Thiền Sư Trung Hoa

Đời Thứ Tám Sau Lục Tổ



∗ THIỀN SƯ TRÍ TỊNH NGỘ KHÔNG ở Cốc Ẩn

Có vị Tăng hỏi:- Thế nào là chỗ Hòa thượng chuyển thân?

Sư đáp:- Kẻ nằm riêng.

– Thế nào là đạo?

– Phụng lâm quan.

– Con chẳng hội.

– Thẳng đến Kinh Nam.

– Thế nào là đường chỉ qui?

– Chớ dụng y.

– Lại cho con đến cùng chăng?

– Chỗ nào để được ngươi.

– Một hội Linh Sơn đâu khác hiện giờ?

– Chẳng khác hiện nay.

– Việc chẳng khác là thế nào?

– Như Lai mật chỉ, Ca-diếp chẳng truyền.

∗ THIỀN SƯ HÀNH NHƠN ở Lô Sơn Phật Thủ Nham

Sư người ở Nhạn Môn, không biết tên họ gì, chỉ biết thuở nhỏ học Nho.

Một hôm, Sư xả tục xuất gia, chí cầu đạt đạo. Sư du phương, trước đến yết kiến Thiền sư Xử Chơn, thầy trò khế hợp.

Sau Sư tìm đến sông Hoài lên ngọn Lô Sơn. Phía bắc hòn núi này có đảnh như năm ngón tay, dưới đó có thất đá sâu hơn ba trượng, Sư ở yên tại đây.

Nhân đó, Sư được hiệu là Hòa thượng Phật Thủ Nham.

Sư không thâu đệ tử, có vị Tăng am ở gần thường tới lui giúp đỡ. Quanh thất Sư thường có con nai lạ mình như đãy gấm và chim chóc đoanh vây. Quốc chủ Giang Nam là Lý Thị nghe danh Sư rất ngưỡng mộ, ba phen sai sứ đi thỉnh mà Sư chẳng chịu đến. Ông cố tình thỉnh cho được, buộc lòng Sư phải đến chùa Thê Hiền khai pháp hội.

*

Có vị Tăng hỏi:- Thế nào là đối hiện sắc thân?

Sư đưa một ngón tay lên.

Ở đây chưa đầy một tháng, Sư lén trốn về núi lại.

*

Một hôm, Sư có chút bệnh, bảo vị Tăng am bên cạnh rằng: “Trời đúng ngọ, ta đi vậy.”

Vừa đúng ngọ vị Tăng ấy thưa cho Sư hay. Sư liền bước xuống giường đi ít bước đứng sững mà tịch. Sư thọ hơn bảy mươi tuổi. Trên ngọn núi có một gốc tùng, trong ngày Sư tịch nó cũng khô héo.

Quốc chủ sai họa hình Sư, dùng những cây thơm hỏa táng, xây tháp nơi đảnh núi này thờ linh cốt của Sư.

∗ THIỀN SƯ DIÊN CHIỂU ở Phong Huyệt (896-973)

Sư họ Lưu, quê ở Dư Hàn, thuở nhỏ đã tỏ ra lỗi lạc, có chí khí anh tài.

Các sách vở đời, Sư đều xem qua mà không có ý kinh bang tế thế. Cha và anh cố ép Sư đi thi làm quan. Đi đến kinh đô, Sư sang chùa Khai Nguyên xin xuất gia với Luật sư Trí Cung. Sau khi thọ giới cụ túc, Sư dạo qua các nơi giảng kinh luận, chuyên nghiền ngẫm bộ kinh Pháp Hoa Huyền Nghĩa, tập tu chỉ quán định tuệ. Sư phát chí du phương hành khước.

Trước đến Việt Châu yết kiến Thiền sư Cảnh Thanh. Cảnh Thanh hỏi: Vừa rời nơi nào?

Sư thưa: Từ Chiết Đông đến.

Cảnh Thanh hỏi: Có qua sông nhỏ chăng?

Sư thưa: Thuyền to riêng bay bổng, sông bé chở được nào?

Cảnh Thanh bảo: Nước cảnh núi Thái chim bay chẳng qua, ngươi chớ nói lời nghe lóm.

Sư thưa: Biển cả còn kinh sức thuyền chiến, vượt Hán buồm bay khỏi Ngũ hồ.

Cảnh Thanh dựng đứng phất tử hỏi: Cái này là sao?

Sư thưa: Cái này là cái gì?

Cảnh Thanh bảo: Quả nhiên chẳng biết.

Sư thưa: Ra vào cuộn duỗi cùng Thầy đồng dụng.

Cảnh Thanh bảo: Chiếc muỗng nghe tiếng rỗng, ngủ say mặc nói xàm.

Sư thưa: Đầm rộng chứa núi, lý hay dẹp cọp.

Cảnh Thanh bảo: Tha tội bỏ lỗi, hãy mau đi ra.

Sư thưa: Ra đi tức mất.

Sư ra đến pháp đường, liền nghĩ: Phàm người hành khước nhân duyên chưa tột chỗ cứu kính, không thể bèn thôi đi.

Sư liền trở lại thưa: Con vừa rồi trình bày chỗ cạn hẹp có xúc chạm đến Thầy, mong Thầy từ bi tha thứ cho.

Cảnh Thanh bảo: Vừa rồi ông nói từ Đông đến, đâu không phải từ Thúy Nham đến?

Sư thưa: Tuyết Đậu tạm dừng đông Bảo cái.

Cảnh Thanh bảo: Chẳng theo dê mất cuồng giải hết, trở lại trong ấy nhớ Chương thiên.

Sư thưa: Gặp tay kiếm khách nên trình kiếm, chẳng phải nhà thơ chớ hiến thơ.

