Kinh Di Giáo Giảng Giải

3. Dặn Dò "Chế Ngự Tâm"



Kinh Di Giáo thuộc kinh điển nguyên thủy, Phật dạy trên hình tướng, nên chế tâm ở đây là chế trên tâm vọng. Còn kinh điển Đại thừa, đặt trọng tâm ở tâm chân, không quan tâm đến tâm vọng. Nương vào sự hiểu biết về chân tâm, nhìn bằng con mắt Đại thừa mà học kinh Nguyên thủy, chúng ta sẽ hiểu sâu hơn những lời dạy căn bản của Phật, ứng dụng triệt để hơn trong phần tu tập, đi sâu vào chân tâm chứ không dừng lại ở vọng tâm. Như vậy, chúng ta học kinh Nguyên thủy, ứng dụng tu theo lời dạy căn bản của Phật mà vẫn giữ được tâm Đại thừa, không rơi vào tâm Tiểu thừa.

Tỳ-kheo các ông! Đã hay trụ giới, phải cố kềm chế năm căn, chớ để buông lung vào trong năm dục.

Muốn giữ giới tốt phải kềm chế năm căn đừng để chạy theo năm dục. Năm căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân; Năm dục là tài, sắc, danh, thực, thùy. Khi căn tiếp xúc với trần sanh tâm đắm mến, nếu không có căn thì không thể biết trần, do đó, tâm đắm mến cũng không thể sanh. Như mắt thấy sắc đẹp sanh tâm mến sắc, tai nghe tiếng hay sanh tâm mến tiếng v.v… Người mù không thấy sắc nên không có tâm mến sắc, người điếc không nghe tiếng nên không có tâm mến tiếng v.v…

Ở đây Phật dạy cho chúng ta biết được nguồn gốc của việc phạm giới chính là khi năm căn chạy theo năm trần. Nên muốn giữ được giới phải giữ năm căn không để chạy theo năm trần.

Ví như người chăn trâu cầm gậy dòm chừng, không để nó chạy tự do phạm vào lúa mạ của người. Nếu phóng túng năm căn, chẳng những nó chạy theo năm dục mà còn tạo tội lỗi không có ngằn mé nào tính cho hết, không thể nào chế ngự được.

Như người chăn trâu giữ trâu, cầm gậy dòm chừng, không để nó chạy phạm vào lúa mạ người. Người tu giữ năm căn đừng để chạy theo năm dục rồi tạo những lỗi lầm, những ác nghiệp khiến mình phải đọa. Khi phóng túng năm căn, mình sẽ tạo vô số nghiệp không thể nào tính đếm được. Do đó phải trôi nổi trong ba cõi sáu đường không có ngày ra.

Không phải chỉ có giết người cướp của mới là tạo tội ác, chính khi đuổi theo năm dục là đã tạo nghiệp sanh tử, tự trói mình trong ba cõi, không thể giải thoát được. Nên nói năm căn chạy theo năm dục là gốc của khổ đau, gốc của luân hồi sanh tử, chớ không phải chỉ riêng tạo ác nghiệp mới gọi là khổ.

Người giết người, cướp của có thể bị pháp luật phạt tù hay xử tử hình. Nhưng người thích ăn ngon, ham mặc đẹp, mê ca múa hát xướng v.v…, đâu có hại ai, đâu phải là việc ác, nên đâu có ai trừng phạt. Thế nhưng, với người hiểu đạo, muốn cầu giải thoát phải biết nếu đắm mê ngũ dục lạc, tham cầu hưởng thụ, thì sẽ bị trói buộc trong sự đam mê đó, không thể giải thoát.

Nói “đạo Phật bình đẳng, tự do tuyệt đối” là nói trên lý tánh, còn trên pháp tướng thì mọi pháp đều phải vận hành theo luật nhân quả. Như chư Ni hành lễ chư Tăng, Phật tử lễ người xuất gia, có phân biệt trên dưới lớn nhỏ v.v… Nói bình đẳng là nói trên nhân quả, ai làm lành được hưởng phước, ai làm ác phải chịu tội. Sang hèn, giàu nghèo, quý tiện, nam nữ, già trẻ, trí ngu v.v… đều như nhau, gieo nhân lành hưởng quả lành, gieo nhân ác chịu quả dữ, không có ngoại lệ. Đó là bình đẳng trên nhân quả. Còn bình đẳng trên lý tánh là tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, không trừ một chúng sanh nào. Phật tánh đó đều thanh tịnh, diệu dụng như nhau, ở Thánh không hơn, ở phàm không kém.

Khi quy y Tam bảo là phải giữ gìn giới cấm, Phật tử giữ 5 giới, xuất gia giữ 10 giới, 250 giới, 348 giới v.v… Cộng thêm những quy tắc trong thiền môn đều phải tuân thủ, oai nghi tế hạnh không được thiếu sót v.v… Vậy có được gọi là tự do tuyệt đối? Tự do mà Phật nói không phải là muốn làm gì thì làm, mà là không bị ràng buộc trong ba cõi, giải thoát khỏi sự trói buộc của sanh tử luân hồi. Đó là ý nghĩa thực sự của tự do tuyệt đối.

