghĩa quyết định của người mới phát tâm? A-nan, nghĩa quyết định thứ nhất là, nếu các ông muốn xả bỏ pháp Thanh văn, tu Bồ-tát thừa vào tri kiến Phật, phải nên xét kỹ chỗ nhân phát tâm cùng với chỗ quả giác ngộ là đồng hay khác.
Này A-nan, nếu ở nơi nhân dùng tâm sanh diệt làm gốc tu hành mà cầu Phật thừa chẳng sanh chẳng diệt thì thật là vô lý. Do nghĩa ấy, ông phải xem xét rõ các pháp tạo tác của khí thế gian đều theo sự đổi thay hoại diệt.
Này A-nan, ông xem những pháp tạo tác ở thế gian, có cái gì không hoại, nhưng trọn không nghe nói hư không bị hư hoại. Vì sao? Vì hư không không phải pháp tạo tác, do đó, trước sau không bị hoại diệt.
Trong thân ông, tướng cứng là đất, ẩm ướt là nước, hơi ấm là lửa, dao động là gió. Do bốn thứ trói buộc này, phân chia Diệu giác minh tâm trong lặng trùm khắp của ông thành thấy nghe hiểu biết, từ đầu đến cuối tạo nên năm lớp vẩn đục.
Thế nào là vẩn đục? Này A-nan, ví như nước trong vốn sẵn là trong sạch, các thứ bụi đất tro cát kia bản chất là ngăn ngại. Hai pháp thể như vậy, tánh không hợp nhau. Có người thế gian lấy đất bụi kia để vào nước trong thì đất mất tánh chất ngăn ngại, còn nước mất tánh trong sạch. Tướng trạng nhơ bẩn gọi đó là vẩn đục. Năm lớp trược của ông cũng lại như thế.
Này A-nan, ông thấy hư không khắp cả mười phương thế giới mà chẳng phân ra hư không và cái thấy. Có hư không mà không hình thể, có thấy mà không giác, hai thứ đan dệt với nhau mà vọng thành, ấy là lớp thứ nhất gọi là kiếp trược.
Thân ông hiện nắm giữ bốn đại làm thể. Thấy nghe hiểu biết bị che lấp khiến thành ngăn ngại, còn đất nước gió lửa lại trở thành có hiểu biết. Hai thứ cùng đan dệt với nhau mà vọng thành, ấy là lớp thứ hai gọi là kiến trược.
Lại nữa, trong tâm ông do nhớ, biết, học tập, tánh phát ra thấy biết, dung hợp với sáu trần hiện tại. Lìa trần thì không có tướng, lìa hiểu biết thì không có tánh. Hai thứ đan dệt với nhau mà vọng thành, đó là lớp thứ ba gọi là phiền não trược.
Lại, ông sớm chiều sanh diệt không dừng, cái thấy biết thì muốn lưu lại ở thế gian, mà nghiệp vận chuyển thường đổi dời nơi các cõi. Hai thứ đan dệt với nhau mà vọng thành, đó là lớp thứ tư gọi là chúng sanh trược.
Thấy nghe của các ông, tánh vốn không khác, do các trần làm ngăn cách, vô cớ sanh ra khác. Trong tánh thì biết nhau, nhưng trong dụng lại trái nhau. Đồng và khác mất đi chuẩn đích, đan dệt nhau vọng thành lớp thứ năm, gọi là mạng trược.
Này A-nan, nay ông muốn khiến thấy nghe hiểu biết xa hợp với Thường Lạc Ngã Tịnh của Như Lai, trước phải chọn ra cội gốc sanh tử, nương nơi tánh chẳng sanh diệt, thành tựu tánh lặng lẽ trùm khắp. Dùng tánh lặng lẽ xoay cái sanh diệt hư vọng kia trở về bản giác. Được tánh giác không sanh diệt sáng suốt sẵn có làm tâm tu nhân, sau sẽ thành tựu viên mãn quả địa tu chứng.
Như lóng nước đục, đựng trong một món đồ để yên, để yên lâu không động thì cát đất tự chìm xuống, nước trong hiện ra, gọi là bước đầu hàng phục khách trần phiền não.
Kế lọc bỏ bùn đất, còn toàn là nước trong, gọi là hằng đoạn cội gốc vô minh.
Tướng sáng suốt tinh thuần, tất cả biến hiện mà không bị phiền não, đều hợp với diệu đức thanh tịnh của Niết-bàn.
Nghĩa thứ hai là, các ông ắt muốn phát tâm Bồ-đề, đối với Bồ-tát thừa sanh đại dõng mãnh, quyết định dẹp bỏ các tướng hữu vi, phải nên xét kỹ cội gốc phiền não. Cội gốc này phát nghiệp và nhuận sanh, từ vô thủy đến nay, ai làm ai chịu? Này A-nan, ông tu đạo Bồ-đề, nếu không xem xét cội gốc phiền não thì không thể nào biết căn trần hư dối điên đảo ở chỗ nào. Chỗ điên đảo còn không biết thì làm sao mà hàng phục để được quả vị Như Lai!
Này A-nan, ông xem ở thế gian, người mở gút, nếu không thấy được chỗ thắt gút, làm sao biết mở?
Chẳng từng nghe nói hư không bị ông làm cho tiêu hoại. Vì sao? Vì hư không không có hình tướng nên không có thắt mở. Hiện nay, mắt tai mũi lưỡi thân ý của ông, sáu thứ đó làm môi giới cho giặc, tự cướp gia bảo của ông. Do đây từ vô thủy chúng sanh trong thế giới sanh ra những trói buộc nơi khí thế gian, không thể nào vượt khỏi được.
Này A-nan, thế nào gọi là chúng sanh và thế giới? Thế là dời đổi, giới là phương vị (chỗ nơi). Nay ông nên biết các phương: đông, tây, nam, bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, phương trên, phương dưới là giới. Quá khứ, hiện tại, vị lai là thế. Phương vị có mười, số lưu chuyển của thời gian có ba. Tất cả chúng sanh đan dệt các hư dối mà cùng thành, trong thân đổi dời, thế và giới liên quan nhau. Tánh giới này tuy đặt ra có mười phương, định vị rõ ràng, nhưng người thế gian chỉ nói phương đông, phương tây, phương nam, phương bắc. Phương trên, phương dưới vị trí không rõ ràng, còn ở giữa thì không có chỗ nhất định.
Số bốn ắt đã rõ, hợp cùng với thế, ba nhân bốn, bốn nhân ba, xoay vần thành mười hai. Chuyển biến ba lớp: từ một thành mười, thành trăm, thành ngàn. Tổng quát trước sau, trong sáu căn, mỗi căn có một ngàn hai trăm công đức.
Này A-nan, trong sáu căn đó, ông lại xét định xem chỗ hơn kém. Như con mắt xem thấy phía sau tối, phía trước sáng, phía trước hoàn toàn sáng, phía sau hoàn toàn tối. Nhìn sang hai bên phải trái thì được hai phần ba. Nói chung, công đức tạo thành không được hoàn toàn: ba phần là công, còn một phần không có đức. Nên biết nhãn căn chỉ có tám trăm công đức.
Như lỗ tai nghe khắp mười phương không sót, động thì như có gần có xa, tịnh thì không bờ mé. Nên biết nhĩ căn tròn đầy một ngàn hai trăm công đức.
Như lỗ mũi ngửi mùi, hơi thở ra vào thông suốt. Có ra có vào mà thiếu khoảng giữa. Nghiệm xét căn mũi ba phần thiếu một. Nên biết tỷ căn chỉ có tám trăm công đức.
Như cái lưỡi tuyên nói tột cùng trí tuệ thế gian và xuất thế gian. Lời nói có chừng hạn nhưng nghĩa lý thì không cùng tận. Nên biết thiệt căn tròn đủ một ngàn hai trăm công đức.
Như thân cảm giác xúc chạm, biết sự trái thuận, khi hợp thì hay biết, lúc lìa ra không biết. Lìa ra chỉ có một, hợp thì có hai. Nghiệm xét thân căn, ba phần thiếu một. Nên biết thân căn chỉ có tám trăm công đức.
Như ý căn thầm lặng dung chứa tất cả pháp thế gian, xuất thế gian trong mười phương ba đời. Dù phàm hay thánh cũng đều bao dung, tột cùng không có bờ mé. Nên biết ý căn tròn đủ một ngàn hai trăm công đức.
Này A-nan, nay ông muốn ngược dòng sanh tử, trở lại cùng tột cội gốc lưu chuyển, đến chỗ không sanh diệt, thì phải nghiệm xét sáu căn đang thọ dụng này, cái gì hợp, cái gì ly, cái gì sâu, cái gì cạn, cái gì viên thông, cái gì không viên mãn. Nếu hay nơi đây ngộ được căn viên thông, ngược dòng nghiệp hư dối đan dệt từ vô thủy, được theo tính viên thông thì cùng với sự tu tập nơi căn không viên thông kết quả gấp bội, một ngày bằng một kiếp.
Nay ta hiển bày đầy đủ số lượng những công đức vốn có của sáu căn lặng lẽ tròn sáng như thế. Tùy ông khéo chọn lựa cái nào có thể vào, ta sẽ phát minh khiến cho ông tăng tiến.
Các đức Như Lai trong mười phương đối với mười tám giới, mỗi giới tu hành đều được viên mãn Vô thượng Bồ-đề, ở trong các giới kia cũng không có hơn kém. Chỉ vì ông hạ liệt, chưa thể ở trong đó được tròn đủ tuệ tự tại, nên ta mới nêu bày khiến cho ông chỉ cần thâm nhập nơi một căn. Vào được một căn không còn vọng tưởng, thì sáu căn hiểu biết kia đồng thời được thanh tịnh.
A-nan bạch Phật rằng: – Bạch Thế Tôn, thế nào là ngược dòng vào sâu trong một căn, hay khiến cho sáu căn đồng thời thanh tịnh?
Phật bảo A-nan: – Nay ông đã được quả Tu-đà-hoàn, đã diệt trừ những mê lầm kiến chấp của chúng sanh và thế gian trong ba cõi, do thấy đạo mà dứt (kiến sở đoạn), nhưng vẫn chưa biết những tập khí hư vọng chứa nhóm trong căn từ vô thủy. Những tập khí hư vọng kia, phải nhân tu mới đoạn được (tu sở đoạn). Huống nữa, trong đây sự phân chia số mục sanh trụ dị diệt còn rất nhiều.
Nay ông hãy xem xét, sáu căn hiện tiền là một hay là sáu? Này A-nan, nếu nói là một thì lỗ tai sao chẳng thấy, con mắt sao chẳng nghe, đầu sao chẳng đi, chân sao chẳng nói? Nếu sáu căn này quyết định thành sáu, thì như nay ta ở trong hội vì các ông tuyên dương pháp môn vi diệu, vậy trong sáu căn của ông, cái nào đến lãnh thọ?
A-nan thưa: – Con dùng lỗ tai để nghe.
Phật bảo: – Tai ông tự nghe, đâu quan hệ gì đến thân và miệng, mà miệng lại hỏi nghĩa, còn thân đứng lên cung kính?
Thế nên phải biết: chẳng phải một mà trọn là sáu, chẳng phải sáu mà trọn là một. Rốt cuộc các căn của ông vốn chẳng phải một hay là sáu.
A-nan, nên biết căn ấy chẳng phải một chẳng phải sáu. Do từ vô thủy đến nay điên đảo trầm luân, nên nơi tánh viên trạm (lặng lẽ trùm khắp) sanh ra nghĩa một và sáu. Ông đã chứng quả Tu-đà-hoàn, tuy đã tiêu được chấp sáu nhưng vẫn chưa quên một. Như hư không rộng lớn lẫn trong các món đồ, do hình trạng các đồ vật sai khác mà nói hư không khác nhau. Nếu bỏ các đồ vật, xem hư không, thì nói hư không là một. Hư không rộng lớn kia làm sao vì ông mà thành đồng hay chẳng đồng, huống nữa lại gọi là một, chẳng phải một! Ắt ông biết rõ sáu căn thọ dụng cũng lại như thế.
Do hai thứ sáng tối hiển bày nhau, ở trong tánh diệu viên làm dính khắn tánh trong lặng phát ra cái thấy. Tánh thấy đó soi rọi nơi sắc, kết với sắc thành căn. Gốc của căn gọi là tứ đại thanh tịnh, nhân đó gọi hình thể con mắt giống như trái nho. Căn thô phù do bốn trần hợp thành này giong ruổi chạy theo sắc.
Do hai thứ động tịnh đối chọi nhau, ở trong tánh diệu viên làm dính khắn tánh trong lặng phát ra cái nghe. Tánh nghe soi rọi nơi tiếng, quyện với tiếng làm thành căn. Gốc của căn gọi là tứ đại thanh tịnh, nhân đó gọi hình thể lỗ tai giống như lá non cuộn lại. Căn thô phù do bốn trần hợp thành này giong ruổi chạy theo tiếng.
