Kinh Di Giáo Giảng Giải

5. Dặn Dò "Ít Ngủ"



Tỳ kheo các ông! Ban ngày siêng năng tu tập các pháp lành, không nên để mất thời giờ, đầu hôm và khuya cũng chớ bỏ bê, giữa đêm tụng kinh để tự tiêu tức. Không vì nhân duyên ngủ mê khiến một đời trôi qua, không được cái gì!

Phật dạy Tăng Ni phải luôn siêng năng tu tập. Ban ngày siêng tu tập các pháp lành, không để lãng phí một giờ khắc nào. Ban đêm cũng không bỏ bê, tụng kinh để tự tiêu tức, tức là tụng kinh sẽ làm mình quên mệt, không thấy buồn ngủ.

Tuy nhiên phải chú ý sức khỏe, linh hoạt trong tu tập. Tùy theo sức mà dụng công, không để sức khỏe ảnh hưởng đến sự tu. Theo pháp tu Đại thừa hay Thiền tông, nếu tâm không vướng mắc dù cả ngày không tụng kinh, tọa thiền… cũng không lỗi.

Tổ Bát-nhã Đa-la nói: “Tôi hơi thở ra chẳng tiếp các duyên, hít vào chẳng ở trong ấm giới, thường tụng thứ kinh này trăm ngàn muôn ức quyển.”

Tu cốt yếu là nhận được và sống được với bản tâm, không lệ thuộc thân xác bên ngoài. Tùy duyên mà vui với đạo, tâm luôn nhẹ nhàng, tự tại. Làm việc gì cũng đừng chấp, kể cả tụng kinh tọa thiền.

Ở đây Phật dạy như vậy là sợ mình lười biếng, ham ngủ nghỉ mà quên tu đạo. Chỉ cần ngủ nghỉ đúng giờ để cơ thể không bệnh, không ngủ nhiều cũng không ngủ quá ít. Phật luôn chủ trương trung đạo, không buông lung tâm ý, cũng không hành hạ thân xác. Thân an ổn tâm mới sáng suốt thể nhận tự tánh, nếu thái quá (hưởng dục thái quá, hành xác thái quá) sẽ không đạt được kết quả như ý mà còn có hại.

Phải nghĩ nhớ ngọn lửa vô thường đốt cả thế  gian mà mau cầu tự độ chớ ham ngủ nghỉ.

Mỗi phút giây đều có người qua đời, đều có pháp đang hoại diệt, tất cả pháp thế gian luôn biến chuyển không dừng. Ngày nay sống đây chưa chắc bảo đảm được ngày mai. Thế nên, chúng ta đâu có nhiều thời gian để phí phạm, phải nhanh chóng tu hành, sớm cầu giải thoát. Giải quyết sanh tử mới là mục tiêu tối yếu của mình, những thứ không cần thiết khác thì buông đi.

Ngài Tuệ Trung dạy:

Giăng lưới lớn bủa bắt phượng hoàng

Chớ buông chí theo loài chim sẻ.

Nay muốn câu cá ngạc cá kình

Đừng bận bịu ễnh ương ếch nhái.

Muốn điều cao siêu thì đừng quan tâm những việc lắc nhắc. Đã cầu giải thoát phải luôn xem xét việc tu tập của mình, tu làm sao để tâm đạo ngày một sáng, đối duyên xúc cảnh có thể tự tại, an nhiên. Không quan tâm tìm kiếm những việc thế gian, đã không lợi ích còn ảnh hưởng đạo tâm.

Giặc phiền não thường rình giết người  hơn kẻ oan gia, đâu thể nào ngủ mê không tự tnh ngộ.

Gọi phiền não là giặc vì nó hại mình, làm rối loạn tâm mình. Khi mê, phiền não sẽ tác yêu tác quái, dẫn dắt mình làm chuyện ác, hại mình cả đời nay và nhiều đời sau. Nên Phật dạy mình phải siêng tu, đừng ham mê ngủ nhiều, phải thường tỉnh giác nhận chân được bản chất của phiền não, không để nó hại mình.

Rắn độc phiền não ngủ trong tâm các ông. Thí như rắn rít đang ngủ trong nhà, các ông phải lấy cây móc trì giới đuổi ra. Khi rắn ngủ ra rồi, mới có thể ngủ yên.

Trên ví phiền não như giặc, đây ví phiền não như rắn độc. Sở dĩ mình phiền não là do thói quen chấp ngã tiềm ẩn bên trong. Khi gặp cảnh liền khởi động làm rối loạn tâm. Như khi gặp lợi tâm tham trỗi dậy, khi bị hại niệm sân liền phát.