Tứ Tổ Đạo Tín xuất gia lúc còn rất nhỏ, mới là Sa-di mà chí cầu đạo rất mạnh. Ngài tìm đến Tam Tổ Tăng Xán, thưa: – Xin Hòa thượng dạy cho con pháp môn giải thoát. Tổ hỏi: – Ai trói ngươi. Thưa: – Bạch Hòa thượng, không ai trói con. Tổ bảo: – Vậy cầu giải thoát làm gì? Ngay đó Ngài đại ngộ. Vốn đâu có ai trói mình, mình tự dính mắc, tự trói. Vậy muốn giải thoát phải tự mình mở, cầu bên ngoài cũng đâu có được.

Thế nên, Phật nói chạy theo năm dục tai hại vô cùng chính là nói cái hại không ra khỏi sanh tử, trôi nổi trong ba cõi sáu đường không biết chừng nào ra khỏi. Hễ còn trong sanh tử là còn chịu khổ sanh già bệnh chết, không có chúng sanh nào ngoại lệ cả.

Khi vào bào thai là đã bắt đầu chịu cái khổ của sanh, con trong thai mẹ chịu bức bách khổ đau, mẹ thai nghén cũng chịu vô vàn khổ não. Đến khi ra đời, vì cơm áo gạo tiền mà phải vất vả nhọc nhằn. Đến khi già, muốn làm gì cũng không được, sức trẻ không còn, khổ sở vô cùng. Bệnh càng khổ hơn, đau đớn khó chịu, không ai thay được. Khi chết đến là cùng cực của khổ, vì sợ hãi không biết đi về đâu, cố gắng níu giữ thân mạng mà đâu thể được. Có khi còn phải chết trong sự đau đớn, hoặc vì bệnh hành, hoặc vì bị giết, hoặc vì tai nạn v.v…

Ở ba đường dữ, những cái khổ này càng tăng gấp bội. Như heo, bò, gà, vịt v.v… bị thui, nướng, chiên, hầm v.v…, phải chết trong sự đau đớn cùng cực. Ngạ quỷ thì chịu đủ kiểu hành hạ, hoặc bị xe lửa đốt, hoặc bị búa chém v.v…, đói không thể ăn, khát không thể uống, khổ sở như vậy mà không chết được, cầu sống không được, cầu chết không xong, chỉ khi nào tiêu hết nghiệp ác cũ mới có thể chuyển sanh cõi khác. Tuy vậy, cái khổ của ngạ quỷ cũng chưa bằng một phần nhỏ của địa ngục. Chúng sanh địa ngục chết đi sống lại, bỏ vô chảo dầu tan xương nát thịt, nhưng khi vớt ra liền sanh trở lại, rồi lại bị bỏ vào chảo tiếp, cứ như vậy lặp lại không biết bao nhiêu lần. Những hình phạt rùng rợn khác cũng tương tự như vậy, chúng sanh địa ngục chịu khổ vô cùng với thời gian dài vô tận. Chừng nào nghiệp tiêu hết mới có thể chuyển sanh cõi khác.

Nếu còn đắm trong dục lạc là còn sanh trong ba cõi sáu đường, chưa thể tự tại. Vì mình còn ngu mê nên việc phạm lỗi phải đọa trong đường dữ là hoàn toàn có thể xảy ra.

Đời này chúng ta may mắn được gặp Phật pháp, biết tội phước nhân quả nên không dám tạo ác, nhưng vị lai chắc gì lại được gặp Tam bảo! Khi đó, chúng ta sẽ tạo nghiệp theo thói quen chấp ngã, theo tham sân si mà tạo ba nghiệp ác, thế là cửa ba đường dữ sẽ mở ra đón chúng ta.

Thế nên đức Phật mới nói đắm mê năm dục sẽ tạo tội lỗi không có ngằn mé nào tính cho hết.

Cũng như ngựa dữ, nếu không có dây cương kềm giữ, nó sẽ lôi người cỡi rớt xuống hầm.

Ngựa chưa điều phục, còn hung dữ, nếu cỡi lên sẽ rất nguy hiểm, nó sẽ lôi người cỡi rớt xuống hầm. Nếu mình không điều phục năm căn để nó chạy theo năm trần thì mình sẽ tạo ác nghiệp. Như khi bị người chửi, căn tai chạy theo tiếng nên nổi giận đánh người. Khi thấy con vịt quay treo trong tiệm, căn lưỡi chạy theo vị, sanh tâm tham muốn ăn. Khi thấy gái đẹp, căn thân chạy theo sắc, sanh tâm dục nên làm hủy hoại tiết hạnh của người v.v…

Người thế gian vì để năm căn chạy theo tài sản, sắc đẹp, tiếng tăm, thức ăn ngon, chỗ ở tốt mà tạo vô số nghiệp ác, hại người hại vật, miễn sao có lợi thì làm, không cần nghĩ tới hậu quả, cũng không quan tâm đến khổ đau của người khác hay những con vật khác.