Cảnh Thanh bảo: Thơ nên cất, tạm mượn kiếm xem?

Sư thưa: Cúi đầu người sành mang gươm đi.

Cảnh Thanh bảo: Chẳng những chạm phong hóa cũng tự bày lầm lẫn.

Sư thưa: Nếu chẳng chạm phong hóa đâu thấy được tâm cổ Phật?

Sư thưa: Lại hứa thật với Thầy, nay có gì?

Cảnh Thanh bảo: Nạp tử (Thiền sinh) phương Đông đến chẳng rành đậu bắp, chỉ nghe chẳng thôi mà thôi, đâu được hay thôi mà thôi.

Sư thưa: Sóng to vọt ngàn tầm, nước trong đâu rời biển.

Cảnh Thanh bảo: Một câu bặt dòng, muôn cơ nghĩ sạch.

Sư liền lễ bái. Cảnh Thanh bảo: Nạp Tử trổi thay!

*

Sư đến Hoa Nghiêm, Hoa Nghiêm bảo: Ta có làm bài ca chăn trâu, mời Xà-lê hòa.

Sư thưa: Nhịp trống huơ roi trâu cọp chạy, xa dồn cây biển mỏm thành nhà.

Dừng lại Hoa Nghiêm, Sư làm Duy-na. Nhân có thị giả Khoách từ Nam Viện đến, Sư nhận được những đặc điểm nên kết làm bạn và thầm ngộ được chỉ yếu tam huyền. Sư than: Chỗ dùng của Lâm Tế như thế ư?

Thị giả Khoách bảo Sư đến yết kiến Nam Viện.

*

Đến Nam Viện vừa gặp, Sư không lễ bái. Nam Viện bảo: Vào cửa phải rành chủ.

Sư thưa: Quả nhiên thỉnh Thầy phân.

Nam Viện lấy tay vỗ gối trái một cái. Sư liền hét. Nam Viện vỗ gối mặt một cái. Sư lại hét. Nam Viện bảo: Vỗ bên trái gác lại, vỗ bên mặt là sao?

Sư thưa: Mù.

Nam Viện liền nắm gậy.

Sư thưa: Chớ gông mù gậy tối. Giựt gậy đập Hòa thượng, chớ bảo chẳng nói.

Nam Viện ném gậy, nói: Ba mươi năm làm trụ trì, hôm nay bị gã Chiết mặt vàng vào cửa hãm lại.

Sư thưa: Hòa thượng in tuồng ôm bát chẳng được, nói gạt là chẳng đói.

Nam Viện hỏi: Xà-lê từng đến Nam Viện lúc nào?

Sư thưa: Là lời nói gì?

Nam Viện bảo: Lão tăng hỏi ông rõ ràng.

Sư thưa: Cũng chẳng được bỏ qua.

Nam Viện bảo: Hãy ngồi uống trà.

Sư xuống nhà tăng xong, trở lên đảnh lễ tạ lỗi. Nam Viện hỏi: Xà-lê đã từng gặp người nào rồi đến đây?

Sư thưa: Ở Nhượng Châu chùa Hoa Nghiêm cùng nhập hạ với Thị giả Khoách.

Nam Viện bảo: Gần kẻ tác gia.

Nam Viện lại hỏi: Phương Nam một gậy thương lượng thế nào?

Sư thưa: Thương lượng rất kỳ đặc.

Sư lại hỏi: Hòa thượng ở đây một gậy thương lượng thế nào?

Nam Viện cầm gậy lên bảo: Dưới gậy vô sanh nhẫn, gặp cơ chẳng thấy Thầy.

Ngay câu nói này Sư triệt ngộ, Sư ở lại đây sáu năm.

*

Một hôm, Nam Viện gọi Sư bảo: Ngươi nương nguyện lực đến gánh vác đại pháp, chẳng phải ngẫu nhiên.

Lại hỏi: Ngươi nghe Lâm Tế khi sắp tịch nói chăng?

Sư thưa: Nghe.

Nam Viện bảo: Lâm Tế nói “ai biết chánh pháp nhãn tạng của ta đến bên con lừa mù diệt”. Lại, Ngài lúc bình sanh như con sư tử thấy liền giết người, đến khi sắp tịch cớ sao lại bó gối xuôi đuôi như vậy?

Sư thưa: Mật phó sắp tịch, toàn chủ tức mật.

Nam Việt lại hỏi: Tại sao Tam Thánh Huệ Nhiên cũng không nói?

Sư thưa: Con thật đã gần gũi nhận lãnh vào thất, chẳng đồng với người đi ngoài cửa.

Nam Viện gật đầu, lại hỏi: Ngươi nói bốn thứ liệu giản là liệu giản pháp gì?

Sư thưa: Phàm nói ra chẳng kẹt nơi phàm tình liền rơi vào thánh giải, là bệnh lớn của học giả. Bậc thánh trước vì thương xót mở bày phương tiện như lấy chốt tháo chốt.

Sư hỏi: Thế nào là đoạt nhân chẳng đoạt cảnh?

Nam Viện đáp: Cung vàng vừa ra khỏi lò hồng, bắn bể Xà-lê da mặt sắt (tân xuất hồng lô kim đàn tử, sứu phá xà-lê thiết diện bì).

– Thế nào đọat cảnh chẳng đoạt nhân?

– Cắt cỏ chợt chia đầu sọ tét, mây dồn mới tụ bóng vẫn còn (sô thảo tạt phân đầu não liệt, loạn vân sơ trán ảnh du tồn).

– Thế nào nhân cảnh đều đoạt?

