Kinh Tăng Nhất A Hàm

52. Phẩm Đại Ái Đạo nhập Niết Bàn



* KINH SỐ 1.

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Tỳ-xá-ly, giảng đường Phổ Hội, cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người câu hội.

Bấy giờ, bà Đại Ái Đạo đang ở trong thành Tỳ-xá-ly, chùa Cao Đài, cùng với chúng đại Tỳ-kheo-ni năm trăm người câu hội, đều là bậc A-la-hán, các lậu đã hết. Bà Đại Ái Đạo nghe các Tỳ-kheo nói: ‘Như Lai không bao lâu sẽ diệt độ, không quá ba tháng sẽ Niết-bàn tại Sa-la song thọ, xứ Câu-thi-na-kiệt’. Bà liền nghĩ: ‘Ta không kham nhìn thấy Như Lai diệt độ. Nay ta nên diệt độ trước’. Bà Đại Ái Đạo đi đến chỗ Thế Tôn, cúi dạy lui ngồi một bên. Bà đến trước bạch Phật:

– Con nghe Thế Tôn không bao lâu sẽ diệt độ, không quá ba tháng sau, tại xứ Câu-thi-na-kiệt, khoảng rừng Sa-la song thọ. Nay con không kham thấy Thế Tôn và A-nan diệt độ. Cúi xin Thế Tôn cho phép con diệt độ trước.

Khi ấy Thế Tôn im lặng hứa khả.

Bà Đại Ái Đạo lại bạch Phật:

– Từ nay về sau cúi xin Thế Tôn cho các Tỳ-kheo-ni thuyết giới.

Phật bảo:

– Nay Ta có phép Tỳ-kheo-ni cùng với Tỳ-kheo-ni thuyết giới. Những giới cấm do Như Lai chế ra đừng để sai phạm.

Khi ấy, bà Đại Ái Đạo làm lễ dưới chân Phật, và đứng trước Phật, bà lại bạch Phật:

– Hôm nay con không còn thấy lại tôn nhan của Như Lai, cũng không thấy chư Phật tương lai, không còn tái sanhvĩnh viễn ở chỗ vô vi. Ngày nay con xa lìa thánh nhan, vĩnh viễn không thấy lại.

Bà Đại Ái Đạo đi nhiễu quanh Phật bảy vòng, cũng đi nhiễu quanh Tôn giả A-nan bảy vòng, đi nhiễu quanh hết chúng Tỳ-kheo rồi lui đi. Bà trở về trong chúng Tỳ-kheo-ni bảo các Tỳ-kheo-ni:

– Nay ta muốn vào Niết-bàn vô vi. Vì sao thế? Như Lai chẳng bao lâu sẽ diệt độ, các vị nên tùy nghi mà hành động.

Khi ấy Tỳ-kheo-ni Sai-ma, Tỳ-kheo-ni Ưu-bát-sắc, Tỳ-kheo-ni Cơ-lợi-thi, Tỳ-kheo-ni Xá-cừu-lê, Tỳ-kheo-ni Xà-ma, Tỳ-kheo-ni Bát-đà-lan-giá, Tỳ-kheo-ni Bà-la-giá-la, Tỳ-kheo-ni Ca-chiên-diên, Tỳ-kheo-ni Xà-da cùng năm trăm Tỳ-kheo-ni đi đến chỗ Thế Tôn, đứng một bên. Khi ấy, Tỳ-kheo-ni Sai-ma làm thượng thủbạch Phật:

– Chúng con nghe Như Lai không bao lâu diệt độ, chúng con không kham thấy Thế Tôn và Tôn giả A-nan diệt độ trước. Cúi xin Thế Tôn cho phép chúng con diệt độ trước. Nay chúng con vào Niết-bàn chính là phải thời.

Khi ấy Thế Tôn im lặng hứa khả. Tỳ-kheo-ni Sai-ma và năm trăm Tỳ-kheo-ni thấy đức Thế Tôn im lặng hứa khả, liền lễ dưới chân Phậtđi nhiễu quanh ba vòng rồi lui đi, trở về phòng của mình. Khi ấy bà Đại Ái Đại đóng cửa giảng đường, đánh kiền chùy, trải tọa cụ nơi đất trống, bay lên hư không. Ở trong hư không, bà ngồi, nằm, đi kinh hành hoặc phát ra ánh lửa, nửa thân dưới phun khói, nửa thân trên phun lửa, nửa thân dưới phun nước, nửa thân trên phun khói, toàn thân phóng lửa, toàn thân phóng khói, hông bên trái tuôn nước, hông bên mặt tuôn lửa, hông bên mặt tuôn nước, hông bên trái tuôn khói, phía trước tuôn lửa, phía sau tuôn nước, phía trước tuôn nước, phía sau tuôn lửa, toàn thân tuôn lửa, toàn thân tuôn nước.

Bà Đại Ái Đạo làm bao nhiêu biến hóa ấy, trở về tòa mình ngồi kiết-già, chánh thân chánh ý buộc niệm ở trước rồi nhập Sơ thiền; từ Sơ thiền xuất, nhập Nhị thiền; từ Nhị thiền xuất, nhập Tam thiền; từ Tam thiền xuất, nhập Tứ thiền; từ Tứ thiền xuất, nhập Không xứ; từ Không xứ xuất, nhập Thức xứ; từ Thức xứ xuất, nhập Vô sở hữu xứ; từ Vô Sở hữu xứ xuất, nhập Hữu tưởng vô tưởng xứ; từ Hữu tưởng vô tưởng xứ xuất, nhập Tưởng tri diệt; từ Tưởng tri diệt xuất, nhập lại Hữu tưởng vô tưởng xứ; từ Hữu tưởng vô tưởng xứ xuất, nhập lại Thức xứ; từ Thức xứ xuất, nhập Không xứ; từ Không xứ xuất, nhập Tứ thiền; từ Tứ thiền xuất, nhập Tam thiền; từ Tam thiền xuất, nhập Nhị thiền; từ Nhị thiền xuất, nhập Sơ thiền; từ Sơ thiền xuất, nhập lại Nhị thiền; từ Nhị thiền xuất, nhập Tam thiền; từ Tam thiền xuất, nhập Tứ thiền; đã nhập Tứ thiền liền diệt độ.

Khi ấy, trời đất chấn động, bên Đông nổi, bên Tây chìm, bên Tây nổi, bên Đông chìm, bốn bên nổi, chính giữa chìm, lại bốn bề gió mát trỗi lên, chư Thiên ở trên không trung đánh nhạc, chư Thiên cõi dục buồn khóc rơi lệ cũng như vào tháng mùa Xuân trời mưa cam lồ cõi trời thần diệu tung rải hoa ưu-bát, lại rải bột chiên-đàn trên thân bà.

Khi ấy Tỳ-kheo-ni Sai-ma, Tỳ-kheo-ni Ưu-bát-sắc, Tỳ-kheo-ni Cơ-lợi-thi-cù-đàm-di, Tỳ-kheo-ni Xá-cù-ly, Tỳ-kheo-ni Xà-ma, Tỳ-kheo-ni Bà-đà-lan-giá-da, các vị Tỳ-kheo-ni thượng chủ như thế năm trăm vị, mỗi vị đều trải tòa nơi đất trống, bay lên hư không, ở trên hư không nằm ngồi, đi kinh hành làm mười tám phép thần biếncho đến nhập tưởng tri diệt và đến diệt độ.

Khi ấy, trong thành Tỳ-xá-ly có đại tướng tên Da-du-đề dẫn năm trăm đồng tử nhóm họp tại giảng đường Phổ Hội lúc đó đang giảng thuyết. Da-du-đề và năm trăm đồng tử xa thấy năm trăm vị Tỳ-kheo-ni làm mười tám phép thần biến, thấy rồi vui mừng phấn khởi vô lượng, đều chấp tay hướng về các vị ấy.

Khi ấy, Thế Tôn bảo A-nan:

– Thầy đến chỗ đại tướng Da-du-đề bảo rằng: ‘Hãy mau sắm năm trăm giường, năm trăm tọa cụ, năm trăm bình tô lạc, năm trăm bình dầu, năm trăm xe hoa, năm trăm xe hương, năm trăm xe củi’.

A-nan bạch Phật:

– Chẳng biết Thế Tôn muốn làm gì?

Phật bảo:

– Bà Đại Ái Đạo đã diệt độ, và năm trăm Tỳ-kheo-ni nhập Niết-bàn, Ta muốn cúng dường xá-lợi.

Khi ấy A-nan buồn khóc xen lẫn không thể tự kềm, than: ‘Bà Đại Ái diệt độ sao nhanh chóng thay!’ A-nan đưa tay gạt lệ, liền đến chỗ đại tướng Da-du-đề. Da-du-đề xa thấy Tôn giả A-nan đi đến, đứng dậy đón tiếp, nói:

– Tôn giả A-nan đến đây rất quý! Tôn giả muốn dạy bảo gì mà đến bất ngờ?

Tôn giả A-nan:

– Tôi do Phật sai đến, muốn có việc bảo Ông.

Đại tướng hỏi:

– Có điều gì dạy bảo?

A-nan đáp:

Thế Tôn bảo Đại tướng rằng: Nên sắm sửa năm trăm giường, năm trăm tọa cụ, năm trăm bình tô, năm trăm bình dầu, năm trăm xe hoa, năm trăm xe hương, năm trăm xe củi. Bà Đại Ái Đạo và năm trăm Tỳ-kheo-ni đều diệt độchúng ta đến đó cúng dường Xá-lợi.

Đại tướng buồn khóc lẫn lộn, nói rằng:

– Bà Đại Ái Đạo diệt độ sao mà nhanh chóng thay! Năm trăm Tỳ-kheo-ni diệt độ nhanh chóng thay! Ai sẽ giáo hóa chúng ta và chỉ dạy về bố thí?