Nếu bị giặc cướp, khổ chỉ một đời, còn bị giặc năm căn hại thì họa ương đến nhiều kiếp, gây hại rất nặng, không thể không dè dặt!

Giặc cướp cướp tài sản của mình chỉ là thứ bên ngoài, nếu hại mạng mình cũng chỉ là hại thân của đời này. Còn năm căn hại mình không biết bao nhiêu kiếp.

Chúng ta từ khi biết Phật pháp, dè dặt không dám làm ác, còn siêng làm thiện, vậy mà  vẫn chịu nhiều thứ khổ. Hoặc nghèo thiếu, hoặc bệnh tật, hoặc gia đình không hạnh phúc, hoặc con cái bất hiếu, anh em bất mục, làm ăn thất bại, sự nghiệp không thành v.v… Những cái khổ đó là do nhân ác đời trước mình đã gieo giờ trổ quả, dù đời này làm thiện, vẫn phải trả quả đời trước, đó chính là họa ương đi theo nhiều kiếp.

Dựa vào thời gian trổ quả mà quả báo chia làm ba loại: Một là Hiện báo, đời này tạo nhân ngay trong đời thọ quả; Hai là Sanh báo, đời này tạo nhân, đời sau mới thọ quả; Ba là Hậu báo, đời này tạo nhân, nhiều đời sau mới thọ quả.

Giống như trồng cây, có những loại kết quả mau, như các loại rau củ; có những loại kết quả chậm như các loại trái cây, có những loại trái cây phải mấy năm mới cho quả, như mít, sầu riêng, măng cụt v.v…

Cũng vậy, khi nhân đã tạo mình cũng không biết khi nào trổ quả. Người xưa có câu: “Bảy mươi chưa què chớ khoe mình lành”, hay “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Đại gia chưa chắc suốt đời giàu, ăn mày chưa chắc suốt đời nghèo.

Thời Phật, có một vị trời khi tuổi thọ hết tái sanh làm ngựa. Lúc làm trời, ông đâu nghĩ đời sau ông sẽ thành ngựa!

Thế nên, dù đời này sung sướng, chưa chắc đời sau không đọa. Trừ khi mình có chánh kiến, lìa tất cả tâm ác mới có thể làm chủ được sanh tử. Nếu còn ở trong sanh tử, năm căn còn đắm nhiễm năm dục, chấp nê không bỏ thì họa ương sẽ kéo dài vô lượng kiếp.

Thế nên, người trì giới phải kềm chế không chạy theo nó, giữ nó như giữ giặc, không cho buông lung.

Người trí phải kềm chế, không chạy theo nó, giữ năm căn như giữ giặc, không để năm căn đắm vào năm dục. Như mắt thấy sắc đẹp, không chạy theo nó mà khởi tâm thương ghét, lấy bỏ…, để rồi tạo nghiệp sanh tử.

Giả sử để nó buông lung đều cũng chẳng bao lâu phải thấy nó đi tới chỗ hoại diệt.

Đây là câu đặc biệt nhất, thù thắng nhất trong đoạn này. Lúc mê, mình buông lung để căn chạy theo trần, chợt tỉnh lại phải nhận thấy nó đi đến chỗ hoại diệt, tức phải nhận được tính chất vô thường của nó. Chỉ có như vậy mình mới có thể thức tỉnh mà xả bỏ tâm đắm mến.

Như mình thích một món ăn nào đó, có người mỗi ngày đều cho mình ăn. Ngày đầu vô cùng thích thú, ngày thứ ba bắt đầu ngán, đến ngày thứ bảy thì sợ luôn, không muốn đụng vào nữa. Rõ ràng tâm biến đổi vô thường, bản chất của nó là vậy, không thật. Nếu nó thật phải còn hoài, nhưng tâm thích món ăn đó sau bảy ngày đã diệt mất, tức nó không thật. Thấu được vậy mình sẽ không đắm mến trần cảnh nữa.

Nhận được tâm đắm trước là vô thường chính là gốc của sự tu. Như người thân mất đi, mình đau buồn lắm, nhưng cái buồn đó theo thời gian sẽ giảm dần rồi mất hẳn. Nó không thật và không tồn tại lâu dài. Tâm sân cũng vậy, mình chỉ có thể nổi sân trong một thời gian ngắn thôi, nếu sân còn hoài chắc mình không thể sống được, vì sẽ vỡ tim mà chết! Thương ghét đều không thật, nó sẽ mất theo thời gian. Như lúc còn nhỏ mình thích búp bê, giờ lớn lên tâm thích đó không còn.

