Hai Quãng Đời Của Sơ Tổ Trúc Lâm

Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca



Sanh có nhân thân,
Ấy là hoạ cả;
Ai hay cốc được,
Mới ốc là đã.
Tuần này mà ngẫm,
Ta lại xá ta;
Đắc ý cong lòng,
Cười riêng ha hả.
Công danh chẳng trọng,
Phú quí chẳng màng;
Tần Hán xưa kia,
Xem đà nhèn hạ.
Yên bề phận khó,
Kiếm chốn dưỡng thân;
Khuất tịch non cao,
Náu mình sơn dã.
Vượn mừng hủ hỉ,
Làm bạn cùng ta;
Vắng vẻ ngàn kia,
Thân lòng hỉ xả.
Thanh nhàn vô sự,
Quét tước đài hoa;
Thờ phụng Bụt trời,
Đêm ngày hương hỏa.
Tụng kinh niệm Bụt,
Chúc thánh khẩn cầu;
Tam hữu tứ ân,
Ta nguyền được bả.
Niềm lòng vằng vặc,
Giác tánh quang quang;
Chẳng còn bỉ thử,
Tranh nhân chấp ngã.
Trần duyên rũ hết,
Thị phi chẳng hề;
Rèn một tấm lòng,
Đêm ngày đon đả.
Ngồi cong trần thế,
Chẳng quản sự thay;
Vắng vẳng ngàn kia,
Dầu lòng dong thả.
Học đòi chư Phật,
Cho được viên thành;
Xướng khúc vô sanh,
An thiền tiêu sá (sái).
Ai ai xá cốc,
Bằng huyễn chiêm bao;
Xảy tỉnh giấc hòe,
Châu rơi lã chã.
Cốc hay thân huyễn,
Chẳng khác phù vân;
Vạn sự giai không,
Tựa dường bọt bể.
Đem mình náu tới,
Cảnh vắng ngàn kia;
Dốc chí tu hành,
Giấy sồi vó vá.
Lành người chăng chớ,
Dữ người chăng hay;
Ngậm miệng đắp tai,
Hề chi họa cả.
An thân lập mệnh,
Thời tiết nhân duyên;
Cắt thịt phân cho,
Dầu là chim cá.
Thân này chẳng quản,
Bữa đói bữa no;
Địa thủy hỏa phong,
Dầu là biến hóa.
Pháp thân thường trụ,
Phổ mãn thái hư;
Hiển hách mục tiền,
Viên dung lõa lõa.
Thiền tông chỉ thị,
Mục kích đạo tồn;
Không cốc truyền thanh,
Âm hưởng ứng dã.
Phô người học đạo,
Vô số nhiều thay;
Trúc hóa nên rồng,
Một hai là họa.
Bởi lòng vờ vịt,
Trỏ Bắc làm Nam;
Nhất chỉ đầu thiền,
Sát-na hết cả.

Kệ rằng:

Cảnh tịch an cư tự tại tâm,
Lương phong xuy đệ nhập tùng âm.
Thiền sàng thụ hạ nhất kinh quyển,
Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn câm (kim).

Dịch:

Sống yên giữa cảnh lặng lòng không,
Gió mát hiu hiu lọt bóng thông.
Dưới gốc, giường thiền, kinh một quyển,
Thanh nhàn hai chữ, đáng muôn đồng.

Huệ Chi

GIẢNG:

Đây là bài ca Được Thú Lâm Tuyền Thành Đạo. Bài “Cư Trần Lạc Đạo Phú”, tức bài Phú Ở Trong Cõi Trần Mà Vui Với Đạo là bài phú vua Trần Nhân Tông làm khi đang ở địa vị Thái thượng hoàng, còn bài “Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca” là khi Ngài xuất gia, ở trên núi rừng, được niềm vui ngộ đạo nên làm bài ca này.

Trước khi giảng bài này, có hai ý chúng ta cần biết rõ. Một là, nếu chỉ học bài Cư Trần Lạc Đạo Phú, ta thấy dường như Ngài chỉ khuyến khích người tu tại gia. Có học bài này ta mới thấy rõ với tư cách người xuất gia, đạt đạo, Ngài khuyên dạy hàng tu sĩ với ý chí xuất trần phải tu hành như thế nào mới đạt được kết quả mỹ mãn.

Hai là, ở Trung Hoa có gia đình ông Bàng Long Uẩn tu hành ngộ đạo, nhưng suốt đời chỉ giữ hình thức cư sĩ thôi, nên không thể truyền bá Phật pháp cho ai. Ở Việt Nam có Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng ngộ đạo và chỉ ứng dụng Phật pháp trong phạm vi của người cư sĩ. Đến vua Trần Nhân Tông thấy đạo từ thuở bé, đến khi làm Thái thượng hoàng Ngài làm việc một buổi, để ra một buổi nghiên cứu kinh điển, thấu suốt được lý thiền nên mới có bài Cư Trần Lạc Đạo Phú. Song nhận thấy nếu giữ tư cách cư sĩ tự lợi cho mình và những người thân chung quanh, mà không lợi cho sự truyền bá chánh pháp, nên Ngài quyết định xuất gia.

