Tỳ-kheo các ông! Giả như có người đến cắt đứt từng phần thân ông, ông cũng phải tự nhiếp tâm không cho giận hờn. Và phải dè dặt giữ miệng, đừng thốt ra lời dữ. Nếu buông lung tâm để giận hờn khởi lên là tự chướng đạo, mất những cái lợi của công đức.
Những lời dạy này tuy khó làm nhưng có ích cho sự tu tập của mình. Vì sân rất hại, ảnh hưởng lớn đến đạo tâm khiến tâm mình không thanh tịnh, đường tu bị chướng ngại. Nếu do sân thốt ra lời dữ, hành động ác thì bao nhiêu công đức tu tập mất hết.
Thấy rõ cái hại ấy nên Phật mới dạy chúng ta nhẫn chịu mọi nghịch duyên, dù bị người khổ hình cũng quyết không oán hận.
Kinh Kim Cang kể câu chuyện: Thời xưa, tiền thân Phật là vị tiên nhân tu hạnh nhẫn nhục, đang tọa thiền dưới cội cây trong rừng. Vua Ca-lợi cùng cung nữ vào rừng vui chơi, săn bắn. Khi vua và quần thần đuổi theo thú rừng, các cung nữ đi dạo chung quanh, chợt gặp tiên nhân đang ngồi yên thanh tịnh, các cô đến vây quanh đảnh lễ hỏi pháp. Vua đến thấy, nghi rằng tiên nhân quyến rũ vợ mình, tức giận hỏi: – Ngươi ở đây làm gì? Tiên đáp: – Tôi tu hạnh nhẫn nhục. Vua dùng kiếm hủy tai mắt Ngài, hỏi: – Giờ ngươi có hận ta không? Đáp: – Không. Vua lại chặt hai tay, hỏi: – Có hận không? Vẫn đáp: – Không. Vua chặt luôn hai chân, hỏi: – Có hận không? Đáp: – Không một chút hận. Vua không tin, nói: – Ngoài miệng ngươi nói không hận ta, nhưng trong lòng căm hận, làm sao ta biết được! Tiên liền thề: – Nếu tôi có lòng hận vua thì sẽ máu chảy thân chết, ngược lại, nếu tâm tôi không một niệm oán hận, nguyện thân thể lành lặn như xưa. Vừa dứt lời thề, toàn thân Ngài hoàn lại như cũ, không một vết thương nhỏ. Vua thức tỉnh ăn năn hối hận, đảnh lễ sám hối cầu tiên nhân tha thứ. Ngài bảo: – Tôi chẳng những không hận vua mà về sau khi tôi thành đạo sẽ độ vua trước nhất. Vua Ca-lợi chính là tiền thân của Ngài A-nhã Kiều Trần Như.
Người thế gian có nhịn nhưng không có nhẫn. Nhịn với người mạnh hơn, có quyền thế địa vị hơn. Vì sợ nên nhịn, ngoài mặt không dám có thái độ nhưng trong tâm oán hận. Ví dụ một nhân viên đi làm bị chủ mắng oan, nhẫn nhịn không dám nói vì sợ bị mất việc, bị trừ lương, bị trù dập… Nhưng uất ức trong lòng, về nhà mắng vợ đánh con, trút giận lên đầu người thân yếu thế hơn mình.
Nếu nhẫn với tâm còn sân si sẽ dẫn tới làm ác với người khác. Và tâm oán hận đó sẽ theo qua đời vị lai, khi gặp lại người từng mắng chửi mình, nếu lúc đó có quyền thế hơn chắc chắn sẽ trả thù. Dù không nhớ được nhân duyên đời trước, nhưng vừa gặp đã không ưa người đó, muốn hại người ta, vì oán ấy đã lưu giữ trong tâm thức. Rồi người bị hại đó trở lại sanh oán mình, oán kết nối với nhau mãi trong vòng luân hồi không có ngày tận.
Thế nên Phật dạy đừng có tâm oán hận. Bị chặt đứt thân thể chỉ đau khổ một đời, còn tâm oán sẽ nối tiếp mãi, đời đời kiếp kiếp không dứt, trả thù qua lại mãi trong vòng luân hồi.