Như vậy, thấy các pháp mỏng manh, giả dối, tạm bợ, phải đi đến chỗ hoại diệt, không thật là mình, nhờ đó mình thức tỉnh, không đắm mê nữa, không buông lung nữa.

Năm căn này lấy tâm làm chủ, thế nên các ông phải khéo chế phục tâm mình.

Nếu không có tâm thì căn không có lỗi gì. Như mắt thấy sắc vốn không lỗi, chỉ vì tâm sanh thích hay ghét mới thành sự. Một đứa bé mới sanh, chưa biết phân biệt, thấy sắc đẹp hay xấu đều không sanh tâm, đối với nó, phân và bánh là như nhau, tất cả pháp đều như nhau, nên nó không tạo nghiệp.

Người lớn có tâm phân biệt, ai bắt mình ăn phân là nổi giận ngay. Như Thái hậu Từ Hi, bắt một thái giám già ăn phân của bà, vị này buồn tủi nên treo cổ tự vẫn. Dù trong thời phong kiến, thái giám là người hạ tiện, nhưng họ cũng có lòng tự trọng, không thể chịu nổi sự nhục nhã đó. Nhưng một người già mất trí, khi đại tiện xong bốc ăn luôn, không thấy gớm.

Lại, có một Hòa thượng, được một đại gia kính quý, con của đại gia đó cho là Ngài lợi dụng cha mình nên khinh ghét vô cùng. Một hôm, biết Ngài đến nhà, anh ta để một thùng phân gát lên cửa ra vào được khép hờ, Ngài vừa đẩy cửa vào, thùng phân liền lật xuống ướt cả người, thùng phân rơi ụp trên đầu. Ngài thản nhiên trở ra mang theo thùng phân trên đầu và cả người đầy phân, thong thả đi đến mé sông gần đó để rửa. Dân chúng thấy vậy hỏi Ngài sao dính đầy phân vậy. Ngài đáp: “Trong chứa phân, ngoài dính phân, đâu có gì sai biệt!” Đứa con đại gia giờ mới biết Ngài là một tu sĩ đạo cao đức trọng, thành tâm sám hối và nguyện thờ Ngài làm thầy.

Như vậy, đứa bé sơ sinh không sanh tâm phân biệt vì không biết, cụ già không sanh tâm phân biệt vì mất trí. Còn Cao tăng không sanh tâm phân biệt vì biết các pháp đều hư dối, bản chất như nhau.

Sở dĩ mình chạy theo năm dục vì tâm sanh phân biệt chấp trước, chớ năm căn không lỗi, năm dục cũng không lỗi. Thế nên, Phật mới nói lấy tâm làm chủ, chính vì tâm phân biệt mới thành sự. Tâm mới là chủ tạo ra tất cả nghiệp.

Tâm rất đáng sợ còn hơn rắn độc, thú dữ, giặc thù, lửa lớn; chưa có gì đủ để thí dụ cho nó.

Khi mình thức tỉnh tu hành mới thấy tâm đáng sợ như vậy. Cái hại của nó còn hơn rắn độc, thú dữ, giặc thù, lửa lớn. Vì những thứ này chỉ làm hại thân mình trong đời này, còn tâm đắm mê dục sẽ làm hại mình nhiều đời kiếp.

Tuy nhiên, tâm hại mình mà cũng giúp mình. Vì mình tu được cũng nhờ tâm. Thế nên, trong đạo Phật có truyền tụng một bài kệ:

Đêm qua lòng dạ-xoa,

Sáng nay tâm Bồ-tát.

Bồ-tát và dạ-xoa

Chỉ cách một đường tơ.

Khi tâm lầm mê tạo nghiệp là dạ-xoa. Biết thức tỉnh, quay trở lại sống với tự tánh, làm các việc lành là Bồ-tát. Bồ-tát và dạ-xoa đều là mình, chỉ thay đổi quan niệm, niệm tà là dạ-xoa, niệm chánh là Bồ-tát. Nên nói “chỉ cách một đường tơ”. Có chỗ nói “chẳng cách một đường tơ”. Vì dạ-xoa hay Bồ-tát đều là mình, không có người thứ hai thế vào, nên nói chẳng cách.

Hay như bàn tay, ngửa lên là lòng bàn tay, úp lại là lưng bàn tay. Thấy hai mà chẳng phải hai.

Cũng vậy, tội cũng tâm mà công cũng tâm. Mình chỉ sửa cái lầm của tâm chứ không phủ nhận tâm, vì phủ nhận tâm là phủ nhận chính mình. Chỉ nói tâm nhiễm ô đáng sợ, chớ không nói tâm chân thật đáng sợ.

Thí như người tay bưng chén mật, bước đi vội vàng, chỉ nhìn chén mật mà không thấy hố sâu. Lại như voi điên không câu móc, khỉ vượn gặp được cây, nhảy nhót, leo trèo, khó mà cấm cản. Phải mau kềm nó không cho buông lung. Nếu buông thả tâm này sẽ làm mất việc lành của người. Kềm nó một chỗ thì không việc gì chẳng xong.