Hơn nữa có đi sâu trong đạo mới biết, đôi khi chúng ta sáng được lẽ thật, biết rõ lẽ thật nhưng chưa sống được với lẽ thật. Tại sao? Vì bao nhiêu công việc dồn dập đa đoan, không có thời gian cho chúng ta thực tập sống với lẽ thật đó. Ở đây, Ngài Nhân Tông thấy rõ điều này nên mới quyết tâm vào núi rừng, ở một mình trong cảnh cô quạnh để sống với lẽ thật mà Ngài đã thấy. Khi sống được hoàn toàn với lẽ thật ấy rồi, Ngài vui mừng nên mới có bài ca Thành Đạo. Như vậy chúng ta thấy con đường truyền bá Phật pháp của Ngài lúc đầu giới hạn nơi bản thân và gia đình. Nhưng sau khi đi tu, đạt đạo rồi Ngài truyền bá Phật pháp khắp nhân gian, đem đạo lý truyền cho tất cả mọi người. Ý nghĩa siêu thoát là ở chỗ đó.

Còn một điểm đặc biệt nữa mà chúng ta cần phải nhận biết. Ở đây đạo Phật Việt Nam, dù người thấy đạo tới đâu mà còn là cư sĩ, thì vẫn chưa đủ tư cách kế thừa và truyền bá chánh pháp của Phật theo đúng tinh thần giải thoát sanh tử. Chỉ có hàng xuất gia mới đầy đủ tư cách thực hiện trọng trách này. Ngài muốn nối tiếp ngọn đèn chánh pháp, hướng dẫn mọi người tiến đến giải thoát sanh tử, nên phải xuất gia. Do Ngài xuất gia nên những vị kế thừa pháp của Ngài đều là người xuất gia cầu đạo giải thoát, có vậy Phật pháp mới không bị thế tục hóa. Như trường hợp ở Nhật Bản từ sau Minh Trị Thiên Hoàng, tất cả tăng sĩ vào chùa tu hồi bé cho tới ba mươi tuổi đều phải hoàn tục lập gia đình. Như vậy đời tu của họ đoạn đầu là giải thoát, đoạn sau lại ràng buộc, vì vậy biến thành thế tục hóa đạo giải thoát. Điều này thật đáng tiếc!

Hiểu vậy, chúng ta mới thấy chân tinh thần Phật giáo Việt Nam trong sáng tốt đẹp vô cùng, không làm cho người tu cầu giải thoát trở thành hoen ố. Đó là điểm đặc biệt của Phật giáo Việt Nam. Vì vậy Tăng Ni, Phật tử học để thấy cái hay, cái đẹp truyền thống của Tổ tiên mình, từ đó ta noi theo tu tập giống như các ngài. Khi nào cư sĩ thì làm tròn bổn phận cư sĩ. Khi nào xuất gia thì làm tròn bổn phận người xuất gia, đưa mình và người tới chỗ giải thoát sanh tử. Đó là mục tiêu chủ yếu đức Phật Thích-ca đã thực hiện, Tổ Trúc Lâm cũng như thế. Như vậy các Tổ Việt Nam không đi lệch với căn bản Phật giáo từ thuở ban đầu. Chúng ta là tăng sĩ Việt Nam cần phải nắm thật vững ý nghĩa thâm sâu này.

Dưới đây, chúng tôi sẽ đi thẳng vào bài ca Thành Đạo của Tổ. Chỉ đọc tựa đề chúng ta cũng thấy được tâm trạng Ngài đối với sự tu hành. Thú là đến, lâm là rừng, tuyền là suối, tức là lên được trên núi, rừng, suối tu rồi thành đạo nên làm bài ca này.

Sanh có nhân thân,
Ấy là hoạ cả;
Ai hay cốc được,
Mới ốc là đã.

Phàm người sanh ra, có thân này ấy là hoạ lớn. Có thân là hoạ dù là thân một ông vua cũng là hoạ như thường. Tại sao? Vì có thân thì có bệnh, già, chết, đó là hoạ. Thế mà con người lại quên hoạ ấy, cứ nghĩ thân này quí trọng, nhất là khi được địa vị cao sang làm vua, làm quan lại càng quí trọng thân hơn nữa. Nhưng với cái nhìn của Ngài có thân là hoạ.

Ai hay cốc được là ai hay biết được như vậy. Mới ốc là đã. “Ốc” là gọi, “đã” là thấu suốt, thông hiểu. Người nào biết rõ thân này là hoạ, ấy là người thấu suốt, hiểu thông được nghĩa đạo. Qua bốn câu này Ngài nói với chúng ta: Ai sanh ra có thân đều phải khổ vì sanh già bệnh chết, nên đó là hoạ chớ không phải điều sung sướng, hạnh phúc.

Khi biết có thân có khổ, chúng ta phải làm sao? Tự tử cho hết khổ phải không? Nhà Phật nói không phải vậy. Có thân có khổ, nên được thân rồi, chúng ta phải làm sao tu hành để dứt hết mầm khổ ở mai sau. Đó là người có trí tuệ sáng suốt. Không phải nói thân khổ rồi bi quan muốn chết cho hết khổ. Đó là lầm lẫn lớn lao.