Do hai thứ thông bít phát hiện nhau, ở trong tánh diệu viên làm dính khắn tánh trong lặng phát ra cái ngửi. Tánh ngửi ánh hiện nơi mùi hương, thu nhận mùi mà thành căn. Gốc của căn gọi là tứ đại thanh tịnh, nhân đó gọi hình thể lỗ mũi giống như hai ngón tay duỗi xuống. Căn thô phù do bốn trần hợp thành này giong ruổi chạy theo mùi.
Do hai thứ lạt và có vị (đắng, ngọt, cay…) xen lẫn nhau, nơi tánh diệu viên làm dính khắn tánh trong lặng phát ra cái nếm. Tánh nếm rọi sáng nơi vị, kết với vị mà thành căn. Gốc của căn gọi là tứ đại thanh tịnh, nhân đó gọi hình thể của lưỡi giống như trăng lưỡi liềm đầu tháng. Căn thô phù do bốn trần hợp thành này giong ruổi chạy theo vị.
Do hai thứ lìa hợp cọ xát nhau, nơi tánh diệu viên làm dính khắn tánh trong lặng phát ra cảm giác. Tánh của cảm giác này soi sáng nơi xúc, nắm xúc thành căn. Gốc của căn gọi là tứ đại thanh tịnh, nhân đó gọi thân thể như dáng cái trống cơm. Căn thô phù do bốn trần hợp thành này giong ruổi chạy theo xúc.
Do hai thứ sanh diệt tiếp nối nhau, nơi tánh diệu viên làm dính khắn tánh trong lặng phát ra cái biết. Tánh biết này soi sáng nơi pháp, gom pháp trần thành căn. Gốc của căn gọi là tứ đại thanh tịnh, nhân đó gọi ý suy nghĩ như cái thấy trong nhà tối. Căn thô phù do bốn trần hợp thành này giong ruổi chạy theo pháp trần.
A-nan, như thế sáu căn do tánh giác minh kia soi lại minh giác, làm mất cái rõ biết trong sáng kia, dính khắn với vọng mà phát sáng. Thế nên nay ông lìa tối và sáng thì không có cái thể thấy, lìa động và tịnh vốn không có nghe, không có thông và bít thì tánh ngửi không sanh, không có vị và lạt thì cái nếm không từ đâu ra, không có ly và hợp thì cảm xúc vốn không, không có sanh và diệt thì cái rõ biết nương gá vào đâu!
Ông chỉ không theo động tịnh, hợp ly, có vị và lạt, thông bít, sanh diệt, sáng tối, mười hai tướng hữu vi như thế, tùy nhổ được một căn khỏi dính khắn, nhiếp phục vào trong, nhiếp phục trở về tánh chân thật ban đầu, phát ra tánh sáng suốt sẵn có. Tánh sáng suốt được phát minh thì năm căn bị dính khắn khác liền được nhổ sạch, hoàn toàn giải thoát. Không do nơi tiền trần mà khởi thấy biết, cái sáng không theo căn, chỉ nương nơi căn mà sáng phát ra, do đó sáu căn có thể dùng thay lẫn nhau.
A-nan, ông há không biết hiện nay trong hội này, ông A-na-luật-đà không con mắt mà vẫn thấy. Rồng Bạt-nan-đà không có tai mà vẫn nghe. Thần nữ Căng-già (thần sông Hằng) không có mũi mà vẫn ngửi được hương. Ông Kiều-phạm-bát-đề lưỡi khác người mà biết vị. Thần Thuấn-nhã-đa không thân mà có cảm xúc, ở trong ánh sáng của Như Lai khiến tạm hiện ra thân, chứ bản chất là gió, vốn không có hình thể. Trong hội này, những vị Thanh văn đã được tịch tịnh trong diệt tận định, như ông Ma-ha Ca-diếp từ lâu đã diệt sạch ý căn mà vẫn rõ biết tròn sáng, không nhân nơi tâm niệm.
Này A-nan, nay các căn của ông nếu đã nhổ sạch hoàn toàn thì cái sáng suốt bên trong phát sáng. Như thế các trần thô ở bên ngoài và các tướng biến hóa trong thế gian, giống như nước sôi làm tiêu băng, liền khi ấy hóa thành tri giác Vô thượng.
Này A-nan, như người thế gian kia tụ cái thấy nơi con mắt, nếu bảo họ nhắm mắt lại thì tướng tối hiện ở trước, sáu căn tối mù, đầu và chân giống nhau. Người kia lấy tay rờ khắp ngoài thân, tuy không thấy được mà một khi rờ đầu, chân đều biện biệt rõ, tri giác là đồng.
Duyên của cái thấy nhân nơi sáng, nên khi tối thành không thấy. Nếu chẳng có sáng mà tự phát cái thấy thì các tướng tối trọn không thể làm mờ tối được. Căn trần đã tiêu thì làm sao tánh giác minh không thành nhiệm mầu cùng khắp?
A-nan bạch Phật rằng: – Bạch Thế Tôn, như lời Phật đã dạy, muốn cầu quả thường trụ, chỗ phát tâm tu nhân, cần phải hợp với tên gọi của quả vị. Bạch Thế Tôn, như trong quả vị Bồ-đề, Niết-bàn, chân như, Phật tánh, yêm-ma-la thức, Không Như Lai tạng, Đại viên cảnh trí, bảy thứ tên gọi tuy có khác mà thể tánh thanh tịnh viên mãn, bền chắc như Kim cang vương, thường trụ không hoại diệt.
Nếu thấy nghe này lìa sáng tối, động tịnh, thông bít, rốt ráo không có tự thể, cũng như tâm niệm rời tiền trần vốn không thể có, tại sao lại đem cái rốt ráo đoạn diệt này dùng làm nhân tu mà muốn được bảy quả thường trụ của Như Lai?
Bạch Thế Tôn, nếu lìa sáng tối thì cái thấy rốt ráo là không, như không có tiền trần thì tự tánh của niệm bị diệt mất, tới lui xoay vần, suy xét thật kỹ, vốn không có tâm và tâm sở của con, vậy đem cái gì để lập làm nhân mà cầu quả Vô thượng giác? Như Lai trước có nói tánh trong lặng tròn đầy thường hằng; lời nói trái hẳn lẽ thật, rốt cuộc thành hý luận, làm sao được gọi là lời nói chân thật của Như Lai? Vậy cúi mong Ngài khởi lòng đại từ khai mở chỗ mê lầm cho chúng con.
Phật bảo A-nan: – Ông học rộng nghe nhiều nhưng các lậu hoặc chưa sạch, trong tâm chỉ biết suông cái nhân điên đảo, còn điên đảo thật ở trước mắt còn chưa thể biết. Ta e ông vẫn chưa thành tâm tin phục, nay thử đem các việc trần tục để trừ nghi cho ông.
Liền đó Như Lai bảo La-hầu-la đánh một tiếng chuông, hỏi A-nan rằng: – Nay ông có nghe chăng?
A-nan và đại chúng đều thưa: – Con có nghe.
Chuông dứt không còn tiếng, Phật lại hỏi rằng: – Nay ông nghe chăng?
A-nan và đại chúng đều thưa: – Không nghe.
Khi ấy La-hầu-la lại đánh một tiếng chuông, Phật lại hỏi: – Nay ông có nghe chăng?
A-nan và đại chúng thưa: – Đều nghe.
Phật bảo A-nan: – Thế nào là ông có nghe? Thế nào là ông không nghe?
A-nan và đại chúng đều bạch Phật rằng: – Tiếng chuông nếu đánh lên thì con được nghe, đánh lâu tiếng chuông hết, âm hưởng đều dứt thì gọi là không nghe.
Như Lai lại bảo La-hầu-la đánh một tiếng chuông, hỏi A-nan: – Hiện giờ có tiếng chăng?
A-nan và đại chúng đều thưa: – Có tiếng.
Giây lâu tiếng dứt, Phật lại hỏi: – Hiện giờ có tiếng chăng?
A-nan và đại chúng thưa: – Không tiếng.
Lát sau La-hầu-la lại đánh một tiếng chuông, Phật lại hỏi: – Hiện giờ có tiếng chăng?
A-nan và đại chúng đều thưa: – Có tiếng.
Phật hỏi A-nan: – Ông cho thế nào là có tiếng, thế nào là không tiếng?
A-nan và đại chúng đều bạch Phật rằng: – Tiếng chuông nếu đánh lên thì gọi là có tiếng, đánh lâu tiếng hết, âm hưởng đều dứt thì gọi là không tiếng.
Phật bảo A-nan và cả đại chúng: – Nay tại sao các ông nói rối loạn như vậy?
A-nan và đại chúng đồng thời bạch Phật: – Nay vì sao Thế Tôn bảo chúng con nói rối loạn?
Phật bảo: – Ta hỏi ông về nghe thì ông đáp rằng nghe. Lại hỏi ông về tiếng thì ông đáp là tiếng. Chỉ nghe với tiếng mà ông trả lời không nhất định, như vậy làm sao chẳng gọi là rối loạn?
A-nan, tiếng chuông dứt không còn âm hưởng, ông nói rằng không nghe. Nếu thật là không nghe thì tánh nghe đã diệt, đồng với cây khô, đến khi tiếng chuông lại đánh lên, ông làm sao mà biết tiếng? Biết có biết không, tự là thanh trần hoặc có hoặc không, đâu phải tánh nghe kia vì ông mà thành có thành không. Tánh nghe thật là không thì ai biết không tiếng?
Thế nên A-nan, tiếng ở trong cái nghe tự có sanh diệt, chẳng phải vì ông nghe tiếng sanh, tiếng diệt khiến cho tánh nghe của ông thành có, thành không. Ông còn điên đảo lầm tiếng là nghe, đâu có lạ gì mê mờ cho thường là đoạn. Trọn không nên nói lìa các thứ động tịnh, bít lấp, khai thông, nói cái nghe không tánh.
Như người ngủ mê trên giường, trong lúc người kia đang ngủ, trong nhà có người giã gạo, đập sợi. Người kia trong mộng nghe tiếng giã tiếng đập tưởng là tiếng gì khác, cho là tiếng đánh trống hay tiếng đánh chuông. Chính khi đang mộng, họ lấy làm lạ sao tiếng chuông vang như tiếng cây tiếng đá. Khi ấy chợt thức giấc mới biết đó là tiếng chày, tự nói với người trong nhà là khi tôi còn ở trong mộng lầm tiếng giã gạo cho là tiếng trống.
A-nan, người ấy trong mộng đâu có nhớ động tịnh, mở đóng, thông bít. Thân người kia tuy nằm ngủ nhưng tánh nghe không mờ. Dù thân ông có tiêu tan, mạng căn có diệt mất, tánh này làm sao vì ông mà tiêu diệt? Do các chúng sanh từ vô thủy đến nay theo các thứ sắc thanh, chạy đuổi theo vọng niệm mà lưu chuyển, không từng khai ngộ tánh thanh tịnh nhiệm mầu thường trụ, không theo chỗ thường trụ mà đuổi theo các thứ sanh diệt. Do đó mà đời đời bị tạp nhiễm nên phải lưu chuyển.
Nếu bỏ cái sanh diệt, giữ chân thường thì tánh sáng thường hằng hiện tiền, căn trần thức tâm liền đó tiêu mất. Tướng của vọng tưởng là trần, thức tình là cấu nhiễm, cả hai đều xa lìa thì pháp nhãn của ông liền đó được trong sáng, làm sao mà không thành tri giác Vô thượng?
A-nan bạch Phật rằng: – Bạch Thế Tôn, Như Lai tuy nói nghĩa quyết định thứ hai, nay xem trong thế gian, người mở gút nếu không biết chỗ đầu gút kia thì con tin rằng người ấy cuối cùng không thể mở được. Bạch Thế Tôn, con và hàng Thanh văn hữu học trong hội cũng lại như thế, từ vô thủy đến nay cùng với các vô minh đồng sanh đồng diệt. Tuy được căn lành nghe hiểu Phật pháp như thế, gọi là hàng xuất gia, mà giống như người bị bệnh sốt rét cách ngày.
Cúi mong đấng Đại từ thương xót kẻ chìm đắm! Ngày nay chỉ ra nơi thân tâm con thế nào là gút? Từ chỗ nào mở ra? Cũng khiến cho những chúng sanh khổ nạn ở đời vị lai được khỏi luân hồi, không rơi vào ba cõi.
Thưa lời ấy rồi, khắp cả đại chúng năm vóc gieo xuống đất, nước mắt rơi như mưa, thành kính chờ mong đức Như Lai chỉ bày pháp môn vô thượng.
Khi ấy đức Thế Tôn thương xót A-nan và hàng hữu học trong hội chúng, cũng vì tất cả chúng sanh đời vị lai muốn tu nhân xuất thế, làm con mắt cho đời sau, Phật duỗi cánh tay sáng chói như vàng Diêm-phù-đàn xoa đảnh A-nan. Liền khi ấy khắp cả thế giới chư Phật trong mười phương, sáu thứ chấn động. Các đức Như Lai số như vi trần, ở thế giới đó, mỗi vị có hào quang báu từ nơi đảnh phát ra. Hào quang ấy từ thế giới kia đồng thời phóng đến rừng Kỳ-đà, chiếu trên đảnh đức Như Lai. Cả đại chúng đây được điều chưa từng có.