Đại tướng Da-du-đề liền sắm sửa năm trăm giường, năm trăm tọa cụ, năm trăm bình tô, năm trăm bình dầu, năm trăm xe hoa, năm trăm xe hương, năm trăm xe củi. Bà Đại Ái Đạo và năm trăm Tỳ-kheo-ni đều diệt độchúng ta đến đó cúng dường Xá-lợi.

Đại tướng buồn khóc lẫn lộn, nói rằng:

– Bà Đại Ái Đạo diệt độ sao mà nhanh chóng thay! Năm trăm Tỳ-kheo-ni diệt độ nhanh chóng thay! Ai sẽ giáo hóa chúng ta và chỉ dạy về bố thí?

Đại tướng Da-du-đề liền sắm sửa năm trăm giường, năm trăm tọa cụ, năm trăm bình tô, dầu, năm trăm xe hoa, hương, củi và các dụng cụ hỏa thiêu, đi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên.

Đại tướng Da-du-đề bạch Phật:

– Như Lai chỉ dạy con sắm sửa đồ cúng dường, nay đã xong.

Phật bảo:

– Nay Ông đưa thân của bà Đại Ái Đạo và năm trăm Tỳ-kheo-ni, ra khỏi thành Tỳ-xá-ly đến chỗ đất trống, Ta muốn cúng dường Xá-lợi ở đó.

Đại tướng Da-du-đề bạch Phật:

– Xin vâng, bạch Thế Tôn.

Khi ấy Đại tướng đến tinh xá của bà Đại Ái Đạo, bảo một người:

– Nay Người thử leo tường vào trong từ từ mở cửa đừng gây tiếng động.

Người kia theo lời dạy liền vào mở cửa. Đại tướng lại bảo năm trăm người, mỗi người đưa thân các vị lên giường. Bấy giờ có hai Sa-di-ni tại đó, một là Nan-đà, hai là Ưu-ban-nan-đà, hai Sa-di-ni bảo Đại tướng:

– Thôi, thôi, Đại tướng! Chớ xúc nhiễu các Thầy.

Đại tướng Da-du-đề bảo:

– Thầy các Cô không phải ngủ, mà đều đã diệt độ.

Hai Sa-di-ni nghe các Thầy đều diệt độ, ôm lòng lo sợ, tự suy nghĩquan sát các pháp có nhóm họp đều là pháp diệt tận, liền tại chỗ ngồi được tam minhlục thông. Khi ấy hai Sa-di-ni liền bay lên hư không, bay trước đến chỗ đất trống làm mười tám pháp thần biến, nằm, ngồi, đi kinh hành, thân phóng ra nước lửa, biến hóa vô lượng, liền ở Vô dư Niết-bàn mà nhập Niết-bàn.

Bấy giờ, Thế Tôn dẫn chúng Tỳ-kheo Tăng vây quanh trước sau, đi đến tinh xá của Tỳ-kheo-ni Đại Ái Đạo.

Thế Tôn bảo A-nan, Nan-đà, La-vân:

– Các Thầy khiêng thân của bà Đại Ái Đạo. Ta sẽ đích thân cúng dường.

Khi ấy, Thích-đề-hoàn-nhân biết ý nghĩ trong tâm Thế Tôn, liền từ cõi trời Ba mươi ba trong khoảng lực sĩ duỗi cánh tay ẩn và đi đến thành Tỳ-xá-ly, đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi đứng một bên. Trong chúng, những vị Tỳ-kheo lậu tận đều thấy Thích-đề-hoàn-nhân và chư Thiên trời Ba mươi ba, còn những Tỳ-kheo hữu dục không lậu tận, các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bát-tắc, Ưu-bà-di chưa lậu tận đều không thấy Thích-đề-hoàn-nhân và chư thiên cõi trời Ba mươi ba.

Vua trời Phạm thiên xa biết ý nghĩ trong tâm Như Lai, đem các Phạm thiên từ cõi Phạm thiên ẩn đến chỗ đức Thế Tôn, cúi lạy lui qua một bên.

Tỳ-sa-môn Thiên vương biết ý nghĩ trong tâm đức Thế Tôn, đem các quỷ thần Dược Xoa đến chỗ Như Lai, cúi lạy đứng qua một bên.

Đề-địa-lại-tra Thiên vương đem các thần Càn-thát-bà, từ phương Đông đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy đứng qua một bên.

Tỳ-lâu-lặc-xoa Thiên vương đem vô số thần Cưu-bàn-trà, từ phương Nam đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy đứng qua một bên.

Tỳ-lâu-ba-xoa Thiên vương đem các Long thần đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy đứng qua một bên.

Và chư thiên cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, mỗi mỗi đếu biết ý niệm trong tâm thế Tôn, đều đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy đứng qua một bên.

Khi ấy, Thích-đề-hoàn-nhân, Tỳ-sa-môn Thiên vương đến trước bạch Phật:

– Cúi xin Thế Tôn! Chớ tự nhọc thân, chúng con tự sẽ cúng dường Xá-lợi.

Phật bảo chư Thiên:

– Thôi, thôi, Thiên vương! Như Lai tự biết thời. Đây là việc Như Lai cần phải làm, chẳng phải hàng Trời, Rồng, Quỷ thần làm được. Vì sao thế? Cha mẹ sanh con nhiều lợi ích cho con, ân trọng dưỡng nuôi, bú mớm ẵm bồng, cần phải báo ân, không được không báo ânChư Thiên nên biết! Chư Phật quá khứthân mẫu sinh thành đều diệt độ trước, sau đó chư Phật Thế Tôn đều tự cúng dường trà tỳ xá-lợi. Giả sử chư Phật Thế Tôn ở tương lai, thân mẫu sinh thành cũng diệt độ trước, sau đó chư Phật đều tự cúng dường. Do phương tiện này biết Như Lai nên tự cúng dường, chẳng phải Trời, Rồng, Quỷ thần làm được.

Bấy giờ, Tỳ-sa-môn Thiên vương nói xong, liền đến rừng Chiên-đàn lấy củi chiên-đàn, đem đến chỗ đất trống.

Khi ấy, Thế Tôn đích thân khiêng một chân giường; Nan-đà khiên một chân, La-vân khiêng một chân, A-nan khiêng một chân, bay lên hư không đến chỗ hỏa thiêuBốn bộ chúng trong ấy, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, đưa thân thể của năm trăm Tỳ-kheo-ni đến chỗ hỏa thiêu.

Phật bảo đại tướng Da-du-đề:

– Nay Ông sắm sửa thêm hai giường, hai tọa cụ, hai xe củi, hương hoa để cúng dường thân hai Sa-di-ni.

Đại tướng Da-du-đề thưa:

– Xin vâng, bạch Thế Tôn.

Đại tướng liền sắm sửa đồ cúng dường.

Thế Tôn lấy củi chiên-đàn chuyển đến chư ThiênThế Tôn lại bảo đại tướng:

– Nay Ông nhặt lấy năm trăm Xá-lợi, mỗi mỗi phân biệt mà cúng dường. Đối với hai Sa-di-ni cũng làm như vậy.

Đại tướng vâng lời Phật dạy, mỗi mỗi phân biệt mà cúng dường, liền chuẩn bị hỏa thiêu.

Thế Tôn lại dùng gỗ chiên-đàn chất trên thân bà Đại Ái Đạo.

Bấy giờ, thế Tôn liền nói kệ:

Tất cả hành vô thường,
Có sanh ắt có diệt,
Không sanh, thời không diệt,
Diệt này và vui tột.

Chư Thiên và nhân dân đều vân tập tại chỗ trà-tỳ, Trời Người đại chúng lên đến số mười ức cai-na-thuật. Đại tướng đợi lửa tắt rồi bèn nhặt xá-lợi và xây tháp.

Phật bảo đại tướng:

– Nay Ông đem Xá-lợi của năm trăm Tỳ-kheo-ni xây tháp, được phước vô lượng lâu dài. Vì sao thế? Thế gian có bốn hạng người nên xây tháp. Thế nào là bốn? Nếu có người vì Như Lai Chí Chơn Đẳng Chánh Giác xây tháp, vì Chuyển luân Thánh vương, vì hàng Thanh vănBích-chi Phật xây tháp được phước vô lượng.

Khi ấy Thế Tôn vì hàng chư Thiên và nhân dân, nói pháp vi diệu, khuyến khích khiến cho hoan hỷ. Có một ức Trời và Người được trần cấu dứt sạch, đắc pháp nhãn thanh tịnh.

Bấy giờ, Trời, Người, Cà-thát-bà, A-tu-la bốn bộ chúng; nghe dạy xong, vui vẻ vâng làm.

* KINH SỐ 2.

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc, cùng với chúng đại Tỳ-kheo, năm trăm người câu hội.

Bấy giờ trong thành Xá-vệ, có Tỳ-kheo-ni Bà-đà ở chỗ vắng ngồi kiết-già tự suy nghĩ, buộc niệm ở trước, tự nhớ lại việc của vô số kiếp về trước, liền tự mỉm cười. Có Tỳ-kheo-ni xa thấy Tỳ-kheo-ni Bà-đà mỉm cười, thấy rồi liền đến chỗ Tỳ-kheo-ni nói:

– Nay Tỳ-kheo-ni Bà-đà ngồi một mình dưới cội cây mà mỉm cười là có nhân duyên gì? Năm trăm tỳ-kheo-ni liền cùng nhau đến chỗ Tỳ-kheo-ni Bà-đà cúi lạy và thưa với Tỳ-kheo-ni Bà-đà:

– Có nhân duyên gì ngồi một mình dưới cội cây mà mỉm cười?

Tỳ-kheo-ni Bà-đà bảo năm trăm Tỳ-kheo-ni:

– Vừa rồi ta ngồi dưới gốc cây nầy, tự nhớ việc trong vô số đời đã qua, lại thấy những thân đã trải qua ngày trước, chết đây sanh kia thảy đều xem thấy.