Có thân là có khổ vì chúng ta đã mang những chủng tử, tức hạt giống mê lầm từ thuở nào. Bây giờ muốn hết khổ, phải chuyển đổi hạt giống mê lầm thành giác ngộ. Đó là dứt được mầm đau khổ ở tương lai. Ngược lại, người muốn hết khổ bằng cách tự tử thì khổ càng thêm khổ. Vì thân này vừa dứt liền thọ nhận thân sau với nhiều hạt giống xấu, thọ mạng dài hơn, khổ hơn. Người hiểu đạo biết có thân có khổ, nhưng không chối bỏ thân, không chạy trốn thân; mà mượn thân, mượn cái khổ để dứt hết mầm khổ. Đó là trí tuệ, là khéo tu.

Bốn câu đầu Ngài dạy người tu phải giải thoát sanh tử mới hết khổ, còn trong sanh tử là không bao giờ chấm dứt khổ đau. Nếu người thấu hiểu được lẽ này mới gọi là người thông hiểu lý đạo.

Tuần này mà ngẫm,
Ta lại xá ta;
Đắc ý cong lòng,
Cười riêng ha hả.

Tuần này mà ngẫm là trong thời gian được lên ở núi rừng này mà suy gẫm. Ta lại xá ta, “xá” là phục. Nghĩa là ở trong hoàn cảnh sang cả, hưởng đủ hạnh phúc thế gian mà không màng, bỏ cả ngai vàng, bỏ hết sang giàu phú quí, đi lên rừng núi tu, gẫm lại ta cũng phục ta.

Đắc ý cong lòng, cười riêng ha hả. “Cong” là trong. Ngẫm như thế rồi, trong lòng đắc ý nên ngồi cười ha hả. Chúng ta thấy một vị vua đang ở triều đình, ngồi trên ngai vàng đủ cả quyền uy mà gan dạ bỏ lên rừng núi yên tu. Gẫm lại Ngài phục mình quá nên ngồi cười ha hả. Trái lại chúng ta lên rừng núi rồi, nhiều khi cũng còn tiếc thành thị. Thành thị của ai mà tiếc? Chính Ngài là người làm chủ, trong địa vị vua chúa mà bỏ được lên rừng núi ngồi ngẫm lại cười thích. Tâm niệm đó thật là ít có!

Công danh chẳng trọng,
Phú quí chẳng màng;
Tần Hán xưa kia,
Xem đà nhèn hạ.

Ngài xét thấy đối với công danh Ngài không trọng, đối với phú quí cũng chẳng màng. Tại sao? Vì như thuở xưa đời Tần đời Hán bên Trung Hoa, vua nào cũng gồm thâu thiên hạ, rốt cuộc đều hèn hạ, đều chết không ra gì. “Nhèn” là hèn. Xét thế Ngài thấy công danh phú quí không đáng cho mình phải bận tâm.

Yên bề phận khó,
Kiếm chốn dưỡng thân;
Khuất tịch non cao,
Náu mình sơn dã.

Thế nên Ngài mới yên bề phận khó, khó là nghèo. Nghĩa là yên bề làm kẻ nghèo hèn. Kiếm chốn dưỡng thân là tìm lên núi rừng ở tu. Khuất tịch non cao là ở trên non cao vắng vẻ. Náu mình sơn dã là ẩn mình nơi núi rừng.

Vượn mừng hủ hỉ,
Làm bạn cùng ta;
Vắng vẻ ngàn kia,
Thân lòng hỉ xả.

Nay ở trên rừng núi vui với khỉ vượn, nên nói vượn mừng hủ hỉ. Khỉ vượn làm bạn thân hủ hỉ qua ngày chớ không còn ai khác. Vắng vẻ ngàn kia, thân lòng hỉ xả. Ngàn là rừng, nhờ ở trong cảnh yên vắng nơi rừng núi mà thân và tâm vui vẻ buông bỏ hết không còn bận bịu điều gì.

Chúng ta nghĩ một ông vua ở trong triều, bao nhiêu cung phi mỹ nữ, những cảnh đẹp, những thú vui đầy tràn trước mắt nhưng không thích hưởng, lại lên rừng núi vui với khỉ vượn, lòng thanh thản nhẹ nhàng, buông bỏ tất cả. Kiểm lại người hiện nay tu hành ra sao? Nhiều khi lên được chỗ núi rừng tu, nhưng lâu lâu cũng nhớ thành thị, nhớ đủ việc, rồi muốn lui về. Thật đáng hổ thẹn!

Thanh nhàn vô sự,
Quét tước đài hoa;
Thờ phụng Bụt trời,
Đêm ngày hương hỏa.

Ngài lên trên núi làm gì? Làm kẻ thanh nhàn vô sự, không phải bận bịu lo nghĩ điều gì. Việc làm của Ngài ở trên núi như thế nào? Quét tước đài hoa là quét chỗ đài sen thờ Phật. Thờ phụng Bụt trời. Bụt là Phật, nghĩa là thờ phụng Phật trời. Đêm ngày hương hỏa là ngày đêm thắp hương, đốt đèn cúng Phật.

Đọc đoạn này, chúng ta thấy rõ ràng Ngài tu trên núi một mình, không có điệu, chúng hầu hạ, nên tự làm hết các công việc. Con người Ngài làm việc gì thì đúng ý nghĩa việc đó, xuất gia là xuất gia, chớ không có chuyện xuất gia mà đem theo năm bảy trăm người hầu hạ. Đây là điểm đặc biệt của Tổ.

Tụng kinh niệm Bụt,
Chúc thánh khẩn cầu;
Tam hữu tứ ân,
Ta nguyền được bả.

