Kinh Di Giáo Giảng Giải

12. Dặn Dò "Tinh Tấn"



Tỳ-kheo các ông! Nếu siêng năng tinh tấn thì không có việc gì khó.

Tinh tấn ở đây là chánh tinh tấn không phải tà tinh tấn. Siêng năng tu hành đúng chánh pháp, đúng lời Phật dạy, không phải siêng năng làm việc sai lầm, làm theo ý mình. Bởi làm theo kiến giải sai lầm thì càng làm càng hại.

Tinh tấn là bền bĩ, kiên trì, không giữa chừng dừng lại, chưa xong việc đã nghỉ. Đức Phật thường dùng thí dụ “dùi cây lấy lửa” để dụ cho tinh tấn. Khi dùi cây không cần phải dùng hết sức, không cần có sức mạnh, trẻ nhỏ cũng dùi được, nhưng phải dùi mãi không dừng nghỉ giữa chừng, chỉ đến khi độ cọ sát đủ nhén lửa bắt vào bùi nhùi cháy lên mới có thể dừng lại. Dừng lại giữa chừng không bao giờ có lửa, vì hai cây cứ vừa nóng lên liền nguội lại, không đủ độ nóng để sanh lửa. Tinh tấn cũng vậy, không cần phải dùng hết sức, mà cần kiên trì bền bĩ, không dừng giữa chừng.

Xưa Thế Tôn tu khổ hạnh đến mức mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè, một hạt đậu, trải sáu năm như vậy, sức khỏe Ngài suy sụp trầm trọng, đầu óc không còn đủ tỉnh táo để tu tập. Ngài nhận ra khổ hạnh không phải là con đường đúng đắn, nếu tiếp tục hành mãi chỉ có hại mà không có lợi, vì đó là tà tinh tấn. Phật quyết định tu theo trung đạo, không hưởng thụ cũng không khổ hạnh, dụng công không bao lâu Ngài đạt thành chánh quả.

Như vậy, chánh tinh tấn là siêng năng ở mức trung đạo, không tu quá sức cũng không lười biếng. Tùy theo sức khỏe của mình mà sắp xếp thời khóa tu cho phù hợp, rồi giữ mức đó tu hoài, không phải hôm nay tu thật nhiều, hôm sau buông lung, bữa tu bữa không, như người đi đường, đi vài bước là nghỉ, hay đi hai bước lùi một bước, không biết bao giờ mới tới đích? Đường dù dài, nếu cứ kiên trì đi mãi sẽ tới đích, không cần phải gấp gáp chạy nhanh đến kiệt sức, không thể tiếp tục hành trình. Bền bỉ kiên trì thì không việc gì chẳng xong.

Đức Phật chỉ dạy tám muôn bốn ngàn pháp môn phù hợp với mọi căn cơ chúng sanh. Chúng ta chọn lựa một pháp thích hợp với mình rồi cứ thế mà kiên trì thực hành, sớm muộn gì cũng thành tựu. Có siêng năng tu hành mới thấy pháp Phật không khó, còn tu bữa nóng bữa lạnh thì không thể nếm được pháp vị và sẽ thấy pháp Phật khó hành.

Có một bà lão lớn tuổi, không được học nhiều, đến một Thiền sư thưa rằng: – Con ít học, kính xin Hòa thượng dạy con pháp nào thật dễ để con tu được. Thiền sư dạy: – Bà chỉ cần nhớ câu “Mặc kệ nó”, pháp nào đến đều cứ mặc kệ là được. Bà vâng lời chỉ dạy, ngày ngày chỉ niệm “mặc kệ nó”, bất cứ việc gì xảy đến bà đều mặc kệ, miệng nói tâm nghĩ, một thời gian sau bà ngộ đạo.

Vào thế kỷ 19, ở Lào có một nông dân theo thông lệ thiết đại thí hội 7 ngày sau khi được mùa. Đến ngày thứ 7, một vị Tăng khất thực ngang nhà, ông sớt bát cúng dường. Đợi Ngài thọ thực xong, ông thưa: – Con thấy Tôn giả oai nghi đoan chánh, như con là một nông dân ít học, có thể học được pháp mà Ngài đang hành không? Ngài đáp: – Được chứ! Pháp tôi tu rất đơn giản, ai cũng học và hành được. Rồi Ngài dạy ông quán hơi thở. Từ đó về sau ông thực hành kiên trì, một lòng chú ý hơi thở, thở ra biết thở ra, hít vào biết hít vào, làm việc gì cũng không quên công phu của mình. Một thời gian sau ông đắc A-la-hán.