– Bước nhẹ tiến lên cần gấp gấp, nắm roi cầm cương chớ chậm chậm (niếp túc tiến tiền tu cấp cấp, tróc tiên đương ưởng mạc trì trì).

– Thế nào nhân cảnh đều chẳng đoạt?

– Thường nhớ Giang Nam trong tháng ba, vườn hoa thơm ngát chá cô hót (thường ức Giang Nam tam ngoạt lý, chá cô đề xứ bách hoa hương).

*

Đến niên hiệu Trường Hưng năm thứ hai (931) hậu Đường, Sư sang Nhữ Thủy ở chùa Phong Huyệt. Ngôi chùa này hiện đang hư hoại chỉ còn mấy tấm tranh che kèo cột. Sư dừng ở đây một mình ban ngày lượm trái rụng ăn, tối lại đốt dầu thông, suốt bảy năm tròn như thế. Sau này, đàn việt biết được, góp công chung sức cất thành ngôi chùa mới, liền trở thành ngôi đại tùng lâm.

Niên hiệu Thiên Phúc năm thứ hai (937) Ngụy Tấn, ngày rằm tháng giêng, Sư khai pháp.

*

Sư thượng đường bảo chúng:

– Phàm con mắt người tham học gặp cơ liền phải đại dụng hiện tiền, chớ tự ràng buộc nơi tiết nhỏ. Giả sử lời nói trước tiến được, vẫn còn kẹt vỏ dính niệm, dù là dưới câu liền được tinh thông, chưa khỏi chạm đến lại là thấy cuồng. Xem thấy hết thảy các ông đều là nhằm đến nương người tìm hiểu, sáng tối hai lối vì các ông một lúc quét sạch, dạy thẳng mỗi người các ông như sư tử con gầm gừ rống lên một tiếng, đứng thẳng như vách cao ngàn nhẫn, ai dám để mắt nhìn đến, nhìn đến là mù mắt y.

*

Sư đến Dỉnh Châu ở trong Nha môn lên tòa dạy chúng:

– Tâm ấn của Phật Tổ in tuồng như máy trâu sắt, đi liền ấn đứng, đứng liền ấn phá, chỉ như chẳng đi chẳng đứng, ấn tức là phải hay chẳng ấn tức là phải? Lại có người nói được chăng?

Khi ấy, có Trưởng lão Lô Pha bước ra hỏi:

– Học nhân có máy trâu sắt, thỉnh Thầy chẳng ấn vào?

Sư bảo:

– Quen câu kình nghê dầm trong rộng, lại than ếch nhảy ngựa lăn bùn (quán điếu kình nghê trừng thủy tẩm, khước nha oa bộ triển nê sa).

Lô Pha trầm ngâm, Sư hét rằng: Trưởng lão sao chẳng nói lên?

Lô Pha suy nghĩ. Sư đánh một phất tử, nói: Lại nhớ được thoại đầu chăng, thử nêu lên xem?

Lô Pha vừa mở miệng, Sư lại đánh một phất tử.

Mục chủ nói: Mới biết Phật pháp cùng Vương pháp một loại.

Sư hỏi: Thấy đạo lý gì?

Mục chủ nói: Đương cơ chẳng đoạn, lại chuốc loạn kia.

Sư xuống tòa.

*

Sư thượng đường. Có vị Tăng hỏi:- Thầy xướng gia khúc tông phong ai? Nối pháp người nào?

Sư đáp:- Siêu nhiên vượt khỏi ngoài Oai Âm, kiễng chân luống nhọc khen đất cát.

– Hát xưa không âm vận, thế nào hòa được bằng?

– Gà gỗ gáy nửa đêm, chó rơm sủa hừng sáng.

*

Tăng hỏi:- Thế nào là Phật?

Sư đáp:- Thế nào chẳng phải Phật?

– Chưa hiểu huyền ngôn, thỉnh Thầy chỉ thẳng?

– Nhà ở châu Hải Môn, Phù Tang (Nhật Bản) chiếu trước nhất.

*

Tăng hỏi:- Gương xưa khi chưa lau thì thế nào?

Sư đáp:- Thiên ma bể mật.

– Sau khi lau thì thế nào?

– Huỳnh đế không đạo?

*

Tăng hỏi:

– Phàm có hỏi ra đều là niết quái, thỉnh Thầy chặt thẳng cội nguồn?

Sư đáp:- Ít gặp người tai phủng, thường thấy kẻ khắc thuyền.

– Chính khi ấy thì làm sao?

– Rùa mù gặp bộng (cây) tuy an ổn, cây khô trổ hoa vật ngoại xuân.

*

Tăng hỏi:- Khi một niệm muôn năm thì thế nào?

Sư đáp:- Áo tiên lau đá rách.

– Hồng chung khi chưa đánh thì thế nào?

– Đầy dẫy đại thiên đều âm vận, diệu hợp thầm thông đâu hay phân.

– Sau khi đánh thì thế nào?

– Vách đá núi sông đâu chướng ngại, mù tiêu thông suốt mong thầm nghe.

*

Nhà Tống niên hiệu Khai Bảo năm thứ sáu (973) ngày mùng một tháng tám, Sư lên tòa nói kệ:

Đạo tại thừa thời tu tế vật

Viễn phương lai mộ tự đằng đằng

Tha niên hữu tẩu tình tương tợ

Nhật nhật hương yên dạ dạ đăng.

Dịch:

Phải thời truyền đạo lợi quần sanh

Chẳng quản phương xa tự vươn lên

Năm khác có người dòng giống đó

Ngày ngày hương khói đêm đêm đèn.

Đến ngày rằm, Sư ngồi kiết già thị tịch, thọ bảy mươi tám tuổi, năm mươi chín tuổi hạ. Trước đó một ngày, Sư viết thơ từ giã đàn việt.