Tam hữu là ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Tứ ân là bốn ơn: ơn cha mẹ, ơn Thầy Tổ, ơn đàn-na thí chủ, ơn quốc gia. Chữ “bả” là trả. Ngày đêm tụng kinh niệm Phật nguyền trả được bốn ân ba cõi. Đó là sở nguyện của Ngài, chớ không phải tu cho có phước, đời sau hưởng.

Đến nội tâm:

Niềm lòng vằng vặc,
Giác tánh quang quang;
Chẳng còn bỉ thử,
Tranh nhân chấp ngã.

Niềm lòng vằng vặc, “niềm” là niệm, “vằng vặc” là sáng. Nghĩa là những niệm khởi trong lòng đều lặng lẽ, không còn lăng xăng che lấp nữa. Giác tánh quang quang tức là Tánh giác sáng rỡ rỡ. Tại sao nói cái giác có tánh, còn các vật bên ngoài không có tánh? Bởi cái giác có sẵn nơi mình tự thuở nào, không bao giờ sanh tử, thay đổi nên nói là tánh. Còn các pháp duyên hợp, trước không có sẵn nên nói không tánh. Cho nên chữ “tánh” là sẵn, chớ không có gì lạ.

Chúng ta có sẵn Tánh giác không? Tánh giác luôn luôn có mặt, hay lâu lâu trồi lên một chút? Chỗ này phải nghiệm kỹ mới thấy. Tánh giác luôn có sẵn và lúc nào cũng hiện hữu, chớ không phải lâu lâu mới trồi lên, nhưng vì chúng ta quên nên không nhận ra. Biết uống trà, biết thở, biết nói, biết đi… lúc nào không biết? Cái biết hiện tiền mà tại mình không dừng lại ngay nó, cứ phóng ra bên ngoài. Do đó cả ngày chúng ta chỉ thấy lăng xăng lộn xộn, phân biệt hơn thua phải quấy, mà không thấy Tánh giác.

Bây giờ thử hỏi, bỏ cái sẵn có là dễ hay bỏ cái mới là dễ? Cái mới không thật mình quăng bỏ được, còn cái sẵn có quăng đi đâu! Vậy tại sao chúng ta nói khó tu? Cái không bỏ được thì không chịu giữ, còn cái bỏ được lại cứ giữ hoài; rồi than sao tu không nổi. Thế nên Phật thương chúng ta là kẻ si mê.

Bây giờ chẳng lẽ mình chấp nhận si mê hoài, không chuyển sang giác ngộ sao? Tất cả những thứ hư giả mà cứ chứa mãi, chứa từ hồi bé tới lớn, óc ách trong đầu nên ngồi lại tu than đau đầu quá. Phủi sạch hết những thứ hư giả ấy đi thì Tánh giác hiện tiền. Như vậy rõ ràng thành Phật không phải khó, chỉ tại chúng ta không muốn làm thôi. Thế nên Phật nói việc tu giản dị lắm, đừng có cõng Phật đi tìm Phật, cỡi trâu tìm trâu, mà hãy quay lại nhận ra ông Phật nơi chính mình. Ở đây, Tổ nóiniềm lòng vằng vặc, giác tánh quang quang, nghĩa là các niệm vọng lặng xuống hết, Tánh giác sẽ rỡ rỡ. Còn niềm lòng lộn xộn thì giác tánh ẩn khuất. Hai câu này ứng dụng tu mỗi ngày rất hay.

Chẳng còn bỉ thử là chẳng còn kia đây. Tranh nhân chấp ngã là không còn sự tranh chấp qua lại là ta là người nữa. Như vậy qua bốn câu này chúng ta thấy được nội tâm của Ngài khi tu trên núi, lòng Ngài lặng lẽ trong sáng, Tánh giác hiện tiền sáng rỡ, dứt sạch tâm bỉ thử, nhân ngã, chấp mình khinh người.

Trần duyên rũ hết,
Thị phi chẳng hề;
Rèn một tấm lòng,
Đêm ngày đon đả.

Trần duyên rũ hết là những duyên trần rũ sạch, không còn đeo mang nữa. Thị phi chẳng hề là chuyện phải quấy cũng không nghĩ bàn, không bận lòng. Như vậy khi tu thì rũ hết trần duyên, không còn nghĩ về thị phi. Đối với quí vị hai câu này dễ làm không? Trần duyên đã rũ sạch chưa? Chỉ rũ độ phân nửa nên cũng còn bận bịu một chút. Thật ra việc tu rất đơn giản, nhưng vì chúng ta không chịu đơn giản, vẫn còn muốn phiền hà nên rồi đeo mang.

Rèn một tấm lòng, đêm ngày đon đả. Đon đả là săn đón, là sốt sắng. Nghĩa là đêm ngày luôn luôn sốt sắng rèn tấm lòng mình được trong sạch.

Ngồi cong trần thế,
Chẳng quản sự thay;
Văng vẳng ngàn kia,
Dầu lòng dong thả.