Khi ấy A-nan và cả đại chúng đều nghe chư Phật mười phương như số vi trần, tuy khác miệng nhưng đồng lời, bảo A-nan rằng: – Lành thay, A-nan! Ông muốn biết rõ câu sanh vô minh, cái gốc cột trói khiến ông luân chuyển sanh tử, chỉ là sáu căn của ông chứ không phải vật gì khác. Ông lại muốn biết Bồ-đề vô thượng khiến ông chóng chứng an lạc giải thoát, tịch tịnh diệu thường, cũng là sáu căn của ông, lại không vật gì khác.
A-nan tuy nghe pháp âm như thế mà tâm vẫn chưa sáng, cúi đầu bạch Phật:
– Tại sao khiến con luân hồi sanh tử hay an lạc diệu thường đều là sáu căn, không phải vật gì khác?
Phật bảo A-nan: – Căn và trần đồng một nguồn, trói buộc hay cởi mở không hai. Thức tánh hư dối giống như hoa đốm ở hư không.
Này A-nan, do trần mà phát ra cái biết, nhân căn mà có tướng. Tướng và kiến (cái thấy) không có tánh, giống như bó lau. Thế nên nay ông thấy biết mà lập thấy biết là gốc vô minh, thấy biết mà không lập thấy biết, đây tức là Niết-bàn vô lậu chân thật thanh tịnh. Tại sao trong ấy lại còn có vật nào khác!
Khi ấy đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà nói kệ rằng:
Chân tánh hữu vi không,
Duyên sanh nên như huyễn.
Vô vi không khởi diệt,
Chẳng thật, như không hoa.
Nói vọng để bày chân,
Vọng, chân đều là vọng.
Còn không chân, phi chân,
Sao có kiến, sở kiến?
Khoảng giữa không tánh thật
Thế nên như bó lau,
Cột mở đồng một nhân,
Thánh phàm không hai lối.
Ông xem tánh bó lau,
Không cả hai không có.
Mê tối là vô minh
Phát sáng liền giải thoát.
Cột mở nhân thứ lớp,
Sáu mở, một cũng mất.
Chọn lựa căn viên thông
Vào dòng thành Chánh giác.
Thức đà-na vi tế,
Tập khí như dòng thác,
Sợ lầm chân, phi chân,
Ta thường không diễn nói.
Tự tâm chấp tự tâm
Chẳng huyễn thành pháp huyễn.
Không chấp không phi huyễn,
Phi huyễn còn chẳng sanh,
Pháp huyễn làm sao lập?
Ấy gọi Diệu liên hoa
Bảo giác Kim cang vương
Như huyễn tam-ma-đề,
Búng tay vượt vô học.
Đây là pháp vô tỷ,
Một đường đến Niết-bàn
Của chư Phật mười phương.
Khi ấy A-nan và đại chúng nghe lời chỉ dạy từ bi vô thượng của Phật Như Lai, kệ tụng đều thông suốt, diệu lý thấu triệt, tâm mắt được mở sáng, khen ngợi là pháp chưa từng có.
A-nan chắp tay đảnh lễ bạch Phật:
– Nay con nghe Phật vì lòng đại bi vô ngại dạy câu pháp chân thật, chỉ ra tánh tịnh diệu thường, nhưng tâm vẫn còn chưa thấu suốt được nghĩa sáu mở thì một cũng mất và thứ lớp mở cột. Vậy cúi mong đấng Đại từ lại thương xót chúng con trong hội này và những chúng sanh đời sau, bố thí pháp âm để rửa sạch những cấu nhiễm sâu nặng.
Liền khi đó Như Lai ngồi trên tòa sư tử, sửa Niết-bàn-tăng, vén y tăng-già-lê, vịn bàn bảy báu, đưa tay lên bàn lấy khăn hoa do trời Dạ-ma (Kiếp-ba-la) dâng cúng. Trước đại chúng, Ngài cột thành một gút, đưa lên cho A-nan xem và hỏi: – Đây gọi là gì?
A-nan và đại chúng đều bạch Phật rằng: – Đây gọi là gút.
Khi ấy đức Như Lai ở trên khăn hoa lại cột chồng thêm một gút nữa, rồi hỏi A-nan:
– Đây gọi là gì?
A-nan và đại chúng lại bạch Phật:
– Đây cũng gọi là gút.
Như thế thứ lớp Phật cột chồng lên khăn hoa, tổng số thành sáu gút. Mỗi khi cột xong một gút, Phật đều cầm cái gút đã cột trong tay đưa lên hỏi A-nan: Đây gọi là gì? A-nan và đại chúng cũng lại thứ lớp đáp lời Phật như vầy: Đây gọi là gút.
Phật bảo A-nan: – Khi ta mới cột khăn, ông gọi là gút. Khăn hoa này trước thật chỉ có một tấm vải, cột đến lần thứ hai thứ ba, tại sao ông cũng gọi là gút?
A-nan bạch Phật rằng: – Bạch Thế Tôn! Cái khăn hoa báu do đan dệt mà thành này, tuy vốn là một thể, nhưng theo con suy nghĩ, Như Lai cột một lần được gọi là một gút, nếu cột tới trăm lần thì trọn gọi là trăm gút. Huống chi khăn này chỉ có sáu gút, không đến bảy mà cũng chẳng dừng ở năm. Tại sao Như Lai chỉ nhận cái ban đầu là gút, còn cái thứ hai thứ ba… chẳng gọi là gút?
Phật bảo A-nan: – Ông biết khăn hoa báu này vốn chỉ là một, khi ta cột sáu lần gọi là sáu gút. Ông xem xét kỹ, thể của khăn là đồng, nhân cột các gút mà có khác. Ý ông nghĩ sao? Cái gút ban đầu khi cột thành gọi là gút thứ nhất, như thế cột đến gút thứ sáu, nay ta muốn gọi gút thứ sáu là gút thứ nhất, được chăng?
– Thưa không, bạch Thế Tôn! Nếu còn sáu gút thì cái gọi là thứ sáu này trọn không phải là cái thứ nhất. Dù cho con trọn đời biện minh lẽ này, làm sao khiến cho sáu gút này đổi tên được?
Phật bảo: – Đứng thế! Sáu gút chẳng đồng nhau, tuy tìm xét nhân ban đầu là từ một cái khăn tạo ra, nhưng khiến cho các gút lẫn lộn thì trọn không thể được. Sáu căn của ông cũng lại như thế, trong thể rốt ráo đồng sanh ra rốt ráo khác.
Phật bảo A-nan: – Chắc hẳn ông không muốn sáu gút này thành, nhưng lại mong thành một thể, làm sao có thể được?
A-nan thưa: – Những gút này nếu còn thì phải quấy đua nhau khởi. Ở trong ấy tự sanh gút này không phải gút kia, gút kia không phải là gút này. Ngày nay Như Lai mở hết các gút, gút nếu chẳng sanh thì không còn kia đây nữa. Còn chẳng gọi là một, sáu làm sao thành?
Phật bảo: – Nghĩa mở sáu gút, một mất cũng lại như thế. Do ông từ vô thủy tâm tánh cuồng loạn, vọng phát sanh thấy biết. Bởi phát vọng không dừng nên cái thấy lao nhọc phát ra các trần cảnh, như con mắt mỏi mệt ắt thấy có hoa đốm lăng xăng. Trong chỗ lặng lẽ trong sáng kia, không nhân gì mà dấy khởi lộn xộn, tất cả tướng thế gian, nào là núi sông, đất đai, sanh tử, Niết-bàn đều là tướng hoa đốm, do cuồng nhọc điên đảo mà sanh.
A-nan thưa: – Lao nhọc này giống như cái gút, làm sao cởi bỏ?
Đức Như Lai đưa tay cầm cái khăn có gút, kéo mối bên trái, hỏi A-nan rằng:
– Thế này mở được chăng?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
Phật lại lấy tay kéo đầu mối bên phải rồi hỏi A-nan: – Thế này mở được chăng?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
Phật bảo A-nan: – Nay ta lấy tay kéo mối bên trái, bên phải trọn không thể mở gút, ông thử dùng cách nào để mở được?
A-nan bạch Phật rằng: – Bạch Thế Tôn, phải ngay giữa gút mà mở thì bung ra ngay.
Phật bảo A-nan: – Đúng vậy! Đúng vậy! Nếu muốn mở gút phải mở ngay giữa lòng gút.
Này A-nan, ta nói Phật pháp từ nhân duyên sanh, không phải lấy những tướng thô phù hòa hợp của thế gian mà nói. Như Lai phát minh các pháp thế gian và xuất thế gian, biết rõ nhân gốc kia theo duyên gì mà phát ra. Như thế cho đến một hạt mưa ở ngoài thế giới hằng sa cũng có thể biết rõ số mục. Hiện tiền các thứ, cây tùng thì thẳng, cây gai thì cong, cò thì trắng, quạ thì đen, đều rõ nguyên do của nó.
Thế nên A-nan, tùy trong tâm ông chọn lựa sáu căn. Gút căn nếu mở được thì trần tướng tự diệt, các vọng đều tiêu mất, còn đợi gì mà chẳng phải chân!
Này A-nan, nay ta hỏi ông, cái khăn kiếp-ba-la này hiện có sáu gút, nếu đồng thời mở ra có thể đồng thời trừ dẹp được chăng?
– Thưa không, bạch Thế Tôn! Những gút này trước do thứ lớp mà cột, nay cần phải theo thứ lớp để mở. Sáu gút tuy đồng thể nhưng khi cột không cùng lúc thì khi mở gút làm sao đồng trừ dẹp được!
Phật bảo: – Cởi mở sáu căn này cũng lại như vậy. Căn này khi bắt đầu mở, trước được nhân không, tánh không tròn sáng thì giải thoát được pháp chấp. Giải thoát pháp chấp rồi, cả hai nhân pháp đều không, tức chẳng sanh. Đó gọi là Bồ-tát từ tam-ma-địa chứng được vô sanh nhẫn.
A-nan và đại chúng nhờ Phật chỉ bày, tuệ giác được viên thông, không còn gì nghi hoặc, đồng thời chắp tay đảnh lễ sát hai chân Phật và bạch Phật rằng:
– Ngày nay chúng con thân tâm rỗng suốt, vui mừng được điều vô ngại. Tuy ngộ biết nghĩa một và sáu đều mất, nhưng vẫn chưa thấu suốt được bản căn viên thông. Bạch Thế Tôn! Chúng con trôi giạt bơ vơ từ nhiều kiếp, tâm nghĩ do đâu mà được dự vào dòng dõi nhà Phật, như đứa bé mất sữa chợt gặp mẹ hiền. Nếu nhân cơ hội này mà được thành đạo, chỗ được nghe những lời dạy sâu kín lại đồng với bản ngộ, thì cùng với người lúc chưa nghe cũng không có sai khác. Cúi mong đấng Đại bi thương chúng con, ban cho pháp trang nghiêm bí mật, thành tựu lời chỉ bày rốt sau của Như Lai.
Thưa lời đây rồi, năm vóc gieo xuống đất, lui ẩn nơi chỗ vi diệu sâu kín, chờ mong được Phật thầm truyền.
Khi ấy đức Thế Tôn bảo khắp các vị đại Bồ-tát và các vị vô lậu đại A-la-hán ở trong chúng rằng: – Các ông là hàng Bồ-tát và A-la-hán sanh trong pháp của ta, được thành tựu vô học. Nay ta hỏi các ông, lúc ban đầu phát tâm, các ông ngộ trong mười tám giới, cái nào là viên thông? Từ phương tiện gì được vào chánh định?
Ông Kiều-trần-na trong nhóm năm vị Tỳ-kheo liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, bạch Phật rằng: – Con nơi Lộc Uyển và Kê Viên được gặp đức Như Lai khi mới thành đạo, chúng con nhân nghe pháp âm của Phật, ngộ được pháp Tứ đế. Phật hỏi trong hàng Tỳ-kheo thì con được gọi là nhận hiểu trước tiên, Như Lai mới ấn chứng cho con tên là A-nhã-đa (Giải đệ nhất). Do diệu âm sâu kín tròn đủ, con từ nơi âm thanh mà được quả A-la-hán. Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, âm thanh là trên hết.
Ông Ưu-ba-ni-sa-đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, bạch Phật rằng: – Con cũng được gặp Phật khi mới thành đạo. Con quán tướng bất tịnh, sanh lòng rất nhàm chán muốn xa lìa, ngộ được tánh các sắc; do từ quán bất tịnh, tướng xương trắng, vi trần, đều trở về hư không, sắc và không không hai, thành được đạo vô học. Như Lai ấn chứng cho con tên là Ni-sa-đà. Do trần sắc đã hết thì diệu sắc sâu kín tròn đủ. Con từ sắc tướng mà được quả A-la-hán. Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con thì nhân nơi sắc trần là trên hết.