∗ THIỀN SƯ THANH NHƯỢNG ở núi Hưng Dương

Có vị Tăng hỏi Sư:

– Phật Đại Thông Trí Thắng mười kiếp ngồi đạo tràng, Phật pháp chẳng hiện tiền chẳng được thành Phật đạo, khi ấy thế nào?

Sư đáp:- Lời hỏi này rất thích đáng.

Tăng hỏi:- Đã là ngồi đạo tràng, vì sao chẳng được thành Phật đạo.

Sư đáp:- Vì y chẳng thành Phật.

∗ THIỀN SƯ PHÁP MÃN Núi U Cốc

Có vị Tăng hỏi:- Thế nào là đạo?

Sư lặng thinh giây lâu, hỏi:- Hội chăng?

Tăng thưa:- Học nhân chẳng hội.

Sư bảo:-

Nói đạo dưới lời không thinh,

Nêu cao áo chỉ đinh ninh,

Thiền cốt như nay hội lấy,

Chẳng cần riêng sau mất dừng.

∗ THIỀN SƯ QUẾ SÂM ở viện La-hán (867-928)

Sư họ Lý quê ở Thường Sơn, thuở bé mỗi ngày chỉ ăn một bữa cơm chay, nói ra những lời lạ thường. Đến lớn, Sư xin cha mẹ theo Đại sư Vô Tướng ở chùa Vạn Tuế tại bản phủ xuất gia. Sau khi thọ giới cụ túc, Sư chuyên học luật.

Một hôm, vì chúng lên tòa nói giới bản Bồ-tát xong, Sư nói: Trì phạm chỉ giữ thân mà thôi, chẳng phải chân giải thoát; y văn sanh hiểu đâu thể phát thánh trí?

Sư phát chí tham vấn Thiền tông. Trước, Sư đến Vân Cư, Tuyết Phong thưa hỏi rất cần mẫn, nhưng vẫn chưa thâm đạt. Sau, Sư đến Huyền Sa yết kiến Đại sư Tông Nhất, vừa nghe một câu khai phát liền rỗng suốt không ngờ.

Huyền Sa hỏi Sư: Tam giới duy tâm, ngươi hội thế nào?

Sư chỉ cái ghế dựa, hỏi: Hòa thượng kêu cái ấy là gì?

Huyền Sa đáp: Ghế dựa.

Sư thưa: Hòa thượng không hội tam giới duy tâm.

Huyền Sa bảo: Ta gọi cái ấy là tre gỗ, ngươi kêu là gì?

Sư thưa: Con cũng gọi là tre gỗ.

Huyền Sa bảo: Tận đại địa tìm một người hội Phật pháp cũng không có.

Sư do đây càng được khích lệ thêm.

*

Sư hầu Huyền Sa nơi phương trượng nói thoại đêm quá khuya, thị giả đóng cửa hết. Huyền Sa nói: Cửa đã đóng hết, ngươi làm sao ra được?

Sư thưa: Gọi cái gì là cửa?

*

Huyền Sa dạy bảo chúng, có những người sắp được chánh định đều nhờ Sư trợ phát. Sư tuy tàng ẩn trong chúng, nhưng tiếng tăm vang xa.

*

Mục Vương Công ở Chương Châu có xây cất một tịnh xá tên Địa Tạng trên Thạch Sơn phía tây thành Mân, thỉnh Sư trụ trì. Sư ở đây được khoảng mười năm, sau dời đến ở viện La-hán. Nơi đây, xiển dương huyền yếu, học chúng tấp nập kéo đến.

Đang cấy lúa ngoài ruộng, thấy Tăng đến, Sư hỏi: Ở đâu đến?

Tăng thưa: Nam Châu đến.

Sư hỏi: Trong ấy Phật pháp thế nào?

Tăng thưa: Bàn tán lăng xăng.

Sư bảo: Đâu như ở đây, ta chỉ cấy lúa, nấu cơm ăn.

Tăng hỏi: Thế nào là tam giới?

Sư bảo: Gọi cái gì là tam giới?

*

Sư hỏi vị Tăng mới đến: Ở đâu đến?

Tăng thưa: Phương nam đến.

Sư hỏi: Các bậc tri thức phương nam có lời gì dạy chúng?

Tăng thưa: Các Ngài nói: “mạt vàng tuy quí dính trong con mắt cũng chẳng được”.

Sư bảo: Ta nói núi Tu-di ở trong con mắt của ông.

*

Tăng hỏi:- Thế nào là một câu của La-hán?

Sư đáp:- Ta nói với ngươi, liền thành hai câu.

*

Sư thượng đường:

– Tông môn huyền diệu chỉ là thế ấy sao? Hay riêng có chỗ kỳ đặc? Nếu riêng có chỗ kỳ đặc, các ông hãy nên xem cái gì? Nếu không, chẳng nên đem hai chữ bèn cho là tông thừa. Thế nào là hai chữ? Nghĩa là Tông thừa và Giáo thừa. Các ông vừa nói đến Tông thừa liền thành Tông thừa, nói đến Giáo thừa liền thành Giáo thừa.

Chư Thiền đức! Phật pháp tông thừa nguyên lai do miệng các ông an lập danh tự, làm lấy nói lấy bèn thành. Lẽ ấy cần phải nhằm trong đó nói bình nói thật nói viên nói thường.

Thiền đức! các ông gọi cái gì là bình thật? Nắm cái gì làm viên thường?