“Cong” là trong. Ngồi cong trần thế, chẳng quản sự thay là ngồi trong cõi đời mà chẳng quản nệ gì sự đời thay đổi, mặc nó hay, mặc nó dở, không màng tới.Văng vẳng ngàn kia, dầu lòng dong thả. “Dong” là thong, “dầu lòng” là mặc tình. Ở miền rừng núi lặng lẽ mặc tình lòng mình được thong thả. Như vậy tuy vẫn còn sống trên cõi đời nhưng những gì thay đổi của cuộc đời, mình không bận tâm đến. Nơi núi rừng vắng vẻ, mặc tình lòng thong thả an vui.

Học đòi chư Phật,
Cho được viên thành;
Xướng khúc vô sanh,
An thiền tiêu sá (sái).

Nay Ngài học theo ai? Học đòi chư Phật, cho được viên thành. Học theo chư Phật để làm sao cho mình cũng được viên thành Phật quả. Khi ấy xướng khúc vô sanh, nghĩa là thổi bản nhạc vô sanh. “An thiền” là cảnh thiền được an, “tiêu sá” là tiêu sái tức là tự do tự tại. An thiền tiêu sá là nơi cảnh thiền được an tĩnh, thảnh thơi tự tại.

Ai ai xá cốc,
Bằng huyễn chiêm bao;
Xảy tỉnh giấc hòe,
Châu rơi lã chã.

Ở trên đã nói về niềm vui của Ngài. Đến đây nói về thế gian đáng buồn. Ai ai xá cốc là mỗi người phải nên biết. Bằng huyễn chiêm bao, cuộc sống trên thế gian này giống như giấc mộng, như huyễn thuật, không có gì thật. Xảy tỉnh giấc hòe là chợt tỉnh giấc mộng. Giấc hòe là chuyện một người ngủ mê dưới gốc hòe, mộng thấy thi đỗ, được Vua chọn làm phò mã, được làm quan… Nhưng khi thức tỉnh rồi thì thấy mình nằm trơ trơ dưới gốc hòe, bị kiến cắn đau buốt, chớ chẳng có gì cả. Nên châu rơi lã chã, nghĩa là nước mắt rơi lã chã, thấy cuộc đời là chiêm bao, là ảo mộng, có gì thật đâu. Ngài khuyên chúng ta hãy biết cuộc đời như giấc chiêm bao, không có gì quan trọng, những gì mất rồi thì thôi, chớ nên hối tiếc.

Cốc hay thân huyễn,
Chẳng khác phù vân;
Vạn sự giai không,
Tựa dường bọt bể.

Cốc hay thân huyễn là biết thân này như huyễn như hóa, chẳng khác phù vân, chẳng khác mây nổi, chợt thấy đó rồi tan đó, không có gì lâu dài. Vạn sự giai không là muôn việc đều trở thành không. Tựa dường bọt bể, giống như bọt ngoài biển cả, thấy một chùm, một khối rồi một cơn sóng vỗ nó tan nát, không có gì thật.

Đã biết thế thì phải làm sao?

Đem mình náu tới,
Cảnh vắng ngàn kia;
Dốc chí tu hành,
Giấy sồi vó vá.

“Vó vá” là may vá hay chắp vá. Nghĩa là đem mình ẩn nơi cảnh rừng núi vắng vẻ yên tĩnh dốc chí tu hành, có khi lấy giấy dán có khi dùng chỉ gai thô kết lại để mặc, chớ không dùng y phục tốt đẹp.

Lành người chăng chớ,
Dữ người chăng hay;
Ngậm miệng đắp tai,
Hề chi họa cả.

Những câu này thật hay đáo để, chúng ta phải thuộc lòng. Lành người chăng chớ, “chăng chớ” là chẳng để ý đến. Người được điều gì hay tốt mình không bận nhớ nghĩ. Dữ người chăng hay là người dữ mình cũng không cần biết. Tóm lại cái hay của người cũng không màng, cái dữ của người cũng không cần biết. Ngài khuyên như vậy vì biết bệnh của chúng ta hay xen vô chuyện của người khác, rồi khen chê tốt xấu, thương ghét thị phi đủ cả. Trong khi chính mình lại không chịu xét nét, không biết cái hay cái dở của mình để tu sửa.

Thường thường chúng ta có bệnh hay đôi chối, nhất là phái nữ. Khi bị chỉ trích không chịu nghe, tìm hỏi cho ra ai là người phê bình, nói xấu mình. Thế là từ một người kéo ra ba bốn người cãi rùm lên. Chúng ta tự làm rối, tự làm khổ, tự làm phiền lụy cho mình rồi kêu trời kêu đất “sao tu khó quá”! Ta muốn an nhàn tự tại nhưng cứ làm rối bời chuyện của người, thì làm sao an nhàn được? Rõ ràng muốn một đàng mà làm một ngả, đó là ngu. Cho nên Ngài dạy, chuyện tốt xấu của người cứ để cho người, ta đừng chen vô.

Ngậm miệng đắp tai, ngậm miệng là im lìm không nói, đắp tai là không thèm nghe. Hề chi họa cả, có cái gì là họa đâu. Chúng ta hiện nay thế nào? Vì lành người thì chớ, dữ người thì hay nên rồi miệng mở tai nghe, do đó họa cả đến liên tục. Nếu chúng ta được như Ngài dạy thì họa không đến với mình.

An thân lập mệnh,
Thời tiết nhân duyên;
Cắt thịt phân cho,
Dầu là chim cá.