Năm trăm tỳ-kheo-ni lại thưa:

– Cúi xin nói những nhân duyên quá khứ

Tỳ-kheo-ni Bà-đà bảo năm trăm Tỳ-kheo-ni:

– Quá khứ lâu xa cách đây chín mươi mốt kiếp, có Phật xuất thế hiệu Tỳ-bà-thi Như Lai Chí Chơn Đẳng Chánh GiácMinh Hạnh TúcThiện ThệThế Gian giảiVô Thượng SĩĐiều Ngự Trượng PhuThiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tônxuất hiện ở đời. Bấy giờ thế giới tên Bàn-đầu-ma, nhân dân đông đảo không thể tính kể. Như Lai Tỳ-bà-thi du hóa nơi thế giới ấy đem theo mười sáu vạn tám ngàn Tỳ-kheo, vây quanh trước sau và vì họ thuyết pháp. Khi ấy danh hiệu Phật lưu truyền bốn phương, xưng tụng rằng: ‘Phật Tỳ-bà-thi đầy đủ các tướng tốt, là bạn lành, ruộng phước cho tất cả người’.

Trong nước ấy có một đồng tử tên Phạm Thiêndung mạo đoan chánh ít có trong đờiĐồng tử ấy tay cầm dù báu đi trên đường. Bấy giờ có vợ của một cư sĩ, cũng rất đoan chánh, cũng đi trên đường ấy, mọi người đều nhìn theo. Đồng tử liền khởi niệm: ‘Nay ta cũng có dung mạo đoan chánh, cầm dù báu mà mọi người không nhìn mà nhìn nữ nhơn kia. Nay ta cần tìm cách khiến mọi người nhìn ta’.

Đồng tử ấy liền ra khỏi thành, đến chỗ đức Phật Tỳ-bà-thi, tay cầm hoa báu cúng dường bảy ngày đêm, và phát thệ nguyện rằng: ‘Nếu đức Phật Tỳ-ba-thi có thần túc, có thần lực, là ruộng phước cho cõi Người cõi Trời, nguyện đem công sức này khiến đời tương lai, tôi làm thân người nữ, mọi người thấy đều vui mừng’.

Đồng tử trải bảy ngày bảy đêm cúng dường Phật rồi, tùy tuổi thọ ngắn dài liền sanh lên cõi trời Ba mươi ba, nơi ấy làm thân thiên nữ, rất đoan chánh bậc nhất trong các ngọc nữ, có năm công đức hơn các thiên nữ kia. Thế nào là năm? Là tuổi thọ trời, sắc đẹp trời, sự vui trời, oai phước trời và tự tại trời. Chư Thiên cõi trời Ba mươi ba thấy rồi, ai cũng tự nhủ ‘Thiên nữ này rất thù diệu không ai bằng’. Hoặc có vị Trời nói: ‘Ta phải được Thiên nữ này để làm vợ’. Họ cùng tranh giành với nhau. Khi ấy vua trời nói:

– ‘Các Ông chớ tranh cãi nhau, trong đây ai có thể nói kệ rất hay, ta sẽ cho Thiên nữ này làm vợ’.

Một Thiên tử nói kệ:

Hoặc khi đứng, hoặc ngồi,
Thức giấc đều không vui,
Chỉ khi tôi ngủ say,
Mới không lòng mơ ước.
Một Thiên tử nói kệ:
Nay ông cũng còn vui,
Khi ngủ không mơ tưởng,
Nay tôi khởi dục niệm,
Tợ như đánh trống trận.
Một Thiên tử nói kệ:
Giả sử đánh trống trận,
Còn có lúc nghỉ tay,
Niệm dục tôi chảy mau,
Như nước cuốn không ngừng.
Lại một Thiên tử nói kệ:
Như cuốn cuốn cây to,
Còn có khi dừng nghỉ,
Tôi thường tư tưởng dục,
Như giết voi không thuần.

Bấy giờ, vị Thiên tử hơn hết trong các chư Thiên, nói kệ:

Các Ông còn nhàn hạ,
Đều có thể nói kệ,
Nay tôi không tự biết,
Là mình còn hay mất.

Chư Thiên bèn thưa với vị Thiên tử ấy:

– ‘Lành thay! Thiên tử đã nói kệ rất thanh diệu. Nay dâng Thiên nữ này cho Thiên vương’.

Thiên nữ liền vào cung điện Thiên vương.

Các em chớ hồ nghi. Vì sao thế? Đồng tử cúng dường bảo cái lên đức Phật, đâu phải người nào lạ. Chớ nghĩ thế ấy. Đồng tử khi ấy tức là thân ta.

Về quá khứ ba mươi mốt kiếp, có đức Phật Thi-khí xuất hiện nơi đời, du hóa nơi thế giới Dã-nã, cùng với chúng Tỳ-kheo mười sáu vạn người câu hội. Bấy giờ Thiên nữ ấy sau lại mạng chung sanh trong cõi Người, làm thân người nữ rất đoan chánh, ít có trong đời.

Đức Như Lai Thi-khí đúng thời đắp y ôm bát vào thành Dã-nã khất thực. Khi ấy Thiên nữ lại làm vợ trưởng giả, đem thức ăn uống ngon cúng dường đức Phật thi-khí, cũng thệ nguyện rằng: ‘Đem công đức này sanh nơi nào không rơi trong ba đường ácdung mạo đoan chánh đặc biệt hơn người’. Nữ nhơn ấy sau lại mệnh chung sanh lên cõi trời Ba mươi ba, ở đó làm thân thiện nữ rất đoan chánh, có năm công đức hơn chư ThiênThiên nữ khi ấy đâu phải người nào lạ, chớ nghĩ thế ấy. Vì sao thế? thiên nữ ấy chính là thân ta.

Vào kiếp đó, đức Như Lai Tỳ-xá-la-bà xuất hiện nơi đời, bấy giờ Thiên nữ tùy theo thọ mạng dài ngắn, sau khi mạng chung lại cõi người, làm thân người nữ dung mạo đoan chánh, ít có trong đời, lại làm vợ trưởng giả cư sĩ. Bấy giờ phu nhân lại đem y phục đẹp dâng lên đức Như Lai, phát thệ nguyện rằng: ‘Khiến cho đời sau, tôi lại làm thân người nữ’. Phu nhân ấy sau mệnh chung, sanh lên cõi trời Ba mươi badung mạo đoan chánh hơn các Thiên nữ cõi trời ấy. Nữ nhân khi ấy đâu phải người nào lạ. Chớ nghĩ thế ấy. Vì sao thế? Nữ nhân khi ấy chính là thân ta.

Thiên nữ ấy tùy theo thọ mệnh dài ngắn, sau khi mệnh chung sanh lại cõi người, làm nô tỳ cho phu nhân của trưởng giả Nguyệt Quang trong thành Ba-la-nại, dung mạo thô xấu, mọi người không ưa. Từ khi đức Phật Tỳ-xá-la-bà diệt độ, lại không có Phật. Bấy giờ các đức Bích-chi Phật đi du hóaPhu nhân của trưởng giả Nguyệt Quang tỳ nữ:

– ‘Ngươi đi ngoài đường, tìm vị Sa-môn dung mạo đoan chánh vừa ý ta, đưa về nhà, ta muốn cúng dường’.

Tỳ nữ liền ra khỏi nhà tìm Sa-môn, thấy vị Bích-chi Phật đi khất thực trong thành, song dung mạo xấu xí, dung sắc thô tệ.

Tỳ nữ thưa vị Bích-chi Phật:

– ‘Trưởng giả muốn gặp, xin quang lâm đến nhà’.

Liền về thưa chủ nhân:

– ‘Sa-môn đã đến, có thể đến gặp’.

Khi ấy, phu nhân của trưởng giả thấy Sa-môn rồi, tâm không vui liền bảo tỳ nữ:

– ‘Đuổi Thầy ấy đi, ta không bố thí. Vì sao? Vì dung mạo Thầy ấy thô xấu’.

Tỳ nữ thưa phu nhân:

– ‘Nếu Phu nhân không bố thí cho Sa-môn, phần ăn của tôi hôm nay sẽ đem cúng hết’.

Phu nhân liền phát ăn cho tỳ nữ một đấu gạo tấm, tỳ nữ nhận lấy và đem cúng Sa-môn. Đức Bích-chi Phật nhận thức ăn xong, bay lên hư không làm mười tám phép thần biến, tỳ nữ của trưởng giả liền phát nguyện: ‘Đem công đức này, sanh vào chỗ không rơi trong đường ác. Khiến con đời sau làm thân nữ rất đoan chánh’. Đức Phật ấy tay ôm bát thức ăn, bay quanh thành ba vòng. Khi ấy trưởng giả Nguyệt Quang cùng năm trăm khách buôn nhóm tại giảng đường Phổ Hội. Nam nữ lớn nhỏ trong thành thấy đức Phật cầm bát thức ăn bay trong hư không, thấy rồi cùng nói với nhau:

– ‘Người nào có đông đức như thế? Ai được gặp vị Bích-chi Phật này mà cúng dường thức ăn?’

Khi ấy, tỳ nữ thưa phu nhân:

– ‘Xin ra xem thần đức của Sa-môn, bay trên hư không làm mười tám pháp biến, thần đức vô lượng’.

Phu nhân bảo tỳ nữ:

– ‘Nay Ngươi bố thí thức ăn cho Sa-môn, nếu được phước cho hết về ta, ta sẽ cho người bằng giá hai ngày công’.

Tỳ nữ thưa:

– ‘Không thể đem phước cho được’.

Phu nhân bảo:

– ‘Cho Ngươi bằng giá bốn ngày cho đến mười ngày’.

Tỳ nữ thưa:

– ‘Tôi không thể đem phước cho được’.

Phu nhân bảo:

– ‘Nay ta cho Người trăm đồng tiền vàng’.