Như con voi không được huấn luyện, không có móc sắt, sẽ càn quét ruộng lúa v.v… Tâm không được điều phục sẽ chạy theo năm dục tạo các ác nghiệp. Như người thế gian không biết gì về điều phục tâm, cả đời chạy theo năm dục, tạo vô số nghiệp. Thích ăn ngon thì sát hại sanh mạng chúng sanh; thích có tiền để hưởng thụ thì lừa gạt, cướp bóc…; để thỏa mãn tâm dâm thì phạm các lỗi tà hạnh… Vì ăn mặc ngủ nghỉ cho sướng thích mà tạo nghiệp không dừng.

Có người không tạo nghiệp ác, nhưng tâm tham không trừ, cứ nhân mãi lên. Không có xe muốn được honda, được honda lại muốn ô tô, có ô tô muốn phi thuyền…, tâm tham muốn không đáy, không dừng. Họ mãi chạy theo trần cảnh bên ngoài, chưa từng dừng lại. Đó chính là chỗ đáng sợ của tâm nhiễm ô.

Giống như khỉ gặp cây, nhảy nhót thích thú. Tâm nhiễm dục lạc sẽ đuổi theo mãi, không chịu dừng lại.

Nếu mình buông thả nó, chìu theo nó sẽ đánh mất rất nhiều việc lành. Như khi có tiền, nếu chìu theo tâm hưởng thụ, mình sẽ không muốn bố thí cúng dường. Có người còn nói: Tôi kiếm đồng tiền cực khổ phải để tôi hưởng thụ, mắc gì đem cho người khác.

Hơn nữa, tâm mãi chạy theo dục lạc thì không bao giờ biết đến cái vui của thiền định, càng không nghĩ đến việc giải thoát.

Có người hỏi một Thiền sư sống trên núi: – Hòa thượng ở đây làm gì? Ngài đáp: – Đói ăn mệt ngủ. Vị đó nói: – Đói ăn mệt ngủ ai cũng làm được, và ở đâu cũng làm được, đâu cần xuất gia ở núi? Hòa thượng đáp: – Người đời đói không chịu ăn, đòi trăm thứ. Mệt không chịu ngủ, nghĩ trăm việc.

Các vị Cao tăng đói ăn, chẳng cần ngon dở; mệt ngủ, tâm an nhiên lặng lẽ, chẳng nhớ quá khứ, chẳng tưởng vị lai. Có vị Thiền sư nói: – Thương ghét chẳng bận lòng, nằm dài duỗi chân ngủ. Người thế gian tâm đắm dục còn nhiều, đâu thể tự tại như vậy!

Ngài Pháp Hải đắc thiền định rất sâu, khi nhập định trong hang động, cả ngọn núi nóng lên, mùa đông mà tuyết không rơi xuống được. Những ngọn núi xung quanh đều phủ tuyết trắng xóa, riêng ngọn núi có Ngài ngồi thiền vẫn như cũ. Vua Võ đế tán thán công phu tu của Ngài, nhưng Quốc sư Chí Công nói vị này chưa chắc đạt đạo.

Vì để kiểm chứng lời Quốc sư, vua thiết yến thỉnh Quốc sư và Ngài Pháp Hải đồng dự. Ở bàn Quốc sư, vua đem đủ món ngon vật lạ, nóng thay nguội đổi, ân cần hết mực. Ở bàn Ngài Pháp Hải chỉ dọn một bát cơm, một dĩa rau nguội với một chén nước tương, vua cũng không bồi tiếp. Ngài Pháp Hải nổi giận, cho rằng bị vua làm nhục nên bỏ ra về.

Trên đường về, tâm sân càng lớn, vỡ tim mà chết. Gần đó có tổ chim, thần thức Ngài liền thác sanh vào trứng chim mới nở, thế là đọa làm chim. Ngài Chí Công dùng thần lực khai thị, Ngài thức tỉnh, biết chỗ sai của mình, ngay đó xả thân súc, chuyển thân làm người.

Ngài Pháp Hải tuy có thiền định sâu nhưng do kềm chế tâm mà được, gốc tham sân si vẫn còn, gặp nghịch cảnh liền khởi, mất công phu trước đó. Thế nên, kềm chế tâm không phải là đè nén không cho khởi, mà là không để tâm đắm nhiễm dục lạc, đoạn dứt cội gốc ba độc. Nếu ba độc còn, khi gặp duyên sẽ dấy lên, giống như Ngài Pháp Hải. Nếu không gặp duyên, Ngài có thể nhập định rất sâu, nhưng khi bị chạm vào bản ngã là Ngài liền nổi sân, vì Ngài chưa thấu được các pháp như huyễn, chưa đoạn được ba độc, và chưa nhận được tự tâm.