Chấp ngã, tham, sân… đều là những thói quen huân tập nhiều đời. Chúng ta tu theo Phật, nương vào lời dạy của Ngài, dùng công phu giữ giới để hàng phục chúng. Đến khi phiền não tiêu hết, tâm hoàn toàn thanh tịnh, lúc đó mới có thể ngủ yên, tức là từ đây có thể sống tự tại, không còn bị các pháp ràng buộc nữa.

Nếu nó chưa ra mà vẫn ham ngủ, ấy là người không biết hổ thẹn.

Phiền não còn đầy mà không cố gắng tu, để tâm ý buông lung, đó là không biết hổ thẹn. Cha mẹ cho thân, thí chủ cúng dường trợ duyên, thầy tổ hết lòng chỉ dạy là để mình đủ phương tiện tu hành, sớm được giải thoát. Vậy mà mình không lo tu, ham mê ngủ nghỉ, chạy theo ngũ dục thế gian. Đó là cô phụ ân sanh thành của cha mẹ, ân dưỡng nuôi của thí chủ, ân dạy bảo của thầy tổ. Người như vậy Phật nói là người không biết hổ thẹn.

Bộ đồ hổ thẹn là bậc nhất trong các thứ trang sức.

Đối với người tu, hổ thẹn là trang sức quý báu nhất. Nhờ hổ thẹn mà mình cố gắng sửa đổi lỗi lầm, không ngừng hoàn thiện tâm, luôn thức tỉnh trong mọi lời nói, hành động, suy nghĩ. Quyết sống sao, tu sao cho không hổ với tâm nguyện xuất gia ban đầu của mình, không thẹn với những người ân đã trợ duyên cho mình tu hành.

Hổ thẹn như móc sắt có thể kềm chế việc phi pháp của  người.

Hổ thẹn ví như đồ trang sức là muốn nói nhờ hổ thẹn mà mình cố gắng tu, siêng làm thiện, sống phù hợp với đức hạnh người tu. Còn hổ thẹn ví như móc sắt là ý nói nhờ hổ thẹn mà mình không dám làm ác, không dám buông lung tâm ý làm điều phi pháp.

Như khi bất giác nổi sân, nếu biết hổ thẹn sẽ thấy xấu hổ, vì mặc áo người tu mà còn sân giận, ngay đó dừng lại. Nhờ hổ thẹn mà mình luôn tự kiểm bản thân, cái gì còn dở thì buông bỏ, sửa đổi. Nhờ vậy mà tiến bộ không ngừng, càng tu càng hợp đạo, sớm ngày tự tại sanh tử.

Thế nên, Tỳ-kheo phải thường hổ thẹn, không được tạm quên. Nếu xa lìa hổ thẹn thì mất hết các công đức. Người có hổ thẹn thì có các pháp lành, nếu không biết hổ thẹn thì cùng như loài cầm thú không khác chi cả.

Hổ thẹn quan trọng như vậy nên không được tạm quên. Thường nhắc nhở mình cố gắng tiến tu, sửa đổi những điều dở, ngày ngày hoàn thiện mình để không xấu hổ với chính mình và với những người xung quanh. Người không biết hổ thẹn thì việc xấu nào cũng làm, do đó tạo ác nghiệp, mất hết công đức.

Tuy nhiên, cũng không nên để sự hối lỗi dằn vặt mãi trong tâm. Ai cũng có nhiều điều dở, có điều có thể sửa bỏ liền được, có điều đã huân tập thành thói quen sâu đậm, một sớm một chiều chưa thể sửa liền, phải kiên trì lâu ngày mới tiêu. Chỉ cần dám nhận điều đó là lỗi, cố gắng sửa đổi, không buông lung để mặc, cho dù lỗi đó mình chưa sửa tận gốc được, nhưng nó cũng đang được điều chỉnh từ từ. Không nên vì chưa sửa được mà cứ day dứt, dằn vặt, làm cho việc tu của mình trở nên nặng nề, không an.

Không ai biết rõ mình bằng chính mình. Nên Phật dạy: Hãy tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp. Tự sách tấn mình tu hành, thể nhận được niềm vui khi tu, hằng ngày vui với sự tiến bộ trong tâm.

Không cần đặt tiêu chí quá cao, chỉ cần mỗi ngày đều có tiến bộ, tham sân si mỏng dần theo năm tháng. Kiên trì như thế lâu ngày cũng thành công, như nước chảy đá mòn, mài sắt thành kim. Nên Phật nói người có hổ thẹn thì có pháp lành.

Nếu không biết hổ thẹn, cứ điềm nhiên làm điều ác, làm lỗi không thấy là lỗi, cả đời lơ láo qua ngày. Người như vậy Phật nói là giống loài cầm thú, không xứng đáng mang thân người.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.