Đồng tử Hương Nghiêm liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, bạch Phật rằng: – Con nghe đức Như Lai dạy con phải quán sát kỹ các tướng hữu vi. Khi ấy con từ giã Phật, đêm về ngồi yên ở phòng thanh trai, thấy các thầy Tỳ-kheo đốt hương trầm thủy, mùi hương lặng lẽ bay vào trong mũi con. Con quán mùi hương này không phải từ cây, không phải từ hư không, không phải từ khói, cũng không phải từ lửa, đi không dính mắc chỗ nào, đến cũng không từ đâu. Do đây mà ý niệm được tiêu sạch, phát minh tánh vô lậu. Như Lai ấn chứng cho con hiệu là Hương Nghiêm. Hương trần đã tiêu diệt, diệu hương sâu kín tròn đủ. Con do mùi hương trang nghiêm được chứng A-la-hán. Phật hỏi về viên thông thì như chỗ chứng của con, lấy mùi hương để trang nghiêm là trên hết.
Hai vị Pháp vương tử là Dược Vương và Dược Thượng, cùng với năm trăm vị Phạm thiên ở trong hội, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, bạch Phật rằng: – Chúng con từ kiếp vô thủy làm lương y ở thế gian, trong miệng thường nếm vàng, đá, cỏ, cây ở thế giới Ta-bà này, danh số có tới mười muôn tám ngàn vị. Như thế thảy đều biết các vị đắng, chua, mặn, lạt, ngọt, cay v.v… cùng với các thứ vị câu sanh hòa hợp, biến đổi là lạnh, là nóng, có độc, không độc, con đều biết rõ cả.
Chúng con vâng theo lời dạy của Như Lai, rõ biết tánh của vị chẳng phải không, chẳng phải có, chẳng phải tức nơi thân tâm, chẳng phải lìa thân tâm.
Do phân biệt nhân của vị trần, từ đây mà được khai ngộ, nhờ Phật Như Lai ấn chứng cho anh em chúng con danh hiệu Bồ-tát Dược Vương và Dược Thượng, nay trong hội này làm Pháp vương tử. Chúng con nhân nơi vị mà được giác ngộ sáng suốt, tiến lên bậc Bồ-tát. Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, nhân vị trần là hơn cả.
Bạt-đà-bà-la cùng đồng bạn là mười sáu vị khai sĩ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:
– Trước kia ở chỗ đức Phật Oai Âm Vương, chúng con do nghe pháp mà xuất gia. Vào giờ tắm của chúng Tăng, con theo thường lệ vào nhà tắm, chợt ngộ được nhân của nước không phải rửa bụi cũng không phải rửa thân, trong khoảng giữa đó an nhiên, được không có gì. Do chỗ tu tập xưa không quên, cho đến ngày nay theo Phật xuất gia được quả vô học. Đức Phật ấy gọi con là Bạt-đà-bà-la, do diệu xúc phát sáng, được ở trong hàng Phật tử. Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, nhân xúc trần là hơn cả.
Ma-ha Ca-diếp và Tỳ-kheo-ni Tử Kim Quang liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng: – Ở kiếp xa xưa trong thế giới này có đức Phật ra đời tên là Nguyệt Đăng, chúng con được thân cận nghe pháp, tu học. Sau khi Phật diệt độ, chúng con cúng dường xá-lợi, đốt đèn sáng liên tục, dùng vàng tía sáng bóng để tô thếp hình tượng Phật. Từ đó đến nay đời nào sanh ra thân thể cũng thường sáng ngời, viên mãn như vàng tía. Tỳ-kheo-ni Tử Kim Quang này là quyến thuộc của con, đồng thời phát tâm.
Con quán sát sáu trần ở thế gian đều biến đổi, chỉ dùng không tịch tu mà được diệt tận, thân tâm mới có thể vượt trăm ngàn kiếp như là khảy móng tay. Con do quán pháp không mà thành A-la-hán. Thế Tôn bảo con là người tu hạnh đầu-đà bậc nhất, diệu pháp khai sáng tiêu diệt các lậu. Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, nhân pháp trần là hơn cả.
A-na-luật-đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:
– Khi con mới xuất gia thường thích ngủ nghỉ, Như Lai quở con là loài súc sanh. Con nghe Phật quở khóc lóc tự trách, suốt bảy ngày không ngủ, mù cả hai mắt. Đức Thế Tôn dạy con tu chánh định Kim cang nhạo kiến chiếu minh. Con không do con mắt mà xem thấy mười phương, rỗng suốt tinh tường, như xem trái cây ở trong lòng bàn tay. Như Lai ấn chứng cho con thành A-la-hán. Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, xoay cái thấy trở về nguồn gốc, đây là đệ nhất.
Châu-lợi-bàn-đặc liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng: – Do con thiếu sự trì tụng, không có tánh đa văn, lúc đầu con gặp Phật, nghe pháp xuất gia, cố ghi nhớ một câu kệ của Như Lai, mà trong một trăm ngày nhớ được câu trước thì quên câu sau, nhớ sau thì quên trước, Phật thương con ngu tối mới dạy con an cư điều hòa hơi thở ra vào. Khi ấy con quán hơi thở vi tế, cùng tột sanh trụ dị diệt biến đổi trong từng sát-na, tâm con rỗng suốt, được đại vô ngại, cho đến sạch hết các lậu, thành A-la-hán. Dưới tòa của Phật được ấn chứng thành bậc vô học. Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, xoay hơi thở trở về không, đây là trên hết.
Kiều-phạm-bát-đề từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:
– Con mắc khẩu nghiệp từ kiếp quá khứ, do khinh chê chế giễu các vị Sa-môn nên nhiều đời sanh ra bị bệnh lưỡi giống lưỡi trâu. Như Lai chỉ dạy con pháp môn tâm địa “một vị trong sạch”. Con diệt được thức tâm, vào chánh định, quán cái biết vị không phải thân thể, không phải vật, liền đó được vượt khỏi các lậu của thế gian. Trong thì giải thoát thân tâm, ngoài thì vượt khỏi thế giới, xa lìa ba cõi, như chim ra khỏi lồng. Xa lìa cấu nhiễm, tiêu diệt hết các trần, được pháp nhãn thanh tịnh, thành A-la-hán. Chính Như Lai ấn chứng cho con được đạo vô học. Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, xoay các vị trở về tánh biết, đây là bậc nhất vậy.
Tất-lăng-già-bà-ta liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng: – Khi con mới phát tâm theo Phật vào đạo, thường nghe Như Lai nói các việc không vui ở thế gian. Lúc con đi khất thực trong thành, tâm suy nghĩ về pháp môn Phật dạy, bất chợt giữa đường bị gai độc đâm vào chân, toàn thân đau nhức. Con nghĩ có cái biết, biết được cái rất đau này. Tuy biết được cảm giác đau nhức, nhưng tâm biết thanh tịnh không đau mà biết được đau. Con lại suy nghĩ, như thế một thân đâu thể lại có hai cái biết. Nhiếp niệm chưa bao lâu, thân tâm con bỗng nhiên rỗng không. Trong khoảng hai mươi mốt ngày, các lậu đều dứt sạch, thành A-la-hán. Chính Phật ấn ký cho con thành bậc vô học. Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, thuần một tánh biết thì quên thân, đây là bậc nhất vậy.
Tu-bồ-đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:
– Từ nhiều kiếp đến nay, tâm con được vô ngại, tự nhớ thọ sanh nhiều như số cát sông Hằng. Khi còn trong thai mẹ, con liền biết được lý không tịch. Như thế cho đến mười phương đều thành rỗng không, cũng khiến cho chúng sanh chứng được tánh không. Nhờ Như Lai chỉ dạy con phát minh tánh giác là chân không, tánh không tròn sáng, được quả A-la-hán, chóng vào biển Không Bảo Minh của Như Lai, thấy biết đồng như Phật. Phật ấn chứng cho con thành bậc vô học, về tánh rỗng không giải thoát, con là bậc nhất vậy. Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, các tướng đều vào Không, năng không và sở không đều hết, xoay các pháp trần trở về Không, đó là trên hết.
Xá-lợi-phất liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:
– Từ nhiều kiếp đến nay, tâm thấy (nhãn thức) của con thanh tịnh. Tuy con thọ sanh nhiều đời như số cát sông Hằng như vậy, nhưng đối với tất cả sự biến hóa của thế gian hay xuất thế gian, một phen thấy liền được thông suốt không chướng ngại. Ở giữa đường con gặp anh em Ca-diếp-ba, cùng đi theo nghe họ tuyên nói về lý nhân duyên, con ngộ được tâm không bờ mé. Con theo Phật xuất gia, kiến giác tròn sáng, được đại vô úy, thành A-la-hán, làm trưởng tử của Phật, từ miệng Phật sanh, do pháp Phật hóa sanh. Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, do tâm thấy phát sáng, sáng cùng tột tri kiến, đây là bậc nhất vậy.
Bồ-tát Phổ Hiền liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:
– Con đã từng làm Pháp vương tử của các đức Như Lai nhiều như số cát sông Hằng. Như Lai mười phương dạy những đệ tử có căn cơ Bồ-tát, tu hạnh Phổ Hiền, do tên con mà lập hạnh. Bạch Thế Tôn! Con dùng tâm nghe (nhĩ thức) phân biệt những thấy biết của chúng sanh. Nếu ở phương khác, cách ngoài thế giới như cát sông Hằng, có một chúng sanh trong tâm phát minh hạnh Phổ Hiền, khi ấy con liền cỡi voi sáu ngà, phân thân thành trăm ngàn, đến chỗ người kia. Dù người kia nghiệp chướng sâu dày chưa thể thấy được con, con cũng thầm xoa đảnh, ủng hộ an ủi họ, khiến cho họ thành tựu được hạnh Phổ Hiền. Phật hỏi về viên thông, con nói về bản nhân của con, do tâm nghe mà được phát minh, phân biệt tự tại, đây là bậc nhất vậy.
Tôn-đà-la-nan-đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng: – Khi con mới xuất gia theo Phật vào đạo, tuy giữ đủ giới luật, nhưng khi tu chánh định, tâm con thường tán loạn, chưa được vô lậu. Thế Tôn dạy con và Câu-hy-la quán chót mũi trắng. Ban đầu con quán sát kỹ, trải qua hai mươi mốt ngày, thấy hơi thở trong mũi ra vào như khói. Thân tâm bên trong sáng suốt, soi khắp cả thế giới, trong sạch rỗng không giống như lưu ly. Tướng khói dần tiêu mất, hơi thở ở mũi thành màu trắng. Tâm con khai ngộ, các lậu hết sạch. Các hơi thở ra vào hóa thành hào quang sáng, soi khắp cả thế giới mười phương, được quả A-la-hán. Thế Tôn ấn ký cho con sẽ được quả Bồ-đề. Phật hỏi về viên thông, con do tiêu dung được hơi thở, dừng lặng lâu được phát sáng, sáng suốt tròn đầy, diệt hết các lậu, đây là bậc nhất vậy.
Phú-lâu-na-di-đa-la-ni Tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng: – Từ nhiều kiếp đến nay, con có biện tài vô ngại, tuyên nói về lý khổ, không, thấu suốt được thật tướng. Như thế cho đến pháp môn bí mật của Như Lai nhiều như số cát sông Hằng, con ở trong chúng khéo léo chỉ bày, được không chút sợ sệt. Thế Tôn biết con có đại biện tài, nên đem âm thanh pháp luân dạy con tuyên dương. Con ở trước Phật, giúp Phật chuyển pháp luân, nhân phát tiếng sư tử rống mà thành A-la-hán. Thế Tôn ấn chứng cho con là thuyết pháp hơn cả. Phật hỏi về viên thông, con dùng pháp âm để hàng phục ma oán, tiêu diệt các lậu, đây là đệ nhất vậy.
Ưu-ba-ly liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:
– Chính con theo Phật vượt thành xuất gia. Chính con xem thấy Như Lai sáu năm siêng tu khổ hạnh. Chính con thấy Như Lai hàng phục ma quân, chế phục các ngoại đạo, giải quyết khỏi các lậu tham dục ở thế gian. Con nhờ Phật dạy răn, như thế cho đến ba ngàn oai nghi tám muôn tế hạnh, tánh nghiệp giá nghiệp thảy đều thanh tịnh. Thân tâm được tịch diệt, thành quả A-la-hán. Con là người kỷ cương ở trong chúng của Như Lai. Chính Như Lai ấn chứng cho tâm con, về trì giới tu thân, con là trên hết trong chúng. Phật hỏi về viên thông, con do giữ thân, thân được tự tại, kế đó giữ tâm, tâm được thông suốt. Về sau, tất cả thân tâm đều thông suốt, đây là bậc nhất.