Nếu học đạo mà còn mang tâm sân giận sẽ bị chướng ngại lớn, tự mình làm chướng tâm đạo mình. Trong đạo Phật có câu: “giải kết, giải kết, giải oan kết, giải sạch hết”. Đã học đạo, tu đạo rồi thì không oán giận bất cứ ai, không phiền trách bất cứ việc gì. Hiểu thấu nhân quả để tự hóa giải mọi nghịch duyên, đủ trí tuệ để ứng duyên tiếp vật. Như khi bị mắng chửi, biết tiếng chửi đó như tiếng vang, giả dối không thật, lời nói vừa sanh đã mất, tự nhiên không giận. Khi bị đánh đập biết thân không thật, lại tin nhân quả biết đây là quả báo ác mình phải trả vì trước kia hại người, tâm sân giận do đó không sanh.
Người tu quyết không để niệm ác sanh, luôn giữ tâm trong sạch, bất cứ niệm nào gây ảnh hưởng đến sự thanh tịnh của tâm đều buông bỏ, không dung chứa. Kiên quyết giữ tâm trong sạch, không để tham sân si làm nhơ tâm.
Có một ngày đức Phật đi khất thực, một bà-la-môn theo sau lưng mắng chửi không thôi, Phật vẫn làm thinh bước đều. Ông tức quá đi nhanh chặn trước mặt Phật, hỏi: – Cồ-đàm! Ông có điếc không? Sao tôi chửi mà ông không trả lời? Phật ôn tồn hỏi: – Thí như nhà ông có giỗ, ông đem quà tặng người, nếu người không nhận, quà đó thuộc về ai? Ông đáp: – Về tôi. Phật nói: – Cũng vậy, ông chửi mà ta không nhận, lời chửi đó trở về ông, không dính dáng đến ta. Nghĩa là Phật không vì ông chửi mà giận, nhưng quả ác ông gieo thì ông vẫn phải lãnh.
Lại một nhóm bà-la-môn mắng chửi Phật khi Ngài đi khất thực, Phật lặng yên không trả lời, họ chế giễu Ngài đã thua. Phật điềm tĩnh đến một gốc cây, ngồi xuống và đọc bài kệ:
Kẻ hơn thì thêm oán,
Người thua ngủ chẳng yên.
Hơn thua hai đều xả,
Ấy được an ổn ngủ.
Hơn người bị người oán, thua người giận không ngủ được, cả hai đều làm cho tâm bất an. Chỉ có hơn thua đều không quan tâm mới an ổn ngủ ngon.
Người sống đạo phải biết nhẫn, biết buông. Tất cả lời ăn tiếng nói đều chỉ là âm thanh bên ngoài, giả dối không thật, không phải chân tâm, và không ảnh hưởng đến chân tâm. Nếu nó vào được tự tâm mình thì cũng vào được tự tâm người khác. Nhưng không, một vị cao Tăng bị chửi, tâm không động. Hay lời chửi đó chửi người nước ngoài, con chó, người điếc, trẻ mới sinh…… sẽ chẳng có tác dụng gì cả. Rõ ràng âm thanh không vào được chân tâm, chỉ ảnh hưởng trên tâm phân biệt, tâm chấp ngã. Do huân tập nên phân biệt lời khen, tiếng chê. Cho là lời khen liền sanh ưa thích, nghĩ là lời chê mắng nên sanh sân giận. Chỉ vì phân biệt nên mới bị ảnh hưởng.
Bị đánh đập đau về thể xác, bị mắng chửi đau về tinh thần, do đau nên tâm sanh oán giận. Sở dĩ thấy đau vì còn chấp ngã, cho thân tâm này là thật. Muốn giác ngộ phải thấy được chân lý, biết thân tứ đại này duyên hợp không thật, sẽ có ngày rã tan, tâm phân biệt này không phải chân tâm, chợt sanh chợt diệt. Nhận được chân lý rồi sẽ không còn chấp ngã, không chấp ngã tự nhiên không còn tham sân, tự tại an nhàn.