Tỳ nữ thưa:

– ‘Tôi không cần’.

Phu nhân lại bảo:

– ‘Cho Người hai trăm … cho đến ngàn đồng tiền vàng’.

Tỳ nữ thưa:

– ‘Tôi cũng không cần’.

Phu nhân bảo:

– ‘Ta miễn cho Người khỏi làm nô lệ’.

Tỳ-nữ thưa:

– ‘Tôi cũng không cần làm người thường’.

Phu nhân lại bảo:

– ‘Ngươi làm phu nhân, ta làm tỳ nữ’.

Tỳ nữ thưa:

– ‘Tôi cũng không cần làm phu nhân’.

Phu nhân bảo:

– ‘Ta sẽ đem Ngươi ra đánh đập, xẻo mũi tai, chặt tay chân Ngươi, sẽ chặt đầu Ngươi’.

Tỳ nữ thưa:

– ‘Tôi cam nhận hết mọi thống khổ, trọn không đem phước cho đi, thân này thuộc về Phu nhân, tâm lành có khác’.

Bấy giờ phu nhân liền đánh tỳ nữ.

Khi ấy, năm trăm khách buôn mỗi người bán tán rằng:

– ‘Vị thần nhân này hôm nay đến khất thực, ắt phải là nhà ta bố thí’.

Trưởng giả Nguyệt Quang giải tán các người ấy rồi trở về nhà, thấy phu nhân đánh đập tỳ nữ, liền hỏi:

– ‘Do nhân duyên gì mà đánh tỳ nữ?’

Khi đó, tỳ nữ đem hết mọi sự thuật lại. Trưởng giả Nguyệt Quang vui mừng phấn khởi không thể tự kềm, liền đày phu nhân xuống làm tỳ nữ, đưa tỳ nữ thay chỗ phu nhân.

Thành Ba-la-nại có vua tên Phạm-ma-đạt cai trị, vua nghe trưởng giả Nguyệt Quang dâng cơm cho Bích-chi Phật rất là vui mừng, đã gặp bậc chân nhân tùy thời bố thí. Vua Phạm-ma-đạt liền sai người gọi trưởng giả Nguyệt Quang hỏi:

– Có thật Ngươi cúng dường cơm cho bậc chân nhân thần tiên chăng?’

Trưởng giả tâu:

– ‘Thật gặp bậc chân nhân, đem cơm cúng dường’.

Vua Phạm-ma-đạt liền tặng thưởng cho trưởng giả và tặng thêm chức vị.

Tỳ nữ ấy theo mệnh dài ngắn sau khi mệnh chung sanh lên cõi trời Ba mươi banhan sắc thù diệu, ít có trong đời, có năm công đức hơn các vị trời khác.

Các em chớ nghi gì, tỳ nữ của trưởng giả khi ấy tức là thân ta.

Trong Hiền kiếp này có Phật xuất hiện ở đời hiệu là Câu-lưu-tôn. Khi ấy, Thiên nữ kia tùy theo thọ mệnh dài ngắn, sau khi mệnh chung sanh trong cõi người, làm con gái Phạm chí Da-nhã-đạt. Khi ấy, cô lại dâng cơm cho Như Lai và phát thệ nguyện xin làm thân người nữ, sau khi mệnh chung sanh lên trời Ba mươi ba, dung mạo đoan chánh hơn các Thiên nữ.

Lại từ cõi trời mệnh chung sanh trong cõi người. Bấy giờ đức Phật Câu-na-hàm-mâu-ni xuất hiện ở đời, Thiên nữ ấy làm con gái trưởng giả, lại đem hoa vàng cúng dường đức Phật Câu-na-hàm-mâu-ni, nguyện: ‘Đem công đức này sanh ra chỗ nào không rơi trong ba đường ác, khiến cho thân con sau được làm người nữ’. Cô gái ấy tùy theo thọ mệnh dài ngắn, sau khi mệnh chung sanh lên trời Ba mươi ba, dung mạo đoan chánh hơn tất cả Thiên nữ, có năm công đức không bì kịp.

Con gái trưởng giả cúng dường đức Phật Câu-na-hàm-mâu-ni khi ấy đâu phải ai lạ, chớ nghĩ gì, con gái trưởng giả tức là thân ta.

Thiên nữ ấy tùy theo thọ mệnh dài ngắn, sanh trở lại cõi Người làm vợ trưởng giảdung mạo thù đặc ít có trong đời. Khi ấy, đức Phật Ca-diếp xuất hiện ở đời, phu nhân của trưởng giả cúng dường đức Phật ca-diếp trong bảy ngày bảy đêm, phát thệ nguyện rằng: ‘Khiến con đời tương lai làm thân người nữ’. Phu nhân của trưởng giả tùy tuổi thọ dài ngắn, sau khi mệnh chung sanh lên trời Ba mươi ba, có năm công đức hơn các Thiên nữ trên ấy.

Phu nhân của trưởng giả cúng dường Phật Ca-diếp thuở ấy đâu phải người nào lạ, chớ nghĩ thế ấy, phu nhân Trưởng giả khi ấy chính là thân ta.

Vào Hiền kiếp này có đức Phật Thích-ca xuất hiện ở đời, Thiên nữ ấy sau khi mệnh chung lại sanh vào thành La-duyệt, làm con gái Bà-la-môn Kiếp-tỷ-la, dung mạo đoan chánh hơn các thiếu nữ khác. Con gái của Bà-la-môn Kiếp-tỷ-la đẹp như tượng vàng tử ma, ai đứng gần nàng đều bị lu mờ đen tối. Ý của nàng ấy không tham ngũ dục.

Các em chớ nghĩ gì, cô gái ấy đâu phải người nào lạ, con gái của Bà-la-môn bấy giờ chính là thân ta.

Các em nên biết! Do nhân duyên công đức nhiều kiếp nên ta làm vợ của Tỷ-bát-la-ma-nạp là Ma-ha Ca-diếp. Tôn giả Đại Ca-diếp tự xuất gia trước, sau ta mới xuất gia. Ta tự nhớ trải qua vô số kiếp làm thân người nữ, do đó nên nay tự cười. Ta do ngu si che mờ, nên cúng dường trải qua sáu đức Phật, cầu làm thân nữ. Do nhân duyên này nên ta cười những kiếp đã qua.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo-ni nghe Tỳ-kheo-ni Bà-đà, tự nhớ túc mạng những việc đã qua trong vô số đời, liền đi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy ngồi một bên, đem hết mọi việc bạch lên đức Phật.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo-ni.

– Các vị có thấy trong hàng Tỳ-kheo-ni Thanh văn có ai tự nhớ việc trong vô số đời như Tỳ-kheo-ni ấy chăng?

Các Tỳ-kheo-ni bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, không thấy.

Phật bảo các Tỳ-kheo-ni:

– Đệ tử bậc nhất trong hàng Thanh văn của Ta, tự nhớ lúc mạng trong vô số đời, chính là Tỳ-kheo-ni Kiếp-tỷ-la.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo-ni nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

* KINH SỐ 3.

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo đi đến chỗ đức Thế Tôn, cúi lạy lui ngồi một bên, giây lát sau rời chỗ ngồi bên trước bạch Phật:

– Kiếp có dài ngắn, có giới hạn chăng?

Phật bảo Tỳ-kheo:

Kiếp rất dài xa, hay Ta dẫn dụ cho Thầy. Hãy một lòng lắng nghe, nay Ta sẽ nói:

Tỳ-kheo nên biết, như một cái thành bằng sắt cao rộng một do-tuần, chứa đầy hạt cải trong ấy không có chỗ trống. Giả sử có người trăm năm đến lấy đi một hạt cải, mà số hạt cải trong thành sắt ấy còn có thể giảm hết, nhưng một kiếp còn không thể tính kể. Vì sao thế? Sanh tử dài xa không có giới hạnchúng sanh ân ái trói buộc, đắm trước trôi nổi trong sanh tử, chết đây sanh kia không có cùng tận. Ta ở trong đó chán ghét sanh tử. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên tìm phương tiện khéo léo, thoát khỏi tưởng ái trước này!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

* KINH SỐ 4.

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo, đến chỗ đức Thế Tôn, cúi lạy xin lui ngồi một bên. Tỳ-kheo ấy bạch Phật:

– Thưa Thế Tôn! Kiếp là lâu dài chăng?

Phật bảo Tỳ-kheo:

– Kiếp rất lâu dài, không thể dùng toán mà tính được. Nay Ta sẽ thí dụ cho Thầy. Hãy khéo suy nghĩ, nay Ta sẽ vì Thầy nói.

Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:

– Cũng như núi đá rộng lớn một do-tuần, cao một do-tuần. Giả sử có người đến đó, cầm thiên y trăm năm quét một lần, đá còn có thể mòn, kiếp số khó hạn lượng. Vì sao thế? Kiếp số lâu dài không có bờ mé. Như thế chẳng phải một kiếp trăm kiếp. Vì sao thế? Sanh tử lâu dài, không thể hạn lượng không có bờ mé. Các loài chúng sanh bị vô minh che lấp, trôi lăn trong sanh tử không có thời hạn ra khỏi, chết đây sanh kia không cùng tận. Ta ở trong ấy chán ghét sanh tử. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên tìm phương tiện khéo thoát khỏi tưởng ái trước này!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

* KINH SỐ 5.

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Tùy thời nghe pháp có năm công đức, thường không mất thời. Thế nào là năm? Pháp chưa từng nghe liền được nghe; nghe rồi liền thọ trì; trừ bỏ hồ nghi; không có tà kiến; hiểu pháp sâu xa. Đó gọi là Tỳ-kheo tùy thời nghe pháp có năm công đức này.

Cho nên các Tỳ-kheo nên ghi nhớ thường nghe pháp sâu xa. Đây là lời dạy của Ta. Như thế, này các Tỳ-kheo nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

* KINH SỐ 6.