Ở đây Phật dạy nếu buông thả tâm để nó đuổi theo năm dục, nuôi lớn tham sân si sẽ mất tất cả pháp lành. Còn kềm tâm một chỗ không việc gì chẳng xong. Kềm đây là kềm tâm vọng, không để dấy khởi, đắm trước vào các pháp. Còn bản tâm lúc nào cũng rỗng lặng, thanh tịnh. Tuy nhiên, tâm vọng vốn không thật, các niệm hư dối, chợt sanh chợt diệt, thấu được vậy thì niệm tự diệt, không cần kềm, chỉ cần buông, không theo là được.

Có một ngoại đạo tu đắc năm thần thông, thuyết pháp rất hay, được trời Đế Thích kính quý. Một hôm, Đế Thích báo cho ông biết thọ mạng ông sắp hết, ông hoảng sợ xin Đế Thích cứu. Đế Thích chỉ ông đến gặp Thế Tôn. Trên đường đi, ông nhổ hai cây ngô đồng để cúng dường Phật. Gặp Phật, ông cầu xin cứu ông thoát sanh tử. Phật bảo: – Buông. Ông vội buông một cây ngô đồng. Phật lại bảo: – Buông. Ông buông cây thứ hai. Phật tiếp tục bảo: – Buông. Ông thưa: – Trên tay con chỉ có hai cây ngô đồng, Ngài hai lần bảo buông, con đã buông hết rồi, giờ bảo buông, con không còn gì để buông. Phật dạy: – Ta không bảo ông buông cây ngô đồng, mà ta bảo ông buông sáu căn, buông sáu trần, buông sáu thức. Ngay đây ông đại ngộ, đắc A-la-hán, liền ở trước Phật nhập Niết-bàn.

Buông nghĩa là không chấp, xưa nay mình lầm chấp căn trần thức là thật, bám chặt không buông, và vì đó mà bị trói buộc, không thể giải thoát. Giờ chỉ cần buông, không chấp nữa, ngay đó được tự tại, không đợi có thần thông.

Trong nhà thiền có một câu chuyện rất thú vị: Ba vị đại đức đi hành cước, dừng lại một quán trà nghỉ chân. Bà cụ bán trà cầm bình trà ra, hỏi: – Quý thầy tu có thần thông không? Nếu có, trổ thần thông cho già xem với. Ba vị lặng thinh nhìn nhau. Bà bảo: – Để già hiển thần thông cho quý thầy xem nhé! Nói rồi rót trà vào tách mời quý thầy uống.

Trong nhà thiền, hiển thần thông chính là sống trở lại với chính mình, mọi thi vi động tác, nói nín động tịnh, đi đứng nằm ngồi đều là diệu dụng của tự tâm, đều là đang hiển dụng thần thông. Chẳng phải đợi bay lên cao, phun nước phun lửa… mới là thần thông. Người tu theo Phật không quan tâm thần thông, vì thấy không cần thiết, chỉ cần đối duyên xúc cảnh có thể tùy duyên hiển dụng, tâm vẫn an nhiên, đó mới là thần thông thật sự. Nếu có thần thông mà chấp vào thần thông vẫn bị nghiệp lôi dẫn. Bởi thần thông không thắng được nghiệp lực.

Ngài Mục-kiền-liên là bậc thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử Thanh Văn của Phật. Do Ngài hay hiển thần thông thuyết pháp nên rất được tín đồ yêu thích, nhiều tín đồ vốn là từ ngoại đạo chuyển sang. Ngoại đạo vì mất tín đồ nên căm thù Ngài, chúng mướn bọn cướp đón đường giết Ngài, băm xác thành mảnh vụn. Sau khi bọn cướp bỏ đi, Ngài dùng thần thông gom xác lại, trở về đảnh lễ Phật rồi nhập Niết-bàn. Chư Tăng hỏi Phật vì sao Tôn giả Mục-kiền-liên không dùng thần thông chạy đi, lại ở yên cho bọn cướp giết. Phật bảo đây là nghiệp quả mà Mục-kiền-liên phải chịu, dùng thần thông để trốn nghiệp quả là không thể được.

Ngài An Thế Cao tự đến cho người giết để đền nợ trước. Ngài Nham Đầu ngồi im cho giặc chặt đầu. Chư vị đều biết túc duyên của mình, tự tại thọ báo, chẳng dùng thần thông trốn tránh, bởi các vị biết dù trốn cũng không được. Lúc dòng họ Thích Ca thọ báo, Ngài Mục-kiền-liên dùng thần thông giấu 500 vị vào bát của mình đặt trong hư không. Nhưng khi vua Lưu Ly rút quân, Ngài Mục-kiền-liên mở bát ra thấy trong ấy chỉ toàn máu, không có vị nào còn sống. Thế nên biết thần thông không qua nghiệp lực.

Người tu khi tâm thanh tịnh tự nhiên có thần thông, nhưng không cần quan tâm. Bởi đức Thế Tôn không cho phép đệ tử dùng thần thông, chỉ khi nào thực sự cần thiết mới làm.