Kẻ hành khước nhà bên cần phải biện rành, chớ để chôn vùi; được một ít thanh sắc danh tự chứa trong đầu tâm, nói ta hội giải khéo hay giản biện. Các ông hội cái gì? Ghi nhớ được danh tự ấy, giản biện được thanh sắc ấy. Nếu chẳng phải thanh sắc danh tự, các ông làm sao ghi nhớ giản biện? Gió thổi thông reo cũng là thanh, tiếng nhái ếch chim quạ kêu cũng là thanh, sao chẳng trong ấy lắng nghe để giản trạch đi. Nếu trong ấy có hình thức ý tứ thì, cũng như trong miệng các thầy già, có bao nhiêu ý tứ cùng các Thượng tọa. Chớ lầm! Hiện nay thanh sắc dẫy đầy, là đến nhau hay chẳng đến nhau? Nếu đến nhau, thì linh tánh kim cang bí mật của ông nên có hoại diệt. Vì sao có như thế? Vì thanh xỏ lủng lỗ tai ông, sắc đâm đui con mắt ông, duyên thì lấp mất huyễn vọng của ông, càng chẳng dễ dàng vậy. Nếu chẳng đến nhau, thì chỗ nào được thanh sắc? Hội chăng? Đến nhau, chẳng đến nhau thử biện rành xem!

Sư dừng giây phút, lại nói: Viên thường bình thật ấy là người gì? Nói thế nào? Chưa phải là kẻ ở trong thôn Hoàng Di thì biết nói thế nào? Đó là các vị Thánh xưa bày chút ít giúp đỡ hiển phát. Thời nay không hiểu phải quấy liền cho là toàn thật, nói ta riêng có tông phong huyền diệu. Phật Thích-ca không chót lưỡi, chẳng giống với các ông có chút ít bèn chỉ hông chỉ ngực. Nếu luận về tội sát, đạo, dâm, tuy nặng mà vẫn còn nhẹ, vì có khi hết. Kẻ này chê bai Bát-nhã làm mù mắt chúng sanh, vào địa ngục A-tỳ, nuốt hoàn sắt nóng chớ bảo là thong thả. Do đó, cổ nhân nói: “lỗi tại hóa chủ, chẳng can hệ việc ông”. Trân trọng!

*

Sư thượng đường nói:

– Chư Thượng tọa! Chẳng cần cúi đầu suy nghĩ, suy nghĩ chẳng đến bèn nói chẳng dùng giản trạch, đến được chỗ buông lời chăng? Các ông nhằm chỗ nào buông lời, thử nói xem! Lại có một pháp gần được ông, lại có một pháp xa được ông chăng? Đồng với ông khác với ông chăng? Đã như thế, tại sao lại thật gian nan?

*

Sư cùng Trường Khánh, Bảo Phước vào Châu thấy một đóa hoa mẫu đơn.

Bảo Phước nói: Một đóa hoa mẫu đơn đẹp.

Trường Khánh bảo: Chớ để con mắt sanh hoa.

Sư bảo: Đáng tiếc một đóa hoa.

*

Sư có bài kệ minh đạo:

Chí đạo uyên quảng

Vật dĩ ngôn thuyên

Ngôn thuyên phi chỉ

Thục vân hữu thị?

Xúc xứ giai cừ

Khởi dụ chân hư

Chân hư thiết biện

Như cảnh trung hiện,

Hữu vô tuy chướng

Tại xứ vô ngụy

Vô ngụy vô tại.

Hà câu hà ngại?

Bất dã công thành

Tương hà pháp nhỉ

Pháp nhỉ bất nhỉ

Câu vi thần xỉ.

Nhược dĩ tư trần

Mai một tông chỉ

Tông phi ý trần

Vô dĩ kiến văn.

Kiến văn bất thoát

Như thủy trung nguyệt

Ư thử bất minh

Phiên thành thắng pháp.

Nhất pháp hữu hình

Ế nhữ nhãn tình

Nhãn tình bất minh

Thế giới tranh vanh.

Ngã tông kỳ đặc

Đương dương hiển hách

Phật cập chúng sanh

Giai thừa ân lực.

Bất tại đê đầu

Tư lương nan đắc

Tạt phá diện môn

Cái phú càn khôn.

Quyết tu tiến thủ

Thoát khước căn trần

Kỳ như bất hiểu

Mạn thuyết như kim.

Dịch:

Chí đạo sâu rộng

Chớ dùng lời bàn

Lời bàn phi chỉ

Ai rằng có phải?

Chạm đến đều y

Đâu dụ giả thật

Giả thật lập bày

Như bóng trong gương,

Có không tuy hiện

Tại chỗ không dối

Không dối không tại

Nào câu nào ngại?

Chẳng nhờ công thành

Đem gì pháp nhỉ

Pháp nhỉ chẳng nhỉ

Đều là môi răng.

Nếu lấy đây bày

Chôn vùi tông chỉ

Tông không ý bày

Không dùng thấy nghe.

Thấy nghe chẳng thoát

Như trăng đáy nước

Nơi đây chẳng rõ

Trở thành thắng pháp.

Một pháp có hình

Che đậy mắt mình

Mắt mình chẳng sáng

Thế giới lăng xăng.

Tông ta kỳ đặc

Nêu bày hiển hách

Phật và chúng sanh

Đều nhờ ân lực.

Chẳng ở cúi đầu

Suy nghĩ khó được

Vạch tét cửa mặt

Che đậy càn khôn.

Hẳn phải tiến lấy

Vượt khỏi căn trần

Nếu mà chẳng hiểu

Dối nói như nay.

*

Đời hậu Đường niên hiệu Thiên Thành năm thứ ba (928) mùa thu, Sư trở về thành Mân ở chùa xưa, đi thăm hết các chùa chung quanh thành. Sau đó, Sư bệnh ít hôm rồi tắm gội, từ giã chúng, ngồi ngay thẳng thị tịch. Sư thọ sáu mươi hai tuổi, bốn mươi tuổi hạ. Vua sắc thụy là Chơn Ứng Đại sư.