Người tu tìm được nơi non cao yên ẩn tu hành, đó là an thân lập mệnh. Tùy theo thời tiết nhân duyên cố gắng tu rồi có ngày được sáng. Khi ấy đối với chúng sanh chung quanh cắt thịt phân cho, sẵn sàng bố thí cả thân mạng, dù là chim cá mình cũng sẵn lòng. Khi đã quyết tâm ẩn tu nơi rừng núi thì không còn quí tiếc thân nữa.

Thân này chẳng quản,
Bữa đói bữa no;
Địa thủy hỏa phong,
Dầu là biến hóa.

Những câu này chúng ta phải ráng thuộc. Thân này chẳng quản nghĩa là không màng tới, nó muốn bệnh, muốn đau gì mặc nó không có gì quan trọng. Bữa đói bữa no cũng được. Đừng nói bữa nay sao Tri khố cho ăn dở quá, hoặc trong kho còn gạo không. Chỉ lo tu thôi.

Địa thủy hỏa phong, dầu là biến hóa. Nhớ thân này do bốn đại đất nước gió lửa hợp lại, mặc tình nó muốn đổi thay, còn cũng tốt, tan rã cũng xong, không bận bịu lo buồn. Đó là chỗ chân thành của người tu. Chúng ta có được như thế chưa, hay tứ đại vừa rung rinh là đã khổ sở, mới ê ê cái đầu đã muốn đi bác sĩ rồi? Các ngài ở núi rừng, đau ốm sơ sơ đâu có xuống núi đi bác sĩ, ngồi thiền nó sẽ qua hết. Nên nói dầu là biến hóa, nghĩa là thân này dù thay đổi khi nóng khi lạnh, vẫn thấy không có gì quan trọng.

Pháp thân thường trụ,
Phổ mãn thái hư;
Hiển hách mục tiền,
Viên dung lõa lõa.

Thân tứ đại còn mất không có gì quan trọng, việc quan trọng của chúng ta là phải nhận ra Pháp thân thường trụ. Pháp thân thường trụ đó đầy dẫy khắp cả thái hư, rõ ràng trước mắt, viên dung lõa lõa. Lõa lõa là xán lạn. Pháp thân đó viên dung xán lạn, không chỗ nào vắng thiếu hay mờ tối hết.

Trong nhà thiền dạy chúng ta khi đi chỉ biết đi, ăn chỉ biết ăn, ngồi chỉ biết ngồi v.v… Như vậy để làm gì? Vì cái chân thật đang hiện tiền luôn hiện hữu trước mắt, song chúng ta đi lại lo nghĩ chuyện hôm qua hôm kia, đối xử với ai sao đó… nên quên mình đang đi. Việc ăn cũng thế, khi ăn không lo ăn lại nhớ nghĩ trăm việc, hoặc khen chê món này ngon món kia dở, nên quên mình đang ăn. Bây giờ nếu chúng ta sống đúng như lời Ngài dạy, đi chỉ biết đi, ăn chỉ biết ăn, không xen niệm nào khác. Biết rõ ràng như vậy, đó chính là cái biết hiện tiền viên dung lõa lõa rồi. Cái biết ấy đã sẵn có đầy đủ, không cần suy nghĩ, suy nghĩ là lộn xộn lăng xăng dấy động. Tu thiền là lúc nào cũng thiền, đi thiền, ngồi thiền, đứng thiền, ăn thiền, tâm chuyên nhất không thêm một việc khác. Lúc đó, có ai nói gì mình biết không? Không biết làm sao ta biết mình đang nghe, đang nói, đang đi. Như vậy tu thiền thật đơn giản làm sao!

Đây Ngài nói tiếp:

Thiền tông chỉ thị,
Mục kích đạo tồn;
Không cốc truyền thanh,
Âm hưởng ứng dã.

“Chỉ thị” tức là chỉ dạy. Nói về Thiền tông chỉ dạy, Ngài bảo như thế nào? Mục kích đạo tồn là mắt thấy đạo hiện tiền, tức là đạo ở ngay trước mắt chớ không phải ở đâu xa. Đạo là gì? Là tâm. Tâm là gì? Là cái biết. Biết mà không xen lẫn, biết mà không xao động, đó là đạo.

Không cốc truyền thanh, âm hưởng ứng dã, nghĩa là âm hưởng từ hang trống dội lại. Như ta vào hang núi ca hát hoặc kêu to sẽ nghe âm thanh vang dội trở lại. Âm thanh ấy có suy nghĩ bắt chước mình không? Không. Cũng vậy, tâm chúng ta phản ứng lại những sự việc đưa tới giống như không cốc truyền thanh, tức nghe rồi trả lời lại không cần suy gẫm, phân biệt gì cả. Đó là cái chân thật của mình đang hiện tiền. Mắt thấy cứ thấy, tai nghe cứ nghe, không có gì xen lẫn vào. Như thấy chậu hoa là chậu hoa thôi, không tìm hiểu suy nghĩ chậu hoa này ai trưng, khéo hay vụng v.v… không kéo theo một chuỗi vọng tưởng phiền hà. Hiện nay con người sống trong sự rối loạn điên cuồng là vì không dừng ở chỗ không cốc truyền thanh này.

Bốn câu này Ngài dạy chỉ thị của Thiền tông hiện tiền ở trước mắt. Thấy nghe rõ ràng mà không suy nghĩ phân biệt, chớ không có gì xa lạ hết.