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Tỳ-xá-ly, vườn Ma-ha-Bà-na, cũng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người câu nội.

Bấy giờ, đại tướng Sư Tử đi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy, ngồi một bên. Bấy giờ Phật bảo đại tướng:

– Đàn-việt thí chủ có năm công đức. Thế nào là năm? Ở đây, danh tiếng của Thí chủ vang xa, trong làng đó có người như thế ưa bố thíchu cấp cho người nghèo, giúp đỡ người thiếu, không có yêu ghét. Này Đại tướng Sư Tử! Đó là công đức thứ nhất, Thí chủ đạt được.

Lại nữa, này Đại tướng Sư Tử! Đàn-việt thí chủ nếu đến trong chúng dòng Sát-lợi, dòng Bà-la-môn, chúng Sa-môn, đều không sợ hãi cũng không nghi nan. Này đại tướng Sư Tử! Đó là công đức thứ hai.

Lại nữa, Đàn-việt thí chủ được nhiều người thương mến nhớ nghĩ, khắp đến kính ngưỡng như con yêu mẹ, tâm không rời xa. Thí chủ cũng như thế, được nhiều người yêu mến.

Lại nữa, Đại tướng Sư Tử! Đàn-việt thí chủ khi bố thí phát tâm vui vẻ, do có tâm vui vẻ liền mừng rỡ, tánh ý chắc chắn, khi ấy liền tự biết có vui có khổ cũng không biến đổi, tự biết như thật. Thế nào là tự biết? Biết có Khổ đếKhổ tập, Khổ tận, Khổ xuất yếunhư thật mà biết.

Bấy giờ, Thế Tôn bèn nói kệ:

Thí đầy đủ các phước,
Mà được đệ nhất nghĩa,
Ai hay nhớ bố thí,
Bèn phát tâm hoan hỉ.

Lại nữa, Đại tướng Sư Tử! Khi Đàn-việt thí chủ bố thí, thân hoại mạng chung sanh lên trời Ba mươi ba, lại có năm việc hơn chư thiên cõi ấy. Thế nào là năm? Một là dung mạo hào quý oai thần sáng rỡ. Hai là điều mong ước tự tại, việc gì cũng thành. Ba là nếu Đàn việt thí chủ sanh trong loài người gặp nhà hào quý. Bốn là nhiều tài lợi châu bảo. Năm là nói ra nhiều người nghe.

Này Đại tướng Sư Tử! Đó là Đàn-việt có năm công đức như thế dẫn vào đường lành.

Đại tướng Sư Tử nghe lời Phật dạy, vui mừng hớn hở không thể tự kềm, đến trước bạch Phật:

– Cúi xin Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo nhận lời thỉnh của con.

Thế Tôn im lặng nhận lời.

Khi ấy, đại tướng Sư Tử thấy Thế Tôn đã im lặng nhận lời, liền đứng dậy cúi đầu lễ Phật rồi lui ra. Về đến nhà, đại tướng sắm sửa đầy đủ các thức ăn uống, trải tòa ngồi tốt đẹp, rồi đến bạch Phật:

– Thời đã đến, nay chính phải thời, cúi xin bạch Đại thánh rũ lòng từ, hạ cố đến nhà.

Thế Tôn đúng thời đắp y mang bát, dẫn chúng Tỳ-kheo vây quanh trước sau, đến nhà đại tướng theo thứ tự lớp ngồi.

Bấy giờ, đại tướng Sư Tử thấy Phật và chúng Tỳ-kheo đã ngồi theo thứ tự, tự tay san sớt các thức ăn uống. Khi đại tướng dâng thức ănchư Thiên ở trên hư không bảo:

– Đây là A-la-hán, người này là hướng A-la-hán. Cúng người này được phước nhiều, cúng người này được phước ít. Đây là a-na-hàm, người này hướng A-na-hàm. Người này là Tư-đà-hàm, người này hướng Tư-đà-hàm. Người này là Tu-đà-hoàn, người này hướng Tu-đà-hoàn. Người này còn bảy phen qua lại, người này còn trở lại một đời. Người này giữ lòng tin, người này vâng theo Pháp. Đây là người lợi căn, đây là độn căn. Người này hạ liệt, người này tinh tấn trì giới, người này phạm giới. Cúng người này được phước nhiều, cúng người này được phước ít.

Bấy giờ, đại tướng Sư Tử nghe chư Thiên nói rồi cũng không để tâm. Thấy Như Lai thọ trai xong, rửa bát sạch, rồi lấy một chiếc ghế nhỏ ngồi trước Như LaiĐại tướng Sư Tử bạch Thế Tôn:

– Trước đây có chư Thiên đến chỗ con nói từ vị A-la-hán đến người phạm giới, đều đem thưa hết với Phật. Tuy con nghe lời như thế cũng chẳng để tâm, cũng chẳng sanh ý tưởng: ‘Ta sẽ bỏ người này cúng người kia, bỏ người kia cúng người này’. Con lại sanh ý tưởng này: ‘Nên cúng dường tất cả loài chúng sanh có hình dáng, vì có ăn mới sống, không ăn ắt chết’. Con đích thân được nghe từ Như Lai nói bài kệ ấy, thường ghi nhớ trong lòng không quên mất. Kệ như thế nào?

Bố thí khắp bình đẳng,
Trọn không chỗ trái nghịch,
Ắt sẽ gặp Hiền Thánh,
Duyên đây mà được độ.

Bạch Thế Tôn! Bài kệ này được nói ra, con đích thân nghe từ đức Thế Tôn, thường ghi nhớ vâng làm.

Phật bảo đại tướng:

– Lành thay! Đây gọi là tâm Bồ-tát, bố thí bình đẳng. Khi Bồ-tát bố thí thì cũng chẳng sanh ý niệm như vầy: ‘Ta sẽ cho người nầy, bỏ người nầy’, thường đem lòng bình đẳng mà bố thí, cũng lại khởi ý niệm này: ‘Tất cả chúng sanh có ăn mới tồn tại, không ăn ắt chết’. Khi Bồ-tát làm việc bố thí, cũng suy nghĩ nghĩa này.

Phật bèn nói kệ:

Phàm người tu hạnh này,
Làm ác và làm lành,
Mỗi mỗi tự thọ báo,
Việc làm trọn không hao.
Như người làm hạnh này,
Liền chịu quả báo này,
Làm lành được quả lành,
Làm ác chịu báo ác.
Là ác hay là lành.
Tùy theo người tập quen,
Như gieo năm thứ lúa,
Đều gặt được kết quả.

Này Đại tướng Sư Tử! Do phương tiện này nên biết lành, ác mỗi việc có hạnh của nó. Vì sao thế? Từ khi mói phát tâm đến khi thành đạo tâm không tăng giảm, không chọn lựa người cũng không quán sát chỗ nơi. Cho nên Đại tướng Sư Tử! Khi muốn bố thí, hãy thường nghĩ nhớ bình đẳng, chớ khởi tâm thị phi. Như thế, Sư Tử, nên học điều này.

Khi ấy, Thế Tôn lại nói kệ:

Thí làm vui người nhận,
Mọi người đều khen ngợi,
Đến đâu không nghi nan,
Cũng không tâm tật đố.
Cho nên người trí thí,
Trừ bỏ các tưởng ác,
Đến chỗ lành lâu dài.
Nơi chư Thiên hoan hỷ.

Thế Tôn nói kệ xong, liền đứng dậy đi.

Đại tướng Sư Tử nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

* KINH SỐ 7.

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, vua Ba-tu-nặc đi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy, ngồi một bên. Nhà vua bạch Phật:

– Phàm bố thí, nên bố thí nơi nào?

Phật bảo nhà vua:

– Tùy theo tâm hoan hỉ nơi nào thì bố thí nơi ấy.

Vua lại bạch Phật:

– Bố thí nơi nào được công đức lớn?

Phật bảo:

– Trước Đại vương hỏi nên bố thí nơi nào, nay lại hỏi về phước công đức.

Vua bạch Phật:

– Nay con hỏi Như Lai bố thí nơi nào được công đức?

Phật bảo:

– Nay Ta hỏi lại, Đại vương tùy sở thích trả lời Ta. Thế nào, Đại vương, nếu có người dòng Sát-lợi đến, dòng Bà-la-môn đến, nhưng ngu si không biết chi, tâm ý tán loạn, thường không nhất định, đến chỗ nhà vua tâu rằng: ‘Chúng tôi sẽ cung phụng Đại vươngtùy thời cần dùng’. Thế nào, Đại vương có cần người ấy làm tả hữu chăng?

Vua bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn không cần. Vì sao thế? Do người ấy không có trí tuệtâm thức không định, không kham đối phó với kẻ địch từ ngoài đến.

Phật bảo nhà vua:

– Này Đại vương, nếu hàng Sát-lợi, bà-la-môn có nhiều phương tiện không sợ khó, cũng không sợ hãi, có thể trừ được kẻ địch bên ngoài, đến chỗ Đại vương và tâu rằng: ‘Chúng tôi tùy thời cung phụng Đại vương, cúi xin rũ lòng ân tứ nạp thọ.’ Thế nào, Đại vương có nhận người ấy chăng?

Vua bạch Phật:

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Con sẽ nạp thọ người ấy. Vì sao? Vì người ấy có thể đối phó với kẻ địch bên ngoài, không sợ khó cũng chẳng khủng khiếp.

Phật bảo:

– Nay Tỳ-kheo cũng lại như thế, các căn đầy đủ, bỏ năm, thành tựu sáu, hộ trì một, hàng phục bốn. Bố thí cho người như thế thì được phước rất nhiều.

Vua bạch Phật:

– Thế nào là Tỳ-kheo bỏ năm, thành tựu sáu, hộ trì một, hàng phục bốn?