∗ THIỀN SƯ HUỆ CẦU ở viện An Quốc núi Ngọa Long (?-915)

Sư quê ở Bồ Điền, xuất gia trên núi Qui Dương. Ở tại hội Huyền Sa, Sư là người đứng đầu. Nhân Sư hỏi Huyền Sa: Thế nào là mặt trăng thứ nhất?

Huyền Sa bảo: Dùng mặt trăng của ngươi làm gì?

Sư nhân đó ngộ nhập.

Nhà Lương niên hiệu Khai Bình năm thứ hai (908), Huyền Sa sắp thị tịch,

Mân soái họ Vương sai con đến thăm bệnh, đồng thời hỏi kín ai là người kế thừa sau này. Huyền Sa nói: Huệ Cầu.

Sau khi Huyền Sa tịch, đến ngày khai giảng, quan liêu tăng lữ câu hội tại pháp tòa, họ Vương chợt hỏi chúng: Ai là Thượng tọa Huệ Cầu?

Chúng chỉ Sư ra. Họ Vương liền thỉnh Sư đăng tòa.

Sư lên tòa im lặng giây lâu nói:

– Chớ hiềm lặng lẽ, chớ nói chẳng kham, chưa rành bờ mé làm sao luận bàn? Sở dĩ bình thường dùng tiếng vang ấy, nhờ vạch một hai cái giúp người phát minh đạo lý. Tột mười phương thế giới tìm một người làm bạn không thể có.

Tăng hỏi:- Đại ý Phật pháp từ phương tiện gì chóng vào?

Sư đáp:- Vào là phương tiện.

– Mây từ núi nào dậy, gió từ khe nào sanh?

– Tận lực lập bày chẳng rời Trung Tháp (chỉ chỗ Sư trụ).

*

Sư thượng đường bảo chúng:

– Ta khoảng này do nhân duyên cơm cháo vì huynh đệ nếu xướng trọn là bất thường. Nếu muốn được chỗ tỉnh yếu thì núi sông đất liền vì các ông phát minh. Đạo ấy đã thường cũng là cứu kính. Nếu từ cửa Văn-thù vào, tất cả cây cối đất cát ngói gạch giúp ông phát minh. Nếu từ cửa Quan Âm vào, tất cả tiếng vang ếch nhái ve dế giúp ông phát minh. Nếu từ cửa Phổ Hiền vào, chẳng dở chân bước mà đến. Ta dùng ba cửa phương tiện này chỉ bày các ông, như lấy một chiếc đũa bếp khuấy nước biển cả, khiến cá rồng kia biết nước là mạng sống. Hội chăng? Nếu không có con mắt trí mà xét kỹ đó, dù ông trăm ngàn thứ xảo diệu cũng chẳng phải là cứu kính.

*

Tăng hỏi:- Con mới vào tùng lâm chẳng rõ việc mình, xin Thầy chỉ dạy?

Sư lấy gậy chỉ, hỏi:- Hội chăng?

– Chẳng hội.

– Ta thế ấy là vì ông trở thành người co cúi, lại biết chăng? Nếu nhằm trên phần của người hiện tại, việc từ xưa đến giờ chẳng nói mới vào tùng lâm, đến chư Phật thuở quá khứ cũng chưa từng thiếu sót. Như nước biển cả, tất cả cá rồng từ mới sanh đến già chết, thọ dụng nước thảy đều bình đẳng.

*

Sư thượng đường bảo chúng:

– Các người! Nếu cần thương lượng đến xương sọ tìm lấy tin tức đem lại cùng nhau thương lượng, trong ấy chẳng từng chướng ánh sáng của người.

*

Sư hỏi Viện chủ Liễu:

– Tiên sư nói “tột mười phương thế giới là thể người chân thật”, ông hiện thấy nhà tăng chăng?

Liễu đáp:- Hòa thượng chớ để con mắt sanh hoa.

Sư bảo:- Tiên sư đã thiên hóa mà thịt vẫn còn ấm.

*

Nhà Lương niên hiệu Càn Hóa năm thứ ba (915), nhằm năm Quí Dậu ngày mười bảy tháng tám, Sư không bệnh liền tịch.

∗ Bạch Vân Tường – Hòa thượng Thật Tánh Đại sư

Ban đầu Sư trụ Viện Từ Quang, Quảng chủ họ Lưu thỉnh vào phủ thuyết pháp.

Có vị Tăng hỏi:

– Giác Hoa vừa định khắp nơi bừng sáng, chẳng lầm tông phong, xin Thầy phương tiện?

Sư đáp:- Vua ta có lệnh.

– Giáo ý Tổ ý là đồng hay khác?

– Chẳng khác.

– Thế ấy tức đồng?

– Chẳng ngại lãnh thoại.

– Chư Phật chưa ra đời, khắp giáp đại thiên một hội bạch vân là thế nào?

– Gạt bao nhiêu người đến?

– Thế ấy thì bốn chúng nương vào đâu?

– Chớ giao thiệp.

– Tức tâm tức Phật là lời chỉ dạy, chẳng dính những lời trước chỉ dạy thế nào?

– Đông tây gác lại, nam bắc thế nào?

– Thế nào là gia phong Hòa thượng?

– Cầu đá bờ này có, bên kia không, hội sao?

– Chẳng hội.

– Hãy làm Đinh Công ngâm.

– Y đến Lục Tổ tại sao chẳng truyền?

– Bể yên sóng lặng.

– Thế nào là một con đường Hòa thượng tiếp người?

– Đến triều liền hiến Sở vương xem.