Phô người học đạo,
Vô số nhiều thay;
Trúc hóa nên rồng,
Một hai là họa.

“Phô” là so. Vô số nhiều thay là nhiều vô số. Nghĩa là người học đạo, người đi tu tính ra thì rất là nhiều. Trúc hóa nên rồng, một hai là họa. Nhưng người được như cây trúc mà hóa nên rồng tức người đạt đạo thì chỉ có một hoặc hai người thôi. Như vậy người đi tu thì đông vô số nhưng người đạt đạo thì hiếm họa mới có một hoặc hai. Những câu này cho chúng ta thấy rõ người tu không phải ai cũng đến được chỗ cứu kính, đến được chỉ có một hai người. Tại sao?

Bởi lòng vờ vịt,
Trỏ Bắc làm Nam;
Nhất chỉ đầu thiền,
Sát-na hết cả.

Bởi lòng vờ vịt. “Vờ vịt” tức là nghi ngờ. Bởi lòng mình nghi ngờ, không nhận thấy, không thấu suốt, cứ quờ quạng, tức là mờ mờ tối tối không biết rõ ràng.Trỏ Bắc làm Nam, người chỉ phương Bắc mình nói là phương Nam, hoàn toàn sai lầm. Như vậy chúng ta tu nhưng không được thành công vì trong lòng chúng ta còn mờ mịt, sai lầm.

Thế nên nhất chỉ đầu thiền, sát-na hết cả. “Chỉ” là ngón tay. Chỉ cần một ngón tay thiền trong khoảng sát-na thì hết sạch, không có gì cả. Ngón tay thiền là sao? Đây là dẫn chuyện ngài Câu Chi. Hỏi thế nào là Phật, Ngài đưa một ngón tay. Hỏi thế nào là đạo, Ngài cũng đưa một ngón tay thôi. Một ngón tay là gì? Là chân kinh nhất tự. Chỉ cần nhận ra thiền một ngón tay thì mọi nghi ngờ đều tan hết. Hiểu như thế mới thấy tại sao ai hỏi gì Ngài cũng đưa một ngón tay. Đó là chân kinh nhất tự, đừng nghĩ là trò đùa.

Tóm lại, ý Ngài muốn nói người tu được đến nơi đến chốn thì rất ít, còn tu loạng choạng ở giữa đường thì quá nhiều. Sở dĩ quá nhiều là vì đối với đạo chúng ta còn mờ mịt lầm lẫn chưa nhận rõ. Nếu một phen nhận rõ được một ngón tay thiền rồi thì trong sát-na tan hết những nghi ngờ lo tính. Vì sao? Vì còn hai là còn phiền não dấy động, khi chỉ một ngón tay đâm thủng tất cả thì phiền não tan biến. Chỉ một tâm thôi, không dấy niệm bỉ thử, nhân ngã nữa thì còn gì là khổ, còn gì là hệ lụy? Dễ dàng, đơn giản. Nhưng vì chúng ta quanh co quá thành ra việc tu trở thành khó khăn, không có kết quả.

Ngài kết thúc bằng bốn câu kệ chữ Hán:

Cảnh tịch an cư tự tại tâm,
Lương phong xuy đệ nhập tùng âm.
Thiền sàng thụ hạ nhất kinh quyển,
Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn câm (kim).

Dịch:

Sống yên giữa cảnh lặng lòng không,
Gió mát hiu hiu lọt bóng thông.
Dưới gốc, giường thiền, kinh một quyển,
Thanh nhàn hai chữ đáng muôn đồng.

Huệ Chi

Cảnh tịch an cư tự tại tâm, nghĩa là người tu yên ở trong cảnh lặng lẽ, tâm rất tự tại. Lương phong xuy đệ nhập tùng âm. “Lương phong” là gió mát, “xuy đệ” là thổi qua, “nhập tùng âm” là vào bóng của cây tùng. Khi chúng ta ở trong cảnh an tịnh, tâm tự tại rồi thì nghe gió mát thổi vào bóng cây tùng. Thiền sàng thụ hạ nhất kinh quyển, nghĩa là giường thiền ở dưới cây thông và có để một quyển kinh. Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn câm, hai chữ thanh nhàn còn hơn muôn lượng vàng hay muôn lượng vàng không đổi được hai chữ thanh nhàn!

Chúng ta thấy tinh thần của ngài Điều Ngự Giác Hoàng là tinh thần Thiền Giáo đồng hành, cụ thể qua câu thứ ba: “Thiền sàng thụ hạ nhất kinh quyển”, nghĩa là dưới cội cây một giường thiền, một quyển kinh. Ngài tu thiền mà vẫn đọc kinh. Cảnh thanh nhàn đó quí hơn tất cả vàng bạc châu báu của thế gian.

Nói tới Điều Ngự Giác Hoàng, chúng ta không thể nào bỏ qua hai bài “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca” và “Cư trần lạc đạo phú”. Vì một bài Ngài làm ở giai đoạn cư sĩ, khuyên nhắc kẻ tại gia tu tập, một bài Ngài làm khi đã xuất gia, đạt đạo và dạy lại cho hàng xuất gia phải biết bổn phận chánh của mình. Hai bài với hai giá trị rõ ràng, đầy đủ như thế, chúng ta cần phải nắm thật vững, hiểu thật rõ thì mới ứng dụng tu hành tới nơi tới chốn được.