Đại Mục-kiền-liên liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng: – Lúc ban đầu, con đang đi khất thực ngoài đường bỗng gặp ba anh em ông Ca-diếp-ba là Ưu-lâu-tần-loa, Già-gia và Na-đề tuyên nói nghĩa nhân duyên sâu xa của Như Lai. Con chóng phát tâm, được rất thông suốt. Như Lai ban cho con chiếc y ca-sa để đắp vào thân, râu tóc tự rụng. Con dạo đi mười phương được không chướng ngại, thần thông phát sáng, trong chúng, con được suy tôn là bậc nhất, thành quả A-la-hán. Đâu chỉ có Thế Tôn, mà Như Lai mười phương đều khen thần lực của con, tròn sáng thanh tịnh, được tự tại không sợ sệt. Phật hỏi về viên thông, con do xoay tâm về chỗ yên lặng, tâm phát ra sáng suốt, như là lóng dòng nước đục, lâu ngày thành trong sáng, đây là bậc nhất.
Ô-sô-sắt-ma đối trước đức Như Lai chắp tay đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng: – Con thường nhớ trước kia nhiều kiếp lâu xa, tánh nhiều tham dục. Có đức Phật ra đời hiệu là Không Vương, nói người nhiều dâm dục sẽ thành đống lửa lớn, dạy con quán khắp thân, các hơi lạnh nóng nơi trăm vóc tứ chi. Nhờ quán vậy, thần quang bên trong ngưng đọng, hóa tâm đa dâm thành lửa trí tuệ. Từ đó chư Phật đều gọi con tên là Hỏa Đầu. Con do sức Hỏa quang tam-muội mà thành A-la-hán, trong tâm phát đại nguyện: khi chư Phật thành đạo, con sẽ thân cận làm lực sĩ để hàng phục ma oán. Phật hỏi về viên thông, con do quán kỹ các cảm xúc hơi ấm nơi thân tâm, lưu thông không chướng ngại, các lậu đã tiêu hết, sanh ra ngọn lửa trí tuệ quý báu lớn, lên bậc Vô thượng giác, đây là bậc nhất vậy.
Bồ-tát Trì Địa liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng: – Con nhớ thuở xưa khi đức Như Lai Phổ Quang ra đời, con là Tỳ-kheo, thường ở nơi tất cả những con đường quan yếu, bến đò và những chỗ đất hiểm trở eo hẹp, có các việc trở ngại, làm tổn hại ngựa xe, con đều đắp cho bằng phẳng, hoặc là bắc cầu, hoặc gánh đất cát.
Như thế siêng năng khổ nhọc, trải qua vô lượng đức Phật ra đời. Hoặc có chúng sanh ở chỗ chợ búa cần người khuân vác đồ vật, trước tiên con vì họ mang vác đến nơi, để đồ vật xuống liền đi, không lấy tiền thù lao. Khi đức Phật Tỳ-xá-phù ra đời, người đời phần nhiều bị đói kém, con gánh vác giùm, chẳng kể xa gần chỉ lấy một tiền. Hoặc có xe, trâu bị mắc lầy, con dùng thần lực đẩy bánh xe lên, cho thoát khổ não.
Vị Đại vương trong nước thời đó thiết trai cúng dường Phật, khi ấy con làm đường bằng phẳng chờ Phật đi qua. Đức Phật Tỳ-xá-phù xoa đảnh đầu con, bảo rằng: “Phải bình đất tâm thì tất cả đất trong thế giới đều bình.” Tâm con liền được khai mở, thấy vi trần nơi thân cùng với vi trần tạo thành thế giới đều bình đẳng không sai biệt. Tự tánh vi trần không xúc chạm nhau, cho đến đao binh cũng không thể xúc chạm. Con nơi pháp tánh ngộ được vô sanh nhẫn thành A-la-hán, ngày nay hồi tâm vào vị Bồ-tát.
Khi nghe chư Phật nói về tri kiến Phật trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, con sáng tỏ chứng ngộ trước tiên, nên làm thượng thủ. Phật hỏi về viên thông, con do quán sát kỹ hai thứ vi trần nơi căn thân và thế giới đều bình đẳng không sai biệt, vốn là Như Lai tạng; do hư vọng mà phát sanh ra trần, trần tiêu hết thì trí tuệ tròn đủ, thành tựu đạo Vô thượng, đây là bậc nhất vậy.
Đồng tử Nguyệt Quang liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng: – Con nhớ nhiều kiếp xa xưa như số cát sông Hằng, có đức Phật ra đời hiệu là Thủy Thiên, dạy các Bồ-tát tu tập quán về nước để vào chánh định. Quán tánh nước ở trong thân không lấn đoạt nhau. Ban đầu từ nước mũi, nước miếng, như thế tất cả các thứ tân dịch, tinh huyết, đại tiểu tiện, xoay vần trong thân, đồng là một tánh nước. Thấy nước trong thân cùng với nước trong các biển Hương Hải, nơi cõi Phù Tràng Vương ở ngoài thế giới, đều bình đẳng không có sai biệt.
Khi ấy con mới thành tựu pháp quán này, chỉ thấy được nước mà chưa được không thân. Con đang làm Tỳ-kheo, ngồi thiền trong thất, có đứa đệ tử ngó qua cửa sổ nhìn vào thất, thấy khắp cả thất chỉ toàn nước trong, trọn không thấy gì khác. Nó nhỏ dại không biết, lấy hòn gạch ném vào trong nước nghe tiếng bõm, ngó qua rồi bỏ đi. Sau khi con xuất định, chợt thấy đau tim, như ngài Xá-lợi-phất bị quỷ Vi Hại đánh.
Con tự suy nghĩ, nay mình đã được đạo A-la-hán, đã lâu xa lìa duyên bệnh, tại sao ngày nay chợt sanh ra đau tim, không lẽ bị thối thất chăng? Khi ấy, chú đệ tử nhỏ liền đến gặp con thuật lại việc như trên. Con liền bảo rằng: Nếu sau ngươi lại thấy nước thì mở cửa vào, lấy hòn gạch trong nước ra. Chú đệ tử nhỏ vâng lời. Sau đó khi con nhập định, lại thấy nước và hòn gạch rõ ràng, chú đệ tử liền mở cửa vào lấy hòn gạch ra. Sau khi xuất định, thân con trở lại như cũ.
Con được gặp vô lượng đức Phật, như thế cho đến đức Phật Sơn Hải Tự Tại Thông Vương, mới được quên thân, cùng với nước của các biển Hương Thủy ở thế giới mười phương, tánh hợp với chân không, không hai không khác. Nay ở nơi Như Lai được tên là Đồng Chân, dự vào hội Bồ-tát. Phật hỏi về viên thông, con do quán tánh nước một vị lưu thông, được vô sanh nhẫn, viên mãn đạo Bồ-đề, đây là bậc nhất vậy.
Lưu Ly Quang pháp vương tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng: – Con nhớ thuở xưa trải qua số kiếp như cát sông Hằng, có đức Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Thanh, chỉ dạy Bồ-tát về bản giác sáng suốt nhiệm mầu, quán thấy thế giới này và thân chúng sanh đều là do sức gió vọng duyên chuyển. Con khi ấy quán sát sự an lập của thế giới, quán sự chuyển đổi của thời gian, quán sự động dừng nơi thân, quán những động niệm nơi tâm. Quán các thứ động không hai, bình đẳng không sai khác.
Khi ấy con giác ngộ rõ ràng các thứ động này, đến không từ đâu, đi không chỗ đến. Những chúng sanh điên đảo như số vi trần trong mười phương, đều đồng một hư vọng. Như thế cho đến có những chúng sanh trong một thế giới của tam thiên đại thiên thế giới, như trong một món đồ chứa hàng trăm muỗi mòng kêu vo ve loạn xạ, ở trong phân tấc mà ầm ĩ cuồng náo.
Con gặp Phật chưa bao lâu, được vô sanh nhẫn. Khi ấy tâm con được khai ngộ, mới thấy cõi Phật Bất Động ở phương đông, làm Pháp vương tử phụng thờ chư Phật mười phương, thân tâm con phát sáng, rỗng suốt không ngăn ngại. Phật hỏi về viên thông, con do quán sát sức gió không có chỗ nương, ngộ được tâm Bồ-đề, vào chánh định, hợp với một diệu tâm của chư Phật mười phương đã truyền, đây là bậc nhất vậy.
Bồ-tát Hư Không Tạng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng: – Con ở chỗ Phật Định Quang Như Lai chứng được vô biên thân. Khi ấy tay con cầm bốn hạt châu báu lớn chiếu sáng cõi Phật khắp mười phương như số vi trần, hóa thành hư không. Lại nơi tự tâm hiện ra Đại viên cảnh, trong phóng ra mười thứ hào quang báu vi diệu, chiếu tột cùng hư không khắp mười phương. Các cõi Tràng Vương đều hiện trong gương và nhập vào thân con. Thân con đồng như hư không, không có chướng ngại nhau. Thân con hay khéo vào các cõi nước như số vi trần, làm nhiều Phật sự, được đại tùy thuận.
Thần lực lớn này là do con quán kỹ tứ đại không có chỗ nương, vọng tưởng sanh diệt và hư không không có hai, cõi Phật cũng vốn đồng, con do phát minh được tánh đồng mà chứng vô sanh pháp nhẫn. Phật hỏi về viên thông, con do quán sát hư không vô biên mà vào chánh định, diệu lực được tròn sáng, đây là bậc nhất.
Bồ-tát Di-lặc liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:
– Con nhớ thuở xưa trải qua số kiếp như vi trần, có đức Phật ra đời hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh. Con được theo đức Phật kia xuất gia, nhưng tâm con còn nặng danh lợi thế gian, ưa giao du với nhà quyền quý. Khi ấy đức Thế Tôn dạy con tu tập về định Duy tâm thức, được chánh định. Trải nhiều kiếp đến nay, dùng chánh định này thờ phụng chư Phật nhiều như số cát sông Hằng, tâm cầu danh thế gian tiêu diệt không còn.
Đến khi đức Phật Nhiên Đăng ra đời, con mới thành tựu được chánh định Vô thượng diệu viên thức tâm. Cho đến cõi nước của chư Phật cùng tận hư không, sạch dơ, có không đều do tâm thức của con biến hóa hiện ra. Bạch Thế Tôn! Vì con rõ Duy tâm thức như thế, từ thức tánh lưu xuất vô lượng Như Lai. Nay được Phật thọ ký, kế đây sẽ được bổ xứ làm Phật cõi này. Phật hỏi về viên thông, con nhờ quán sát kỹ mười phương đều do thức, thức tâm tròn sáng, vào được tánh viên thành thật, xa lìa tánh y tha khởi và biến kế chấp, được vô sanh nhẫn, đây là bậc nhất.
Đại Thế Chí pháp vương tử cùng với năm mươi hai vị Bồ-tát đồng tu, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng: – Con nhớ những kiếp xa xưa nhiều như số cát sông Hằng, có đức Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Quang, tiếp tục có mười hai đức Như Lai ra đời trong một kiếp, đức Phật rốt sau hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang, Ngài dạy con niệm Phật tam-muội.
Ví như có hai người, một người chuyên nhớ, một người chuyên quên. Hai người như thế dù gặp nhau cũng như không gặp, dù thấy cũng như không thấy. Nếu hai người cùng nhớ nhau, cả hai nhớ nhau sâu đậm, như thế từ đời này cho đến đời khác, giống như hình với bóng không hề cách xa. Chư Như Lai mười phương thương xót nhớ nghĩ đến chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con trốn đi xa thì mẹ tuy nhớ có làm được gì? Nếu con nhớ mẹ như khi mẹ nhớ con thì con với mẹ trải qua nhiều đời không xa rời nhau. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì hiện giờ và đời sau nhất định sẽ thấy Phật, cách Phật không xa, không nhờ phương tiện mà tự tâm được khai mở. Như người ướp hương, thân có mùi thơm. Đây gọi là dùng hương quang để trang nghiêm.
Bản nhân của con do tâm niệm Phật vào được vô sanh nhẫn. Nay ở thế giới này con nhiếp độ những người niệm Phật trở về cõi Tịnh độ. Phật hỏi về viên thông, con không có chọn lựa, đều do nhiếp sáu căn, niệm thanh tịnh liên tục được vào chánh định, đây là bậc nhất.
Khi ấy Bồ-tát Quán Thế Âm liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng: – Bạch Thế Tôn, con nhớ thuở xưa vô số kiếp như cát sông Hằng, khi đó có đức Phật ra đời hiệu là Quán Thế Âm. Con ở chỗ đức Phật kia phát tâm Bồ-đề, đức Phật kia dạy con tu từ văn, tư, tu mà vào chánh định.
Ban đầu ở trong tánh nghe, vào dòng rồi thì quên tiếng, chỗ vào đã lặng lẽ thì hai tướng động tịnh rõ ràng chẳng sanh. Như thế lần lần tăng lên, năng văn và sở văn đều hết. Không dừng ở chỗ hết năng văn sở văn mà tiến đến năng giác sở giác cũng không. Không giác tròn đầy cùng tột thì năng không và sở không đều diệt. Sanh diệt đã diệt thì tịch diệt hiện tiền. Bỗng nhiên vượt khỏi thế gian và xuất thế gian, mười phương đều tròn sáng, được hai việc thù thắng. Một là trên hợp với tâm bản giác sâu mầu của chư Phật mười phương, cùng với chư Phật Như Lai đồng một sức từ. Hai là dưới hợp tất cả chúng sanh trong sáu đường ở khắp mười phương, cùng các chúng sanh đồng một bi ngưỡng.