Phật bảo nhà vua:

– Là vị Tỳ-kheo bỏ năm điều ngăn che: tham dụcsân nhuế, thùy miên, trạo cử, nghi. Tỳ-kheo như thế gọi là bỏ năm.

Thế nào là Tỳ-kheo thành tựu sáu? Đại vương nên biết, nếu Tỳ-kheo thấy sắc rồi không khởi tưởng sắc, duyên nơi đây giữ gìn căn, trừ bỏ niệm ác không lành, mà giữ gìn nhãn căn, hoặc tai, mũi, miệng, thân, ý, không khởi ý thức, mà giữ gìn ý căn. Tỳ-kheo như thế gọi là thành tựu sáu.

Thế nào là Tỳ-kheo hộ trì một? Là khi Tỳ-kheo buộc niệm ở trước. Tỳ-kheo như thế gọi là hộ trì một.

Thế nào là Tỳ-kheo hàng phục bốn? Là khi Tỳ-kheo hàng phục thân ma, dục matử mathiên ma, thảy đều hàng phục. Tỳ-kheo như thế là hàng phục bốn.

Đại vương! Như thế là Tỳ-kheo bỏ năm, thành tựu sáu, hộ trì một, hàng phục bốn. Bố thí cho người như thế được phước khó lường. Này Đại vương! Những người thích hợp với tà kiến và biên kiếnbố thí cho những người như thế là vô ích.

Khi ấy, vua bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Đúng thế, bố thí cho người như thế được phước khó lường. Nếu Tỳ-kheo thành tựu một pháp phước còn khó lường, huống gì những pháp khác. Thế nào là một pháp? Là thân niệm vậy. Vì sao? Ni-kiền Tử thường chấp thân hành, ý hành, không kể khẩu hành.

Phật bảo nhà vua:

– Ni-kiền Tử ngu si, ý thường tán loạntâm thức không định. Đây là pháp của thầy họ nên nói như thế. Họ chịu quả báo về thân hành, khẩu hành không đáng kể, ý hành vô hình không thể thấy.

Vua bạch Phật:

– Trong ba hành này, cái nào quan trọng nhất, thân hành ư, khẩu hành ư, ý hành ư?

Phật bảo:

– Trong ba hành này, ý hành rất quan trọng. Khẩu hành, thân hành không đáng kể.

Vua bạch Phật:

– Do nhân duyên gì nói ý suy nghĩ là thứ nhứt?

Phật bảo:

– Phàm người hành động, trước ý suy nghĩ sau mới phát ra miệng, miệng đã phát khởi, thân mới làm sát, đạo, dâm. Lưỡi không nhất định cũng không phải đầu mối. Nếu người ấy mệnh chung, thân và lưỡi vẫn còn. Đại vương, vì sao người ấy thân và lưỡi không làm, không nói?

Vua bạch Phật:

– Do người ấy không có ý căn nên như thế.

Phật bảo nhà vua:

– Do phương tiện này nên biết ý căn rất quan trọng, hai cái kia nhẹ hơn.

Thế Tôn liền nói kệ:

Tâm là gốc pháp,
Tâm tôn, tâm sử,
Tâm khởi nghĩ ác,
Liền làm liền tạo.
Nơi ấy chịu khổ,
Vết xe theo xe.

Tâm là gốc pháp,
Tâm tôn, tâm sử.
Trong tâm nghĩ thiện,
Liền làm liền tạo,
Nhận quả báo lành,
Như bóng theo hình.

Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:

– Đúng thế, bạch Thế Tôn! Người làm ác, thân hành ác, tùy hành động rơi vào đường ác.

Phật hỏi nhà vua:

– Đại vương quán sát nghĩa gì mà đến hỏi Ta rằng bố thí cho người nào được phước tăng nhiều?

Vua bạch Phật:

– Xưa con đến chỗ Ni-kiền Tử hỏi Ni-kiền Tử rằng: ‘Nên bố thí nơi nào?’. Ni-kiền Tử nghe con hỏi, lại luận bàn việc khác, cũng không trả lời. Ni-kiền Tử bảo con rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm nói thế này: Bố thí cho Ta được phước nhiều, người khác không phước. Nên bố thí cho đệ tử Ta, không nên bố thí cho người khác. Có ai bố thí cho đệ tử Ta, phước ấy khó lường’.

Phật bảo:

– Bấy giờ Đại vương trả lời ra sao?

Vua bạch Phật:

– Khi ấy con liền nghĩ: ‘Có lý này, bố thí cho Như Lai phước ấy khó lường’ chăng? Nên nay con đến hỏi Phật là bố thí nơi nào được phước khó lường. Song nay Thế Tôn không tự khen mình cũng chẳng chê người.

Phật bảo nhà vua:

– Ta không nói lời rằng: ‘Bố thí cho Ta được phước nhiều, cho người khác không được phước’. Nay Ta chỉ nói rằng: ‘Thức ăn trong bát còn dư đem cho người, phước ấy khó lường’. Dùng tâm thanh tịnh chuyên chú vào trong nước sạch, luôn sanh ý niệm này: ‘Mong những loài hữu tình trong đây được nhờ cậy vô lượng, huống gì loài Người’.

Nhưng này Đại vương! Nay Ta nói bố thí cho người trì giới, phước ấy khó lường, cho người phạm giới không đáng kểĐại vương nên biết! Như nông dân khéo săn sóc ruộng đất, dọn bỏ rác dơ, đem giống lúa tốt gieo vào ruộng tốt, trong đó thu hoạch không hạn lượng. Và như nông dân kia không chăm sóc đất, không dọn bỏ rác dơ mà gieo giống, sau thu hoạch không đáng kể.

Nay Tỳ-kheo cũng lại như thế, Tỳ-kheo bỏ năm, thành tựu sáu, giữ một, hàng phục bốn. Những người như thế được phước vô lượng, cho người tà kiến phước không đáng kể. Cũng như Đại vương, người dòng Sát-lợi, dòng Bà-la-môn, ý không nghi nan, có thể hàng phục giặc ngoài nên xem như bậc La-hán, còn người Bà-la-môn kia, ý không chuyên định nên xem như người tà kiến.

Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:

– Bố thí cho người trì giới phước ấy khó lường ấy khó lường, từ nay về sau có ai đến xin, con trọn không trái ý. Nếu bốn bộ chúng có điều mong cầu cũng không trái thì con tùy thời cấp y phụcthức ăn, sàng nằm, tọa cụ. Con cũng lại bố thí cho người Phạm hạnh.

Phật bảo:

– Chớ nói thế ấy, Vì sao? Bố thí cho loài súc sanh phước còn khó lường, huống gì bố thí cho người. Song nay Ta nói bố thí cho người trì giới, phước khó tính kể, hơn cho người phạm giới.

Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:

– Nay con lại tự quy yĐức Thế Tôn ân cần đến thế, ngoại đạo dị học phỉ báng Thế Tôn, song Thế Tôn thường khen ngợi hơn. Ngoại đạo dị học tham trước lợi dưỡngNhư Lai không tham lợi dưỡng. Việc nước nhiều, con muốn lui về.

Phật bảo:

– Nên biết đúng thời.

Bấy giờ, vua Ba-tự-nặc nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

* KINH SỐ 8.

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc giết trăm người em khác mẹ, bèn ôm lòng hối hận: ‘Ta làm việc rất ác, lại hành động thế này, do vương vị nên giết trăm người. Ai có thể trừ mối lo buồn cho ta?’. Vua Ba-tu-nặc lại khởi nghĩ: ‘Chỉ có Thế Tôn hay trừ bỏ mối lo của ta’. Vua lại nghĩ: ‘Nay ta không nên ôm mối lo buồn này, im lặng đến chỗ Thế Tôn, nên chuẩn bị nghi thức vua đến chỗ Thế Tôn’.

Vua Ba-tư-nặc bảo quần thần:

– Các Ông sửa soạn xa giá, xe vũ bảo, như pháp các vua thuở trước, ta muốn ra khỏi thành Xá-vệ, đến thăm đức Thế Tôn.

Quần thần nghe vua ra lệnh, liền trang nghiêm xa giá, xe vũ bảo, đến tâu vua:

– Xa giá đã xong, xin Bệ hạ biết đúng thời.

Vua Ba-tư-nặc liền ngự trên xe báu, đánh chuông đánh trống, treo phan lọng, tùy tùng đều mặc giáp khí, quần thần vây quanh ra khỏi thành Xá-vệ; đến vườn Kỳ Hoàn đi bộ vào tinh xá. Theo phép các vua trước, dẹp năm nghi vệ như dù, mũ, quạt, kiếm, giày. Vua đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu sát đất, lại lấy tay sờ bàn chân Thế Tôn, rồi tự bạch rằng:

– Nay con hối quásửa lỗi cũ, do ngu si không biết chân ngụy, giết trăm người em khác mẹ vì tranh thế lực ngôi vua. Từ nay trở đi, con tự cải hối, cúi xin nạp thọ.

Phật bảo nhà vua:

– Lành thay, Đại vương! Hãy trở về chỗ ngồi, nay Ta sẽ thuyết pháp.

Vua Ba-tư-nặc bèn đứng dậy lễ Phậttrở về chỗ ngồi.

Phật bảo nhà vua:

– Mạng người ất nguy ách, tuổi thọ tột cùng không quá trăm năm, tính ra không bao nhiêu người thọ đến trăm tuổi. Một ngày một đêm ở cõi trời Ba mươi ba, tính theo ngày đêm cõi ấy, ba mươi ngày là một tháng, mười hai tháng là một năm, tuổi thọ cõi trời Ba mươi ba là một ngàn năm, tính ra thọ mạng cõi người là mười vạn năm.

Lại tính một ngày một đêm ở địa ngục Hoàn Hoạt, tính theo ngày đêm ở đó, ba mươi ngày là một tháng, mười hai tháng là một năm, địa ngục Hoàn Hoạt sống năm ngàn năm, hoặc thọ nửa kiếp hoặc thọ một kiếp tùy theo hành động của người, hoặc có khi chết nửa chừng tính theo thọ mạng cõi người là trăm ức năm.