Các vị Tổ sư đều có thần thông, nhưng không thường sử dụng. Như Lục Tổ chỉ giảng pháp chớ không nhắc đến thần thông. Một hôm, đệ tử Ngài Thần Tú vì ganh ghét nên mướn thích khách đến hành thích Ngài. Thích khách dùng gươm bén chém vào cổ Ngài, chỉ vang lên tiếng như chạm vào kim loại, Lục Tổ vẫn điềm nhiên ngồi đó. Sở dĩ như vậy là do Ngài đã dùng thần thông biến thân thể thành kim cang. Ngài nói: – Ta chỉ nợ tiền ông, không nợ mạng ông. Vì không nợ mạng nên thích khách không thể giết được Ngài. Còn Tổ Sư Tử nợ mạng vua Kế Tân nên vua mới có thể chặt được đầu Ngài dù Ngài cũng có thần thông.

Thời Phật, một vị ni tu hành thanh tịnh, đã đắc quả Tu-đà-hoàn, nhưng chưa đắc A-la-hán. Ngài tịnh tu trong một am nhỏ nơi rừng sâu, một hôm bị người anh họ hiếp, phá đi phạm hạnh. Bởi chưa có thần thông nên mới bị hiếp, nếu có thần thông, không ai làm gì được.

Thần thông chỉ giúp được mình nếu mình không có quả báo phải trả. Nếu đó là nghiệp của mình, có thần thông cũng vô ích. Vì vậy, Phật dạy đệ tử chỉ nên trau giồi trí tuệ và đức hạnh, đừng quan tâm thần thông. Khi tu sâu rồi tự nhiên có thần thông, không cần phải mong cầu. Đó là “Kềm tâm một chỗ thì không việc gì chẳng xong.”

Khi tâm đã thanh tịnh, không còn mê chấp, không còn đuổi theo dục lạc, tự nhiên được tự tại, được thần thông.

Theo Đại thừa, những người đã nhận và sống lại được với bản tâm, khi đối duyên xúc cảnh, dù thuận hay nghịch đều tự tại, không dính mắc. Chẳng cần phải kềm tâm, vì bản chất của vọng tâm là hư huyễn, giả tạm, là pháp sanh diệt, chỉ cần không quan tâm nó là được, buông nó là xong.

Một bà lão đến một Thiền sư xin chỉ dạy cách tu nào đơn giản nhất để một người dốt và lớn tuổi như bà có thể thực hành. Thiền sư dạy bà pháp tu mặc kệ, gặp việc gì, dù lớn hay nhỏ, thuận hay nghịch đều cứ mặc kệ. Bà vâng lời dạy, ngày ngày gặp bất cứ việc gì xảy ra bà đều bảo mặc kệ, không thèm quan tâm, dụng công như thế một thời gian, bỗng một hôm con bà bị té xuống sông, hàng xóm chạy tới cho bà hay, bà kêu lên: “mặc kệ”. Ngay khi đó bà ngộ đạo, nhận được bản tâm mình.

Khi biết các pháp hư dối không thật, mình không đắm, không chấp nữa, trải một thời gian, khi tâm thanh tịnh sẽ nhận được cái chân thật rõ ràng trước mắt.

Kinh Kim Cang đức Phật dạy:

Tất cả pháp hữu vi

Như mộng, huyễn, bọt, bóng,

Như sương, cũng như điện

Nên khởi quán như thế.

Nếu mình vâng lời Phật dạy, thường quán các pháp hữu vi như mộng huyễn, đều do duyên hợp thành, giả dối tạm bợ, có đó mất đó, thay đổi không dừng. Nhờ quán như vậy sẽ diệt được tâm mê đắm, khi tâm đắm trước đã diệt tận thì cái thật sẽ hiển bày.

Ngài Huệ Khả thưa với Tổ Đạt-ma: – Tâm con bất an, xin Hòa thượng dạy cho con pháp an tâm. Tổ bảo: – Đem tâm ra ta an cho. Ngài Huệ Khả thưa: – Con tìm tâm không được. Tổ bảo: – Ta đã an tâm cho ông rồi. Ngay đó Ngài Huệ Khả biết cách tu. Tâm bất an đó vốn đâu có thật, nếu nó thật thì có thể lấy ra được, vì nó không thật nên tìm không được. Nó đã không thật thì quan tâm đến nó làm gì rồi sanh bất an. Không quan tâm nó, nó sẽ tự diệt. Ngài Huệ Khả hiểu được lời dạy của Tổ, ứng dụng tu một thời gian, trở lại thưa với Tổ: – Bạch Hòa thượng, ngày nay con sạch hết các duyên. Tổ bảo: – Coi chừng rơi vào không! Ngài thưa: – Con rõ ràng thường biết, làm sao không được!