Công đức của nhẫn, trì giới, khổ hạnh không thể bằng được.
Nhẫn rất khó làm, nếu làm được thì công đức hơn hẳn trì giới, khổ hạnh. Vì muốn nhẫn phải hiểu sâu nhân quả, thấu được chân lý. Bất cứ nghịch duyên nào cũng không làm mình động tâm, vì biết tất cả pháp đều hư huyễn không thật, kể cả thân tâm này. Nếu không, dù có nhịn cũng chỉ là sự kềm chế bên ngoài, trong tâm vẫn ôm ấp hận thù. Nhịn như vậy không gọi là nhẫn.
Nhẫn thực sự là dù ai đánh đập, mắng chửi, gây hại đến đâu cũng không một niệm giận hờn, tâm vẫn hằng thanh tịnh, an nhiên. Như vậy mới gọi là công đức, công đức là những pháp lành từ tâm sanh.
Trì giới là giữ cho thân miệng không tạo ác, thuộc về hình tướng bên ngoài, nên công đức không bằng nhẫn. Tuy nhiên, nếu giữ giới từ tâm, như do tâm định tĩnh nên không phạm giới (định cộng giới), hay do thấu chân lý, thường sống với đạo nên không phạm giới (đạo cộng giới), thì công đức của trì giới cũng sẽ bằng với công đức nhẫn nhục. Vì đều là công phu tu hành phát xuất từ tâm.
Khổ hạnh cũng là việc lành bên ngoài thân nên công đức không bằng nhẫn. Nhưng nếu tu khổ hạnh như Ngài Đại Ca-diếp, thấu rõ bản chất thực sự của dục lạc nên không muốn hưởng thụ, chỉ sống đạm bạc giản dị, khổ hạnh đó xuất phát từ tâm thấu lý nên công đức cũng bằng với công đức của nhẫn.
Tóm lại, trì giới hay khổ hạnh không bằng công đức của nhẫn nếu chỉ dừng lại ở hình tướng bên ngoài. Nhưng nếu từ tâm trì giới, từ tâm khổ hạnh thì công đức bằng nhau.
Người hay hành nhẫn nhục mới có thể gọi là người đại lực.
Đức Phật được tôn xưng là bậc Đại hùng Đại Lực, vì sức nhẫn của Ngài đã đến ba-la-mật, đến chỗ tột đỉnh. Phật thường dạy đệ tử: “Thắng vạn quân không bằng thắng mình. Thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”. Thắng mình mới nhẫn được, vì còn chấp ngã là không bao giờ nhẫn được. Phải phá được ngã mới có thể nhẫn, nhẫn đó là đại lực, là sức mạnh nội tâm, là chiến công oanh liệt nhất trên đường tu của mình.
Người tu không cần sức mạnh thể xác, chỉ luôn đào luyện sức mạnh của ý chí, nghị lực, sức mạnh của tâm. Do đó, có những lúc Phật pháp bị nạn, chư Tăng Ni bị tù đày, những vị chân tu vẫn an nhiên đón nhận, không phiền trách, không oán giận.
Ở Trung quốc, thời cách mạng văn hóa, tu sĩ bị tù đày rất nhiều. Có vị Hòa thượng khi bị bắt chỉ khoảng hơn ba mươi, đến khi được thả đã trên bảy mươi. Có người hỏi, Ngài vui vẻ nói: – Nhờ ở tù mà tôi tiêu nghiệp.
Người chân tu xem nghịch cảnh là phương tiện tốt, biết ơn người đã tạo khổ cho mình, vì nhờ đó mình được tiêu nghiệp. Thế nên, người khéo tu gặp nghịch cảnh thì mừng, vì biết nghiệp được tiêu; trái lại, được thuận duyên liền lo tạo phước vì biết phước cũ đang giảm. Vậy tiêu họa với tiêu phước, cái nào quý hơn? Tiêu họa là trả được nghiệp cũ, giúp mình mau thành đạo. Do đó, người tu phải quý nghịch cảnh mới đúng.
