Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa

Tựa Tam Tạng Thánh Giáo



Đường triều Thái Tông Văn Hoàng đế ngự chế

Nhờ nghe biết do hai nghi mà có tượng, mới hiển hiện che chở cho các hàm linh. Bốn mùa không hình, lạnh nóng tiềm tàng để biến hóa cho muôn vật. Thế nên những kẻ dung ngu dòm trời xem đất đều nhận biết mối manh kia, mà những bậc hiền triết minh đạt âm dương vẫn chẳng cùng tột được lý số ấy.

Nhưng trời đất bao trùm âm dương nên dễ biết là vì hữu tượng; âm dương vẫn ở trong trời đất mà khó cùng tột là bởi vô hình. Nên biết tượng hiển dễ rõ, dù là kẻ ngu hiểu cũng chẳng sai lầm. Mà hình tiềm tàng chẳng thấy, dù với kẻ trí vẫn là mờ mịt.

Huống hồ đạo Phật là đạo sùng chuộng hư u tịch mịch, rộng cứu muôn loài, chế ngự mười phương. Cử lên uy linh là không gì trên hơn, đè xuống thần lực lại không gì dưới hết. Nếu là to tát thời đầy nhẫy vũ trụ, mà nhỏ nhen là cho vào trong mảy lông cũng được.

Không diệt không sinh trải nghìn kiếp mà chẳng xưa, hoặc ẩn hoặc hiển vận trăm phước thẳng đến ngày nay. Đạo diệu huyền ngưng nhiên, tuân theo chẳng biết đâu là ngần mé; dòng pháp lặng lẽ chảy tuôn mò tìm cũng chẳng lường được nguồn đáy.

Vậy nên biết những kẻ phàm ngu xuẩn xuẩn, bạn quê mùa khu khu mà đầu nhập vào lý thú ý chỉ này ai không nghi hoặc được ấy vậy ôi!

Thế thì Đại giáo được hưng thịnh bên Ấn Độ là nên móng, mới vượt qua Hán triều nằm mộng thấy rõ ràng, mới tuôn đức từ soi sáng cả cõi Đồng.

Thuở xưa là lúc chia hình phân dấu, lời nói chưa truyền đi mà đã thành giáo hóa. Chính lúc Đức Phật còn tại thế, những kẻ dân gian kính ngưỡng đức mà biết tuân hành.

Hỡi ôi! Đến khi về chơn khuất bóng, dung nghi kim sắc đã lấp dạng qua đời, còn đầu soi sáng cho ba ngàn thế giới u minh! Giờ đây, chỉ còn luống trông băm hai tướng hảo nơi chân dung tượng giáo mà thôi. Vì vậy mà những lời mầu nhiệm mới được rộng trùm các cõi xa xôi, để cứu vớt các loại hàm linh nơi Tam đồ và dắt dẫn quần sinh vượt lên bực Thập địa.

Nhưng mà Chân giáo khó ngưỡng cầu, chẳng thể nào một phen mà chỉ thẳng đường về; còn lối học khúc chiết dễ theo, nên tà chính bởi đó mà sinh ra rắc rối. Sở dĩ lập thành những luận nghị “không hữu” hoặc theo tập tục mà có ” thị-phi” và Đại Tiểu thừa thoạt theo thời mà thịnh mà suy tùy lúc. Cũng vì thế nên mới có HUYỀN TRANG PHÁP Sư là bậc lãnh tụ của pháp môn xuất hiện vậy.

Lúc thiếu thời, Trang Sư hoài bão tâm hồn trinh kiên mẫn cán. Sớm tỉnh ngộ tâm là Tam không (tức quá, hiện, vị) nên thường hằng hợp với thần tình, trước tiên là hoằng dương hạnh Tứ nhẫn (tức Tứ hoằng thệ).

Tác phong của Người, dù cho gió lay ngọn tòng, trăng lồng đáy nước chi nữa, cũng chưa đủ sánh với thanh hoa, hay là Tiên lỗ ngọc ngời đi nữa, ai dễ gì sánh cùng sáng soi tươi nhuận.

Cho nên đem trí thông không lụy và thần trí mà lường cũng chưa đủ hình dung; vì vượt xa hẳn sáu trần lụy, kể cả nghìn xưa vẫn không ai đối địch nổi.