– Tông thừa từ trước làm sao nêu cao?

– Ngày nay chưa uống trà.

*

Sư thượng đường:

– Các ông hội chăng? Chỉ ở đầu đường cuối chợ, nơi người hàng thịt thái thịt, chỗ vạc dầu sôi trong địa ngục hội lấy. Nếu hội thế ấy mới kham vì người làm thầy làm mẫu mực. Nếu nhằm trong môn đồ nạp tăng (Thiền sư) thì cách xa trời đất. Lại có một nhóm người, chỉ một bề ngồi trên giường làm người tốt.

Các ông nói hai hạng người này người nào có sở trường? Vô sự, trân trọng!

*

Sư hỏi Tăng mới đến:- Ở đâu đến?

Tăng thưa:- Ở Vân Môn đến.

– Trong ấy có bao nhiêu con trâu?

– Một con hai con.

– Con trâu tốt.

*

Sư hỏi Tăng:- Chẳng hoại giả danh mà bàn thật tướng là sao?

Tăng thưa:- Cái ấy là ghế dựa.

Sư lấy tay vạch, nói:- Đem giày đãy đến?

Tăng không đáp được.

*

Sư sắp thị tịch bạch chúng rằng:

– Tôi tuy đề cao Tổ ấn mà chưa tột trong ấy. Các nhân giả! Việc trong ấy là thế nào? Đâu phải chặng giữa, trong, ngoài của vô biên chăng? Hội giải như thế, tức đại địa như dãy cát phẳng, đây tức là phương khác thấy nhau.

Nói xong, Sư thị tịch.

∗ THIỀN SƯ TRỪNG VIỄN ở Viện Hương Lâm

Ở Vân Môn, Sư làm thị giả mười tám năm. Vân Môn mỗi khi tiếp Sư đều gọi: Thị giả Viễn! Sư ứng: Dạ! Vân Môn bảo: Ấy là gì? Như thế đến mười tám năm Sư mới ngộ.

Vân Môn nói: Nay ta mới không gọi ngươi.

Một hôm, Sư từ giã Vân Môn đi nơi khác. Vân Môn bảo: Quang trùm vạn tượng, một câu nói làm sao?

Sư suy nghĩ. Vân Môn buộc phải ở lại ba năm nữa.

*

Ban đầu Sư đến trụ tại Viện Thiên Vương trong chùa Nghinh Tường huyện Đạo Giang Tây Xuyên.

Có vị Tăng hỏi:- Vị ngon đề-hồ vì sao biến thành độc dược?

Sư đáp:- Giấy Đạo Giang.

– Khi thấy sắc là thấy tâm thì sao?

– Vừa rồi ở đâu đi đến?

– Khi tâm cảnh đều quên thì thế nào?

– Mở mắt rồi ngủ.

– Trong Bắc Đẩu ẩn thân, ý thế nào?

– Trăng giống cung loan, mưa ít gió nhiều.

– Thế nào là tâm chư Phật?

– Trong tức trước sau trong.

– Thế nào là diệu dược của Hòa thượng?

– Chẳng lìa các vị.

– Người ăn thì sao?

– Cắn ăn xem.

*

Sau, Sư dời về ở Viện Hương Lâm Thành Thanh Ích Châu.

Có vị Tăng hỏi:- Thế nào là một mạch suối Hương Lâm?

Sư đáp:- Niệm không gián đoán.

– Người uống thế nào?

– Cân lường tùy phương.

– Thế nào là chánh nhãn của nạp tăng?

– Chẳng phân biệt.

– Việc chiếu dụng thế nào?

– Người đi đường trật chân.

*

Sư sắp thị tịch đến từ biệt tri phủ Tống Công Đang, nói: Lão tăng đi hành khước, thông phán nói “Tăng này bị cuồng phong tám mươi năm đi hành khước trong ấy”.

Đang thưa: Đại thiện tri thức đi ở tự do.

Trở về, Sư bảo chúng: Lão tăng bốn mươi năm mới đập thành một mảnh.

Nói xong, Sư thị tịch.

∗ THIỀN SƯ TÔNG HUỆ THỦ SƠ ở Động Sơn (?-990)

Ban đầu Sư đến tham vấn Vân Môn. Vân Môn hỏi: Vừa rời ở đâu?

Sư thưa: Tra Độ.

Vân Môn hỏi: Mùa hạ rồi ở đâu?

Sư thưa: Ở chùa Báo Từ tại Hồ Nam.

Vân Môn hỏi: Rời nơi ấy lúc nào?

Sư thưa: Ngày hai mươi lăm tháng tám.

Vân Môn bảo: Tha ngươi ba gậy.

Hôm sau, Sư đến thưa: Hôm qua nhờ ơn Hòa thượng tha ba gậy, con không biết lỗi tại chỗ nào?

Vân Môn bảo: Cái túi cơm! Giang Tây Hồ Nam liền thế ấy.

Ngay câu nói này, Sư đại ngộ, bèn nói: Về sau nhằm chỗ không có khói người, chẳng chứa một hột gạo, chẳng trồng một cọng rau, tiếp đãi mười phương chúng Tăng qua lại, trọn vì họ nhổ đinh tháo chốt, gỡ bỏ cái khăn thịt mỡ, cổi cái áo xương thúi, dạy họ thênh thang phóng khoáng làm nạp tăng (Thiền sư) vô sự, đâu chẳng thích ư?

Vân Môn bảo: Cái túi cơm! Thân người bằng cây liễu mà mở miệng to như thế.

Sư liền lễ bái.