Xưa khi còn làm Bồ-tát, đức Bổn sư phát nguyện: “Ta sẽ tinh tấn tu hành để sớm ngày viên mãn bồ-đề.” Đề-bà-đạt-đa thuở đó là huynh đệ Ngài, ông nói: “Huynh đã phát nguyện như vậy, tôi sẽ làm Bồ-tát nghịch hạnh giúp huynh sớm đạt thành sở nguyện.” Từ đó về sau, Bồ-tát ra đời ở đâu cũng có ông ở bên, luôn chống đối, gây hại. Mỗi lần vượt qua nghịch duyên là công phu Bồ-tát sâu hơn. Cho đến đời Bồ-tát thành Phật, Đề-bà-đạt-đa vẫn luôn gây họa cho Ngài, những nghịch duyên đó càng giúp Phật tăng thêm uy tín, hiển lộ trí huệ siêu việt và thần thông vô biên.
Như vậy, nhờ Đề-bà-đạt-đa làm Bồ-tát nghịch hạnh, liên tục đem tai họa đến Bồ-tát, Ngài mới sớm thành tựu đạo quả. Sau Phật thọ ký cho Đề-bà-đạt-đa vị lai sẽ thành Phật, đầy đủ mười hiệu.
Vì vậy, người tu luôn biết ơn những người đem điều ác đến mình, họ làm thành cho mình, giúp mình tiêu nghiệp, sớm viên mãn bồ-đề. Còn bản thân họ do tạo ác nghiệp phải đọa ba đường dữ, chịu nhiều khổ sở, rất đáng thương!
Cho nên, với người ác, mình thương nhiều hơn chớ không oán trách. Nhờ họ mình tu tiến, trong khi họ phải chịu khổ vô vàn ở các đường dữ. Đó là cách nhìn của người tu đối với nghịch cảnh, với người ác.
Nhờ sức nhẫn này sẽ giúp mình sanh trí tuệ, đạt đến vô sanh pháp nhẫn, nên nói là đại lực, là công đức thù thắng.
Nếu người nào không thể vui vẻ nhẫn chịu sự cay độc của lời mắng ác như uống nước cam lồ, thì không thể gọi là người trí huệ được đạo.
Đã thấu rõ nhân quả thì khi bị mắng chửi, đánh đập, mình vui vẻ nhẫn chịu như đang uống nước cam lồ, vì biết đang tiêu nghiệp, còn khởi lòng thương xót với người đang tạo nghiệp ác đó.
Thánh Milarepa là vị đắc đạo ở phái thiền bên Tây Tạng. Cha mất khi Ngài còn nhỏ, ông để lại tài sản nhờ em trai giữ giùm đợi Ngài trưởng thành giao lại. Nhưng người chú tham lam cướp mất, Ngài cùng mẹ và chị phải sống cảnh cơ hàn. Oán hận chú thiếm cùng thân tộc, Ngài học bùa chú trở về làm mưa đá phá hủy mùa màng của cả làng, khiến tất cả mọi người đều bị đói kém.
Sau Ngài hối hận, đến xin Thánh Marpa học đạo. Thánh Marpa nhận Ngài làm học trò nhưng không dạy đạo, lại bắt làm việc nặng nhọc, đày ải, mắng chửi không thôi. Trải thời gian dài vẫn không khá hơn, Sư mẫu xót thương bảo Ngài đến học với đại sư huynh. Thầy biết nên cấm sư huynh dạy, Ngài phải quay trở về với thầy. Thánh Marpa nói: “Vì nghiệp chú nặng, vốn tôi định giúp chú trả nghiệp trong ba năm mới dạy đạo để chú bình yên cả đời, nhưng chú gấp quá, sư mẫu chú lại không hiểu ý tôi, thôi thì giờ tôi dạy chú, nhưng tương lai chú phải tiếp tục trả nghiệp đã gieo.”