Bạch Thế Tôn, do con cúng dường đức Quán Âm Như Lai, nhờ đức Như Lai kia trao cho con chánh định Kim cang như huyễn văn huân văn tu, cùng với Phật Như Lai đồng một từ lực, khiến thân con thành ba mươi hai ứng thân vào các cõi nước.
Bạch Thế tôn, nếu các vị Bồ-tát vào chánh định, tiến tu vô lậu, thắng giải hiện được tròn đủ, con liền hiện thân Phật, vì họ nói pháp khiến cho được giải thoát.
Nếu các hàng hữu học tâm lặng lẽ sáng suốt nhiệm mầu, chỗ thắng diệu hiển hiện tròn đủ, con liền ở trước họ hiện thân Độc giác, vì họ nói pháp khiến cho được giải thoát.
Nếu các hàng hữu học đoạn mười hai nhân duyên, do các duyên đã đoạn mà được thắng tánh, chỗ thắng diệu hiển hiện tròn đủ, con liền ở trước họ hiện thân Duyên giác, vì họ nói pháp khiến cho được giải thoát.
Nếu các hàng hữu học được pháp không của Tứ đế, tu Đạo đế, nhập được Diệt đế, thắng tánh hiển hiện tròn đủ, con liền ở trước họ hiện thân Thanh văn, vì họ nói pháp khiến cho được giải thoát.
Nếu các chúng sanh muốn tâm được sáng suốt giác ngộ, không phạm những dục trần, muốn thân được thanh tịnh, con liền ở trước họ hiện thân Phạm vương, vì họ nói pháp khiến cho được giải thoát.
Nếu các chúng sanh muốn làm Thiên chủ để thống lãnh chư thiên, con liền ở trước họ hiện thân Đế-thích, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu các chúng sanh muốn thân tự tại dạo đi khắp mười phương, con liền ở trước họ hiện thân trời Tự Tại, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu các chúng sanh muốn thân tự tại bay đi trong hư không, con liền ở trước họ hiện thân trời Đại Tự Tại, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu các chúng sanh ưa thống lãnh quỷ thần, cứu hộ cõi nước, con liền ở trước họ hiện thân Thiên đại tướng quân, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu các chúng sanh ưa thống lãnh thế giới, bảo hộ chúng sanh, con liền ở trước họ hiện thân Tứ thiên vương, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu các chúng sanh ưa sanh ở thiên cung, sai sử quỷ thần, con liền ở trước họ hiện thân thái tử cõi Tứ thiên vương, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu các chúng sanh ưa làm vua cõi người, con liền ở trước họ hiện thân vua, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu các chúng sanh ưa làm chủ gia tộc lớn, được người đời kính nhường, con liền ở trước họ hiện thân trưởng giả, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu các chúng sanh ưa bàn nói những lời hay, tự ở yên thanh tịnh, con liền ở trước họ hiện thân cư sĩ, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu các chúng sanh ưa trị nước, phân chia các bang các ấp, con liền ở trước họ hiện thân tể quan, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu các chúng sanh ưa các số thuật, ở yên gìn giữ Vệ-đà, con liền ở trước họ hiện thân Bà-la-môn, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có người nam ưa học hạnh xuất gia, giữ các giới luật, con liền ở trước họ hiện thân Tỳ-kheo, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có người nữ muốn học hạnh xuất gia, giữ gìn các cấm giới, con liền ở trước họ hiện thân Tỳ-kheo ni, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có người nam ưa giữ năm giới, con liền ở trước họ hiện thân ưu-bà-tắc, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có người nữ tự giữ gìn năm giới, con liền ở trước họ hiện thân ưu-bà-di, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có người nữ lập thân trong nội chính để sửa trị nước nhà, con liền ở trước họ hiện thân nữ chúa hoặc quốc phu nhân, mệnh phụ, người giàu có, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có chúng sanh muốn không hoại nam căn, con liền ở trước họ hiện thân đồng nam, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có người nữ trinh bạch ưa giữ thân trong sạch, chẳng muốn người xâm phạm, con liền ở trước họ hiện thân đồng nữ, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có chư thiên muốn ra khỏi loài trời, con liền ở trước họ hiện thân trời, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có các loài rồng muốn thoát khỏi loài rồng, con liền ở trước họ hiện thân rồng, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có các dược-xoa muốn thoát khỏi gốc dược-xoa, con liền ở trước họ hiện thân dược-xoa, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có càn-thát-bà muốn ra khỏi dòng càn-thát-bà, con liền ở trước họ hiện thân càn-thát-bà, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có a-tu-la muốn ra khỏi loài a-tu-la, con liền ở trước họ hiện thân a-tu-la, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có các khẩn-na-la muốn ra khỏi loài khẩn-na-la, con liền ở trước họ hiện thân khẩn-na-la, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có các ma-hô-la-già muốn ra khỏi loài ma-hô-la-già, con liền ở trước họ hiện thân ma-hô-la-già, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có các chúng sanh muốn làm người, tu hành để được làm người, con liền ở trước họ hiện thân người, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có phi nhân có hình, không hình, có tưởng, không tưởng muốn ra khỏi loài của họ, con liền ở trước họ hiện các thân kia, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Ấy gọi là ba mươi hai ứng thân thanh tịnh nhiệm mầu, vào trong các cõi nước, đều do chánh định Văn huân văn tu, sức mầu vô tác, thành tựu tự tại.
Bạch Thế Tôn, lại con do sức mầu vô tác của chánh định Kim cang văn huân văn tu này, cùng với mười phương ba đời tất cả chúng sanh trong sáu đường đồng một bi ngưỡng, khiến các chúng sanh ở nơi thân tâm con được mười bốn thứ công đức vô úy.
Một là, do con không tự quán âm thanh mà dùng quán để quán trở lại tánh nghe của mình, khiến cho những chúng sanh khổ não trong mười phương kia quán âm thanh liền được giải thoát.
Hai là, do con xoay thấy biết trở lại, khiến các chúng sanh dù vào trong lửa lớn, lửa cũng không thể đốt cháy.
Ba là, do con quán cái nghe xoay trở lại tánh nghe, khiến các chúng sanh bị nước lớn cuốn trôi, nước không thể làm chìm.
Bốn là, do con đoạn diệt các vọng tưởng, tâm không sát hại, khiến cho chúng sanh vào trong các nước quỷ, quỷ cũng không thể hại.
Năm là, do con huân cái nghe thành tựu tánh nghe, sáu căn đều được tiêu dung, đồng với tiếng và cái nghe, hay khiến cho chúng sanh đang khi bị hại, đao kiếm kia gãy từng đoạn, hoặc khiến cho binh khí của kẻ hại như chặt dưới nước, cũng như thổi ánh sáng, tánh nghe không dao động.
Sáu là, do con huân tánh nghe được thuần thục sáng suốt, sáng khắp cả pháp giới thì các tối tăm không thể còn. Hay khiến cho chúng sanh, các loài quỷ dược-xoa, la-sát, cưu-bàn-trà, tỳ-xá-giá, phú-đơn-na v.v… tuy ở gần bên cạnh mà mắt chúng không thể xem thấy.
Bảy là, do các âm thanh hoàn toàn tiêu hết, quán cái nghe xoay trở vào, lìa các trần cảnh hư vọng, hay khiến cho chúng sanh, gông cùm xiềng xích không thể trói buộc.
Tám là, do con diệt các âm thanh ở ngoài, tánh nghe được tròn đầy nên phát sanh sức từ cùng khắp, hay khiến cho chúng sanh khi đi qua những con đường hiểm, giặc không thể cướp.
Chín là, do con huân cái nghe lìa các trần, không bị sắc trần cướp hại, hay khiến cho tất cả chúng sanh có nhiều dâm dục xa lìa tham dục.
Mười là, do con thuần thục được các âm thanh, không theo trần cảnh, căn và cảnh viên dung, không còn năng đối sở đối, hay khiến cho tất cả chúng sanh sân giận xa lìa được các nóng giận.
Mười một là, do con tiêu hết các trần, xoay về tánh giác tròn sáng nên thân tâm và pháp giới đều như lưu ly sáng suốt không chướng ngại, hay khiến cho tất cả những kẻ ngu tối ám chướng xa lìa được sự si mê tăm tối.
Mười hai là, do con tiêu dung các hình tướng, trở về tánh nghe, không rời khỏi đạo tràng mà lẫn vào trong thế gian nhưng không làm hoại thế giới, cúng dường chư Phật Như Lai ở khắp mười phương như số vi trần, gần bên mỗi đức Phật làm Pháp vương tử, hay khiến cho những chúng sanh không có con ở trong pháp giới muốn cầu con trai liền sanh được con trai có phước đức trí tuệ.
Mười ba là, do sáu căn được viên thông, soi sáng không hai, trùm cả mười phương thế giới, lập thành Đại viên cảnh Không Như Lai tạng, vâng theo pháp môn bí mật của Như Lai ở mười phương như số vi trần, nhận lãnh không thiếu sót, hay khiến những chúng sanh không con trong pháp giới muốn cầu con gái liền sanh được con gái, có tướng tốt đoan chánh, phước đức nhu thuận, mọi người đều yêu kính.
Mười bốn là, trong tam thiên đại thiên thế giới này có trăm ức mặt trời mặt trăng, có những vị Pháp vương tử hiện ở thế gian, nhiều như số cát sáu mươi hai sông Hằng, tu theo Phật pháp, làm gương mẫu để giáo hóa chúng sanh, tùy thuận chúng sanh, phương tiện và trí tuệ mỗi vị không đồng nhau. Do con được bản căn viên thông, phát ra tánh nhiệm mầu của nhĩ căn, về sau thân tâm nhiệm mầu dung chứa khắp cả pháp giới, hay khiến cho chúng sanh trì danh hiệu con, với người trì danh hiệu tất cả các vị Pháp vương tử nhiều như số cát sáu mươi hai sông Hằng kia, hai người đó phước đức bằng nhau không khác.
Bạch Thế Tôn, một danh hiệu của con cùng với nhiều danh hiệu các Bồ-tát kia không khác, là do con tu tập được tánh viên thông chân thật.
Đây gọi là mười bốn sức bố thí vô úy đem phước đầy đủ cho chúng sanh.
Bạch Thế Tôn, do con được viên thông, tu chứng đạo Vô thượng, lại khéo được bốn đức vô tác nhiệm mầu không thể nghĩ bàn.
Một là, ban đầu do con đạt được tâm nghe rất mầu nhiệm, tâm đó tinh thuần, bỏ cái nghe; thấy nghe hiểu biết không còn phân cách, thành một Bảo giác thanh tịnh viên dung. Cho nên con có thể hiện ra rất nhiều hình dung nhiệm mầu, hay nói vô số thần chú bí mật. Trong ấy hoặc hiện một đầu, ba đầu, năm đầu, bảy đầu, chín đầu, mười một đầu, như thế cho đến một trăm lẻ tám đầu, ngàn đầu, muôn đầu, tám muôn bốn ngàn đầu kiên cố. Hoặc hai tay, bốn tay, sáu tay, tám tay, mười tay, mười hai tay, mười bốn, mười sáu, mười tám, hai mươi, cho đến hai mươi bốn tay, như thế nhẫn đến một trăm lẻ tám tay, ngàn tay, muôn tay, tám muôn bốn ngàn tay bắt ấn. Hoặc hai mắt, ba mắt, bốn mắt, chín mắt, như thế cho đến một trăm lẻ tám mắt, một ngàn mắt, một muôn mắt, tám muôn bốn ngàn mắt báu thanh tịnh. Hoặc hiện từ, hoặc uy, hoặc định, hoặc tuệ, để cứu hộ chúng sanh được đại tự tại.
Hai là, do cái nghe và suy nghĩ của con thoát khỏi sáu trần, như tiếng qua tường vách không bị chướng ngại, nên con khéo hay hiện mỗi mỗi thân hình, tụng mỗi mỗi chú. Hình kia chú kia hay dùng sức vô úy bố thí cho các chúng sanh. Thế nên cõi nước ở mười phương như số vi trần, đều gọi con là người bố thí vô úy.
Ba là, do con tu tập bản căn (nhĩ căn) thanh tịnh vốn mầu nhiệm viên thông, nên dạo đi trong thế giới nào đều khiến chúng sanh xả trân bảo nơi thân để cầu con thương xót.
Bốn là, con được tâm Phật, chứng được cứu cánh, hay dùng các thứ trân bảo cúng dường chư Như Lai ở mười phương, cả đến những chúng sanh trong sáu đường ở khắp pháp giới, nếu cầu vợ được vợ, cầu con được con, cầu chánh định được chánh định, cầu sống lâu được sống lâu, như thế cho đến cầu Đại Niết-bàn được Đại Niết-bàn.
Phật hỏi về viên thông, con từ nơi nhĩ căn được chánh định chiếu soi tròn đầy, duyên tâm tự tại, nhân tướng nhập lưu mà được chánh định, thành tựu quả Bồ-đề, đây là bậc nhất.