Như vậy, pháp tu dù đơn giản đến đâu, nếu kiên trì làm hoài cũng sẽ thành công. Nếu chọn pháp môn cao siêu nhưng bữa tu bữa nghỉ thì không bao giờ thành tựu. Cho nên, kiên trì bền bĩ thì không việc gì khó, kể cả đắc đạo.

Thế nên các ông phải cố siêng năng tinh tấn. Thí như giọt nước nhỏ chảy mãi có thể xoi thủng đá.

Giọt nước dù nhỏ và nhẹ, nếu chỉ nhiểu một chỗ năm này qua tháng nọ thì đến đá cũng bị xoi thủng. Việc tu cũng vậy, không cần quá sức, nhưng thầm thầm tu mãi không nghỉ thì có ngày sẽ thành công. Chúng ta tu thường thiếu kiên trì, dễ thay đổi, việc gì làm mãi là sanh tâm nhàm, không muốn tiếp tục, nên có tu mà không thành tựu.

Có một Ni trưởng, từ lúc còn là Sa-di Ni đã phát nguyện mỗi ngày lạy Phật hai trăm lạy, và Ngài đã giữ đúng lời nguyện của mình cho đến cuối đời, hơn sáu mươi năm không hề thay đổi. Đó chính là hạnh tinh tấn vậy.

Nếu tâm hành giả thường lười biếng bỏ bê, như kéo lửa chưa nóng đã nghỉ, tuy muốn được lửa, lửa cũng khó được.

Dùi cây lấy lửa mà cứ nghỉ giữa chừng thì dùi cả đời cũng không có lửa. Chúng ta đã chọn một pháp tu nào thì phải kiên trì thực hành, chừng nào thành tựu mới thôi. Như niệm Phật phải niệm đến nhất tâm bất loạn, đến nhất tâm rồi mới buông câu niệm Phật để thể nhập pháp thân, khi đó thấu rõ tự tánh là Di Đà, tâm mình chính tịnh độ.

Một Thiền sư hỏi một hành giả tu Tịnh độ: – Phật A Di Đà bao nhiêu tuổi. Ông đáp: – Bằng tuổi tôi. Lại hỏi: – Vậy ông bao nhiêu tuổi? Đáp: – Bằng tuổi Phật A Di Đà.

Vị hành giả này đã nhận được tánh mình chính là Phật A Di Đà nên mới dám nói như vậy. Chỉ một câu niệm Phật thôi mà ông đã tu đến chỗ tột, thể nhập được bản tâm thanh tịnh, đạt đến cảnh giới thượng phẩm thượng sanh.

Pháp tu của Thiền tông là không có pháp, dùng cách gì cũng được, miễn nhận được bản tâm, nhận rồi thì phương tiện phải buông, không có pháp để chấp. Mình còn sơ cơ mà muốn nhận được tự tánh thì phải nương phương tiện, kiên trì với phương tiện đó, không bỏ dở giữa chừng, khi thành tựu rồi phải buông phương tiện đi. Như người nương ngón tay người chỉ để thấy mặt trăng, đã thấy rồi thì không quan tâm đến ngón tay nữa.

Tăng Pháp Thường nương câu “tức tâm tức Phật” của Mã Tổ mà nhận ra và sống lại được với tự tánh. Tổ biết được, bảo một thiền khách lên gặp Ngài, nói: – Bây giờ Mã Tổ không nói “tức tâm tức Phật” mà nói “phi tâm phi Phật”. Ngài bảo: – Mặc kệ ông già làm loạn thiên hạ, tôi chỉ biết “tức tâm tức Phật”. Tổ ấn khả, nói: – Trái mai đã chín. Vị đó chính là Thiền sư Đại Mai.

Câu nào cũng chỉ là phương tiện giúp hành giả nhận được tự tánh mà thôi. Dùng pháp nào phải kiên trì với pháp đó, xong việc rồi buông, không bám vào pháp nào cả. Như người dùng bè qua sông, đến bờ rồi bỏ bè, nếu còn vác theo là thành bệnh.

Tu là làm sao để nhận ra và sống lại với tự tâm. Có nhiều cách để thể nhận bản tâm, chúng ta chọn một cách phù hợp với mình nhất. Khi đã chọn rồi thì đừng thay đổi, kiên trì hạ thủ công phu, thầm thầm nhận, thầm thầm sống.

Pháp Phật không có đại tiểu, chỉ có người thực hành mang tâm đại hay tiểu mà thôi. Người đại thừa tu tứ niệm xứ sẽ thể nhập tự tánh. Vậy lỗi không phải ở pháp mà ở người, dùng bất cứ pháp nào mà thực hành kiên trì bền bĩ đều có thể thể nhập bản tâm. Nếu tu thất thường, nay vầy mai khác, như người kéo lửa chưa nóng đã nghỉ, vĩnh viễn cũng không được lửa.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.