Tổ sợ Ngài kềm tâm, rồi đè nén thành gỗ đá. Nhưng Ngài đã nhận được tự tâm, tuy không khởi niệm chạy theo các pháp, nhưng mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, rõ ràng thường biết, biết mà không dính, không mắc, nên nói “sạch hết các duyên”.

Có một tu sĩ tu rất thanh tịnh, một cô gái trẻ ôm ông rồi hỏi: – Ngài thấy thế nào? Ngài đáp: – Cây khô tựa đá lạnh, ba năm không hơi ấm. Đó là do Ngài tu kềm tâm đến mất luôn cảm giác, rơi vào không, giống như cây khô, đá lạnh.

Cho nên, ở đây Phật dạy chế tâm, kềm tâm một chỗ, mình phải hiểu nghĩa kềm tâm đây là không để tâm chạy theo cảnh, buông tất cả niệm, như Phật dạy ngoại đạo buông sáu căn, sáu trần, sáu thức vậy. Khi đã buông được tất cả niệm, tâm hoàn toàn rỗng lặng, tự nhiên sẽ nhận được tâm thể thanh tịnh hằng hữu. Đó là cách tu “từ không vào có”.

Còn một cách tu khác là “từ có vào không”. Trước hết, tin nhận được tự tâm vốn thanh tịnh, không nhiễm, không dính, vượt hai bên đối đãi. Chỉ sống với tự tâm, tất cả những pháp nào không phải tự tâm đều không quan tâm, đều buông bỏ. Chỉ sống với ông chủ, khách đến khách đi không quan tâm, một thời gian sau, khách không còn nữa, lúc đó là xong việc. Nhận được tự tâm rồi thì dễ dàng buông các duyên, cho đến khi dứt tất cả duyên, tâm hoàn toàn rỗng lặng, đó gọi là “từ có vào không”.

Thiền sư Đại An nói: – Ta ở núi Quy, ăn cơm núi Quy, mà không học thiền núi Quy, chỉ chăn một con trâu. Đến nay con trâu trắng hiện sờ sờ trước mắt, đuổi cũng không đi.

Ngài đã nhận được tự tâm, chỉ sống lại với tự tâm, buông hết các duyên, giống như chăn trâu, không để nó chạy bậy. Cho đến khi mọi tập khí hết sạch, như con trâu đã trắng hoàn toàn. Lúc này là hoàn toàn thể nhập tự tâm, dụ như trâu trắng hiện sờ sờ trước mắt, đuổi cũng không đi.

Đó là hai cách tu, hoặc là nhận trước tu sau, gọi là “từ có vào không”; hoặc là tu trước nhận sau, gọi là “từ không vào có”. Tùy theo căn cơ và nhân duyên của mình mà chọn cách tu thích hợp.

Thế nên, Tỳ-kheo các ông phải siêng năng tinh tấn chế phục tâm mình.

Khi gặp việc, chúng ta đừng nhớ lại, đừng quan tâm, vì nhớ lại là phục sinh nó, vốn dĩ nó đã chết rồi, chúng ta làm cho nó sống lại làm gì? Tu là độ tất cả chúng sanh vào vô dư Niết-bàn, niệm đã diệt thì để nó diệt, đừng tiếp tục suy nghĩ, nhớ tưởng. Mọi pháp khi vừa diễn ra liền thành quá khứ, tức đã diệt, hãy để yên cho nó diệt, đó chính là dụng công tu. Tu như vậy rất nhẹ nhàng, 24 giờ đều dụng công tu, chớ không phải đợi lên tụng kinh, tọa thiền mới là tu.

Một Thiền sư dạy rằng:

Khéo khéo lúc dụng tâm,

Khéo khéo không tâm dụng,

Không tâm khéo khéo dụng,

Thường dụng khéo khéo không.

Tu là phải khéo, khéo buông, buông nhẹ nhàng, không để tâm có áp lực. Tâm bình thường chính là đạo. Theo duyên mà sống, theo duyên mà không nhiễm duyên, không chấp duyên. Giống như bàn tay, khi cần thì nắm, xong việc thì buông. Có nắm có buông mới là diệu dụng. Khi cần ăn cơm thì cầm chén cầm đũa, ăn xong buông xuống; muốn uống nước thì cầm ly, uống xong buông xuống… Nếu nắm một vật mãi không buông thì bàn tay sẽ không thể cầm vật gì khác được nữa.

Cũng vậy, nếu mình có thể khi gặp duyên thì ứng, xong việc liền buông, thì tâm sẽ tự tại vô ngại. Như khi gặp người đến xin mình cho, cho xong liền buông, không nghĩ nhớ, chẳng tiếc tài sản đã cho, không cầu người nhận báo đáp. Hay có người đánh chửi, mình vui vẻ nhận, vì biết đó là quả bảo cũ phải trả, trả xong liền buông, không oán giận, không nghĩ trả thù v.v… Đó là cách điều phục tâm, sử dụng tâm khéo léo theo Đại thừa vậy.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.