Sư ngưng tâm nơi nội cảnh, buồn thương Chánh pháp bị suy tàn, lắng lo chốn huyền môn mà cảm khái những ngụy xằng và sai lầm của kinh điển thâm văn; nên mới muốn phân điều rẽ lý để mở rộng những điều đã học vấn trước kia và mới gạt bỏ được tà ngụy mà nối nắm được chánh chân. Có thế mới có thể khai phát được cho những kẻ hậu học ngày nay.

Vậy nên Sư đem lòng hướng về cõi Tịnh mà quyết chí vãng du qua cõi Tây. Thế rồi một mình một gậy một hướng đi, nguy hiểm. Non tích tuyết ban mai, tuyết rơi đụn đống. xa xăm giữa đường mất lối. Bãi kinh sa, buổi chiều cát dậy mịt mù, khó khăn hơi thở. Ngoài tầm mắt thấy trời vẫn là trời vô cùng man mác, muốn dặm non sông, vẹt khói mù mà gắng bước lấn lên… nghìn trùng lạnh nóng, gót giẫm tuyết sa, bước từng bước một. Với một tấm lòng quả quyết, nặng chí chân thành mà coi nhẹ nỗi gian lao. Thoát khúc nguy nan, cầu thâm nguyện đạt.

Giờ đây bắt đầu chu du trải khắp cõi Tây, thời gian trọn cả mười bảy năm liền. Nay đây mai đó, trải qua các đạo các bang, với chính đích là tham cầu học hỏi Chánh giáo với nhiều người và nhiều nơi. Chốn song lâm bát thủy, từng nếm mùi đạo vị thanh cao; nơi vườn Lộc Uyển, đỉnh Thứu Phong đích thân chiêm ngưỡng biết bao những cảnh kỳ quan thắng tích.

Vâng lời chí ngôn nơi các bậc Tiên thánh, thụ học Chơn giáo với những vị Thượng hiền. Nghiên cứu nghĩa lý sâu xa mầu nhiệm của pháp môn, tinh thông cùng tận sự nghiệp thâm huyền u áo. Mới đem đạo nghĩa Nhất thừa

Ngũ luật tung rải nơi tâm điền; văn chương tam tạng ba

pho mà làm sóng động nơi hải khẩu.

Những nước đã đích thân trải qua và trú ngụ, để tóm thu tinh nghĩa yếu văn của Tam tạng, tính có sáu trăm năm mươi bảy bộ (657) được đem về; miệt mài phiên dịch, truyền bá trong nước để tuyên dương thịnh nghiệp cho muôn đời. Kéo mây từ Ấn sang Tàu, rưới mưa pháp khắp nơi Trung Quốc. Làm cho Thánh giáo khuyết mà lại được toàn, chúng sanh tội mà hoàn toàn được phước. Dập đám cháy tắt nơi hỏa trạch, tận tâm cứu kẻ lầm đường; bình định sóng cuồng nơi ái thủy, đồng bước lên bờ giác.

Thế mới biết ác nhân là nghiệp phải đọa, mà thiện quả là duyên được thăng. Mối manh thẳng hay đọa duy bởi con người mà đắc.

Ví như quế sanh non cao, hoa nó mới được thẩm nhuần mưa móc; sen mọc nước trong, lá nó bụi trần chẳng thể làm dơ. Bởi chẳng phải tánh sen tự thân trong sạch, chỉ vì nhờ ở chỗ được sạch trong, thì những loại bẩn thỉu chẳng bám vào được. Mà quế kia bản chất trinh kiên, cũng nhờ sinh trưởng ở non cao, nên vật yếu ớt không thể nào làm lụy được.

Ôi! Kìa cỏ cây là vật vô tri, vẫn nhờ ở thiện mà thành được thiện; huống hồ loài người là loại hữu thức, sao chẳng chịu vin nơi khánh mà cầu cho được khánh ư?

Nay cầu nguyện kinh này được lưu thông khắp hoàn vũ, để đem ánh sáng vô cùng như nhật nguyệt mà làm phước soi sáng khắp gần xa. Nguyện cùng trời đất cao dày che chở hằng thường vĩnh đại.

Tỳ kheo THÍCH TRÍ NGHIÊM dịch

Tỳ kheo THÍCH THIỆN SIÊU khảo


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.