Bạch Thế Tôn, đức Phật kia (đức Phật Quán Thế Âm) khen ngợi con khéo được pháp môn viên thông, ở trong đại hội thọ ký cho con hiệu là Quán Thế Âm. Do con quán tánh nghe tròn sáng khắp mười phương, nên danh Quán Âm cũng khắp cả thế giới mười phương.
Khi ấy đức Thế Tôn nơi tòa sư tử, từ năm vóc của Ngài đồng phóng hào quang báu, xa rọi đến trên đảnh chư Như Lai mười phương nhiều như số vi trần và trên đảnh các vị Pháp vương tử, các vị Bồ-tát. Chư Phật kia cũng từ năm vóc đồng phóng hào quang báu, từ các cõi nước như vi trần kia rọi đến trên đảnh Phật, cùng rọi trên đảnh những vị đại Bồ-tát và A-la-hán trong chúng hội. Rừng cây, ao hồ đều diễn nói pháp. Hào quang xen lẫn nhau như lưới tơ báu. Cả đại chúng nơi đây được điều chưa từng có, tất cả đều được Kim cang tam-muội.
Liền khi đó trời mưa hoa sen trăm báu, màu xanh vàng đỏ trắng xen lẫn nhau, hư không mười phương thành sắc bảy báu. Thế giới Ta-bà này, đất liền, núi sông đều đồng thời chẳng hiện, chỉ thấy có các cõi nước mười phương như số vi trần hợp thành một thế giới. Những tiếng ca hát chúc tụng tự nhiên cất lên.
Khi ấy đức Như Lai bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử rằng: – Nay ông xem trong hai mươi lăm vị vô học thuộc hàng Bồ-tát và A-la-hán, mỗi người trình bày phương tiện ban đầu đưa đến thành đạo, đều nói tu tập pháp chân thật viên thông. Những phương tiện tu hành kia trước sau khác nhau, thật không có hơn kém. Nay ta muốn khiến A-nan được khai ngộ, trong hai mươi lăm hạnh đó, hạnh nào sẽ thích hợp với căn cơ kia? Cùng với sau khi ta diệt độ, chúng sanh ở thế giới này muốn vào Bồ-tát thừa cầu đạo Vô thượng, dùng cửa phương tiện nào được dễ thành tựu?
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi vâng lời chỉ dạy từ bi của Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, nương oai thần của Phật, nói kệ đáp lại:
Biển giác tánh lặng tròn,
Tròn lặng, giác vốn mầu.
Nguyên minh, chiếu sanh sở,
Sở lập, tánh chiếu mất.
Mê vọng có hư không,
Nương không, lập thế giới.
Tưởng lặng thành cõi nước,
Hiểu biết là chúng sanh.
Hư không sanh trong giác
Như bọt nổi trong biển.
Cõi hữu lậu vi trần
Đều nương không mà sanh.
Bọt tan, hư không mất,
Huống lại là ba cõi.
Về nguồn, tánh không hai,
Phương tiện có nhiều cửa.
Tánh thánh đâu chẳng thông,
Thuận nghịch đều phương tiện.
Sơ tâm vào chánh định
Nhanh chậm không giống nhau.
Sắc tưởng kết thành trần,
Tinh thuần không thể thấu.
Làm sao không rõ suốt
Tu hành được viên thông?
Âm thanh lẫn ngôn ngữ,
Chỉ nương tên, câu, vị.
Một chẳng gồm tất cả
Sao tu được viên thông?
Hương do hợp mới biết
Lúc lìa vốn chẳng có
Chỗ hay biết không thường,
Làm sao được viên thông?
Tánh vị không có sẵn,
Cần nếm mới có vị,
Cảm giác không hằng nhất,
Làm sao được viên thông?
Xúc do chỗ chạm biết
Không chạm không rõ xúc.
Tánh hợp lìa chẳng định
Làm sao được viên thông?
Pháp gọi là nội trần,
Nương trần ắt có sở,
Năng sở không dung khắp,
Làm sao được viên thông?
Cái thấy tuy rỗng suốt,
Thấy trước chẳng thấy sau,
Bốn phía thiếu một nửa
Làm sao được viên thông?
Mũi thở ra vào thông,
Hiện tiền không khoảng giữa,
Tách rời không dung nhập,
Làm sao được viên thông?
Lưỡi không vị, không duyên,
Nhân vị sanh rõ biết,
Vị mất, cái biết không,
Làm sao được viên thông?
Thân cùng sở xúc đồng,
Đều chẳng biết thông suốt,
Chừng hạn, không thầm hợp,
Làm sao được viên thông?
Ý căn xen loạn tưởng,
Dừng lặng trọn chẳng thấy.
Tưởng niệm không giải thoát,
Làm sao được viên thông?
Nhãn thức lẫn ba hòa,
Tìm gốc không có tướng,
Tự thể không nhất định,
Làm sao được viên thông?
Tâm nghe suốt mười phương
Sanh từ sức nguyện lớn,
Sơ tâm không thể vào,
Làm sao được viên thông?
Tưởng mũi, phương tiện tạm,
Chỉ để nhiếp tâm trụ.
Trụ thành tâm sở trụ
Làm sao được viên thông?
Thuyết pháp dùng lời tiếng,
Trước người được khai ngộ.
Câu chữ chẳng vô lậu,
Làm sao được viên thông?
Giữ giới chỉ buộc thân,
Không thân chẳng chỗ buộc,
Vốn chẳng khắp tất cả,
Làm sao được viên thông?
Thần thông, nhân đời trước,
Dính gì pháp phân biệt.
Niệm duyên chẳng lìa vật
Làm sao được viên thông?
Nếu quán tánh của đất,
Cứng ngại không thông suốt,
Hữu vi chẳng tánh thánh
Làm sao được viên thông?
Nếu quán tánh của nước,
Tưởng niệm không chân thật,
Như như chẳng giác quán,
Làm sao được viên thông?
Nếu quán tánh của lửa,
Chán có, chẳng thật lìa,
Cách không hợp sơ tâm,
Làm sao được viên thông?
Nếu quán tánh của gió,
Động tịch là đối đãi,
Chẳng phải Vô thượng giác
Làm sao được viên thông?
Nếu quán tánh của không,
Mờ tối không có giác,
Không giác, khác Bồ-đề,
Làm sao được viên thông?
Nếu quán tánh của thức,
Quán thức chẳng thường trụ,
Còn tâm là hư vọng
Làm sao được viên thông?
Các hạnh là vô thường
Tánh niệm vốn sanh diệt
Nhân quả nay cảm ứng
Làm sao được viên thông?
Nay con bạch Thế Tôn
Phật xuất hiện Ta-bà,
Chân giáo thể phương này,
Thanh tịnh nơi tiếng, nghe.
Muốn vào được chánh định,
Thật do nơi nghe vào.
Lìa khổ được giải thoát,
Hay thay! Quán Thế Âm,
Trong hằng sa số kiếp
Vào cõi Phật vi trần,
Được sức đại tự tại,
Vô úy thí chúng sanh.
Diệu âm, Quán thế âm,
Phạm âm, Hải triều âm,
Cứu đời thảy an ổn,
Xuất thế, được thường trụ.
Nay con bạch Như Lai,
Như Quán Âm đã nói:
Ví như người chỗ vắng,
Mười phương đồng đánh trống,
Mười chỗ đồng thời nghe,
Đây viên thông chân thật.
Mắt bị ngăn chẳng thấy,
Miệng, mũi cũng như thế.
Thân do hợp mới biết,
Tâm lăng xăng không mối.
Cách vách vẫn nghe tiếng,
Xa gần đều nghe được,
Năm căn không thể bằng,
Đây viên thông chân thật.
Âm thanh có động tịnh,
Trong nghe thành có không,
Không tiếng gọi không nghe,
Chẳng phải không tánh nghe.
Không tiếng đã không diệt,
Có tiếng cũng chẳng sanh.
Sanh diệt thảy trọn lìa,
Đây hẳn thường chân thật.
Dù là trong mộng tưởng,
Không chẳng nghĩ mà không,
Giác quán ngoài suy nghĩ,
Thân tâm không bì kịp.
Nay cõi Ta-bà này,
Dùng tiếng luận bàn rõ,
Chúng sanh quên gốc nghe
Theo tiếng nên lưu chuyển.
A-nan dù nhớ giỏi,
Không khỏi mắc tà niệm
Đâu chẳng theo chỗ chìm,
Xoay dòng được không vọng.
A-nan! Ông lắng nghe,
Tôi nương oai lực Phật
Tuyên nói Kim cang vương
Như huyễn chẳng nghĩ bàn
Chân tam-muội, Phật mẫu.
Ông nghe môn bí mật
Chư Phật như vi trần,
Trước không trừ dục lậu
Chứa nghe thành lỗi lầm.
Dùng nghe nhớ lời Phật,
Sao không nghe tánh nghe?
Nghe chẳng tự nhiên sanh,
Nhân tiếng có danh tự.
Xoay nghe thoát được tiếng,
Hay thoát, gọi tên gì?
Một căn đã về nguồn,
Sáu căn thành giải thoát.
Thấy nghe, bệnh mắt huyễn,
Ba cõi như không hoa.
Nghe lại, bệnh mắt trừ,
Trần tiêu, giác viên tịnh.
Sạch tột, sáng thông suốt,
Tịch chiếu trùm hư không.
Trở lại xem thế gian
Giống như việc trong mộng.
Ma-đăng-già trong mộng,
Ai giữ được thân ông?
Huyễn sư giỏi ở đời
Huyễn tạo ra nam nữ.
Tuy thấy các căn động,
Cốt do một máy giật.
Máy dừng, về yên lặng,
Các huyễn thành không tánh.
Sáu căn cũng như thế,
Vốn nương một tinh minh
Phân thành sáu hòa hợp,
Một thôi dứt trở về
Sáu dụng không thành lập.
Trần cấu liền đó tiêu,
Thành tròn sáng sạch mầu,
Còn trần còn hữu học
Sáng tột là Như Lai.
Đại chúng và A-nan,
Xoay ngược lại máy nghe
Nghe lại tự tánh nghe,
Tánh thành đạo Vô thượng.
Viên thông thật như vậy.
Đường vào cửa Niết-bàn
Của chư Phật vi trần.
Chư Như Lai quá khứ
Từ cửa này thành tựu.
Chư Bồ-tát hiện tại
Nay đều vào viên minh.
Người tu học vị lai
Phải y pháp như thế.
Tôi cũng trong ấy chứng,
Không chỉ Quán Thế Âm.
Thật như Phật Thế Tôn
Hỏi con các phương tiện,
Để cứu người mạt pháp
Cầu ra khỏi thế gian,
Thành tựu tâm Niết-bàn,
Quán Thế Âm bậc nhất.
Còn các phương tiện khác
Đều nhờ oai thần Phật.
Ngay sự, bỏ trần lao,
Chẳng phải thường tu học.
Sâu cạn đồng nói pháp.
Đảnh lễ Như Lai tạng
Vô lậu chẳng nghĩ bàn,
Nguyện gia bị đời sau
Nơi môn này không lầm.
Phương tiện dễ thành tựu
Đem chỉ dạy A-nan,
Người trầm luân mạt kiếp
Chỉ dùng căn này tu,
Viên thông hơn tất cả,
Tâm chân thật như thế.
Khi ấy A-nan và đại chúng thân tâm sáng tỏ, nhận được sự chỉ bày rõ ràng, xem Đại Niết-bàn và Bồ-đề của Phật cũng giống như người có việc đi xa chưa trở về được, nhưng đã biết rõ con đường về nhà rồi. Khắp cả đại chúng, thiên long bát bộ, hàng Nhị thừa hữu học và tất cả những người mới phát tâm Bồ-tát, số lượng bằng mười số cát sông Hằng đều được bản tâm, xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh.
Tánh Tỳ-kheo-ni nghe nói bài kệ rồi, liền được quả A-la-hán. Chúng sanh vô lượng đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
A-nan chỉnh sửa y phục, ở trong đại chúng chắp tay đảnh lễ Phật, dấu tâm tròn sáng, buồn vui lẫn lộn, vì muốn làm lợi ích cho các chúng sanh đời sau, cúi đầu bạch Phật: – Bạch Thế Tôn đấng Đại bi, nay con đã ngộ được pháp môn thành Phật, trong ấy tu hành, không còn nghi ngờ gì nữa. Con thường nghe Như Lai nói thế này: mình chưa được độ, trước lo độ người là Bồ-tát phát tâm; còn chính mình đã được giác ngộ viên mãn, rồi hay giác ngộ cho người khác là Phật ra đời. Con tuy chưa được độ mà nguyện độ tất cả chúng sanh ở đời mạt pháp.
Bạch Thế Tôn, các chúng sanh này cách Phật dần xa, tà sư nói pháp nhiều như số cát sông Hằng. Muốn nhiếp tâm người kia vào chánh định, làm sao khiến họ an lập được đạo tràng, xa lìa các ma sự, đối với tâm Bồ-đề được không thối chuyển?