Người trí thường nhớ nghĩ tu hạnh này, lại làm ác để chỉ vui ít khổ nhiều tai ương khó kể. Thế nên Đại vương đừng vì thân mình cùng phụ mẫu, thê tử, quốc độnhân dân mà làm nghiệp tội, cũng chớ vì thân vua mà làm gốc tội. Cũng như chút mật dính dao, trước ngọt sau khổ; đây cũng lại như thế, ở trong thọ mạng căn, tạo ác làm gì?

Đại vương nên biết! Có bốn điều sợ hãi lớn hằng bức ngặt thân người, trọn không thể chế phục, cũng chẳng thể dùng chú thuật chiến đấu, thuốc men có thể trừ. Sanh, lão, bịnh, tử cũng như bốn núi lớn từ bốn phía đến cùng ép vào, xô dẹp cây cối thảy đều hủy diệt. Bốn việc này cũng lại như thế. Đại vương nên biết! Khi sanh đến, khiến cha mẹ lo sợ không thể tính kể. Nếu già đến, không còn trẻ mạnh, hình thể bại hoại gân cốt chậm chạp. Khi bệnh đến vào lúc tráng niên, không có khí lực mạng dần rút ngắn. Nếu chết đến, chấm dứt mạng cănân ái biệt ly năm ấm phân tán. Đại vương! Đó gọi là có bốn điều lớn không được tự tại.

Nếu có người gần gũi sát sanh thì sẽ chịu các khổ não, nếu sanh trong loài người thọ mệnh rất ngắn. Nếu người trộm cắp thì sau sinh ra bần khốn, áo không kín thân, thức ăn không đủ. Vì sao thế? Đều do lấy tài vật của người khác, nên bị sự thay đổi như thế, hoặc sanh làm người, chịu khổ vô lượng. Nếu người tà dâm vợ người thì sau sanh làm người, vợ không trinh lương. Nếu người vọng ngữ thì sau sanh làm người lời nói không đủ tin, bị người khinh mạn; đó là do đời trước nói dối trá hư ngụy. Nếu người nói lời ác thì sẽ chịu tội báo ở địa ngục, hoặc sanh loài người nhan sắc xấu tệ; đó là do đời trước nói lời ác nên chịu báo ấy. Nếu người ỷ ngữ chịu tội báo địa ngục, nếu sanh cõi người trong gia đình không hòa, thường bị gây gổ. Vì sao thế? Do đời trước tạo ra báo ấy. Nếu người nói hai lưỡi gây rối đôi bên thì sẽ chịu tội địa ngục, hoặc sanh cõi người gia đình bất hòa thường có tranh tụng. Vì sao thế? Do đời trước gây chia rẽ đôi bên mà ra. Nếu người ưa tật đố thì sẽ chịu tội địa ngục, nếu sanh cõi người thì bị người ghét; đó là việc làm đời trước mà bị như thế. Nếu người sanh tâm mưu hại thì sẽ chịu tội địa ngục, nếu sanh làm người ý không chuyên định. Vì sao thế? Đó là do đời trước khởi tâm như thế. Nếu người tập tà kiến thì sẽ chịu tội địa ngục, nếu sanh làm người thì bị đui, điếc, câm ngọng, người không ưa thấy. Nguyên do này đều nhân việc làm đời trước mà ra.

Thế nên, này Đại vương! Do mười ác báo này gây nên ương lụy, chịu khổ vô lượng, huống lại ngoài những điều này!

Cho nên Đại vương, nên dùng pháp cai trị chớ dùng phi pháp, dùng lý trị dân chớ dùng phi lý. Đại vương! Các bậc dùng Chánh pháp trị dân, sau khi mệnh chung đều sanh lên trời. Giả sử Đại vương sau khi mệnh chungnhân dân nghĩ nhớ, trọn không quên, danh tiếng vang xa. Đại vương nên biết, những người dùng phi pháp trị dân, sau khi chết đều sanh địa ngục, khi ấy ngục tốt trói thân thể, ở trong đó chịu khổ không thể tính kể; hoặc bị đánh, hoặc bị trói, hoặc bị giã nát, hoặc bị cắt xẻo từng phần, hoặc bị lấy lửa đốt, hoặc bị rót nước đồng sôi vào mình, hoặc bị lột da, hoặc bị mổ bụng, hoặc bị rút lưỡi, hoặc bị móc mắt, hoặc bị chọc thủng tai, bị cắt đứt tay chân, tai, mũi, đã đứt rồi sanh lại; hoặc ném thân hình vào trong chảo lớn, bị dùng chìa sắt xóc vào thân không ngừng; hoặc từ chảo ra, vị rút sống lưng làm roi đánh xe; hoặc bắt vào trong địa ngục lửa nóng, hoặc vào địa ngục phẩn nóng, lại vào địa ngục đâm chém, lại vào địa ngục tro than, lại vào địa ngục cây dao, lại bị bắt nằm ngửa lấy hoàn sắt nóng bắt ăn, ruột gan ngũ tạng thảy đều cháy tiêu, hoàn sắt rơi xuống; lại bị đem nước đồng rót vào miệng tuột từ trên xuống, trong ấy chịu khổ, hết tội sau mới được ra.

Như thế, Đại vươngchúng sanh vào địa ngục việc ấy như thế, đều do đời trước cai trị bất chánh mà ra.

Thế Tôn liền nói kệ:

Trăm năm làm phóng dật,
Nên sau vào địa ngục,
Phóng túng tham nào đủ,
Chịu tội không tính kể.

Đại vương! Dùng pháp cai trị tự cứu thân mình, cha mẹvợ con, nô tỳ, thân tộc cùng giúp việc nước. Cho nên, Đại vương, thường nên dùng pháp cai trị chớ dùng phi pháp. Mạng người rất ngắn, ở đời chỉ chốc lát, sanh tử dài xa rất nhiều nạn đáng sợ. Khi chết tới, kêu thóc, gân cốt phân tán, thân thể đau đớn. Bấy giờ không ai cứu, chẳng phải cha mẹvợ con, nô tỳ, hầu cận, quốc độnhân dân có thể cứu hộ. Có những nạn này ai có thể thay thế? Chỉ có bố thítrì giớilời nói thường hòa vui, không tổn thương người, làm các công đức, làm các cội lành.

Thế Tôn liền nói kệ:

Người trí thường bố thí,
Điều chư Phật khen ngợi,
Cho nên tâm thanh tịnh,
Chớ có ý giải đãi.
Bị chết làm bức ngặt,
Chịu khổ não rất lớn,
Vào con đường ác thú,
Không có lúc ngừng nghỉ.
Nếu khi tham dục đến,
Chịu khổ não rất nhiều,
Các căn tự nhiên hoại,
Do ác không ngừng nghỉ.
Nếu khi thầy thuốc đến,
Gom góp các cỏ thuốc,
Không đủ thấm khắp thân,
Do ác không ngừng nghỉ.
Nếu thân tộc lại đến,
Hỏi thăm việc tiền của,
Tai cũng chẳng nghe tiếng,
Do ác không ngừng nghỉ.
Nếu lại dời đổi đất,
Bệnh nhân nằm trên ấy,
Thân như gốc cây khô,
Do ác không ngừng nghỉ.
Nếu lại đã mệnh chung,
Thân mạng thức đã lìa,
Thân như đất tường vách,
Do ác không ngừng nghỉ.
Nếu lại tử thi ấy,
Thân quyến đưa ra mộ,
Cũng chẳng thể níu kéo,
Chỉ phước có thể cậy.

Cho nên, Đại vương nên tìm phương tiện làm việc phước nghiệp, đời nay không làm, sau hối vô ích.

Thế Tôn liền nói kệ:

Như Lai do phước lực,
Hàng phục quyến thuộc ma,
Nay đã được Phật lực.
Phàm người làm phước nghiệp,
Thường được lìa khổ hoạn,
Làm phước được phước báo,
Đời này và đời sau.

Cho nên, Đại vương, nên nghĩ nhớ làm việc phước, làm ác đã hối hận, chớ phạm lại.

Thế Tôn liền nói kệ:

Tuy làm ác tột cùng,
Hối quá dần mỏng nhẹ,
Bấy giờ ở thế gian,
Cội gốc đều tiêu diệt.

Cho nên, Đại vương, đừng vì thân mình làm các việc ác. Chớ vì cha mẹvợ con, Sa-môn, Ba-la-môn mà làm việc ác tập theo hạnh ác. Như thế, Đại vương, nên học điều này.

Thế Tôn liền nói kệ:

Chẳng cha mẹ anh em,
Cũng chẳng phải thân tộc,
Hay miễn điều ác này,
Đều bỏ, trở về chết.

Cho nên, Đại vương, từ nay về sau dùng pháp trị dân, chớ dùng phi pháp. Như thế, Đại vương, nên học điều này.

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

* KINH SỐ 9.

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc đêm nằm mộng thấy mười việc, vua liền tỉnh giấc rất lo sợ, e sợ mất nước, thân mình và vợ con. Sáng mai vua liền triệu tập các công khanh đại thần, các Bà-la-môn đạo sĩ sáng suốt có thể giải điềm mộng, thảy đều câu hội. Vua liền đem mười điều mộng trong đêm nói lại, hỏi ai có thể giải được. Bà-la-môn thưa:

– Hạ thần có thể giải được, chỉ sợ vua nghe rồi sẽ không vui.

Vua bảo:

– Cứ nói.

Ba-la-môn tâu:

– Vua sẽ mất nước, mất thái tử và hoàng hậu.

Vua hỏi:

– Này các Khanh, có thể tế lễ cầu giải trừ chăng?