Đọc qua tiểu sử và những tư liệu ngài Trúc Lâm Đại Đầu-đà viết còn sót lại, chúng ta thấy Ngài là một Thiền sư rất đáng cho chúng ta tôn sùng, đồng thời cũng đáng cho chúng ta hãnh diện. Tại sao đáng cho chúng ta tôn sùng? Vì một con người vương giả đã bỏ tất cả công danh phú quí để vào tu chốn rừng sâu. Nếu quí vị có ra Bắc, lên núi Yên Tử và Trúc Lâm trên núi Đông Cứu sẽ thấy đó là một cảnh rừng sâu. Ngài tu trên đó không còn bận bịu việc đời. Một lần đi là một lần dứt khoát, không có thái độ lưng chừng.

Ngài đã nói tất cả chuyện hay chuyện dở của đời không màng tới, tất cả những thị phi Ngài cũng không để ý, chỉ dồn hết tâm lực trong sự tu. Bởi dồn hết tâm lực trong việc tu nên trong thời gian ngắn Ngài đạt được đạo. Đó là một điều quí báu đáng cho chúng ta noi theo. Phải có thái độ dứt khoát như thế mới tu hành thành đạo được. Là một ông vua, nếu còn bận bịu việc triều chánh, bận bịu việc lợi ích cho dòng họ thì chắc rằng Ngài không dứt khoát được. Khi đạt đạo rồi Ngài tùy duyên làm lợi ích cho chúng sanh, ra đi giáo hóa khắp cả trong nước, khuyên dân tu hành, đồng thời hướng dẫn chư Tăng tu hạnh xuất gia và một số chư Tăng, cư sĩ tu hạnh Bồ-tát. Đó là nói về chỗ cao quí của đời Ngài.

Đến niềm hãnh diện nữa là: Thuở xưa, mở đầu cho Phật giáo trên thế gian này là một vị Thái tử đã bỏ cung điện đi tu được giác ngộ thành Phật. Gần đây ở Việt Nam chúng ta có một ông vua đi tu, cũng ngộ đạo và cũng truyền bá Phật pháp. Như vậy một vị Thái tử đi tu và một ông vua đi tu thì hai việc đó không hơn không kém bao nhiêu, hai vị đều ở trong hoàn cảnh sang cả mà bỏ hết để đi tìm đạo.

Đạo của Thái tử Tất-đạt-đa đi tìm phải là cao quí, siêu thoát hơn tất cả những gì cao quí của thế gian. Do đó khi được đạo rồi Ngài đem truyền bá, ai cũng kính mến, ai cũng phục một người bỏ hết những niềm vui, hạnh phúc của trần tục để tìm cái cao quí nhất mà trên thế gian này không gì bì được.

Đến một ông vua đời Trần đi tu, có nói lên được ý đó không? Cũng như vậy, tất cả danh vọng sang quí của thế gian Ngài thấy không quan trọng, nó như trò chơi, như ảo mộng, chỉ có đạo giác ngộ là trên hết. Vì thế Ngài từ bỏ tất cả để đi tìm sự giác ngộ. Một ông vua làm được việc đó có phải là niềm hãnh diện cho dân tộc nói chung, cho người học Phật nói riêng, vì có một vị Tổ xứng đáng như vậy?

Thế mà từ trước đến nay chúng ta thờ ơ, không nhìn tường tận lẽ đó, nên chủ trương của tôi là làm sống dậy Phật giáo Việt Nam, mà Phật giáo Việt Nam tức là Phật giáo đời Trần. Tại sao? Vì Phật giáo đời Trần nói lên được tinh thần cao siêu của đạo Phật, vượt ngoài tất cả cái tầm thường của thế gian. Nếu đạo Phật tầm thường thì ông vua không đi tu. Người thế gian ai cũng mơ ước được làm vua, vì người ta nghĩ vua là tột bực rồi. Trong khi Ngài ở trên chỗ tột bực đó mà không màng lại đi tìm cái khác, thì cái khác phải cao quí hơn.

Kiểm lại các vua đời Trần, Trần Thái Tông bỏ ngôi đi tu, đến Trần Thánh Tông tuy ngồi trên ngôi nhưng cũng vẫn tu, đến Trần Nhân Tông thì bỏ ngôi đi tu, đạt được đạo. Như thế rõ ràng Phật giáo đời Trần nói lên tinh thần cao siêu của đạo Phật vượt trên tất cả những gì trần tục. Không như những kẻ buồn chán việc đời hoặc hoàn cảnh có gì trắc trở nên vô chùa tu, việc đó tầm thường quá.

Các Vua đời Trần ngay trong cảnh đầy đủ, sang quí hơn hết mà vẫn từ bỏ đi tu, đó là đi tìm cái phi thường chớ không phải tầm thường. Chúng ta cố làm sống dậy tinh thần đó để thấy Phật giáo là một cái gì siêu thoát phi thường, chớ không phải tầm thường như người ta hay gán cho những kẻ thất thời, thất thế vào chùa ẩn dương nương Phật qua ngày. Đó là chỗ tôi chú tâm, mong mỏi Tăng Ni sau này phải có tinh thần cao thượng, nhìn thấy cái quí của người trước mà học hỏi theo.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.