Khi ấy đức Thế Tôn ở trong đại chúng khen ngợi A-nan: – Lành thay! Lành thay! Như lời ông hỏi về cách an lập đạo tràng để cứu độ chúng sanh chìm đắm ở trong đời mạt kiếp. Nay ông lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói.
A-nan và đại chúng lặng yên chờ nghe Phật dạy.
Phật bảo A-nan: – Ông thường nghe ta ở trong giới luật tuyên nói tu hành có ba nghĩa quyết định, đó là: nhiếp tâm là giới, nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ. Đây gọi là ba Vô lậu học.
Này A-nan, thế nào là nhiếp tâm, ta gọi là Giới?
Nếu chúng sanh trong sáu đường ở các thế giới, tâm họ chẳng khởi dâm dục thì không theo đó mà sanh tử tiếp nối.
Ông tu chánh định, vốn để ra khỏi trần lao, nếu tâm dâm dục không trừ thì không thể ra khỏi được.
Dù có nhiều trí tuệ, thiền định hiện tiền, nếu như chẳng đoạn tâm dâm thì chắc hẳn rơi vào đường ma. Hạng trên là ma vương, hạng giữa là ma dân, hạng thấp là ma nữ.
Những loại ma kia cũng có đồ chúng. Mỗi mỗi loại ma đều tự cho là đã thành đạo Vô thượng rồi.
Sau khi ta diệt độ, trong thời mạt pháp, có nhiều loại ma dâm này hưng thịnh ở thế gian. Phần nhiều làm việc tham dâm mà cho là thiện tri thức, khiến các chúng sanh rơi vào hầm ái kiến, mất con đường Bồ-đề.
Ông dạy người đời tu về chánh định, trước phải đoạn tâm dâm. Đây gọi là lời dạy sáng suốt thanh tịnh, quyết định đệ nhất của Như Lai, Phật Thế Tôn trước.
Thế nên A-nan, nếu người không đoạn dâm mà tu thiền định thì giống như nấu cát đá mà muốn thành cơm. Dù trải qua trăm ngàn kiếp cũng chỉ gọi là cát đá nóng thôi. Vì sao? Vì đó là cát đá, không phải là bản nhân của cơm. Ông dùng thân dâm để cầu diệu quả Phật thì dù được diệu ngộ cũng đều là gốc dâm mà thôi. Cội gốc đã thành dâm thì phải luân chuyển trong ba đường, ắt không thể ra khỏi, vậy quả Niết-bàn của Như Lai do con đường nào mà tu chứng? Hẳn phải khiến thân tâm đều đoạn hết gốc dâm, tánh đoạn cũng không thì đối với Bồ-đề Phật, người này có thể hy vọng được.
Như lời ta nói đây gọi là Phật nói, không như lời nói này tức là ma Ba-tuần nói.
Này A-nan, lại chúng sanh trong sáu đường trên các thế giới, không có tâm sát hại thì không theo đó mà tiếp tục sanh tử. Ông tu chánh định vốn muốn ra khỏi trần lao, không trừ tâm sát hại thì không thể ra khỏi trần lao. Dù có nhiều trí tuệ, thiền định hiện tiền, nếu không dứt trừ tâm sát ắt rơi vào thần đạo. Người bậc trên thành đại lực quỷ, bậc giữa làm phi hành dược-xoa, các loài quỷ soái v.v…, bậc dưới làm địa hành la-sát.
Các loài quỷ thần kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi đều tự cho là đã thành đạo Vô thượng. Sau khi ta diệt độ, ở trong đời mạt pháp, phần nhiều các loại quỷ thần này hưng thịnh ở thế gian, tự nói ăn thịt được đạo Bồ-đề.
Này A-nan, ta cho phép các thầy Tỳ-kheo ăn ngũ tịnh nhục. Thịt này đều do thần lực của ta biến hóa mà sanh ra, vốn không có mạng căn. Xứ Bà-la-môn các ông đất phần nhiều nóng ướt, lại thêm cát sỏi nên rau cỏ không thể sanh sống. Ta do lòng đại bi, dùng sức thần lực mà gia bị. Nhân lòng đại từ bi giả gọi là thịt, các ông mới được cái vị kia.
Tại sao sau khi Như Lai diệt độ, người ăn thịt chúng sanh mà gọi là Thích tử! Các ông phải biết, người ăn thịt ấy dù tâm được khai mở, giống như được chánh định, đều là đại la-sát. Khi báo thân mạng chung, ắt chìm trong biển khổ sanh tử, không phải là đệ tử của Phật. Người như thế giết nhau, ăn nuốt lẫn nhau chưa thôi dứt, làm sao người ấy được ra khỏi tam giới?
Ông dạy người đời tu chánh định, kế đó phải dứt trừ sát sanh. Đây gọi là lời dạy rõ ràng, thanh tịnh, quyết định thứ hai của Như Lai, Phật Thế Tôn trước. Thế nên A-nan, nếu người không dứt trừ giết hại mà tu thiền định, cũng giống như có người tự bít kín lỗ tai của mình rồi lớn tiếng kêu to mà mong người khác chẳng nghe. Những người này gọi là muốn ẩn mà càng lộ ra.
Những Tỳ-kheo thanh tịnh và các vị Bồ-tát đi trên con đường nhỏ còn không đạp cỏ tươi, huống là lấy tay nhổ. Tại sao người có lòng đại bi lại lấy máu thịt của chúng sanh mà ăn cho no?
Nếu các vị Tỳ-kheo không mặc tơ lụa phương đông và dùng những giày dép, áo lông cừu, sữa, tô lạc, đề-hồ v.v… cõi này, những Tỳ-kheo như thế ở trong đời này thật là giải thoát, trả xong nợ đời trước rồi thì không còn đi trong tam giới nữa.
Vì sao? Dùng những phần của thân chúng sanh đều chịu duyên nợ với chúng. Như những người ăn trăm thứ cốc gạo ở trong đất thì chân họ cũng không rời đất. Quyết khiến thân tâm đối với các chúng sanh, hoặc toàn thân hoặc bộ phận của thân, hai đường thân tâm đều không mặc, không ăn, ta nói người ấy thật là giải thoát.
Như lời ta nói đây gọi là Phật nói, không như lời nói này tức là ma Ba-tuần nói.
Lại nữa này A-nan, chúng sanh trong sáu đường trên các thế giới, tâm họ không trộm thì không theo đó mà tiếp tục sanh tử. Ông tu chánh định vốn muốn ra khỏi trần lao, nếu không trừ tâm trộm thì không thể ra khỏi trần lao được. Dù có nhiều trí tuệ, thiền định hiện tiền, nếu không dứt trừ tâm trộm cắp ắt rơi vào đường tà. Hạng trên làm tinh linh, hạng giữa làm yêu mị, còn hạng dưới làm người tà, bị các loài quỷ mị dựa. Những bọn tà kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự bảo là thành đạo Vô thượng.
Sau khi ta diệt độ, trong đời mạt pháp, phần nhiều loài yêu tà này hưng thịnh ở thế gian. Chúng ẩn nấp gian dối xưng là thiện tri thức, mỗi người tự nói đã được pháp thượng nhân, lừa gạt người không biết, khủng bố khiến cho tâm sợ sệt. Chỗ họ đi qua, những nhà kia thường hao tài tốn của.
Ta dạy các thầy Tỳ-kheo theo thứ lớp đi khất thực, khiến bỏ lòng tham để thành đạo Bồ-đề.
Các thầy Tỳ-kheo không tự nấu ăn, gửi đời tàn này làm người khách tạm đi trong tam giới, hiện thân một lần qua lại, đi rồi không trở lại. Tại sao kẻ giặc giả mượn y phục của ta mà mua bán Như Lai? Tạo các thứ nghiệp đều nói là Phật pháp, lại chê bai những người xuất gia thọ giới Cụ túc làm Tỳ-kheo là đạo Tiểu thừa. Do đó làm vô lượng chúng sanh nghi lầm, đọa trong địa ngục Vô gián.
Sau khi ta diệt độ, nếu có những Tỳ-kheo phát tâm quyết định tu thiền định, hay ở trước hình tượng Như Lai, đốt thân làm một ngọn đèn, hoặc đốt một ngón tay, hay ở trên thân đốt một liều hương. Ta nói người ấy, nợ trước từ vô thủy một lúc đều trả xong, từ biệt thế gian, vĩnh viễn thoát khỏi các lậu.
Người ấy tuy chưa sáng tỏ con đường Vô thượng giác, nhưng đối với pháp đã có tâm quyết định. Nếu chẳng làm cái nhân nhỏ xả thân này thì dù có thành tựu vô vi ắt cũng còn trở lại sanh làm người để trả nợ đời trước, như ta bị nạn mã mạch, thật không sai khác. Ông dạy người thế gian tu về chánh định, sau phải dứt trừ trộm cắp. Đây gọi là lời dạy rõ ràng, thanh tịnh, quyết định thứ ba của Như Lai, Phật Thế Tôn trước.
Thế nên A-nan, nếu không dứt trừ trộm cắp mà tu thiền định thì giống như có người rót nước vào cái chén lủng, mong cho nó được đầy, dù trải qua số kiếp như vi trần, trọn không thể đầy được.
Nếu các Tỳ-kheo, ngoài y bát ra, một phân một tấc gì cũng không được tích chứa. Khất thực phần còn dư nên bố thí cho các chúng sanh đói. Ở những chỗ chúng tăng nhóm họp đông đảo thì nên chắp tay lễ chúng. Nếu có người đánh chửi mình thì coi như là khen ngợi.
Quyết buông bỏ cả thân và tâm. Xem thân thịt xương máu mình cùng giống với chúng sanh. Không đem lời dạy bất liễu nghĩa của Như Lai lại làm chỗ hiểu của mình, khiến người mới học lầm lạc. Phật ấn chứng người này được chánh định chân thật. Như lời ta nói gọi là Phật nói, không như lời này tức là ma Ba-tuần nói.
Này A-nan, như thế những chúng sanh trong sáu đường trên các thế giới, tuy thân tâm không sát sanh, trộm cắp, dâm dục, ba hạnh đã tròn, nếu đại vọng ngữ tức chánh định không được thanh tịnh, thành ma ái kiến, mất hạt giống Như Lai. Nghĩa là chưa được nói đã được, chưa chứng nói đã chứng. Hoặc mong người thế gian tôn trọng mình bậc nhất, ở trước người, nói: Nay ta đã được quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, đạo A-la-hán, thừa Bích-chi Phật, hoặc các vị Bồ-tát Thập địa, trước Thập địa v.v… Mong những người kia lễ bái, tham sự cúng dường của họ. Đây là một kẻ ngu si, tiêu diệt hạt giống Phật. Như người dùng dao chặt cây đa-la, Phật ấn ký người này mất hẳn căn lành, không còn chánh tri kiến, chìm trong ba biển khổ, không thành được chánh định.
Ta dạy các Bồ-tát và A-la-hán sau khi ta diệt độ, ứng thân sanh trong đời mạt pháp kia, hiện các hình tướng để độ những người trầm luân. Hoặc làm Sa-môn, bạch y cư sĩ, vua quan, đồng nam đồng nữ, như thế cho đến làm dâm nam dâm nữ, quả phụ, kẻ gian dối, trộm cắp, đồ tể, buôn bán, cùng làm việc với họ, nhưng tán thán Phật thừa khiến cho thân tâm những người kia được vào chánh định. Trọn không tự nói ta thật là Bồ-tát, thật là A-la-hán, tiết lộ mật nhân của Phật, khinh xuất nói với những người chưa học, chỉ trừ khi sắp chết thầm có những lời di chúc, làm sao nói người này lừa gạt chúng sanh, thành tội đại vọng ngữ?
Ông dạy người đời tu chánh định, về sau lại đoạn trừ các đại vọng ngữ. Ấy gọi là lời dạy rõ ràng, thanh tịnh, quyết định thứ tư của Như Lai, Phật Thế Tôn trước. Thế nên A-nan, nếu không đoạn đại vọng ngữ kia thì như kẻ lấy phân người làm hình chiên-đàn, mong muốn có mùi thơm, điều đó không bao giờ được.
Ta dạy các thầy Tỳ-kheo tâm ngay thẳng là đạo tràng. Nơi bốn oai nghi, trong tất cả hạnh còn không được giả dối, thì làm sao tự xưng đã được pháp thượng nhân?
Ví như người nghèo khó mà dối xưng mình là đế vương, tự chuốc tội tru diệt, huống là Pháp vương, vì sao mà dám dối xưng? Nhân không chân chánh thì phải chuốc lấy quả cong vạy. Những người đó mà cầu Bồ-đề của Phật thì giống như người muốn cắn rốn mình, làm sao mà thành tựu! Nếu các Tỳ-kheo tâm như sợi dây đàn thẳng, tất cả đều chân thật vào chánh định, hằng không có các ma sự. Ta ấn chứng cho người này sẽ thành tựu tri giác Vô thượng của Bồ-tát. Như lời ta nói gọi là Phật nói, không như lời này tức là ma Ba-tuần nói.