*

Sau khi Sư làm trụ trì dạy chúng:

– Trong lời nói có lời nói là câu chết (tử cú), trong lời nói không lời nói gọi là câu sống (hoạt cú). Chư thiền đức! Thế nào là câu sống? Đến trong ấy thật khó có người được, nếu được thì chẳng động một hạt bụi, chẳng vạch một cảnh, thấy việc liền nói đáp thoại. Trưởng lão để chân xuống, chẳng được nói đông tây nam bắc, chớ biết nhiều ít, chỉ cần được bước đi rời khỏi nước bùn, làm con mắt người sống, khen ngợi tông phong, kích dương đại sự, chẳng nói toàn không, kia đâu lại ít. Chỉ người duyên chưa đạt nguồn kia, rơi trong cảnh giới ma thứ tám, biết được cái chẳng tên chẳng vật, không thị không phi. Mỗi mỗi vật vật vẫn còn đầy đủ, mà nói ta được chỗ đất an lạc lại chẳng mong gì khác. Phàm có người đến thưa hỏi liền gõ giường thiền, dựng phất tử, lại chẳng tiếc liền lập bày, liền hành dụng, nhằm trong hầm nước nhỏ trồi lên hụp xuống, đùa giỡn với con chồn không đuôi, đến tiếng trống đêm ba mươi tháng chạp điểm, đập đánh con chồn chạy mất, tay chân thác loạn, không thành tựu được một cái gì, hối hận làm sao kịp? Nếu thật là nạp tăng (Thiền sư) dù gặp phải cái lạnh chết người, cái đói chết người trọn chẳng mặc chiếc áo xương thúi của kẻ khác.

*

Sư dạy chúng:

– Lời không dính việc, nói chẳng hợp cơ, nương lời thì mất, kẹt câu là mê. Nơi đây, trong bốn câu nói thấy được rõ ràng. Làm một nạp tăng (Thiền sư) khoáng đạt, nhân một cây đòn tay, một miếng ngói, một bữa cháo, bữa cơm cũng có thể vì người làm thiện tri thức. Nơi đây, nếu chẳng rõ sẽ trở thành kẻ bướng bỉnh.

*

Sư lại dạy:

– Người nêu cao tông thừa xiển dương đại giáo, phải được con mắt pháp sáng suốt, mới hay soi xét duyên thiết yếu của Tăng và tục, chân vọng một nguồn, nước sữa chung ly, đến đây thật khó phân. Đông Sơn (chỉ Sư) tầm thường dùng con mắt trong tâm xét tướng ngoài thân, xem đó lại xem, mới biện được chân ngụy. Nếu chẳng như thế làm sao gọi là thiện tri thức? Hiện nay thiên hạ cái gì là thiện tri thức? Chư Thiền đức! Đã tham vấn bao nhiêu vị thiện tri thức rồi đến đây? Không nên thong thả, cần phải tham cho triệt, xem cho thấu đến chỗ ngàn thánh còn không thể chứng minh, mới bày hiện được kẻ đại trượng phu. Đâu không thấy ông già Thích-ca khi sao mai mọc lên liền hoát nhiên đại ngộ, cùng toàn thể chúng sanh trên thế giới đồng thời thành Phật không có mé trước sau, đâu không sướng thích sao? Tuy nhiên như thế, nếu gặp người mắt sáng, nạp tăng cũng khéo bày xương sống liền đánh.

*

Có vị Tăng hỏi:- Khi một con đường xa xôi thì thế nào?

Sư đáp:- Trời trong chẳng chịu đi, đợi đến mưa ướt đầu.

– Khi tâm chưa sanh, pháp ở chỗ nào?

– Gió thổi lá cây khua quyết định có cá lội.

*

Sư hỏi vị Tăng mới đến: Đâu chẳng phải mới đến ư?

Tăng thưa: Phải.

Sư bảo: Đêm đến tìm chỗ nghỉ, sáng nay việc thế nào?

Tăng thưa: Sáng nay gió thổi mạnh, đi trên lưng núi xanh.

Sư bảo: Chưa phải, lại nói đi.

Tăng thưa: Trân trọng.

Sư liền đánh.

*

Tăng hỏi:

– Trong mười hai giờ đi đứng ngồi nằm, khi tự tỉnh giác thì thế nào?

Sư đáp:- Xem người ăn cơm.

– Đâu khỏi bóng cây chẳng chênh sao?

– Lời thân ra từ miệng thân.

*

Tăng hỏi:

– Đại chúng đã nhóm họp, thỉnh Thầy tóm yếu điểm và nêu đại cương?

Sư đáp:

– Trên nước hòn bọt bày năm sắc, đáy biển cá tôm nói trăng trong.

*

Sư có làm bài tụng “Con Chó Theo Trâu”:

Gia hữu nhất cẩu nhi

Ngãi tiểu nhân nan kiến

Chung nhật tùy ngưu khứ

Vị tỉnh sử nhân hoán.

Kiến khách bất tác thanh

Kiến nhân thiên năng thiện

Nghĩ nghị thượng môn lai

Tảo thị thâu tha tiện.

Hảo hảo báo Thiền sư

Tu trước tinh thần khán

Nhậm nhữ linh lợi nhân

Bất giác vi tử hán.

Dịch

Nhà có một con chó

Nhỏ tíu người khó thấy

Trọn ngày đi theo trâu

Chưa tỉnh khiến người gọi.

Thấy khách chẳng biết sủa

Thấy người riêng hay giỏi

Toan tính trên cửa vào

Sớm là lấy đồ người.

Khéo léo bảo Thiền sư

Cần để tinh thần xét

Dù ông người khôn lanh

Chẳng biết thành kẻ chết.

*

Nhà Tống niên hiệu Thuần Hóa năm đầu (990) tháng bảy, Sư không bệnh, ngồi kiết già thị tịch.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.