Nghe vậy Ngài mới hiểu Thầy mắng chửi đày ải là để giúp mình tiêu nghiệp. Sau khi đắc đạo, Ngài vào rừng sống khổ hạnh một thời gian dài, khỏa thân để nhẫn chịu rét lạnh, muỗi mòng; ăn rêu để nhẫn chịu cái khổ đói thiếu… Dùng khổ hạnh để giảm nhẹ tội lỗi đã gây. Sau Ngài ra giáo hóa bị một vị Tăng ganh tị mướn người bỏ thuốc độc vào cháo cúng dường. Tuy biết có độc, Ngài vẫn thọ dụng vì biết đây là chút quả báo sót lại, an nhiên xả báo thân.
Thánh Marpa đã dùng cách đối xử tệ bạc để Ngài Milarepa tiêu hết nghiệp, nếu Ngài kiên nhẫn chịu đựng sự hành hạ của Thầy ba năm thì ắt hẳn đã tiêu hết nghiệp.
Như vậy, người nào mắng chửi hành hạ mình là có ơn lớn với mình, giúp mình sớm tiêu nghiệp. Bất kể vị đó mắng mình bằng tâm thiện hay tâm ác đều là thiện tri thức của mình. Họ làm thành cho mình nhưng bản thân phải đọa. Mình nên kính quý và thương họ.
Tại sao? Vì cái hại của nóng giận sẽ phá hoại các pháp lành và cả tiếng tốt, đời này và đời sau người không ưa thấy. Phải biết lòng sân còn hơn lửa dữ, thường phải phòng hộ, không cho nó xâm nhập vào tâm mình.
Khi nóng giận sẽ dễ thốt lên lời nói dữ, hành động ác. Do đó phá hoại pháp lành khiến tâm mình nhiễm ô, bị người khác chê cười. Lại phải chịu quả báo ở đời này và đời sau là người thấy không ưa.
Sân hơn cả lửa dữ sẽ đốt hết những pháp lành trong tâm. Khi nổi sân, lòng từ bi, tâm hỷ xả, trí huệ… đều sẽ mất hết. Một khi pháp lành bị thiêu đốt, tâm đạo sẽ bị chướng, trí tuệ không phát triển được, mình sẽ như kẻ phàm phu sống trong đêm tối vô minh. Thế nên phải phòng hộ tâm, không để sân giận xâm nhập.
Khi nổi sân mình sẽ nói lời ác, hành động ác, tức tạo nghiệp bất thiện, đời sau phải đọa vào đường dữ. Đức Phật dạy: “Một đốm lửa sân đốt cháy cả rừng công đức.” Công đức có từ tâm lành, khi nổi sân tâm lành mất hết, công đức tiêu sạch. Người có trí tuệ luôn giữ vững đạo tâm, không để tâm sân khởi.
Thân vốn duyên hợp không thật, tất cả pháp hữu vi đều là mộng huyễn. Chỉ vì mình mê lầm không biết, chấp cho là thật, nên gặp việc bất như ý mới nổi sân. Nếu có trí tuệ thấy được bản chất các pháp tự nhiên tâm sân sẽ tiêu.
Tổ sư dạy: “Chẳng sợ niệm sân khởi, chỉ sợ thức tỉnh chậm.” Nếu ngay khi sân khởi mình biết và buông liền, không để nó chuyển thành lời nói ác, hành động dữ, cũng không ôm ấp buồn giận trong tâm thì mọi kết quả xấu sẽ ngưng dứt. Như lửa vừa dấy dập liền sẽ không thể dẫn đến hỏa hoạn. Nếu để tâm sân dẫn dắt là nuôi dưỡng nó thêm mạnh, nó sẽ tạo quả ác cho mình ở đời này và đời sau, lại ảnh hưởng rất lớn đến tâm đạo.
Người tu từng phút từng giây huân tập chánh kiến, có chánh kiến rồi không bao giờ nổi sân. Như các vị Thánh, dù bị người mắng chửi đánh đập, tâm vẫn thanh tịnh, không một niệm giận hờn, vì các Ngài thấu được chân lý, thấy rõ bản chất các pháp là không thật.