Bà-la-môn tâu:

– Việc ấy có thể tế lễ được. Phải giết thái tử và vị đại phu nhân vua yêu quý nhất, những kẻ hầu cận, thị tùng, nô bộc và đại thần quý nhất để dâng tế Thiên vương. Có bao nhiêu bảo vật trân kỳ quý báu đều phải đốt hết để tế Trời. Như thế vua và nước có thể hết nạn không lo.

Vua nghe lời Bà-la-môn tâu, rất lo buồn không vui, đi về phòng riêng suy nghĩ việc này. Phu nhơn vua tên Mạt-lợi, đến chỗ vua hỏi thăm:

– Vua vì sao lo buồn không vui? Thần thiếp có lỗi gì với bệ hạ chăng?

Vua đáp:

– Khanh không có lỗi với ta, nhưng đừng hỏi điều này, Khanh có nghe sẽ lo sợ.

Phu nhơn đáp:

– Chẳng lo sợ.

Vua bảo:

– Đừng hỏi, nghe rồi lo sợ.

Phu nhân nói:

– Thiếp là người bên cạnh Đại vương, có việc gì gấp nên bảo cho thiếp biết rồi sẽ giết một mình thiếp, vua an ổn không có gì lo sợ, xin Đại vương nói.

Vua liền đem điềm mộng đêm qua nói với phu nhơn, thấy mười việc: một, thấy ba cái vạc, hai vạc bên đầy, vạc ở giữa trống, hai vạc bên hơi nước sôi giao nhau, không bay vào vạc trống ở giữa. Hai, thấy con ngựa miệng ăn mà hậu môn cũng ăn. Ba, mộng thấy cây lớn trổ bông. Bốn, mộng thấy cây nhỏ ra trái. Năm, mộng thấy người cầm dây, đằng sau có con dê, chủ dê ăn sợi dây. Sáu, thấy con chồn ngồi trên ghế vàng ăn bát vàng. Bảy, thấy trâu già lại bú nghé con. Tám, mộng thấy bầy trâu đen, từ bốn phía kêu rống chạy đến muốn đánh nhau, đang họp chưa họp, không biết chỗ trâu. Chín, mộng thấy một ao nước lớn, ở giữa đục bốn bên trong. Mười, mộng thấy khe suối lớn nước dậy sóng màu đỏ.

Mộng rồi tỉnh dậy rất sợ hãi, e sợ mất nước và thân mình, thê tử và nhân dân. Nay triệu tập hàng công khanh đại thần, đạo sĩ Bà-la-môn có thể giải mộng. Thời có một Ba-la-môn nói rằng: ‘Phải giết thái tử của vua, giết phu nhân quý trọng, và đại thần, tôi tớ để tế Trời’. Do đó nên lo buồn.

Phu nhân thưa:

– Đại vương chớ lo việc mộng. Như người mua vàng, lấy lửa đốt thử và mài vào đá, xấu tốt tự hiện. Nay đức Thế Tôn ở gần, tại tinh xá Kỳ-hoàn, có thể đến đó hỏi Phật. Phật giải thích, nên nghe lời Phật dạy. Tại sao nghe lời Bà-la-môn cuồng si ấy, mà tự lo khổ đến như vậy?

Vua bèn vui vẻ tỉnh ngộ, liền triệu tập quần thần tả hữugấp rút chuẩn bị xa giá. Vua ngự trên xe che lọng cao, thị tùng cỡi ngựa theo có ngàn vạn người, ra khỏi thành Xá-vệ, đến tinh xá Kỳ-hoàn. Đến nơi vua đi bộ đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, quý gối chấp tay bạch Phật:

– Đêm qua con mộng thấy mười việc, xin đức Thế Tôn thương xót con, vì con giải nói từng việc.

Phật bảo:

– Lành thay, Đại vương! Điềm mộng của nhà vua sẽ ứng cho đời tương lai sau này. Đời sau nhân dân không sợ phép cấm, sẽ làm nhiều việc dâm thất tham đắm vợ conbuông lung việc dâm không chán đủ, đố kỵ ngu si không biết hổ thẹn, bỏ điều trinh khiết, siềm ngụy loạn quốc.

Vua mộng thấy ba cái vạc, vạc hai bên đầy, vạc chính giữa trống, hai vạc bên hơi nước sôi bốc lên giao nhau, không bay vào vạc trống ở giữa. Đó là đời sau nhân dân không cấp dưỡng thân thuộc, nghèo cùng, không gần gũi bà con mà kết bạn với người dưng phú quý cùng qua lại biếu tặng. Vua thấy mộng thứ nhất, chính là đây vậy.

Thấy ngựa, miệng ăn và hậu môn cũng ăn, là đời sau nhân dân đại thần bá quan, sứ giả công khanh, ăn lộc vua lại ăn của dân, giặc giã không ngừng, kẻ sứ làm kẻ gian, dân mất an ninh không ở quê nhà. Vua mộng điều thứ hai, chính là đây vậy.

Vua thấy cây lớn trổ hoa, là đời sau nhân dân phần nhiều bị xua đuổi, tâm phiền ý não thường lo sợ, tuổi mới ba mươi đầu bạc. Vua mộng thấy việc thứ ba, chính là đây vậy.

Vua mộng thấy cây nhỏ trổ trái, đời sau, người nữ chưa đến mười lăm tuổi có chồng, ẵm con trở về không biết hổ thẹn. Vua mộng thấy việc thứ tư, chính là đây vậy.

Vua mộng thấy người cầm dây, sau đó có con dê, người chủ dê ăn sợi dây, là đời sau, người chồng đi buôn bán hoặc vào quân đội, dạo chơi các nơi kết bạn giao du, không biết đến vợ nhà tư thông với nam tử, ngủ nghỉ ăn uống trên tài sản của chồng, buông lung tình ý không biết hổ thẹn. Người chồng cũng biết, bắt chước bạn ngủ. Vua mộng thấy việc thứ năm, chính là đây vậy.

Vua mộng thấy chồn ngồi trên ghế vàng, ăn dùng bát vàng, là đời sau kẻ hạ tiện sẽ được quý trọng, ngồi ghế vàng ăn thức ăn ngon, hàng quý tộc danh giá sẽ là tôi tớ, ông chủ làm nô tỳ, nô tỳ làm chủ nhân. Vua mộng thấy điều thứ sau, chính là đây vậy.

Vua thấy trâu già lại bú nghé con, người đời sau, mẹ sẽ vì con gái làm mai mối, đem người nam vào phòng, mẹ đứng canh cửa, do đó được tài vật dùng tự sinh sống, cha cũng đồng tình ngu ngơ không biết. Vua mộng thấy điều thứ bảy, chính là đây vậy.

Vua mộng thấy bầy trâu đen từ bốn phía kéo đến, cùng kêu rống muốn đánh nhau, đang hợp mà không thấy chỗ trâu, đời sauquốc vương, đại thần, trưởng giảnhân dân đều không sợ pháp luật, tham dâm dục, tích chứa tài sảnvợ con lớn nhỏ đều không liêm khiết, dâm thất, tham ăn uống không chán, tật đố ngu si không xấu hổ, không làm người trung hiếusiểm khúc hại nước, không sợ trên dưới, mưa không đúng thời, khí không điều hòa, gió bụi nổi dậy, cát bay gãy đổ cây cối, sâu rầy ăn lúa khiến bông không chín. Vua chúa nhân dân đều làm như thế, nên Trời khiến như vậy, lại bốn bên kéo mây, vua và nhân dân đều mừng bảo rằng: ‘Mây che bốn phía, nay chắc sẽ mưa’. Trong chốc lát mây tự tan, nên hiện điềm gỡ, muốn cho dân chúng sửa đổi hành vi, giữ việc lànhtrì giới, kinh sợ trời đất không vào đường ác, tự giữ trinh lương một chồng một vợ, tâm lành không sân. Vua mộng điều thứ tám, chính là đây vậy.

Vua mộng thấy ao nước lớn, chính giữa đục bốn bên trong, đời sau nhân dân trong Diêm-phù-đề, thần trong không trung, con không hiếu, không kính trọng người già, không tin Phật đạo, không kính bậc Đạo sĩ thông suốt kinh điển, kẻ bề tôi tham của vua ban, con tham tài vật của cha, không biết ơn nghĩa, không đoái hoài nghĩa lý. Cõi biên giới thì trung hiếu tôn kính người già, ưa tin Phật đạo, cấp dưỡng cho bậc đạo sĩ thông kinh, nhớ nghĩ đền ơn. Vua mộng thấy điềm thứ chín, chính là đây vậy.

Vua mộng thấy nước khe lớn dậy sóng màu đỏ, là đời sau, các vua chúa không chán có thêm nhiều nước, khởi binh cùng đánh nhau, sẽ làm các thứ chiến xa, binh mã cùng công phạt nhau, giết hại nhau, máu chảy đỏ tràn. Vua mộng thấy điều thứ mười, chính là đây. Thảy đều là việc của người đời sau.

Người đời sau nếu ai để tâm vào Phật đạophụng sự bậc Đạo nhơn thông suốt kinh, khi chết đều sanh lên Trời. Nếu làm hạnh ngu si, lại tàn hại nhau thì chết rồi sanh vào trong ba đường ác không thể kể hết.

Vua liền quỳ gối chấp tay nghe lời Phật dạy, trong tâm vui vẻ, được định tuệ, không còn sợ hãi. Vua lạy Phật rồi trở về cung, trọng thưởng cho phu nhân và phong làm chánh hậu, cấp cho nhiều tài bảo để bố thí cho người, khiến trong nước giàu vui. Vua lấy hết bổng lộc của công khanh, đại thần, Bà-la-môn, đuổi ta khỏi nước không còn tin dùng. Tất cả nhân dân đều phát tâm vô thượng chánh chân. Vua và phu nhân lễ Phật mà đi.

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

HẾT
(TĂNG NHẤT A-HÀM TRỌN BỘ)

Trang trước Mục Lục  

 


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.