Ngài Phú-lâu-na sau khi nhận được pháp Phật dạy, xin Phật đến giáo hóa ở một vùng xa, Phật bảo: – Dân xứ đó không hiền, ông đến đó nếu bị họ mắng chửi thì sao? Ngài thưa: – Con sẽ cảm ơn họ vì đã không đánh con. Phật hỏi: – Giả như họ đánh ông thì sao? Thưa: – Con cũng cảm ơn họ vì đã không giết con. Phật lại hỏi: – Nếu họ giết ông thì sao? Thưa: – Con càng cảm ơn họ vì đã giúp con thoát khỏi sự ràng buộc của thân này. Phật khen: – Nếu ông có thể thấy được như vậy thì ta cho phép ông đi. Quả thật, nhờ đức hạnh và trí tuệ, Ngài đã giáo hóa cho toàn thể dân chúng vùng đó khiến họ bỏ ác làm lành. Sau khi sứ mệnh thành tựu, Ngài xả báo thân để lại xá-lợi tạo phước cho dân ở đó.
Thời thường huân tập trí tuệ, thành tựu chánh kiến sẽ giúp chúng ta diệt tham sân tận gốc. Nếu để tham sân nổi lên rồi mới quán chiếu sẽ không kịp. Do vô minh không thấy được bản chất các pháp, sanh kiến chấp sai lầm nên mới dễ tham sân. Nếu có chánh kiến, tham sân không có chỗ để sanh.
Giặc cướp công đức mình không gì bằng nóng giận.
Đức Phật một lần nữa nhấn mạnh sự tai hại của nóng giận. Rất nhiều tội ác xuất phát từ sân. Vợ bị chồng hành hạ, oán giận nên tìm cách giết chồng. Con bị cha đánh thường xuyên, tích hận trong tâm, lớn lên đủ sức liền giết cha…
Tuy nhiên có những người làm ác không phải do sân. Như Thầy mắng chửi hành hạ đệ tử vì thương, muốn đệ tử tiêu nghiệp. Đề-bà-đạt-đa làm Bồ-tát nghịch hạnh hại Phật vì muốn Phật sớm thành tựu đạo quả. Các Ngài làm ác với tâm từ bi hoặc bằng hạnh nguyện, không phải do tâm sân dẫn dắt. Chấp nhận chịu quả dữ vì làm thành cho bạn đồng học. Mang tâm vì người nên gọi là Bồ-tát, đem điều dữ đến cho người nên gọi là nghịch hạnh. Bồ-tát nghịch hạnh không có tâm tham sân, chỉ có hạnh nguyện mà thôi.
Sở dĩ còn nổi sân là vì chưa giải quyết tận gốc. Còn kiêu ngạo, còn chấp ngã là sẽ còn sân. Phải thấy thân tứ đại ngũ uẩn này không thật mới bỏ được tham sân. Nếu bình thời không quán chiếu, đợi sân rồi mới hối hận đã muộn, về sau gặp việc lại tiếp tục nổi sân, vì gốc sân vẫn còn.
Người cư sĩ còn hưởng dục lạc, không phải là người tu hành, không có pháp tự kềm chế, nổi sân còn có thể tha thứ. Người xuất gia học đạo không còn theo ngũ dục, mà ôm lòng nóng giận thì không thể nào tha thứ được.
Người thế gian không hiểu đạo, không biết pháp tu tập, nổi sân còn có thể tha thứ. Người xuất gia đã bỏ ngũ dục, chọn sự tu hành để cầu giải thoát tự tại, sống đời sống không còn trói buộc, vậy mà vẫn để sân dẫn dắt, trái với hạnh nguyện xuất gia của mình nên không thể tha thứ được.
Thí như trong lúc bầu trời trong xanh mà sấm chớp nổi lên là điều không hợp lý.
Trời chuyển mưa nổi sấm chớp là việc bình thường, còn trời đang trong xanh mà sấm chớp nổi lên là điều phi lý. Cũng vậy, người tu tâm phải thanh tịnh như bầu trời đang trong, nếu để tâm sân nổi lên là điều không thể chấp nhận được. Phải đủ trí tuệ để tìm phương tiện tiêu diệt tận gốc nó.